• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

Những câu chuyện có thật còn đáng sợ hơn cả phim kinh dị (P1)

Kinh dị

1. Chuyến viếng thăm không ngờ tới

Vào năm 2003, phi hành gia Dương Lợi Vĩ đi vào sử sách với thành tích là người Trung Hoa đầu tiên đặt chân lên vũ trụ. Giữa vũ trụ rộng lớn bao la, người phi hành gia đang đơn thân khám phá, và rồi có một tiếng gõ cửa.

Trên vũ trụ, không ai có thể nghe tiếng bạn hét, nhưng tiếng gõ cửa thì lại có thể nghe thấy được? Nhân viên trạm điều khiển nghe rõ từng chi tiết sự việc được Lợi Vĩ miêu tả lại.

Tiếng đó nghe giống như là "có ai đó gõ vào thân tàu vũ trụ, nghe như là tiếng búa gỗ gõ vào xô sắt vậy. Nhưng mà nó không phát ra từ bên trong hay bên ngoài con tàu".

Nhìn ra bên ngoài chiếc tàu không gian, ông vẫn không thấy gì cả, chỉ có khoảng không vũ trụ trừng mắt nhìn lại người đàn ông nhỏ bé. Bên trong động cơ phi thuyền cũng không có hỏng hóc gì vào lúc đó. Không ai giải thích được tiếng gõ bí ẩn mà phi hành gia đã nghe được.

Dương Lợi Vĩ, phi hành gia Trung Hoa đặt chân lên vũ trụ.

Các nhà khoa học cũng không có quá nhiều manh mối để phỏng đoán tiếng gõ đó là gì. Nghi vấn người ngoài hành tinh đã nhanh chóng bị loại ra. Quay trở về Trái Đất, Lợi Vĩ kiểm tra lại chiếc phi thuyền.

Ông và các đồng nghiệp tiếp tục vò đầu bứt tai vì không thể tái tạo lại âm thanh như Lợi Vĩ nghe lúc đầu. Nhưng vì âm thanh phát ra từ các vật thể rung động, nên phỏng đoán tốt nhất của các nhà khoa học là đã có vật gì đó đập vào thân tàu. Nhưng không hề có vết xước hay lõm nào cả, con tàu vẫn còn nguyên sau toàn bộ chuyến đi.

Giả thuyết được đông đảo các nhà khoa học chấp nhận nhất là bề mặt kim loại bên ngoài tàu bị co lại khi tiếp xúc với môi trường chân không ngoài vũ trụ. Các phi hành gia khác đã báo cáo nghe được âm thanh tương tự vào năm 2005 và năm 2008, họ cũng đồng tình rằng đây có thể là một sự cố do nhiệt độ làm thay đổi bề mặt kim loại của thuyền.

Mặc dù thật sự có rất ít ai tin vào người ngoài hành tinh đến gõ cửa, nhưng chúng ta vẫn không thật sự biết chuyện gì đã xảy ra với Dương Vĩ Lợi vào ngày ông làm nên lịch sử. Sự thật vẫn đang còn ở ngoài kia - chờ đợi chúng ta khám phá.

2. Cuộc xâm lược zombie của Anh Quốc

Một loại virus bùng phát, xác chết nằm lăn lóc khắp thành phố. Chính phủ cố gắng kiểm soát dịch bệnh, nhưng thất bại này nối tiếp thất bại kia. Dân địa phương bắt đầu cầm vũ khí ra ngoài tự tay chặt đầu lũ thây ma. Đây là cốt truyện thường thấy của những bộ phim như Góc Quay Đẫm Máu (REC) hay tựa game Resident Evil. Nhưng đối với nạn nhân của đại dịch Cái Chết Đen ở Anh Quốc thì cốt truyện ảo tưởng này lại không may hóa thực tế.

Là một trung tâm đô thị đang phát triển, London có lý do của họ để đặc biệt cẩn trọng về sự lây lan của căn bệnh chết người này. Người bệnh bị giam cầm trong chính nhà của họ. Để ngăn chặn du khách khỏi nhiễm bệnh, các lối vào thành phố đều bị khóa chặt và bảo vệ nghiêm ngặt. Bất kỳ gia đình nào có người nhà bị nhiễm bệnh đều bị đánh dấu bằng chữ thập đỏ trên cửa để cảnh báo những người khác hãy tránh xa.

