• Về đầu trang
Chim Bay Bay
Chim Bay Bay

9 người phụ nữ quyền lực định hình lịch sử hội họa đương đại của thế giới

Lịch sử

Xuất thân từ những nền văn hóa khác nhau, những người phụ nữ trong danh sách này đều có một điểm chung là khả năng cảm thụ cái đẹp, phát hiện những hạt giống tiềm năng và tạo cho chúng cơ hội đơm hoa kết trái. Nhờ vào đó, những họa sĩ danh tiếng như Picasso, Pollock và Dalí mới có được sự ổn định để thỏa sức sáng tạo.

important women art world

Betty Parsons (góc trái bên trên), Gertrude Vanderbilt Whitney (góc phải bên trên), Isabella Stewart Gardner (giữa), Gertrude Stein (góc phải bên dưới) và Gala Dalí (góc trái bên dưới). Nguồn: My Modern Met.

Isabella Stewart Gardner

isabella stewart gardner

Bức chân dung của Gardner được trưng bày trong Bảo tàng Isabella Stewart Gardner tại Boston. Nguồn: Artsy.

Là nhân vật nổi bật trong giới thượng lưu nước Mỹ với tình yêu dành cho nghệ thuật, cô gái trẻ Isabella Stewart Gardner biết đến nền hội họa thời Phục Hưng Ý khi lần đầu đến Châu Âu vào năm 1857.

Với sự tò mò và trí thông minh của mình, từ nhỏ bà đã yêu thích và nghiên cứu những tác phẩm của các họa sĩ và nhà văn tầm cỡ như John Singer Sargent, James McNeill Whistler và Henry James.

Bà được xem là một người phụ nữ gợi cảm và gây tranh cãi vì gu thời trang cá tính cũng như lối hành xử có phần “lập dị" so với xã hội thời đó.

Bà và chồng đã đi du lịch đến Châu Âu, Châu Á và vùng Trung Đông từ thập niên 70 của thế kỉ 19. Họ bắt đầu bộ sưu tập nghệ thuật của mình ở Châu Âu, sau đó thu thập cả những tác phẩm đến từ Ai Cập và các nước Đông Á.

Không chỉ có hứng thú với tranh, Gardner còn sưu tập đồ gốm, đồ bạc, thủy tinh và cả những món đồ nội thất. Sau khi chồng qua đời vào năm 1898, Gardner quyết định thành lập một viện bảo tàng ở Boston để trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ của mình, bao gồm những bức chân dung được vẽ bởi người được xem là “họa sĩ chân dung nổi tiếng nhất thế kỉ 20", John Singer Sargent.

isabella stewart gardner museum

Vẻ đẹp cổ kính của Bảo tàng Isabella Stewart Gardner tại Boston. Nguồn: Artsy.

Bảo tàng được khai trương vào năm 1903 với hàng loạt các tác phẩm đa dạng, từ những bức tranh đáng giá thời Phục Hưng, các bức họa của họa sĩ Pháp lừng danh Matisse cho đến những món đồ từ thời Ai Cập cổ đại.

Vào năm 1990, Bảo tàng Isabella Stewart Gardner gây xôn xao dư luận khi là đối tượng của một vụ cướp được dàn dựng công phu. 13 tác phẩm có tổng trị giá 500 triệu USD đã “không cánh mà bay", bao gồm một bức tranh cực hiếm của họa sĩ thời Baroque Vermeer và bức tranh vẽ biển duy nhất của họa sĩ thiên tài Rembrandt.

Cho tới nay, thủ phạm vẫn chưa được tìm thấy và vụ cướp bảo tàng Isabella Stewart Gardner sẽ mãi là một trong những bí ẩn không lời giải đáp của lịch sử nghệ thuật thế giới.

Gertrude Vanderbilt Whitney

gertrude vanderbilt whitney

Gertrude Vanderbilt Whitney và niềm say mê với công việc điêu khắc. Nguồn: My Modern Met.

Sinh ra trong gia đình Vanderbilt và được gả vào gia tộc Whitney nổi tiếng giàu có, Gertrude Vanderbilt Whitney tận dụng đẳng cấp xã hội thượng lưu để hỗ trợ sự phát triển của nghệ thuật.

