• Về đầu trang
Treng
Treng

Những bộ sưu tập khổng lồ và kỳ quặc của những người mắc hội chứng rối loạn tích trữ

Độc lạ

1. Sở thích tích trữ viên nang thời gian của Andy Warhol

andy warhol by jack mitchell

Andy Warhol là một họa sĩ, đạo diễn rất nổi tiếng trong thập niên 60 về nghệ thuật đại chúng. Tuy nhiên, vào những năm cuối đời, ông lại có một sở thích kỳ lạ: tích trữ các viên nang thời gian.

Viên nang thời gian được hiểu đơn giản là các vật dụng hiện tại được chôn hoặc niêm phong để người đời sau có thể mở ra sử dụng hoặc tìm hiểu về lịch sử. Vì vậy, viên nang thời gian của Andy Warhol về cơ bản là các hộp giấy chứa đầy những vật dụng ngẫu nhiên.

Sau khi Andy Warhol qua đời vào năm 1987, hơn 600 viên nang thời gian gồm nửa triệu đồ vật đã được tìm thấy và hiện chúng đang được trưng bày tại bảo tàng ở Pittsburgh. Trong một số hộp giấy mà Andy Warhol cất giữ có cả các hóa đơn mà ông chưa trả, thư từ, giấy ghi chú và thậm chí là một lon súp Campbell. Ngoài ra, còn chứa những miếng bánh mì, pizza, côn trùng chết và thiệp mời mà Warhol không đến tham dự.

Trong cuốn nhật ký của đời mình, Warhol từng tâm sự ông đã có khoảng thời gian khó khăn để vứt bỏ mọi thứ. Vì vậy, ông cất giữ tất cả chúng lại và tin rằng một ngày nào đó những thứ này sẽ trở nên đáng giá.

2. Thomas Jefferson có bộ sưu tập sách lớn nhất Hoa Kỳ

thomas jefferson photo u32

Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ Thomas Jefferson yêu sách và dùng cả đời để sưu tầm càng nhiều sách càng tốt. Khi nhà ông bị cháy vào năm 1770, ông đã viết thư cho một người bạn kể rằng bản thân đau khổ như thế nào khi bị mất sách. Thomas Jefferson từng tuyên bố: "Tôi không thể nào sống thiếu sách được".

Khi làm đại sứ tại Pháp, Thomas Jefferson đã thu thập hàng nghìn cuốn sách và gửi chúng về nhà mình tại Monticello. Khi Thư viện của Quốc hội bị cháy năm 1814, ông đã bán lại bộ sưu tập sách cá nhân để gây dựng một thư viện mới. Sau khi bán sách cho chính phủ, Jefferson bắt đầu thu thập lại và làm như vậy cho đến khi qua đời vào năm 1826.

3. Thái tử Áo Franz Ferdinand có sở thích sưu tầm xác động vật

archduke franz ferdinand of austria photo u7

Mặc dù là người thừa kế ngai vàng Áo-Hung, nhưng Franz Ferdinand chỉ thực sự nổi tiếng vì cái chết của mình. Vụ ám sát ông đã châm ngòi cho cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu nhất lịch sử: Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Khi còn thanh niên, Franz Ferdinand có hai niềm say mê lớn: săn bắn và du lịch. Trong suốt cuộc đời mình, Franz Ferdinand đã giết chết gần 275.000 con vật vô tội.

Năm 1893, Franz Ferdinand săn bắn ở Ấn Độ, Bắc Mỹ, Úc và một số khu vực ở châu Á. Ông là một thợ săn cuồng nhiệt và có thể giết chết bất cứ con vật nào. Thậm chí, hồ sơ cá nhân của Franz Ferdinand còn ước tính ông đã bắn hơn 2.000 con vật mỗi ngày.

Franz Ferdinand không chỉ có một bộ sưu tập lớn các danh hiệu săn bắn mà còn sở hữu rất nhiều xác động vật quý hiếm. Ông mơ ước có thể mở một bảo tàng để khoe chúng. Bước vào trong cung điện của Ferdinand, mọi người phải cẩn thận vì gạc của hươu nai có thể đâm trúng. Các nguồn tin khác cho biết, Ferdinand sử dụng chân của một con voi khổng lồ để làm gạt tàn.

4. Edmund Trebus hai lần lấp đầy nhà của mình bằng rác

edmund zygfryd trebus

Edmund Trebus trở nên nổi tiếng khi lần đầu xuất hiện trên chương trình truyền hình Anh A Life of Grime vào năm 1999. Edmund Trebus đã tích trữ rác trong hơn 30 năm, lấp đầy ngôi nhà gồm năm căn phòng với đầy đủ các loại phế thải.

Ông bắt đầu tích trữ rác thải vào những năm 1960. Sau khi vợ và con ông bỏ đi, bộ sưu tập kỳ quái này ngày càng phát triển. Năm 1998, ông phải sống trong một góc nhỏ của phòng bếp và cần một cái thang để có thể vào hoặc ra khỏi nhà.

Hàng xóm từng phàn nàn rất nhiều đến rác thải và chuột trong sân nhà Edmund Trebus. Cuối cùng 6 công nhân vệ sinh đã phải mất 30 ngày để có thể dọn sạch rác trong ngôi nhà này. Hai năm sau, Edmund Trebus lại xuất hiện trên chương trình này lần nữa với một sân nhà đầy rác thải.

5. Anh em nhà Collyer đã bị giết bởi đồ vật tích trữ của họ

collyer1a

Trong những năm 1930 và 1940, ngôi nhà của hai anh em Homer Collyer và Langley Collyer là nơi chứa một lượng lớn rác. Khi Homer bị đột quỵ và mù vào năm 1932, Langley đã bỏ việc để ở nhà chăm sóc cho anh trai của mình. Hai người ngày càng trở nên cô lập với thế giới bên ngoài. Langley chỉ rời khỏi căn hộ lúc nửa đêm để mua sắm và chạy việc vặt.

Năm 1947, hàng xóm đã gọi điện cho cảnh sát để phàn nàn về mùi hôi thối bốc ra từ ngôi nhà của hai anh em Collyer. Khi cảnh sát đến nơi, họ đã phải trèo vào nhà từ cửa sổ vì cửa chính đã bị chặn bởi các loại rác thải. Sau đó, họ tìm thấy thi thể của Homer trong đống phế liệu.

Mọi người cho rằng Langley đã bỏ trốn, nhưng chỉ ba tuần sau, cảnh sát cũng phát hiện xác của ông trong căn hộ. Langley chỉ nằm cách Homer mười mét, nhưng vì căn nhà có nhiều rác thải nên đã gây khó khăn cho việc tìm kiếm. Các nhà chức trách cho rằng khi Langley bò qua một trong những đường hầm bằng rác thì nó đã sụp đổ, giết chết ông và khiến Homer bị chết đói.

Sau khi dọn dẹp căn nhà của hai anh em Collyer, các nhân viên vệ sinh đã lấy ra được hàng trăm tấn rác. Họ đã tìm thấy hàng ngàn cuốn sách, một chiếc xe ngựa, các nhạc cụ và rất nhiều đồ vật khác.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.