Bảo vệ mang vũ trang đóng quân mỗi ngày để ngăn chặn những ai muốn đến giúp đỡ người bệnh. Cộng thêm với việc đồ ăn và thuốc thang đang khan hiếm dần, những người bệnh đã chịu đựng quá đủ, họ quyết định đánh trả lại.

Nhiều gia đình lên kế hoạch sát hại lính gác để trốn thoát. Thòng lọng được luồn qua cửa sổ và hạ thấp xuống cho đến khi sợi dây treo quanh cổ người bảo vệ. Với một cú giật mạnh, người bảo vệ bị treo cổ và sẽ chỉ được thả ra nếu họ hứa để gia đình bên trong đi ra ngoài.

Với những người kiên quyết không đầu hàng, cái chết là lựa chọn cuối cùng. Đến lúc đó, một chiếc chăn sẽ được phủ lên đầu họ để đánh lừa những xe gác đi ngang qua. Khi nhiều con phố bị phong tỏa cùng một lúc, những người bệnh nổi loạn và giết hết lính canh. Từng có những người thậm chí điên cuồng đến mức chế ra thuốc nổ để ném vào người đám lính canh.

Nhưng sau tất cả, tự do đã không đáng để đổ máu. Những người mắc bệnh lang thang trên những con phố mà không được hỗ trợ gì cả. Khi họ chạy trốn khỏi London, nhiều ngôi làng nhỏ bắt đầu cấm nhập cảnh. Người dân địa phương ném đá và phân vào những bệnh xá. Một số nơi có cho người bệnh vào nhà để tá túc, nhưng cuối cùng cũng chỉ để cướp đi từ họ những đồng cuối cùng.

3. Những người lính Waterloo bị nghiền nát thành phân bón

Sánh vai cùng với Napoleon Bonaparte và nhóm nhạc huyền thoại ABBA, Waterloo thường là cái tên không thể không nhắc đến khi nói về những thảm họa lịch sử. 60,000 binh sĩ đã nằm xuống trên chiến trường Bỉ. Điều mà không ai trong số họ lường trước được là họ sẽ trở thành một trong những thành phần thiết yếu của nền nông nghiệp nước Anh. Một năm sau trận Waterloo, chiến trường đã được dọn sạch. Nhiều công ty đến lấy hài cốt của những binh sĩ đã qua đời và những con chiến mã của họ. Để tối đa hóa nguồn tài nguyên “hiếm có” này, họ đã nghiền nát số xương thu thập được thành bột. Thông lệ này khá phổ biến trên nhiều chiến trường khác của Napoléon như trận Leipzig và Austerlitz. 

Các báo cáo tại thời điểm đó cho biết, tổng cộng đã có hơn một triệu giạ xương người và thú vật còn sót lại trên chiến trường. Hài cốt của những người lính Pháp bại trận được đưa đến Yorkshire và sau đó nghiền ra. Chỗ xương được nghiền sau đó được trộn với phân bón cho cây. Với nạn trộm cắp quy mô lớn thời đó, các tờ báo đương đại cho biết rằng:

Một người lính chết là món hàng có giá trị cao nhất.

Được gửi hàng loạt đến Doncaster, hợp chất chứa xương người này đã giúp cây lớn nhanh trong trung tâm nông nghiệp của Anh Quốc. Nông dân địa phương có thể mua hợp chất này để tự trồng trọt kiếm thêm chút đỉnh cho gia đình. Đã có cả một thế hệ người châu Âu ăn những món đồ được làm ra với sự trợ giúp của xương người nghiền nát. Hannibal Lecter chắc chắn sẽ tự hào…

4. Cái chết đầy kịch tính của Đức Giáo Hoàng đáng kính Pius XII

Ngài chỉ có một yêu cầu đơn giản trước khi chết: Không ướp xác. Đức Giáo Hoàng Pius XII không muốn ai can ngăn vào cơ thể mà Chúa đã tạo ra cho ngài. Khi cái chết của Đức Giáo Hoàng đến vào năm 1958, ngài đã có một nhiệm kỳ gây tranh cãi khá nhiều, đặc biệt là với những chính sách nhắm vào người ngoại đạo. Với tư cách là Giáo Hoàng trong khoảng thời gian trước và sau Thế Chiến 2, các nhà sử học đã tranh cãi rất nhiều về công lao lãnh đạo của Giáo Hoàng. Nhưng bỏ những cuộc tranh luận đó qua một bên thì cái chết của ngài cũng đã đủ rối trí rồi.

