• Về đầu trang
Vương Châu
Vương Châu

Người lính Nhật kiên trì chiến đấu mà không hề hay biết Thế chiến II kết thúc từ 29 năm trước

Độc lạ

Hiroo Onoda vốn là một công dân Nhật Bản và từng làm việc cho một công ty kinh doanh của Trung Quốc. Năm Hiroo tròn 20 tuổi cũng là lúc Thế chiến II diễn ra vô cùng ác liệt. Ông được gọi nhập ngũ cho quân đội Nhật Bản.

Nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc, Hiroo ngay lập tức từ bỏ công việc mà nhiều người mong ước lúc bấy giờ để tham gia tập huấn ở Nhật Bản. Trong chương trình huấn luyện của mình, ông được cử đi tập huấn tại trường Nakano (trường này lúc bấy giờ được coi như Cơ quan tình báo quân đội của Hoàng gia).

Trong quá trình được đào tạo chuyên sâu về nhiệm vụ tình báo, Hiroo học cách thu thập tin tình báo cũng như thực hiện chiến lược đánh du kích. Nhân viên tình báo trẻ này đã được trang bị vô cùng kĩ lưỡng để xâm nhập và kết thân với kẻ thù của Nhật Bản, từ đó thuận tiện trong quá trình thu thập thông tin tình báo.

Ngày 26 tháng 12 năm 1944, Onoda được chuyển công tác đến đảo Lubang ở Philippines. Tại đây, ông nhận được lệnh từ chỉ huy - đại tá Yoshimi Taniguchi:

Đồng chí không được tìm cách kết liễu bản thân mình. Cuộc chiến này sẽ kéo dài 3 năm, hoặc có thể 5 năm, nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, đồng đội sẽ quay trở lại tìm đồng chí.

Cho đến khi đó, dù chỉ còn một chiến sĩ, đồng chí cũng cần phải tiếp tục hướng dẫn và chỉ đường cho binh sĩ của mình. Trong bất cứ trường hợp nào, đừng từ bỏ cuộc sống của mình.

Onoda đã liên kết với những binh sĩ Nhật Bản có mặt trên đảo ngay sau khi quân địch tràn vào. Cùng lúc đó, các sĩ quan khác trên đảo từ chối thực hiện một phần mệnh lệnh mà Onoda đưa ra nhằm phá hủy các cảng và sân bay.

Chính điều này đã tiếp tay cho sự xâm chiếm dễ dàng của quân Đồng Minh trên hòn đảo này vào ngày 28 tháng 2 năm 1945. Ngay sau khi hòn đảo bị chiếm đóng, những chiến sĩ Nhật Bản còn lại đã bị chia thành nhiều nhóm nhỏ di chuyển về phía khu rừng.

sub onoda obit articlelarge

Chân dung người chiến sĩ một lòng chiến đấu vì Nhật Bản.

Lại nói về những người lính Nhật Bản, hầu hết các nhóm binh sĩ này nhanh chóng bị tiêu diệt ngay sau khi di chuyển vào rừng. Lúc này, quân đội Nhật Bản trên đảo chỉ còn vỏn vẹn có 4 người: Hiroo Onoda, Yuichi Akatsu, Siochi Shimada, Kinshichi Kozuka. Những chiến sĩ còn sót lại vẫn tiếp tục trung thành với chiến lược đánh du kích để cướp nguồn lương thực, thực phẩm từ kẻ thù cũng như các trang trại khu lân cận.

Tháng 10 năm 1945, nhóm của Onoda bắt đầu nhận được truyền đơn do máy bay thả xuống với thông tin:

Hãy lập tức đi xuống núi, chiến tranh đã kết thúc từ ngày 15 tháng 8.

Tuy nhiên, những người lính Nhật cho rằng đó chỉ là sự bịa đặt của phía quân Đồng Minh, họ không tin chiến tranh đã kết thúc kể cả khi nhận thư của người nhà. Họ nghĩ rằng, làm sao Nhật Bản có thể bại trận nhanh đến vậy khi mà những kế hoạch của quân đội vừa được triển khai không lâu. Có lẽ, đây là điều khó tin với họ bởi họ là những người chưa từng biết đến cuộc thả bom nguyên tử ở hai thành phố HiroshimaNagasaki.

Đến cuối năm 1945, chiếc Boeing B17 thả dọc khắp khu rừng truyền đơn in tên những người đầu hàng trận chiến, bắt đầu từ tướng Yamashita. Tuy nhiên, những chiến binh còn lại này đã xem xét các lá thư một cách kĩ lưỡng nhằm kiểm chứng tính xác thực của thông tin.

Họ bảo nhau rằng, nếu Nhật Bản chiến thắng, họ sẽ quay trở về. Nhật Bản không bao giờ đầu hàng, vậy nên không có lý do gì để kết thúc chiến tranh. Một lần nữa họ lại tin rằng đó là một trò lừa đảo của phe đối lập nhằm khiến những chiến sĩ yêu nước ra đầu hàng.

