• Về đầu trang
Dorothy
Dorothy

Beethoven không bị điếc hoàn toàn?

Lịch sử

Nhà soạn nhạc cổ điển người Đức Ludwig van Beethoven nổi tiếng khắp thế giới nhờ những tác phẩm vĩ đại ông để lại cho đời, và khá nhiều trong số đó được sáng tác khi ông đã bị điếc. Tuy nhiên mới đây, theo một chuyên gia chuyên nghiên cứu về Beethoven, nhà soạn nhạc đại tài vẫn nghe được bằng tai trái trước khi qua đời vào năm 1827.

Beethoven được coi là người dọn đường cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

"Điều này sẽ khiến mọi người xôn xao." - Theodore Albrecht, giáo sư âm nhạc học tại Đại học Kent State (Ohio, Hoa Kỳ) nói. Qua những lời kể đương thời, Albrecht tin rằng mặc dù bị suy giảm thính giác nghiêm trọng, Beethoven vẫn không bị điếc hoàn toàn như các nhà âm nhạc học khác giả định.

Theodore Albrecht tin rằng Beethoven không bị điếc hoàn toàn

"Beethoven không bị điếc hoàn toàn tại buổi ra mắt Bản giao hưởng số 9 vào tháng 5 năm 1824, ông vẫn còn có thể nghe thấy. Mặc dù tai ông ngày càng yếu đi trong khoảng hai năm sau đó." - Albrecht cho biết.

Beethoven bắt đầu mất thính giác vào năm 1798. Ông từng nói với một người bạn về sự suy giảm thính giác của mình:

"Nếu tôi theo bất kỳ nghề nào khác, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Nhưng trong ngành của tôi, nó là một tình huống đáng sợ."

Từ năm 1812 đến 1816, Beethoven đã thử thiết bị trợ thính nhưng tác dụng đem lại không đáng kể. Từ 1818, ông mang theo những cuốn sổ trò chuyện để bạn bè và người quen viết vào lời bình luận của họ.

Ảnh minh hoạ Beethoven cùng một chiếc kèn trợ thính - thiết bị được phát minh bởi Frederick C. Rein vào năm 1800

Theo nhiều người, vào năm 1823, trong một lần ghé thăm quán cà phê yêu thích, Beethoven gặp một người lạ và được chỉ dẫn về chứng suy giảm thính lực. Ông đã viết nguệch ngoạc lời khuyên trong cuốn sổ: "Phòng tắm và không khí tại đồng quê có thể cải thiện nhiều thứ. Không nên sử dụng các thiết bị trợ thính cơ học quá sớm. Chính vì không sử dụng chúng, tôi đã bảo vệ được tai trái của mình."

Ông thêm vào: "Nếu có thể, trò chuyện thông qua việc viết thì tốt hơn. Lắng nghe không cần thiết cho lắm." Cũng theo một vài lời kể khác, từ năm 1824, một nhạc sĩ đến thăm Beethoven đã nói với ông: "Anh có thể thực hiện các bản nhạc một mình. Điều khiển toàn bộ buổi hòa nhạc sẽ khiến thính giác anh căng thẳng. Tôi khuyên anh không nên làm như vậy."

"Cuốn sổ trò chuyện thay đổi ván bài." - Albrecht nói. Qua những bằng chứng tại Nhà Beethoven ở Bonn và Thư viện Berlin, người ta phát hiện rằng Beethoven đã tìm kiếm 23 tài liệu tham khảo trực tiếp về chủ đề thính giác, cho thấy ông vẫn có thể nghe được gì đó.

Bảo tàng Nhà Beethoven ở Bonn (Đức)

Một số nhà âm nhạc học cho rằng, khi thính giác trở nên tồi tệ hơn, Beethoven ưa dùng các nốt thấp và trung. Ông bắt đầu sử dụng các nốt cao khi bị điếc hoàn toàn, dựa vào trí nhớ và trí tưởng tượng. Tuy nhiên, nhìn vào sự sắp xếp các nốt nhạc trong bản giao hưởng hoàn chỉnh cuối cùng, Albrecht bác bỏ giả thuyết đó: "Tôi không nghĩ vậy. Bạn sẽ làm gì trong Bản giao hưởng số 9 với dàn sáo piccolo ở trên và dàn đại hồ cầm bên dưới? Tất cả các bản nhạc vẫn còn đó. Ông ấy có thể nghe thấy chúng bằng tai trong của mình. Ông ấy thật tuyệt vời."

Bản thảo Bản giao hưởng số 9 của Beethoven, được công bố năm 1824

Albrecht hiện đang biên tập cuốn sổ trò chuyện và lần đầu tiên dịch chúng từ tiếng Đức sang tiếng Anh, nằm trong một dự án xuất bản lớn bao gồm 12 tập. Công ty Boydell & Brewer của Anh sẽ xuất bản tập 3 Sổ trò chuyện của Beethoven vào tháng 5 với giá 45 bảng Anh.

Bìa cuốn sổ trò chuyện của Beethoven

"Bằng chứng chứng minh rằng Beethoven vẫn có thể nghe thấy không phủ nhận những gì ông đã làm khi phải đối mặt với khó khăn quá lớn." - Albrecht lưu ý.

Dù có như thế nào, Beethoven vẫn là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất thế giới

Beethoven sinh năm 1770 tại Đế quốc La Mã Thần Thánh, ông dành phần lớn cuộc đời tại Viên (Áo). Với những tác phẩm của mình, ông được coi là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại. Năm 2020 là tròn 250 năm ngày sinh của ông.

Theo: The Guardian
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.