• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

x: Bác sĩ tử thần Harold Shipman: Một trong những tên sát nhân máu lạnh tàn bạo nhất nước Anh

Kinh dị

Người đời vẫn thường nói "lương y như từ mẫu", thế nhưng vẫn tồn tại những tên bác sĩ độc ác, bán lương tâm cho quỷ dữ khi ra tay sát hại bệnh nhân bằng cách thức tàn nhẫn. Harold Shipman chính là một kẻ như vậy. Gã bị cáo buộc với tội danh giết người hàng loạt, số lượng nạn nhân ít nhất khoảng 218 người, phương thức gây án là tiêm thuốc giảm đau quá liều khiến bệnh nhân chết dần chết mòn.

Harold Shipman

Kẻ có một quá khứ phức tạp

Harold Shipman sinh ngày 14/01/1946 trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Nottingham, nước Anh. Harold có một bà mẹ độc đoán và hách dịch, chính bà đã khiến gã bị cô lập, không thể kết bạn suốt thời niên thiếu. Thế nên Harold trưởng thành với tính cách lầm lì, sống trong cô độc và tách biệt với cộng đồng.

Sau này mẹ gã bị ung thư phổi, Harold đã bắt đầu tìm đến các liều thuốc giảm đau để làm mẹ bớt đi đau đớn của bệnh tật. Năm 1963, bà qua đời, mất mát này đã tác động đến Harold và thúc đẩy gã quyết tâm thi đỗ Đại học y khoa Leeds. Trong thời gian này gã đã gặp Primrose, một nữ sinh 17 tuổi và sống cùng cô. 

Năm 1974, gã bắt đầu hành nghề bác sĩ gia đình. Thời điểm này tâm lý gã có nhiều biến đổi, bị các cơn đau đầu kéo dài hành hạ thế nên Harold đã tìm đến thuốc giảm đau Pethidine và bị nghiện. Năm 1975, gã bị đồng nghiệp phát hiện ra sự việc viết giả đơn thuốc để mua về lượng lớn Pethidine nhằm sử dụng riêng nên đã bị đình chỉ công tác và đưa đi cai nghiện.

Vài năm sau đó, Harold được nhận vào làm việc tại Trung tâm Y tế Donnybrook ở Hyde. Tại đây gã đã xây dựng cho bản thân hình ảnh bác sĩ chăm chỉ, hết mình vì công việc nên nhận được sự tín nhiệm của bệnh nhân và đồng nghiệp. Thế nhưng không ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài đẹp đẽ đó là một tâm hồn đen tối khi trong 20 năm ở Donnybrook, gã đã lần lượt tiễn hàng trăm người xuống địa ngục.

Vị bác sĩ cuồng sát

Tội ác của Harold bị phát hiện bắt đầu từ sự nghi ngờ của một người làm công tác chôn cất xác chết ở địa phương. Người nhân viên đó cảm thấy kỳ lạ khi các xác chết ông mai táng đều là bệnh nhân của bác sĩ Harold, điểm chung ở họ là khi qua đời đều mặc quần áo tử tế và xác được đặt ngồi hoặc nằm ngay ngắn trên ghế.

Harold Shipman là nguồn cảm hứng để các nhà làm phim cho ra đời series phim gay cấn về cuộc đời gã.

Với những điểm nghi vấn đó, người này đã đến hỏi Harold và được giải thích là không có gì quá nghiêm trọng, bệnh nhân của gã đều bị bệnh hiểm nghèo và thuộc tỷ lệ chết cao. Một thời gian sau, đồng nghiệp của Harold là Susan Booth cũng nhận ra hiện tượng quái lạ này và âm thầm báo cáo vụ việc với cảnh sát.

Một cuộc điều tra bí mật đã được tiến hành. Ban đầu không có bằng chứng định tội nên Harold được chứng minh vô tội, nhưng cảnh sát vẫn nghi ngờ nên đã điều tra kỹ lưỡng hơn. Sau đó họ đã phát hiện hồ sơ mà Harold đưa đều là giả mạo, gã đã thay đổi thông tin về bệnh án cũng như nguyên nhân gây tử vong của bệnh nhân. Thế nhưng Harold vẫn vô tội khi gã bác bỏ mọi cáo buộc và bằng chứng thu thập được không đủ để định tội tên bác sĩ “cáo già”.