Một ngày nọ, nhìn thấy tất cả người dân đều mặc trang phục bình thường, các binh lính Nhật còn lại vẫn nghĩ rằng đây là kế hoạch đen tối của quân Đồng Minh nhằm nhử những chiến sĩ du kích ra ngoài. Bởi vậy, họ sẵn sàng bắn vào những người dân đảo tình cờ đi gần nơi ẩn náu vì cho rằng đây là lính đối phương ngụy trang. Với họ, ai cũng là kẻ thù.

Sau 5 năm trú ẩn tại rừng, Akatsu đã nung nấu ý định đầu hàng một cách bí mật, không cho 3 thành viên còn lại biết. Đến năm 1949, ông chính thức rời bỏ đội ngũ và sau 6 tháng một mình ở trong rừng, ông đã thành công trong việc đầu hàng thế lực mà ông cho là quân Đồng Minh.

Sự ra đi đột ngột của người chiến hữu giống như một nỗi đe dọa tới an toàn của những thành viên còn lại. Họ đã đi sâu hơn vào rừng để trú ngụ và luôn nhắc bản thân phải cẩn trọng.

5 năm sau đó, một thành viên khác của nhóm đã hi sinh trong một cuộc chạm trán quân sự ở bãi biển. Thời điểm này đã đánh dấu hơn 17 năm hai chiến binh còn lại thu thập thông tin tình báo và chống lại “quân Đồng Minh” bằng mọi giá. Họ vẫn khăng khăng ở lại với hi vọng một ngày vị chỉ huy của mình sẽ đến.

Cuối cùng, Nhật Bản đã gửi một đội tìm kiếm vào rừng để tìm Onoda. Thế nhưng thật không may, quân đội Nhật Bản chẳng thể tìm thấy chiến sĩ của mình bởi tài ẩn náu cao thủ của họ.

Cho đến tận năm 1974, một nhà thám hiểm tên là Nario Suzuki - đã có chuyến đi vòng quanh thế giới với hi vọng tìm được những thứ liệt kê trong danh sách tìm kiếm của mình (bao gồm Onoda, gấu trúc và người tuyết). Thật đáng ngạc nhiên, chẳng ai có thể ngờ rằng anh đã tìm được Onoda cùng nơi trú ẩn của ông.

Sau nỗ lực thuyết phục Onoda quay trở về quê nhà không thành công, Suzuki trở lại Nhật Bản và báo rằng anh đã tìm thấy Onoda. Nghe được tin, đại tá Taniguchi (lúc này đã về hưu và làm việc tại một cửa hàng sách) liền lập tức trở lại hòn đảo để báo với Onoda rằng Nhật đã thua cuộc và khuyên ông hạ vũ khí đầu hàng người dân Philippines.

Đây dường như là một cú sốc lớn với người lính Nhật trung thành này sau khi nhận ra mình đã giết chết vô số người vô tội và lãng phí 29 năm cuộc đời tại chốn hoang vu hẻo lánh.

Chúng tôi đã thật sự thua cuộc! Tại sao họ lại có thể đầu hàng như vậy chứ?

Mọi thứ bỗng trở nên đen tối, tôi cảm nhận được một cơn bão đang bùng lên trong mình. Tôi cảm thấy bản thân thật ngu ngốc khi đã quá cẩn trọng như vậy. Và hơn cả thế, suốt thời gian qua, tôi đã làm gì thế này?

Dần dần khi cơn bão ấy lắng xuống, tôi chợt nhận ra rằng ba mươi năm với trách nhiệm là một chiến sĩ du kích Nhật Bản đến đây là kết thúc. Mọi thứ đã thật sự kết thúc.

Giờ đây tôi sẽ chẳng còn cơ hội để sử dụng chiếc súng trường của mình - vật mà tôi đã nâng niu chăm sóc từng ấy thời gian như một đứa trẻ.

Liệu có thật là chiến tranh đã kết thúc từ 30 năm trước? Nếu đúng như vậy, cái chết của Shimada và Kozuka trở nên thật vô nghĩa. Và nếu điều ấy là đúng, liệu có phải tốt hơn nếu tôi chết cùng họ không?

Vào ngày 10 tháng 3 năm 1975, Onoda lúc này đã 52 tuổi, quyết định đến đầu hàng tổng thống Philippines - Ferdinand Marcos - trong bộ trang phục quân đội và thanh kiếm samurai của mình.

Thật may mắn, tổng thống Marcos đã tha thứ cho toàn bộ tội lỗi của người chiến sĩ Nhật Bản này bởi ông luôn tin chiến tranh vẫn đang diễn ra trong suốt những năm đó.

613555463

Quả thật, cho đến tận bây giờ, nhiều người trong số chúng ta vẫn nghĩ rằng Onoda thật sự là một kẻ ngốc và tệ hơn là một kẻ giết người vô tội vạ. Thế nhưng, người ta không thể phủ nhận rằng, đây là một hành động vô cùng đáng ngưỡng mộ bởi sự tận hiến, hi sinh hết mình vì Tổ quốc của người sĩ quan Nhật Bản này.

Theo: todayifoundout
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.