Vốn là một nhà điêu khắc nhưng bà không nhận được sự ủng hộ từ gia đình và chồng. Gertrude phải hoạt động dưới một nghệ danh khác vì sợ rằng địa vị xã hội sẽ ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận mình trong lĩnh vực nghệ thuật.

Tuy nhiên vì niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật, bà đã quyết định mở các studio ở New York, Paris và vào năm 1910, bắt đầu sử dụng tên thật của mình trong các tác phẩm điêu khắc. Tài năng của bà đã được công nhận bằng hàng loạt các giải thưởng và trưng bày trong triển lãm nghệ thuật danh giá Paris Salon vào năm 1911.

Sau Thế chiến I, Whitney tập trung vào các công trình đài tưởng niệm thương binh liệt sĩ mà cho đến nay vẫn còn được lưu giữ trên khắp nước Mỹ.

titanic memorial

Đài tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm họa lịch sử Titanic ở Washington được thiết kế bởi Gertrude Vanderbilt Whitney. Nguồn: Flickr.

Bên cạnh điêu khắc, Whitney thể hiện tình yêu dành cho cái đẹp bằng cách tận dụng tài sản khổng lồ và danh tiếng của mình để ủng hộ những tài năng nghệ thuật, đặc biệt ưu ái các nữ nghệ sĩ cùng thời.

Ngoài ra, bà còn tài trợ các quỹ tài chính quảng bá nghệ thuật sáng tạo và cứu tạp chí The Arts trên bờ vực đóng cửa khi cam kết bảo lãnh mọi rủi ro tài chính.

Đến năm 1913, Whitney thành lập một câu lạc bộ ở New York dành cho những nghệ sĩ trẻ triển vọng - nơi họ có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện và đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính, nhà cửa cho những tâm hồn yêu nghệ thuật trong tình trạng khó khăn.

Sau khi Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (The Met) từ chối đề nghị quyên góp bộ sưu tập nghệ thuật bao gồm hơn 700 tác phẩm đương đại của bà, Whitney quyết định xây dựng một viện bảo tàng của riêng mình.

whitney museum

Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney tại trung tâm thành phố New York sau khi được phục hồi và nâng cấp. Nguồn: Whitney.

Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney ra đời vào năm 1931, giám đốc đầu tiên là nữ, với mục đích mang nghệ thuật đương đại Mỹ đến gần hơn khán giả Mỹ, những người vẫn đang xem nghệ thuật của chính nước họ là lỗi thời.

Gertrude Stein

gertrude stein

Chân dung nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch và nữ doanh nhân nghệ thuật Gertrude Stein. Nguồn: Poetry in Voice.

Sinh ra tại Pittsburgh (Mỹ), nhưng nhà văn, nhà thơ và biên kịch Gertrude Stein xem Paris là quê hương thứ hai khi chuyển đến sống tại thủ đô nước Pháp vào năm 1903.

Những buổi giao lưu của bà ở Paris luôn có sự xuất hiện của những cái tên nổi tiếng nhất trong giới nghệ thuật như Matisse, Picasso, Hemingway và F. Scott Fitzgerald.

Từ năm 1903 đến 1914, bà cùng với anh trai Leo thu thập và sở hữu bộ sưu tập hội họa khổng lồ, bao gồm hàng loạt những bức tranh ấn tượng từ các họa sĩ hàng đầu nước Pháp như Gauguin, Cézanne, Renoir, Delacroix và Toulouse-Lautrec.

Dù Stein và anh trai chia đôi bộ sưu tập của họ sau khi ngừng sống cùng nhau, danh tiếng của bà trong giới nghệ thuật ngày càng được nâng cao với biệt tài “nhận ra những họa sĩ thiên tài thay vì sưu tập những tác phẩm có giá trị", theo đánh giá của nhà phê bình nghệ thuật Henry McBride.

