• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

'Tiễn Bánh Ú' - Nghi thức loại trừ tà ma trong văn hoá dân gian Đài Loan

Kinh dị

Nhà cửa dọc hai bên đường đều bị đóng kín, không một ai dám ló mặt ra ngoài, cả khu phố dường như không có người sống.  Bởi nơi này đang tiến hành nghi thức mai táng đặc biệt - Tiễn Bánh Ú.

Tiễn Bánh Ú (sàng bah-tsàng/sàng bah-chàng) còn được biết đến với tên tiễn sát hoặc dọn sợi mì, là một nghi thức trừ tà và cũng là một trong những tập tục mai táng đặc biệt ở Đài Loan. Nhưng chưa chắc ai ở Đài Loan cũng biết đến nó, bởi đây không phải một tập tục phổ biến mà chỉ được lưu hành ở vùng Chương Hóa, Lâm Hải, bắt nguồn từ Phúc Kiến, Tuyền Châu, Trung Quốc.

Bánh ú hay sợi mì ở đây là tiếng lóng dùng để chỉ người chết vì bị siết cổ hoặc người treo cổ tự sát. Dân gian tin rằng vong hồn những người chết vì siết cổ có oán khí rất nặng, nếu không xử lý tốt sẽ dễ xuất hiện hiện tượng tìm thế thân - tức vong hồn sẽ tìm kiếm và giết người còn sống để thế chỗ cho mình, còn mình thì đi đầu thai chuyển kiếp.

Khởi nguyên

Nhắc đến Tiễn Bánh Ú, người ta thường nghĩ ngay tới vùng Lộc Cảng. Thật ra rất nhiều tập tục dân gian ở Đài Loan đều là được những người di cư hoặc thông qua hoạt động giao thương,.. mang tới. Đặc biệt khi xưa, Lộc Cảng và Tuyền Châu là hai điểm mốc giao thương quan trọng giữa hai bờ nên lại càng bị ảnh hưởng sâu đậm. Tục Tiễn Bánh Ú lưu truyền hơn trăm năm này cũng là một trong số đó.

Để giải thích về tập tục này, nhà dân tộc học Trần Sĩ Hiền đã chia sẻ:

“Người chết dùng cách cực đoan để kết thúc sinh mạng của mình, hàng xóm xung quanh và dân trong vùng sợ linh hồn người chết không chịu yên nghỉ, nên muốn mượn sức mạnh từ thần linh được thờ phụng trong chùa miếu. Thông qua việc tổ chức nghi thức đưa tiễn, tiễn linh hồn này đi, trả lại bình yên cho vùng. Ngoài ra, người treo cổ nếu nhìn từ một góc khác trông không khác gì những cái bánh ú thịt được treo lủng lẳng trên xà nhà, cũng vì thế mà sau này người ta dùng cách gọi Tiễn Bánh Ú thay cho cách nói tiễn người thắt cổ.”

Ngoài ra, dân gian quan niệm trong tất cả các loại tự sát, người treo cổ tự sát có oán khí nặng nhất, vả lại dáng vẻ khi chết cũng thuộc dạng đáng sợ nhất. Những vong hồn này sau khi chết sẽ không chịu siêu thoát, thường bắt người sống làm thế thân, nên mới tổ chức nghi thức này để tiễn vong hồn đi. Một cách nói khác nữa là bánh ú đại diện cho sát khí - cũng tức là những oán hận trước khi chết và những đau đớn trong quá trình tự sát; tất cả những kí ức bất hạnh đó được tích luỹ thành sát khí vào giây phút trước khi họ lìa đời, nên nhất định phải dùng nghi thức đặc biệt để tiễn sát khí đi, tránh làm ảnh hưởng tới người chung quanh.

Nghi thức

Nghi thức Tiễn Bánh Ú thường sẽ do các đạo sĩ mặc trang phục Chung Quỳ làm chủ trì suốt buổi lễ. Nếu bắt đầu khai đàn lúc 11 giờ khuya, thì từ 9-10 giờ tối đã phải chuẩn bị đàn tế, mời vương gia khởi giá.

Bắt đầu nghi thức, đạo sĩ mặc trang phục Chung Quỳ phối hợp với vài người mặc áo yếm, đến nơi phát hiện thi thể người thắt cổ, dùng người rơm hoặc người giấy thay thế cho người chết, đồng thời tiến hành thu gom thứ người chết dùng để treo cổ như dây thừng, thân cây, giá, xà ngang, cầu thang,… để đưa đi chung, vì oán khí của người chết sẽ bám vào những vật dụng này, nhất là sợi dây thừng họ dùng để treo cổ.

Người ta bỏ người rơm và dây thừng vào chung một cái hộp giấy gọi là hộp đựng sát, nếu người chết thắt cổ trên xà ngang, họ sẽ gỡ một phần xà ngang xuống mang đi cùng, nếu là cửa sẽ tháo dỡ toàn bộ cửa, nếu là cây sẽ chặt cả cây xuống, nếu là tường xi-măng sẽ gỡ một góc tường xuống,… để tránh sát khí còn đọng lại. Suốt quá trình, tất cả người tham gia không được nói bất kì câu nào, càng không được quay đầu ngó ra sau hay tách khỏi đoàn người.

