• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Những chốn ‘đồng không mông quạnh’ không phải khách du lịch nào cũng dám đặt chân tới

Du lịch

Trên hành tinh của chúng ta, vẫn tồn tại những nơi nằm tách biệt với thế giới ồn ào và đông đúc. Chúng hoang vắng, cô lập và khắc nghiệt. Chúng chỉ chừa lại một con đường duy nhất cho những kẻ ưa liều mạng khám phá và con đường đó chắc chắn chẳng hề bằng phẳng, thênh thang như những đường cao tốc thoải mái phóng xe tẹt ga.

Hãy cùng Lost Bird khám phá những địa danh nguy hiểm ấy nhé!

Oymyakon, Nga

Nằm ở nơi hẻo lánh nhất ở Siberia, thị trấn Oymyakon nổi tiếng là nơi lạnh nhất trên Trái Đất. Với nhiệt độ trung bình thường ở mức -58 độ F (tương đương -50 độ C), bạn có thể chết cóng chỉ trong vài phút. Sống ở một không thể trồng trọt, thực phẩm chủ yếu của người bản địa thường là thịt tuần lộc, thịt ngựa, cá đông lạnh, mì macaroni. Bên cạnh nhiệt độ khắc nghiệt, người dân còn sống trong cảnh mỗi ngày có đến 21 tiếng chìm trong bóng tối.

Có những ngày hè ở Oymyakon, nhiệt độ lên tới hơn 30 độ C.

Nếu muốn đến Oymyakon, bạn có thể đi máy bay từ Moscow đến thành phố Yakutsk hoặc Magadan, rồi từ đây bạn bắt xe đi thêm khoảng 900km trên “Con đường Xương” – một trong những cung đường được mệnh danh nguy hiểm nhất hành tinh.

Oymyakon là nơi lạnh nhất trên thế giới.

Supai, Arizona, Mỹ

Ngôi làng hẻo lành của bộ tộc thiểu số Supai ở phía tây công viên quốc gia Grand Canyon và quãng đường tới đây cũng không hề dễ dàng, nhanh chóng như nhiều người nghĩ.

Đầu tiên, bạn sẽ mất 4 giờ đi xe từ làng Grand Canyon đến đỉnh núi Havasupai. Sau đó, bạn tiếp tục mất khoảng 3 ngày đi bộ để tới làng Supai. Hãy chuẩn bị “hiking boots” (giày đi bộ đường dài) và đồ nghề để cắm trại ngoài trời. Trong trường hợp bạn muốn đến nơi nhanh hơn, trực thăng hoặc cưỡi ngữa là hai lựa chọn phù hợp nhất.

Thác nước ở Havasupai.

Quần đảo Kerguelen, phía nam Ấn Độ Dương

Quần đảo Kerguelen còn có tên gọi khác là quần đảo Cô Độc và là một phần của Vùng đất phía Nam và châu Nam Cực thuộc Pháp.

Kerguelen chủ yếu chỉ có núi cao và sông băng. Một năm ở đây có 300 ngày chỉ toàn mưa, tuyết, mưa tuyết cùng gió lớn. Thời tiết khắc nghiệt đến nỗi côn trùng ở đây cũng tiến hóa thành loài côn trùng không cánh để tránh bị thổi bay ra ngoài biển.

Quần đảo Kerguelen không có dân bản địa. Thay vào đó, chính phủ Pháp đặt Kerguelen làm căn cứ nghiên cứu khoa học với khoảng 50 đến 100 nhà khoa học sống và làm việc ở đây. Để hạn chế tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập, một năm chỉ có 4 ngày Kerguelen “mở cửa” bằng đường thủy.

Ảnh chụp vệ tinh quần đảo Kerguelen.

Quần đảo Socotra

Quần đảo Socotra nằm ở tây bắc Ấn Độ Dương và cách bờ biển Yemen 211 dặm (gần 340 km). Nơi này biệt lập đến nỗi 1/3 động thực vật ở đây không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên Trái Đất.

Nếu đến quần đảo Socotra bằng tàu thuyền, bạn nên cân nhắc vì ở đây nạn cướp biển hoành hành, cộng thêm gió mùa hàng năm khiến việc đi lại khó khăn. Nếu đi bằng máy bay, bạn buộc phải khởi hành từ Yemen – một đất nước đang diễn ra nội chiến.

Socotra được ví như hành tinh khác lạc xuống Trái Đất.

Mêdog, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc

Mêdog (hay huyện Mạt Thoát) là huyện duy nhất ở Trung Quốc vẫn chưa có đường giao thông. Nguyên nhân chính là do tình trạng đất lở và tuyết lở thường xuyên xảy ra khiến việc xây dựng đường xá hết sức khó khăn.

Để vào được Mêdog, bạn cần vượt qua dãy núi Himalaya hiểm trở và đi qua cây cầu treo dài 200 mét. Quả là một thách thức lớn nếu bạn muốn tới thăm một nơi tách biệt với thế giới.

Bản làng ở Mêdog.

Barrow, Alaska

Cách nhanh nhất để tới thị trấn Barrow (tên gọi khác là Utqiaġvik) là mất 1,5 tiếng ngồi máy bay từ thành phố Anchorage ở phía nam Alaska.

Vì nằm ở phía trên vòng Bắc Cực, mùa đông ở Barrow nổi tiếng với hiện tượng ban đêm vùng cực kéo dài suốt 65 ngày. Trong khoảng thời gian đó, Barrow gần như chìm trong bóng tối, lạnh giá và người dân chỉ thấy ánh chạng vạng le lói trong vòng 2, 3 tiếng trước khi thị trấn bị hút trở lại vào đêm đen.

Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp (thường là dưới -18 độ C) kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5, cộng thêm những trận bão tuyết lớn khiến mùa đông ở Barrow vô cùng khắc nghiệt. Vào mùa hè, mặt trời vẫn lấp ló ở đường chân trời tạo ra hiện tượng mặt trời về đêm cũng góp phần tạo nên sự nổi tiếng cho thị trấn này.

Đường phố thắp đèn 24 giờ trong suốt quãng thời gian ban đêm vùng cực.
Theo: Curiosity
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.