• Về đầu trang
Quang Niên 光年
Quang Niên 光年

Hàng triệu ụ mối kỳ lạ, to lớn và cổ như Kim Tự Tháp vừa được tìm thấy ở Brazil

Độc lạ

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra khoảng 200 triệu ụ mối lớn nằm trên một vùng đất ở Brazil, chúng trải rộng trên một không gian lớn đến nỗi có thể nhìn thấy được từ vũ trụ. Trong số những ụ mối được hình thành từ khoảng 4.000 năm trước này, có những ụ ước tính lên đến 50 mét khối đất, và tất cả chúng được tạo nên từ khoảng 10 km khối đất – tương đương với thể tích của 4.000 Kim Tự Tháp tại Ai Cập.

Các nhà nghiên cứu hết sức ngỡ ngàng khi phát hiện được đế chế mối khổng lồ này, và cho rằng đây là ví dụ rõ ràng nhất về hệ sinh thái độc lập của côn trùng, phục vụ rất nhiều cho công tác nghiên cứu. Diện tích bao phủ của những ụ mối tương đương với diện tích của Anh Quốc (chưa bao gồm xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland).

Một nhà nghiên cứu đang đứng cạnh những ụ đất khổng lồ được tạo ra từ bầy mối. Ảnh: Roy Funch.

Một nhà nghiên cứu đang đứng cạnh những ụ đất khổng lồ được tạo ra từ bầy mối. Ảnh: Roy Funch.

Những gò đất cao trung bình 2,5 mét và rộng khoảng 9 mét, nhưng thật ra đó không phải là tổ của bầy mối. Qua hàng ngàn năm, những đàn mối đào sâu xuống lòng đất và hình thành nên một hệ thống các đường hầm thông dẫn với nhau, số đất đào được được đưa lên khỏi mặt đất và tạo thành những đồi đất cao như vậy.

“Việc đào sâu xuống lòng đất cho phép bầy mối tiếp cận được với lá cây chết khô và rễ cây, đây là nguồn thức ăn dồi dào và sạch sẽ có thể an toàn để dùng trực tiếp trong rừng,” Stephen Martin, chủ tịch của Viện nghiên cứu về Xã hội côn trùng thuộc Đại học Salford (Anh Quốc), cho biết.

Những đồi đất cao là sản phẩm được tạo ra sau quá trình miệt mài đào đất của quần thể mối nơi đây, có khoảng 200 triệu gò đất như vậy được tìm thấy. Ảnh: Roy Funch.

Những đồi đất cao là sản phẩm được tạo ra sau quá trình miệt mài đào đất của quần thể mối nơi đây, có khoảng 200 triệu gò đất như vậy được tìm thấy. Ảnh: Roy Funch.

Phần lớn những gò đất bị che khuất bởi những khu rừng đầy cây bụi gai đặc trưng của vùng đông bắc Brazil, tạo nên một cảnh quan bán khô bán ẩm được phủ lấy bởi lá cây rơi rụng trong suốt hàng ngàn năm. Giới khoa học chỉ mới phát hiện một phần của hệ thống này trong suốt vài thập niên qua khi cây cối được khai hoang.

Để tìm hiểu kỹ hơn về các ụ đất, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thu thập mẫu đất lấy được từ các lõi của 11 ụ đất. Kết quả cho thấy những gò đất này đã được tạo thành từ 3.820 năm đến 690 năm trước, có cùng niên đại với những gò mối lâu đời nhất thế giới từng được biết đến ở Châu Phi.

Các nhà khoa học cũng tìm hiểu về khoảng cách của những ụ đất, họ cũng đặt nghi vấn có thể những gò đất này tạo nên bởi thực vật hoặc cả bầy mối và những cây rừng cùng nhau tác động tạo nên, chúng giống như những Heuweltjie của Nam Phi hay những vòng tròn bí ẩn ở Namibia.

Không ảnh cho thấy hàng triệu các ụ đất nằm rải rác trong một vùng đất rộng bằng Anh Quốc ở đông bắc Brazil. Ảnh: Roy Funch.

Không ảnh cho thấy hàng triệu các ụ đất nằm rải rác trong một vùng đất rộng bằng Anh Quốc ở đông bắc Brazil. Ảnh: Roy Funch.

Những ụ đất được tìm thấy sau khi cây rừng ở đây được phát hoang. Ảnh: Roy Funch.

Những ụ đất được tìm thấy sau khi cây rừng ở đây được phát hoang. Ảnh: Roy Funch.

Giới khoa học đã tranh luận rất nhiều về khoảng cách giữa các gò đất. Trong trường hợp này không phải là sự cạnh tranh hung hăng giữa những bầy mối với nhau mới tạo thành khoảng cách xa giữa các ụ đất, mà thay vào đó sự sắp xếp của các đường hầm ngầm bên dưới cũng như nguồn thức ăn trong rừng đã tạo nên sự bố trí như vậy của các gò đất.

Với sự phức tạp của mạng lưới đường hầm, đây quả là một phát hiện đáng kinh ngạc cho thấy mối quan hệ của xã hội loài mối và tuyến đường an toàn để kiếm thức ăn cũng như sinh sống bên dưới lòng đất của bầy mối này. “Thật không thể tin được trong thời đại ngày nay mà chúng ta còn có thể tìm thấy một kì quan sinh học không có sự tác động của con người, và vẫn còn xã hội côn trùng bên trong đó,” Martin chia sẻ.

Theo: News AU
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.