Stein đặc biệt ưu ái Pablo Picasso và tiếp tục ủng hộ những tác phẩm của ông khi Picasso trở thành người tiên phong khởi đầu trường phái Lập thể. Bức chân dung của bà do Picasso khắc họa vào năm 1906 hiện vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (The Met).

gertrudestein

Bức chân dung của Gertrude Stein được vẽ bởi Pablo Picasso. Nguồn: Wikipedia.

Dù được biết đến là một trong những thiên tài của ngành văn học, tầm ảnh hưởng của Stein trong giới nghệ thuật được xem là không kém phần quan trọng, khi sự ủng hộ của bà đối với những tác phẩm thuộc trường phái Hậu ấn tượng được xem là bệ phóng sự nghiệp của Matisse và Picasso, hai trong số những họa sĩ vĩ đại nhất của thế kỉ 20.

Gala Dalí

gala dali

Người phụ nữ đằng sau ánh hào quang của họa sĩ thiên tài Salvador Dalí - Gala Dalí. Nguồn: Núvol.

Đối với họa sĩ bậc thầy Salvador Dalí, Gala Dalí còn hơn cả một người bạn đời. Không chỉ là nàng thơ, là cảm hứng cho những bức vẽ của ông, bà còn là người quản lý, người thầm lặng nơi hậu trường thương lượng và giải quyết các hợp đồng kinh doanh để ông tự do thỏa sức sáng tạo.

Bà để tâm và chu đáo đến những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống của ông, như từng chiếc cọ ông dùng để vẽ hằng ngày. Cùng nhau, họ đã xây dựng nên một đế chế nghệ thuật vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.

gala dali salvador dali

Salvador và Gala Dalí. Nguồn: Artnet.

Trước khi gặp Salvador Dalí, Gala Dalí đã có hứng thú với trường phái Siêu thực khi bà dành hàng giờ ngắm nhìn những tác phẩm trong các phòng trưng bày mỹ thuật thuộc trường phái này ở Paris vào những năm 20 của thế kỉ 20.

Đã từng là vợ của nhà thơ Paul Éluard và là người tình của họa sĩ Max Ernst, hai nhân vật tiên phong của chủ nghĩa Siêu thực, Gala Dalí có tiếng nói và những đóng góp không nhỏ đến sự phát triển của trường phái này.

Peggy Guggenheim

peggy guggenheim

Nhà sưu tập nghệ thuật có tầm ảnh hưởng trong giới thượng lưu Peggy Guggenheim. Nguồn: Art Market Monitor.

Sinh ra trong gia đình Guggenheim giàu có và là cháu gái của Solomon R. Guggenheim - nhà sáng lập viện bảo tàng Guggenheim ở New York, Peggy Guggenheim được xem là một nhà sưu tập nghệ thuật nổi bật của thế hệ bà.

Vào năm 1912 khi vừa tròn 21 tuổi, bà thừa hưởng 2,5 triệu USD (khoảng 35,3 triệu USD bây giờ) từ gia đình và chuyển đến Paris, nơi bà đã gặp gỡ và kết bạn với các họa sĩ, nhà điêu khắc và nhiếp ảnh gia nổi tiếng thời đó như Man Ray, Constantin Brancusi, Marcel Duchamp.

Guggenheim chính thức tập trung vào sự nghiệp sưu tập nghệ thuật vào năm 1938 khi bà mở phòng trưng bày tranh đầu tiên ở London, hướng về trường phái Siêu thực và Trừu tượng.

peggy guggenheim 1

Peggy Guggenheim chăm chút từng chi tiết nhỏ trong các buổi triển lãm nghệ thuật. Nguồn: Guggenheim.

Thông qua Marcel Duchamp, bà bắt đầu mở rộng các mối quan hệ trong giới nghệ thuật và trưng bày những tác phẩm đến từ nhiều họa sĩ đương đại danh tiếng như Pablo Picasso, Henry Moore, Alexander Calder, Jean Arp và Max Ernst. Sau một năm hoạt động, bà quyết định đóng cửa phòng trưng bày để thành lập viện bảo tàng của riêng mình.

peggy guggenheim collection

Bảo tàng Peggy Guggenheim Collection tại Venice. Nguồn: Guggenheim.

