• Về đầu trang
[+ +]
[+ +]

x Chim cổ đại bị cư dân mạng 'hắt hủi' vì kế hoạch hồi sinh nhầm 'năm hạn' 2020

Độc lạ

Cho tới tận ngày hôm nay, vẫn có quá nhiều điều mà con người chúng ta chưa biết về trái đất. Chính vì vậy, chỉ cần một phát hiện nhỏ nhất thôi cũng khiến cho nhiều người ăn không ngon, ngủ không yên.

Ba thập kỷ trước, một nhóm các nhà khảo cổ học đã quyết định lựa chọn hệ thống hang động trên núi Owen (New Zealand) để làm nơi nghiên cứu và tìm kiếm hóa thạch.

Và không phụ công hi vọng của các nhóm nhà khoa học, cuối cùng thì một chiếc móng vuốt có hình dáng giống như móng khủng long được bảo tồn gần như hoàn hảo dưới lớp đất bùn bên trong hang động cũng đã được tìm thấy.

Thậm chí, hóa thạch này còn sở hữu hệ thống cơ bắp và lớp sừng nguyên vẹn hệt như thể một con vật nào đó chỉ vừa mới chết gần đây - dù cho nó đã trải qua hơn hàng ngàn năm.

Ngay lập tức, chiếc móng vuốt đã được nhóm khảo cổ kiểm tra đồng vị các-bon để xác định niên đại. Hóa ra, chiếc móng vuốt bí ẩn này đã có tuổi đời hơn 3.300 năm và thuộc về một loài chim lớn thời tiền sử đã tuyệt chủng từ lâu: chim Moa.

Chim Moa (Megalapteryx didinus) là một chủng chim bản địa của New Zealand. Chúng xuất hiện vào khoảng 8,5 triệu năm trước và có ít nhất 10 phân loài khác nhau.

Hai phân loài lớn nhất trong họ chim Moa có thể đạt đến chiều cao khoảng 3,6 m với chiếc cổ vươn ra và nặng nề, xấp xỉ 230 kg. Trong khi đó, phân họ nhỏ nhất của loài này chỉ có kích thước khoảng bằng một con gà tây với chiều cao không quá 1,3 m.

Giống như loài đà điểu, chim Moa thường lông từ bao phủ toàn bộ cơ thể, ngoại trừ phần mỏ và lòng bàn chân. Cánh của chúng tiêu biến, không thể bay và có cẳng chân to chắc khỏe. Chim Moa thường phân bố ở nhiều khu vực khác nhau, đặc biệt là ở những vùng núi cao và mát mẻ tại New Zealand.

Có thể nói, chim Moa chính là loài sinh vật đặc hữu của New Zealand. Vậy nhưng, chúng đã bị xóa sổ bởi "quá trình tuyệt chủng quần thể có sự tác động của con người lớn nhất từng được ghi nhận cho đến nay”.

Theo đó, lật ngược lại quá khứ vào thế kỷ 13 khi chủng người Polynesia lần đầu tiên di cư đến New Zealand. Đây là lúc quần thể loài Moa đang sinh sôi phát triển một cách mạnh mẽ. Thiên địch duy nhất của chúng khi đó là đại bàng Haast - một loài đại bảng khổng lồ có sải cánh lên đến 3,5 m.

Vậy nhưng, sau đó loài chim này đã nhanh chóng bị người Polynesia dồn tới thảm cảnh tuyệt chủng do hành vi săn bắt quá mức và phá hủy môi trường sống.

Chim Moa mất rất nhiều thời gian mới có thể đạt tới kích cỡ trưởng thành. Vì vậy, chúng không thể sinh sôi đủ nhanh để duy trì số lượng quần thể sau những đợt "càn quét" của con người.

Chính vì vậy, loài chim này đã hoàn toàn bị tuyệt chủng khi người châu Âu đặt chân lên New Zealand vào những năm 1760.

Kéo theo đó cũng chính là sự biến mất của đại bàng Haast - vốn là thiên địch của loài chim Moa. Mất đi nguồn lượng thực chủ yếu cùng sự xâm lấn quá mức của con người... chúng ta chính là "tội đồ" của hành tinh này.

Đã có nhiều hóa thạch của loài chim Moa được tìm thấy. Đa phần trong số chúng đều thuộc về những chú chim trưởng thành, khỏe mạnh và hòan toàn trùng khớp với quãng thời gian mà loài người bắt đầu xâm chiếm quốc đảo New Zealand cổ đại. Từ đó cho thấy vai trò của con người trong việc đẩy loài "đại điểu" này... xuống mồ.

Chính vì vậy mà loài chim Moa thường được biết đến như một ứng cử viên sáng giá trong việc nhân bản vô tính những động vật đã bị tuyệt chủng. Bởi lẽ các nhà khoa học có thể chích lấy mẫu ADN từ những hóa thạch này để phát triển phôi thai trong phòng thí nghiệm.

Hơn nữa loài Moa cũng mới chỉ bị tuyệt chủng trong khoảng vài thế kỷ trước đây, vậy nên chúng có thể dễ dàng thích nghi với môi trường tự nhiên hiện đại.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc làm sống lại loài chim cổ đại chỉ còn là vấn đề thời gian. Vậy nhưng, dự định này đã ngay lập tức bị cộng đồng mạng lôi ra để... chế meme, đặc biệt là trong một năm 2020 đầy biến động như hiện nay.

Không hiểu vì nguyên cớ gì mà từ đầu năm nay cho đến giờ, loài người chúng ta liên tục "gặp hạn" hết từ dịch COVID-19 cho đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu do hạn hán, cháy rừng, lũ phóng xạ, nạn châu chấu phá quấy... gây ra.

Đó là lý do vì sao mà ý định gây giống chim Moa của các nhà khoa học nhanh chóng trở thành đối tượng bị troll trên khắp mạng xã hội. Đa phần ý kiến đều cho rằng, năm 2020 hoàn toàn không phải là một năm tốt lành gì với loài người và chúng ta cũng không nhất thiết phải tự chuốc lấy "rắc rối" cho bản thân.

Thậm chí, nhiều người còn so sánh với viễn cảnh trong bộ phim Công Viên Kỷ Jura (Jurassic Park), khi con người cũng quyết định nhân giống các loài động vật tiền sử và nhận về cái kết không thể nào đắng lòng hơn.

Dù sao thì, đây cũng chỉ là một cú troll đến từ phái cư dân mạng trong quãng thời gian "điên đầu" vì dịch COVID-19 mà thôi. Việc hồi sinh các loài động vật bị tuyệt chủng do bàn tay con người không chỉ giúp cân bằng lại hệ sinh thái tự nhiên, mà đó còn là một lời "tạ lỗi" với mẹ trái đất sau những điều tồi tệ mà chúng ta đã làm.

Theo: Boredpanda, The Sun
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.