Bác sĩ riêng của Giáo Hoàng, Galeazzi-Lisi đạt được vị trí này chỉ vì ông thuộc dạng “con ông cháu cha.” Là bạn của Pius XII từ thời ngài vẫn còn giữ chức Hồng Y, Galeazzi-Lisi đã được bổ nhiệm làm bác sĩ chăm lo cho sức khỏe của Đức Giáo Hoàng mặc dù không đủ kinh nghiệm.

Bản thân là một tên lang băm không bằng cấp, Galeazzi-Lisi tự nghĩ ra một phương pháp ướp xác mới. Quá trình ướp xác với tên gọi Thẩm thấu dầu thơm của Galeazzi-Lisi bao gồm việc bọc xác chết bằng giấy bóng, sau đó ngâm trong tinh dầu thơm suốt 24 tiếng đồng hồ. Lý do mà các nhà khoa học đã từ bỏ thực hiện phương pháp ướp xác này ngay lập tức là vì nó cho phép khí tích tụ trong nội tạng, đồng thời để cơ thể ở tình trạng thối rữa. Với cái nóng hậm hực của Địa Trung Hải, xác chết của Đức Giáo Hoàng Pius XII nổ tung trên đường được rước về.

Sau khi sự việc xảy ra, Galeazzi-Lisi đã bị ép phải ướp xác Đức Giáo Hoàng lại theo những cách thông thường, và phải thực hiện nhanh trong một đêm. Nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn. Mũi và ngón tay của Đức Giáo Hoàng đã bay mất. Sự phân hủy cũng đã làm cơ thể ngài bay màu. Được trưng bày trong Nhà thờ Thánh Peter, nhiều người đến khóc than đau buồn trước một xác chết màu xanh ngọc lục bảo. Lính canh ở gần đó cũng ngất đi vì mùi hôi. Sự nghiệp của Galeazzi-Lisi cũng chấm dứt vào ngày hôm đó. Nhờ sự ngu dốt của mình mà Lisi đã kiếm được cho mình chỗ đứng trong lịch sử: Người duy nhất bị trục xuất ra khỏi thành phố Vatican.

5. George Washington đội mồ quay về

Trước khi Tiến sĩ Victor Frankenstein ra đời, trên đời này đã tồn tại một vị tiến sĩ điên y hệt ông: William Thornton. Không như Frankenstein lùng sục khắp các ngôi mộ của những tên tội phạm bị xử tử để làm vật thí nghiệm, Thornton đã chọn cho mình đối tượng nghiên cứu tinh tế hơn: Người sáng lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Martha Washington từng hứa với chồng mình rằng ông sẽ sống được đến năm 1800, nhưng George Washington đã qua đời vào ngày 14/12/1799. Vì muốn giữ lời với chồng mình, Martha đã liên hệ với tiến sĩ William.

George Washington khi còn sống rất sợ cảnh tượng bị chôn. Những câu chuyện hãi hùng về cỗ quan tài với chiếc nắp bị bật ra giữa đêm đã làm ông sợ từ nhỏ. Trước khi qua đời, ông đã dặn thư ký của mình là xác của ông sẽ không bị để trong hòm quá 3 ngày. Trong khoảng thời gian đó, người nhà và bạn bè sẽ ngồi quanh cỗ quan tài để xem ông có sống lại không, nhưng Thornton đã có dự tính khác.

William Thornton là một trong những nhà vật lý có triển vọng nhất thời đó. Sau khi theo học những ngôi trường tốt nhát châu Âu, Thornton thề rằng sẽ chữa được mọi bách bệnh mà George Washington mắc phải, kể cả cái chết.

Theo kế hoạch của Thornton, sau khi George Washington nhắm mắt xuôi tay, ông sẽ hạ thấp cơ thể của George xuống mặt nước. Để rã đông, Thornton sẽ dùng nhiều lớp chăn để phủ lên người vị cựu tổng thống. Khi nhiệt độ cơ thể George càng tăng cao, ông dùng một chiếc bơm hơi nhét vào họng của George để bơm không khí vào, kích thích hô hấp. Để làm cho tim George đập lại, máu cừu sẽ được bơm từ từ vào tim George. Sau đó, vị tổng thống sẽ sống lại như chưa có chuyện gì xảy ra. Kế hoạch này sau đó đã hoàn toàn bị bác bỏ, và mãi cho đến 20 năm sau, Thornton vẫn cay cú rằng nếu mọi người chịu nghe ông thì thế giới này có thể đã khác đi rất nhiều.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.