Sau khi chuyển đến sống tại Venice vào năm 1949, Guggenheim đưa Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Peggy Guggenheim Collection vào hoạt động, trưng bày bộ sưu tập hội họa bà có được qua nhiều năm sưu tầm bao gồm những tác phẩm thuộc trường phái Siêu thực, Lập thể và Trừu tượng của nhiều họa sĩ đến từ Mỹ và châu Âu.

Cho đến nay, Bảo tàng Peggy Guggenheim Collection vẫn nằm trong danh sách những địa điểm phải đến nhất tại Venice.

Betty Parsons

betty parsons

Chân dung Betty Parsons. Nguồn: Art in America.

Là một nhà điêu khắc và họa sĩ vẽ tranh trừu tượng, tuy nhiên Betty Parsons được thế giới biết đến với tư cách là một trong những nhà kinh doanh nghệ thuật theo phong cách mid-century có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ 20. Bà chính là người đã phát hiện tài năng và tạo điều kiện phát triển cho họa sĩ nổi tiếng Jason Pollock.

Vào năm 1946, Parsons mở một phòng triển lãm tranh ở New York và là người duy nhất chấp nhận đại diện cho Jason Pollock khi nghệ thuật mang tính thử nghiệm vẫn chưa phổ biến ở thị trường nước Mỹ.

Ngoài ra, bà còn đào tạo và đóng góp ý kiến cho quá trình sáng tạo của hàng loạt họa sĩ khác như Mark Rothko, Ellsworth Kelly, Robert Rauschenberg, Jasper Johns.

betty parsons 2

Betty Parsons ở studio của bà vào năm 1969. Nguồn: Artsy.

Cả cuộc đời bà là dành cho nghệ thuật, quản lý phòng tranh và dành mỗi cuối tuần vẽ tranh tại studio riêng ở Long Island cho đến khi qua đời vào năm 1982.

“Betty và phòng triển lãm của bà đã định hướng cho nghệ thuật đương đại" - họa sĩ Helen Frankentheler nói về Parsons - “Bà là một tài năng hiếm có của thời đại.”

Eleanor Ward

Eleanor Ward bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực thời trang với công việc trợ lý của nhà thiết kế nổi tiếng Christian Dior. Sau khi chuyển đến New York, với sự khuyến khích của Dior, Ward đã mở phòng triển lãm nghệ thuật Stable Gallery vào năm 1953.

eleanor ward christian dior

Eleanor Ward và Christian Dior. Nguồn: Twitter.

Phòng tranh của bà trở nên nổi tiếng khi lựa chọn trưng bày các tác phẩm của những họa sĩ triển vọng và gây tranh cãi suốt thập niên 50 và 60 của thế kỉ 20, đồng thời là nơi tổ chức những buổi giới thiệu cá nhân đầu tiên của các họa sĩ nổi tiếng Andy Warhol, Cy Twombly, Robert Indiana.

eleanor ward 2

Eleanor Ward và họa sĩ Robert Indiana tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) vào năm 1963. Nguồn: Artnet.

Đây cũng chính là nơi Ward đã đặt niềm tin vào cậu nhân viên lao công phòng tranh Robert Rauschenberg và không lâu sau đó, Stable Gallery bắt đầu trưng bày những tác phẩm nổi tiếng của cậu.

Là người tiên phong trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, bên cạnh hội họa, bà có niềm yêu thích với điêu khắc và nhiếp ảnh khi hỗ trợ nhà điêu khắc Louise Bourgeois trong những bước đầu sự nghiệp. Phòng tranh Stable Gallery của bà là một trong những phòng triển lãm đầu tiên trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh.

Ngoài ra, bà còn làm việc với những nghệ sĩ biểu diễn để kết hợp yếu tố kịch nghệ vào những buổi triển lãm nghệ thuật của mình.

eleanor ward

Eleanor Ward cùng các nghệ sĩ tại phòng triển lãm Stable Gallery. Nguồn: Alexander and Bonin.

