• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

Bệnh buồn ngủ - Nạn dịch quái lạ biến con người trở thành 'xác sống'

Lịch sử

Khoa học y tế đã phát triển và có những thành tựu vượt trội nhưng không có nghĩa là mọi bí ẩn y học đã được giải quyết. Nguyên nhân lây nhiễm của chứng bệnh lạ xảy ra ở New York vào những năm 1920 và cách điều trị vẫn là một bí ẩn không lời giải cho đến tận ngày nay.

Căn bệnh kỳ quái, đáng sợ này được người dân gọi là "bệnh buồn ngủ" hay có tên khoa học là viêm não Lethargica.

Mầm bệnh đầu tiên bùng phát bệnh dịch kinh hoàng

Vào năm 1916, khi châu Âu đang xảy ra chiến tranh khốc liệt thì một người lính đã trở về Vienna, thủ đô nước Áo sau trận chiến tại Verdun. Anh ta đã mắc chứng bệnh cúm kỳ lạ với triệu chứng nhìn như buồn ngủ nhưng đầu óc lại hoàn toàn tỉnh táo.

Loại bệnh này được gọi là viêm não von Economo và ở các vùng lãnh thổ khác thì được biết đến dưới cái tên viêm não Lethargica.

Bác sĩ Constantin von Economo.

Bác sĩ Constantin von Economo là người đầu tiên mô tả, nghiên cứu về căn bệnh này. Những ai mắc bệnh đều có biểu hiện kỳ dị là ở trong trạng thái ngủ mê, bất động nhưng đầu óc lại tỉnh táo, kèm theo với chứng đau rát cổ họng, co giật cơ thể kiểu như “xác sống”.

Theo nghiên cứu, bác sĩ Constantin von Economo cho rằng bệnh do virus gây ra, tấn công não bộ, hệ thần kinh khiến chế độ kiểm soát giấc ngủ bị mất chức năng dẫn đến tình trạng hôn mê.

Biểu hiện của bệnh là: đau họng, đau đầu, bị cứng cổ, co thắt các phần xương khớp, luôn trong trạng thái ngủ với đôi mắt vô hồn, lờ đờ kiểu như mắc chứng tâm thần. Sống trong tình trạng bất động cơ thể nhưng vẫn nhận thức được sự vật, sự việc.

Đại dịch bùng nổ khiến hàng triệu người khốn khổ

Một điều tồi tệ là căn bệnh viêm não Lethargica lây nhiễm từ người này sang người khác với tốc độ nhanh chóng. Đến năm 1920, căn bệnh lây lan ra toàn châu Âu và đến nước Mỹ, khiến thành phố New York ngập chìm trong bệnh tật, chết chóc.

Cách thức lây bệnh truyền nhiễm không ai rõ, triệu chứng gây bệnh ngày càng phát sinh nặng nề thậm chí là khiến bệnh nhân nấc cụt, nhảy nhót điên loạn rồi dẫn đến tử vong. Tỷ lệ tử vong là khoảng 40% khi mắc phải bệnh.

Ở giai đoạn đỉnh điểm, dịch bệnh đã khiến khoảng 1 triệu người chết và hàng triệu người bị bại liệt, hôn mê, sống đời thực vật. 

Căn bệnh xuất hiện và biến mất một cách bí ẩn

Nguyên nhân gây bệnh viêm não Lethargica, cách thức lây nhiễm phòng tránh đều không có thông tin, giới y học không thể tìm ra được lời giải cho căn bệnh quái quỷ này.  Đến năm 1926, nạn dịch cũng chấm dứt hoành hành mà không có biện pháp hay thuốc chữa trị nào, cứ thế biến mất một cách khó hiểu. 

Vào năm 1929, những trường hợp bệnh nhân còn sót lại đã được cách ly để điều trị và nghiên cứu. Theo thống kê, thì trong hàng triệu người nhiễm bệnh có đến gần 1/3 người chết, số còn lại phục hồi hoàn toàn mà không rõ lý do và những người không hồi phục thì có triệu chứng như bệnh Parkinson.

