• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Nội thất hoài cổ đẹp như phim bên trong tàu hỏa đầu máy hơi nước tuyến Huế - Đà Nẵng

Du lịch

Đây là một dự án phát triển du lịch giữa 2 thành phố lớn Đà Nẵng và Huế, cũng là dịp để khách tham quan trong và ngoài nước có dịp đắm chìm trong không gian hoài cổ của tàu hoả hơi nước cổ điển.

Hai đoàn tàu đầu máy hơi nước và các toa đóng mới được thiết kế theo kiểu Pháp đã hoàn toàn được phục dựng và trong tương lai sẽ là đôi tàu chạy qua "Thiên hạ đệ nhất hùng quan".

Ngày 21/5, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ đã thống nhất cho phép đoàn tàu hoả đầu máy hơi nước được hoạt động trên đoạn đường sắt chặng Huế - Đà Nẵng. Các đơn vị chức năng sẽ bàn thảo với chủ đầu tư về việc cho thuê hạ tầng đường sắt, lập phương án chạy tàu. 

Nội thất bên trong toa tàu cũng mang dáng dấp hoài cổ.

Đôi tàu hoài cổ chủ yếu để phục vụ cho du khách, giúp mọi người được trải nghiệm một trong những phương tiện phổ biến nhất thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Toa tàu sẽ chạy hàng ngày giữa ga Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) và ga Đà Nẵng. Bên trong có các toa VIP, toa ngắm cảnh, nhà hàng, toa phát điện và bếp. Các toa đều được sản xuất mới tại Nhà máy xe lửa Dĩ An. 

Dự án do Công ty TNHH Dịch vụ Đường sắt Đông Dương làm chủ đầu tư, số vốn lên tới 81 tỷ đồng.

Những đầu máy hơi nước được khôi phục từ năm 2015 nhưng đến nay mới chuẩn bị đưa vào khai thác. Trước đó, chủ đầu tư đã mua lại 3 đầu máy hơi nước cũ thuộc hiệu MIKADO (Tự Lực) có tải trọng trục 10,5 tấn, dừng hoạt động từ năm 1990 để khôi phục. Chi phí đầu tư cho phương tiện, thiết bị là hơn 46 tỷ đồng.

Dự án thu hút sự quan tâm không chỉ vì là kế hoạch khôi phục đầu máy hơi nước đầu tiên, mà còn bởi cung đường được khai thác quá xuất sắc. Đoàn tàu sẽ đi qua đèo Hải Vân, đoạn đường quanh co đẹp nhất của tuyến đường sắt Bắc - Nam với một bên là vách núi, một bên nhìn ra biển.

Hiện nay, một số đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước vẫn được trưng bày tại một số ga tàu ở Việt Nam. Bao gồm đầu máy xe lửa Tự Lực số hiệu 141 - 158 tại ga Sài Gòn, đầu máy chạy bằng hơi nước số hiệu 141 - 179 phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, đầu máy số hiệu 131 - 428 tại ga tàu cổ Đông Dương Đà Lạt.

Đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước tại ga Đà Lạt.
Tại ga Sài Gòn.
Bảo tàng Hà Nội.

Bên cạnh đó, hai đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước số hiệu 31 - 201 và 31- 204 đã được bán sang Thuỵ Sĩ để phục vụ chuyến tàu lên dãy núi Alps. Vào đầu thế kỷ 20, chặng Đà Lạt - Phan Rang cũng là một trong 2 tuyến đường sắt răng cưa leo núi của thế giới: Một của Việt Nam và một của Thuỵ Sĩ. Dù ngày nay chỉ còn tuyến tàu ở Thuỵ Sĩ hoạt động nhưng Việt Nam cũng từng công bố dự thảo về việc khôi phục chặng đường sắt răng cưa leo núi này.

Chiếc đầu máy răng cưa được xe đặc chủng kéo qua đèo Ngoạn Mục lần cuối cùng để trở về Thụy Sĩ - Ảnh: Viễn Sự (chụp lại từ tư liệu của nhà ga Jungfraujoch, Thụy Sĩ)

Đầu máy tàu hoả chạy bằng hơi nước là hiện thân của lịch sử ngành đường sắt không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Ngoài ra, nội thất bên trong toa cũng mang dáng vẻ hoài cổ, phù hợp cho những ai muốn "du hành thời gian" trở về thế kỷ 19, 20.

Đầu máy xe lửa loại này sẽ mang theo cả nhiên liệu và nguồn nước trên chính đầu máy hoặc trong toa xe kéo phía sau. Ngành đường sắt Việt Nam dần thay thế đầu máy hơi nước bằng đầu máy dùng điện và diesel từ những năm 1990.  

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.