• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Tại sao màu vàng lại được dùng làm màu đại diện cho những chuyện 18+ ở Trung Quốc?

Độc lạ

Nhắc đến màu sắc, thì hầu như đằng sau chúng luôn có một câu chuyện hoặc lạ kì, hoặc thú vị. Tỷ như màu tím hoàng gia được nữ hoàng Cleopatra VII của Ai Cập vô cùng yêu thích, được chiết xuất từ những con sò, hến hư thối ngâm trong nước tiểu.

Hay như loại thuốc nhuộm màu nâu cực kì được ưa chuộng trong giai đoạn từ năm 1925-1964 được chiết xuất từ xác ướp, nên còn được biết đến với cái tên “màu nâu xác ướp”. Về sau, do lượng xác ướp không đủ để cung cấp cho quá trình chiết xuất màu mà màu này dần biến mất.

Dù những câu chuyện này khá lạ đời nhưng vẫn cách chúng ta khá là xa, thế nên lần này chúng ta cùng tìm hiểu về một loại màu tương đối gần gũi hơn, đây là màu nghe thôi cũng đủ làm mọi người dân Trung Quốc liên tưởng tới mấy thứ 18+.

Tại sao màu vàng ở Trung Quốc lại đại diện cho những thứ dơ bẩn, xấu xa?

Ở Trung Quốc, chúng ta thường gặp được rất nhiều cụm từ liên quan tới màu vàng như “tiểu thuyết màu vàng, web màu vàng”, “nói chuyện màu vàng”,… để ám chỉ những thứ liên quan đến tình sắc và nội dung 18+.

Thế ban đầu màu vàng ở Trung Quốc vốn là màu đại diện cho đế vương, là một màu sắc cực kì cao quý. Vậy điều gì đã khiến màu sắc cao quý ấy thành như ngày nay?

Nguyên nhân của chuyện này phải đề cập đến cuộc cạnh tranh trên diện rộng từng xuất hiện trong ngành báo chí Mỹ.

Đó là cuộc cạnh tranh giữa tờ báo New York World của Joseph Pulitzer và tờ The New York Times của Hearst, hai tờ báo này ai cũng không vừa ai, đấu đá có thể nói là cực kì khốc liệt.

Thậm chí vì tăng lượng báo tiêu thụ, hấp dẫn ánh mắt của độc giả, họ không ngừng cho ra đời những bài báo với hàng loạt tiêu đề sốc, thường xuyên thay đổi nội dung tin tức tới khó tin. 

Lúc này dựa vào ánh mắt độc đáo và tư duy sáng tạo của mình, Joseph Pulitzer đã mời hoạ sĩ R.F. Outcault về vẽ tiếp series truyện tranh The Yellow Kid của mình, và cho đăng tải seri truyện này trên chuyên mục Hẻm Hogans (Hogans Alley) của tờ New York World.

Nội dung của bộ truyện kể trên xoay quanh nhân vật đứa trẻ mặc áo vàng, đứa trẻ này sống trong khu bình dân ở New York, hàng ngày nó đều gặp phải những chuyện như đánh nhau, ăn cắp và những chuyện linh tinh khác,…

Tuy nội dung khá bạo lực và không phù hợp với loại báo chuyên nghiệp như New York World, nhưng chẳng mấy chốc nó đã gây được tiếng vang lớn và được mọi người vô cùng yêu thích, giúp lượng tiêu thụ của tờ báo lên đến con số chóng mặt.

Nhưng cây to đón gió, nhìn đối thủ của mình ngày càng nổi tiếng, chủ tờ báo The New York Times – Hearst làm sao có thể để yên. Phương châm của ông là không có gì là tiền không giải quyết được, nếu có chỉ cần viết thêm vài số không lên chi phiếu.

Hearst đã mời chào gần như tất cả thành viên nòng cốt của New York World chuyển sang The New York Times, bao gồm họa sĩ của bộ truyện tranh The Yellow Kid - R.F. Outcault.

Mất đi The Yellow Kid và R.F. Outcault, lượng tiêu thụ của New York World tuột dốc không phanh, tức tối trước việc này, Pulitzer lập tức thuê một hoạ sĩ khác để tiếp tục vẽ The Yellow Kid.

Cả hai tờ báo đều lấy The Yellow Kid làm chủ đề chính, liên tục cho ra những trang truyện về tình dục, bạo lực, tội phạm, thiên tai, nhân hoạ,… Những tờ báo và phóng viên khác bàng quan cuộc chiến giữa hai tờ báo lớn nhất nhì nước Mỹ này, bèn dùng một từ mang hai hàm nghĩa để mô tả cách đưa tin này - là tin tức màu vàng (the yellow press) mà chúng ta biết ngày nay.

Trong thời kì chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha, hai tờ báo này sử dụng The Yellow Kid để tuyên truyền sự độc ác và tàn nhẫn của Tây Ban Nha, thúc đẩy người dân tham gia chiến tranh.

Sau khi chiến tranh kết thúc, tổng thống McKinley qua đời, The Yellow Kid dần đi vào lãng quên. Nhưng ảnh hưởng của những tin tức màu vàng này đã lan truyền và có ảnh hưởng khắp thế giới.

Sự ảnh hưởng của văn hoá thế giới với Trung Quốc

Những năm đầu thế kỷ 20 ở Trung Quốc, tức thời kì đầu Dân Quốc, hàm nghĩa của màu vàng vẫn mang ý nghĩa chính diện, chỉ đại biểu cho một vài tin tức nổi bật, thời sự, hoặc những tin có thể làm chấn động lòng dân.

Dần dà khi ảnh hưởng của tin tức màu vàng lớn hơn nó trở thành một khái niệm mang tính “xã hội” hơn, nó được phủ lên mình những ngôn từ hoa lệ, sinh động như thật, nhằm hấp dẫn độc giả, tăng lượng tiêu thụ của báo chí.

Một vài học giả còn đưa phần giải thích tin tức màu vàng vào trong các văn bản chính thức như sau: “Những tin tức về trộm cướp, văn hoá cấp thấp và những bảng tin đón ý nói hùa thấp kém mà cánh nhà báo dùng để thu hút người dân bình thường. ”

Trong thời kì nội chiến và chiến tranh Trung – Nhật diễn ra, đời sống người dân bị áp bức, tinh thần bị đè nén, tạo môi trường lý tưởng cho chủ nghĩa hưởng lạc xuất hiện và lưu hành rộng rãi.

Đến những năm 1946, hàm nghĩa của màu vàng dần trở nên sắc tình hơn, nó được dùng để ám chỉ những loại báo chí, tin tức có dính dáng đến tình dục, màu vàng cũng bị người Châu Âu gán lên cho người Châu Á, trở thành màu chỉ sự miệt thị và thấp kém.

Những tiêu đề như: “Đinh Linh, Hồ Diệc Tần và Phùng Tuyết Phong công khai chuyện tình tay ba, ở bên Tây Hồ, Hàng Châu …”

Tiêu đề mang hàm ý ám chỉ tình sắc đầy thấp kém tương tự thế này lại được công chúng đón nhận và vô cùng ủng hộ.

Cũng từ đây màu vàng ở Trung Quốc, từ một màu sắc cao quý, trở thành đại diện cho sự tục tĩu và dơ bẩn, màu vàng khí phách ngày xưa đã bị văn hoá ngoại lai ô nhiễm như thế đó.

Theo: Zhihu
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.