Philip Leather, người bị mắc bệnh vào năm 11 tuổi và sống cùng căn bệnh quái đản này hơn 70 năm cho đến khi qua đời vào năm 2003.

Họ bị khóa bên trong cơ thể mình, bị hành hạ trong đau đớn hằng năm trời, không thể cử động cơ thể theo ý thức của bản thân. Có người bị tàn tật suốt đời, người thì bị ảo tưởng, ngủ và sống trong những giấc mơ kỳ quái.

Đại dịch bị lãng quên và được biết đến nhờ Oliver Sacks

Thời kỳ diễn ra dịch bệnh buồn ngủ trùng với giai đoạn thế giới đang bị đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1920) khiến 500 triệu người nhiễm bệnh và giết chết 50 -100 triệu người. Vì vậy mà căn bệnh viêm não Lethargica đã bị lãng quên, ít có thông tin và tài liệu được ghi chép vào thời điểm ấy.

Oliver Sacks

Những năm 1960, nhà thần kinh học nổi tiếng người Anh Oliver Sacks đã đến bệnh viện Beth Abraham ở Bronx nghiên cứu và chế tạo ra loại thuốc có tên L-dopa để điều trị cho bệnh nhân bị chứng tê liệt, bất động, ý thức mơ màng. Thuốc đã giúp những người được chẩn đoán mắc viêm não Lethargica thức tỉnh nhưng chỉ có công dụng trong một thời gian nhất định. Sau đó họ lại rơi vào trạng thái hôn mê.

Năm 1973, Oliver Sacks đã ra mắt tác phẩm Awakenings, cuốn hồi ký ghi lại những gì đã xảy ra khi ông chữa trị cho bệnh nhân mắc bệnh buồn ngủ, mô tả chi tiết các triệu chứng bệnh lý. Từ đó, dư luận bắt đầu chú ý và tìm hiểu về căn bệnh kỳ dị đã từng xảy ra vào thập niên 20.

Năm 1990, bộ phim Awakenings dựa theo hồi ký cùng tên của Oliver Sacks được phát hành với sự tham gia diễn xuất của hai nam tài tử nổi tiếng: Robert De Niro và Robin Williams.

Phát hiện ra thủ phạm gây bệnh nhưng không thể tìm ra cách chữa trị

Trong nhiều thập kỷ, bệnh buồn ngủ dường như đã biến mất không còn dấu vết thế nhưng năm 1993 nó lại xuất hiện và khiến 20 người bị lây nhiễm.

Những bệnh nhân này được tập trung để cách ly và điều trị. Trong quá trình chữa bệnh và nghiên cứu các bác sĩ John Oxford, Andrew Church, và Russell Dale đã khám phá ra một chủng hiếm gặp là Streptococcus, được cho là vi khuẩn gây bệnh viêm não Lethargica. 

Vi khuẩn này gây ra những đau đớn, tổn thương ở cổ họng bệnh nhân, triệu chứng bắt đầu của bệnh buồn ngủ sau đó lây lan lên vùng não bộ, tấn công hệ miễn dịch. So sánh với các tài liệu trong quá khứ, các bác sĩ tuyên bố rằng Streptococcus chính là một trong những nguyên nhân đã đến nạn dịch bệnh buồn ngủ. Tuy nhiên dù tìm ra lý do gây bệnh thì giới khoa học vẫn không có cách nào tìm ra phương pháp chữa trị. 

Bệnh buồn ngủ đước xếp trong danh sách nạn dịch hay hiện tượng quái lạ nhất trong lịch sử y học của loài người. Nó là một căn bệnh nan y không thuốc chữa, xuất hiện và biến mất mà giới khoa học không thể tìm ra lời giải, trở thành bí ẩn lịch sử của thế kỷ 20.

Đọc thêm: Những giả thuyết điên rồ nhất về bộ truyện tranh 'Naruto'

Theo: Ranker, Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
    1
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (1)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.