Chỉ đến khi Angela Woodruff quyết định tìm hiểu về cái chết của mẹ mình thì Harold mới bị trừng trị. Mẹ của Angela là bà Kathleen Grundy, một góa phụ giàu có tuổi ngoài 80 đã chết vào ngày 24/06/1998 sau đợt khám bệnh của bác sĩ Harold. Cái chết của bà có quá nhiều điểm nghi vấn khi di chúc truyền lại tài sản cho Harold với chữ ký đồng thuận được làm giả của Angela. Bên cạnh đó, Harold còn khuyên thân nhân không được khám nghiệm tử thi bà Kathleen và nên chôn cất ngay theo di nguyện của bà.

Angela đã nghi ngờ và tiến hành khai quật mộ mẹ mình để điều tra và kết quả khám nghiệm pháp y cho biết Kathleen chết do dùng quá liều thuốc giảm đau. Thời gian nạn nhân tử vong ba tiếng sau khi dùng thuốc trùng với khoảng thời gian Harold đến thăm khám tại nhà riêng của bà Kathleen. Ngay sau đó, cảnh sát được điều động vào cuộc điều tra, họ lục soát nhà riêng của Harold, khám nghiệm các xác chết bệnh nhân mà gã đã điều trị trước đó.

Những nạn nhân bị Harold Shipman sát hại

Cuộc điều tra đã định tội Harold Shipman sát hại hơn 200 bệnh nhân bằng cách tiêm quá liều thuốc so với quy định. Tuy nhiên gã vẫn điềm nhiên, bình thản trước mọi cáo buộc, thậm chí còn phản kháng lại kêu oan cho bản thân trong khi đã gây ra cái chết cho biết bao người.

Kết cục của tên sát nhân máu lạnh

Để buộc tội Harold thì cảnh sát đã phải trải qua một cuộc điều tra vô cùng gian nan vất vả. Giới chức trách phải huy động lực lượng tìm kiếm thông tin hàng trăm bệnh nhân mà Harold Shipman đã từng chữa trị. Họ phát hiện rằng Harold luôn chủ động đề nghị gia đình bệnh nhân hỏa táng người thân và được cung cấp các giấy tờ hồ sơ bệnh án, nguyên nhân, triệu chứng gây ra cái chết đều diễn ra hết sức bình thường.

Thế nhưng Harold không thể ngờ rằng hắn sắp xếp, lên kế hoạch hoàn hảo mọi thứ lại lộ sơ hở ngu ngốc khi quên xóa đi lịch sử chỉnh sửa, thay đổi hồ sơ trên máy tính. Từ manh mối này, cảnh sát đã tìm ra bằng chứng buộc tội gã.

Tại phiên tòa xét xử vào ngày 31/01/2000, Harold bị buộc tội cố ý giết 15 bệnh nhân nhằm chiếm đoạt tài sản. Gã bị tuyên án tử hình và không được phép ân xá trong mọi trường hợp. Cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra và cho rằng trong hơn 20 năm làm việc tại Donnybrook, Harold Shipman phải chịu trách nhiệm cho việc đầu độc ít nhất 236 bệnh nhân, trong đó gây ra cái chết cho khoảng 218 người.

Trong thời gian ngồi tù, Harold vẫn thường bày tỏ quan điểm chế giễu cảnh sát cùng hệ thống tư pháp rằng họ không chứng minh rõ được tội ác của gã. Và gã tuyên bố hành động của mình là để cứu rỗi bệnh nhân thoát khỏi chứng bệnh trầm cảm hay nỗi đau về bệnh tật. 

Sáng ngày 13/01/2004, Harold Shipman đã treo cổ tự vẫn tại nhà tù Wakefield, một ngày trước sinh nhật thứ 58 của gã. Dư luận cùng báo chí gọi gã là bác sĩ tử thần, một trong những sát nhân nguy hiểm, đáng sợ nhất trong lịch sử nước Anh.

Đọc thêm: Chuyện kinh dị về Tarrare, gã đàn ông ăn cả thế giới từ rác thải đến thịt người

Theo: Biography
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.