• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Ảnh hiếm về những huyền thoại Samurai cuối cùng của Nhật Bản

Lịch sử

Ngoài những gì chúng ta biết về Samurai trên phim ảnh, có rất ít tư liệu thật về tầng lớp này trong xã hội phong kiến Nhật Bản ngày trước. Hình ảnh còn là thứ hiếm hoi hơn trong thời kì này, các nhà lịch sử hầu như rất ít khi tìm được ảnh chụp về Samurai trong suốt thời kỳ hưng thịnh của họ. Đến thế kỷ 19, công nghệ nhiếp ảnh đã dễ dàng hơn, đồng thời cũng là lúc Nhật Bản mở cửa quốc tế trở lại, người ta mới được nhìn thấy những tấm ảnh thật về đội quân Samurai mạnh mẽ nhất Nhật Bản.

Nhật Bản đã đóng cửa đất nước trong suốt 250 năm, giai đoạn này được gọi là thời kỳ Tokugawa hay còn gọi là thời kì Edo. Đến khi Phó đề đốc người Mỹ Matthew Calbraith Perry xuất hiện ở vịnh Edo tháng 7/1853 để thương thuyết về mở cửa kinh tế. Khi đó Nhật Bản mới chính thức giao thương trở lại với thế giới, đánh dấu thời kì Edo chính thức suy tàn. Và trong suốt 250 năm bế quan toả cảng, Nhật đã xây dựng chế độ phong kiến vững mạnh, cùng sự phát triển của tầng lớp võ sĩ đạo Samurai - đội quân phục tùng cho các shogun (Mạc chúa - những vị lãnh tướng có quyền lực rất cao trong bộ máy phong kiến Nhật lúc bấy giờ).

Chính sự suy sụp của thời kì Edo, Samurai không còn các lãnh chúa để phục tùng, dẫn đến họ không còn vị thế nào ở Nhật Bản. Cuối cùng, vào năm 1876, Thiên Hoàng cấm samurai mang kiếm, dẫn đến việc kết thúc thời kì Samurai.

"Samurai Kubota Sentarô mặc áo giáp đứng cùng binh lính của mình" Yokohama, năm 1864, được chụp bởi Felice Beato.

Trong ảnh là một trong những Samurai cuối cùng, ông là chỉ huy lực lượng shogunal ở gần Kanagawa. Ông được mọi người kính trọng vì sự cởi mở về tư tưởng phương Tây, đặc biệt là trong các vấn đề quân sự, và ông thậm chí còn tìm kiếm lời khuyên về việc đào tạo các samurai của mình trong thời kì hiện đại.

"Chân dung Samurai không xác định đang mặc áo giáp (trái)" tại Yokohama, khoảng năm 1873-76, được chụp bởi Suzuki Shin'ichi I. "Chân dung của Tokugawa Akitake (phải)" tại Paris, 1867, được chụp bởi André-Adolphe-Eugène Disdéri.

Bên trái là một bức ảnh chân dung Samurai hiếm hoi được chụp vào thời điểm mà tầng lớp này sắp biến mất. Mặc dù đạo luật 1871 đã ban lệnh cấm Samurai mặc giáp và đem theo kiếm, nhưng vị võ sĩ này vẫn để kiểu tóc truyền thống, mặc giáp và có kiếm. Đây có thể là những Samurai cuối cùng không đồng lòng với chính sách bãi bỏ Samurai vào thế kỷ 19.

Bên phải là hình ảnh anh em ruột của shogun cuối cùng và cũng là lãnh chúa miền Mito, Tokugawa Akitake (1853-1910) được phái đến Pháp vào năm 1867 với tư cách là một sứ giả đặc biệt, đi kèm với phái đoàn Nhật Bản tại Triển lãm Toàn cầu ở Paris. Ông trở về Nhật Bản khi shogun bị trục xuất vào năm 1868.

"Chân dung của Đại tá de Berckheim với các sứ giả Samurai đến từ Nhật". Ảnh chụp tại Paris, vào 5/1864, bởi Nadar (Gaspard-Félix Tournachon).

Trái: "Chân dung của Samurai vô minh (Rōnin)" tại Yokohama, khoảng năm 1867, ảnh chụp bởi Shimooka Renjō. Phải: "Kubota Sentarô trong bộ giáp sử dụng thanh kiếm" tại Yokohama, khoảng năm 1864, ảnh chụp bởi Felice Beato.

Ảnh trái: Chân dung này được thực hiện vào đầu thập niên 1870 bởi nhiếp ảnh gia Yokohama Shimooka Renjō, minh hoạ số phận của nhiều samurai khi chính phủ mới cướp đi địa vị và đặc quyền của họ. Một số Samurai phải làm các công việc thấp hèn, số khác thì lang thang khắp nơi, thậm chí có người phải cho thuê kiếm của mình để kiếm tiền.

Một nữ nhân quyền quý đang ngồi trong kiệu, được Samurai hộ tống. Ảnh được chụp vào khoảng năm 1867, bởi Felice Beato.

Ảnh trái: "Nữ kiếm sĩ" vào khoảng năm 1875, ảnh chụp bởi Raimund Baron von Stillfried. Ảnh phải: "Chân dung một Tư lệnh Samurai", khoảng năm 1870, chụp bởi một nhiếp ảnh gia người Nhật không xác định.

"Những cảnh sát miền Nam" vào khoảng năm 1867, ảnh chụp bởi Felice Beato.

Samurai cấp cao là người ngồi giữa ảnh mắt nhìn vào ống kính, còn các thành viên còn lại là thuộc hạ của ông ta, người cấp thấp nhất sẽ đứng xa tấm bản đồ nhất, cấp bậc tăng theo vị trí của các Samurai trong cuộc họp.

Samurai là một trong những đội quân đẳng cấp và có kỷ luật nhất lịch sử, đối với họ danh dự rất quan trọng. Để giữ gìn danh dự, Samurai thậm chí tự mổ bụng mình nếu đối mặt với thất bại như một cách khôi phục danh dự của chính mình và tầng lớp Samurai. Tính kỷ cương này vẫn tồn tại trong văn hoá của người Nhật trong suốt những năm tháng chiến tranh sau này, họ đều là những cảm tử quân hi sinh mạng sống như chính tinh thần Samurai trong lịch sử của họ.

Theo: BuzzFeed
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.