Vào năm 1970, khi giới nghệ thuật trở nên thương mại hóa, Ward quyết định đóng cửa phòng tranh Stable Gallery. Tuy qua đời vào năm 1984, danh tiếng và những đóng góp của bà vẫn còn mãi trong lòng những người yêu nghệ thuật ở thành phố New York thời đó.

Ileana Sonnabend

ileana sonnabend

Chân dung Ileana Sonnabend được chụp vào năm 1986. Nguồn: MFAH.

Nhà kinh doanh nghệ thuật người Mỹ gốc Romania - Ileana Sonnabend là người đã đem nền hội họa Mỹ đến gần hơn với khán giả châu Âu khi khai trương phòng triển lãm nghệ thuật Sonnabend Gallery tại Paris vào năm 1962.

Bà cũng chính là người đã giúp các họa sĩ Pop Art người Mỹ Andy Warhol và Roy Lichtenstein có được chỗ đứng tại thị trường mới này.

Sau khi chuyển về New York sinh sống, Sonnabend đã góp phần biến khu SoHo của thành phố này trở thành một trong những kinh đô của nền hội họa quốc tế.

Phòng tranh SoHo của Sonnabend tập trung vào các trường phái nghệ thuật mới như nghệ thuật nhận thức, nghệ thuật tối giản và phong trào nghệ thuật đương đại Arte Povera với các tác phẩm đến từ châu Âu và Mỹ.

Giữa những năm 80, bà đã giới thiệu đến nghệ thuật nước Mỹ cái tên Jeff Koons và giúp ông trở thành một trong những họa sĩ nổi bật nhất giới hội hạọađương đại.

ileana sonnabend jeff koons

Ileana Sonnabend và Jeff Koons bên một tác phẩm điêu khắc của Koons được trưng bày ở phòng tranh Sonnabend Gallery. Nguồn: Eroii Romaniei Chic.

Sau khi qua đời vào năm 2007, một phần bộ sưu tập tranh sau thế chiến của Sonnabend được bán với giá trị 600 triệu USD.

Những đóng góp của bà trong việc kết nối những nghệ sĩ trẻ với khán giả được Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Museum of Modern Art) vinh danh cùng buổi triển lãm mang tên bà Ileana Sonnabend: Ambassador for the New vào năm 2014.

Sheikha Al-Mayassa

sheikha al mayassa

Sheikha Al-Mayassa. Nguồn: Global Thinkers Forum.

Em gái của nhà vua nước Qatar, Sheikha Al-Mayassa được tạp chí Forbes gọi là “Nữ hoàng không đối thủ của giới hội họa". Bà đang nắm giữ chức chủ tịch cụm Bảo tàng Qatar với ngân sách mua tranh hàng năm lên đến 1 tỉ USD.

Vị trí xã hội, danh tiếng trong giới nghệ thuật cũng như ngân sách khổng lồ được bà sử dụng để mang những tác phẩm của hàng loạt họa sĩ danh tiếng thế giới như Cézanne, Rothko, Warhol, Bacon và Damien Hirst đến vùng Trung Đông.

Vào năm 2015, thương vụ mua tác phẩm When Will You Marry? được vẽ bởi họa sĩ bậc thầy Gauguin của bà đã khiến When Will You Marry? trở thành bức tranh đắt giá nhất thế giới và khiến Qatar trở thành một phần quan trọng của thị trường hội họa quốc tế.

Bên cạnh đó, Qatar còn đang trong quá trình xây dựng thêm các bảo tàng, bao gồm Bảo tàng Quốc gia được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Jean Nouvel và Bảo tàng Phương Đông do hãng kiến trúc Herzog & de Meuron thực hiện.

Dù hiếm khi đồng ý tham gia các cuộc phỏng vấn, Al-Mayassa đã chia sẻ những động lực đằng sau bộ sưu tập nghệ thuật ngày càng đa dạng của đất nước Qatar trong bài phát biểu tại hội thảo TED năm 2012 - “Qatar đang làm mới mình qua những phát triển về mặt văn hóa, vì thế nghệ thuật và hội họa đã trở thành một phần bản sắc của đất nước chúng tôi”.

Theo: mymodernmet
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.