Thực hiện

Con đường được chọn để tiến hành nghi thức đều sẽ được dán thông báo hoặc bày đặt các đàn tế đưa tiễn nhằm tránh né các chướng ngại vật và cũng để người dân chung quanh không xuất hiện trong thời gian thực hiện nghi thức. Tất cả nhà dân quanh đó đều phải đóng chặt cửa nẻo trong nhà, trước đó các đạo sĩ phụ trách thực hiện nghi thức cũng sẽ đi dọc theo tuyến đường làm lễ dán bùa chú, để tránh sát khí từ vong hồn ảnh hưởng tới người vô tội.

Đi đầu đội ngũ sẽ là đạo sĩ mặc trang phục Chung Quỳ và người cầm hộp giấy đựng sát, tượng thần, gà vịt theo sau, hai bên có người rải muối và gạo, đằng sau có người đánh trống, thả pháo, gõ thanh la, đi cuối đội ngũ là hai người cầm chổi quét dọc đường đi, tượng trưng cho quét sát khí. Muối và gạo được ngâm trong nước bùa, được niệm chú để biến thành đạn vàng, xua tan sát khí.

Sau khi đến bờ biển, người ta sẽ đốt hộp giấy đựng sát trước, cầm chiếu cỏ mang theo đánh xuống đất, đồng thời xua vịt đi, xem như đang áp sát. Khi pháo mang theo đều được đốt sạch, đoàn người sẽ quay trở về, nhưng không phải về nhà mà là ghé đến chùa miếu để tẩy uế khí. Cả quá trình thực hiện kéo dài khoảng 2 tiếng.

Nếu trong quá trình Tiễn Bánh Ú mà có người vô tình gặp phải, vậy người này nhất định phải gia nhập vào đoàn người tiễn. Không chỉ vậy họ phải đi theo tham gia cho xong hết nghi thức, xem như tiễn đưa vong hồn đi đầu thai, hơn nữa cả quá trình này không được nói bất kì một câu nào nếu không sẽ tự rước họa vào thân. Sau khi trở về cũng cần đến chùa miếu bái lạy để tránh mang theo uế khí về nhà, làm ảnh hưởng tới người chung quanh.

Những vật dụng dùng trong nghi lễ

Có không ít người đã chia sẻ kinh nghiệm gặp được đội Tiễn Bánh Ú của mình, như: "Có trẻ con ham chơi, không hiểu chuyện, thấy đoàn người vừa đánh thanh la vừa múa may rất thú vị nên chạy đi theo chơi, đến hôm sau trên đường đi học về, đứa trẻ này bị xe tông chết."

Bảy điều cấm kị khi tham gia nghi thức Tiễn Bánh Ú (1)

Người khác lại kể: "Khi còn nhỏ từng có một đội ngũ Tiễn Bánh Ú đặt lộ tuyến đi ngang qua trường tiểu học mình đang theo học, thế là hôm ấy cả trường nghỉ lớp bổ túc ban đêm để tránh gặp phải đoàn đưa tiễn. Hoá ra trường học và người dân xung quanh khu vực được chọn làm tuyến đường đều nhận được thông báo trước, nên tối đó cả khu vực đều vắng tanh, không có tiếng xe đi qua đi lại, thậm chí người ta còn đóng kín cửa nhà, không ló đầu ra khỏi cửa."

Bảy điều cấm kị khi tham gia nghi thức Tiễn Bánh Ú (2)

Trên thực tế, nghi thức này đầu tiên là để các đạo sĩ, pháp sư có thêm việc làm, thứ hai là để xua tan cảm giác sợ hãi. Bởi vì khi có người chết, đặc biệt là người chết có dáng vẻ đáng sợ thế này, người xung quanh đều có xu hướng e sợ. Vì vậy họ chọn dùng nghi thức Tiễn Bánh Ú để tiễn đi nỗi sợ hãi của mình, các đạo sĩ cũng vui vẻ giúp gia chủ tổ chức nghi thức. xem như đôi bên đều được lợi.

Bảy điều cấm kị khi tham gia nghi thức Tiễn Bánh Ú (3)

Năm 2018, Đài Loan đã ra mắt một bộ phim điện ảnh lấy đề tài Tiễn Bánh Ú, bên cạnh mong muốn thông qua phim ảnh giữ gìn tập tục văn hoá dân gian, bộ phim còn đề cập đến những hậu quả do bạo lực học đường gây nên. Tuy không đáng sợ hoặc quá kinh khủng so với những bộ phim cùng thể loại, nhưng quá trình thực hiện nghi thức cũng như không khí của cảnh Tiễn Bánh Ú trong phim đã được xây dựng cực kì hoàn hảo.

Theo: Goody
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.