• Về đầu trang
CIBOONG
CIBOONG

Bí ẩn những thanh kiếm đồng của đội quân đất nung thời Tần Thuỷ Hoàng

Lịch sử

Các nhà khoa học cuối cùng đã giải mã được làm thế nào mà vũ khí bằng đồng của đội quân đất nung thời Tần Thủy Hoàng không hề gỉ sét dù đã bị chôn vùi suốt 2.000 năm lịch sử.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports, tiết lộ rằng chẳng phải crôm mà chính thành phần hóa học và đặc tính của vùng đất xung quanh khu lăng mộ mới là nhân tố quyết định trong việc bảo quản vũ khí.

"Các chiến binh đất nung và hầu hết các vật liệu hữu cơ trong lăng mộ được phủ một lớp sơn mài bảo vệ trước khi được sơn bằng bột màu, nhưng thật thú vị, họ không làm thế với các vũ khí bằng đồng", Marcos Martinon-Torres từ Đại học Cambridge (Anh) cho hay.

Mô hình tái hiện tượng các binh sĩ khi được sơn màu

Trong một tuyên bố, Martinon-Torres còn cho biết thêm:

"Chúng tôi đã tìm thấy một hàm lượng crôm đáng kể trong sơn mài, nhưng chỉ có một chút dấu vết của crôm trong bột màu và đất gần đó - có thể chỉ là do bị pha nhiễm.

Lượng crôm cao nhất được tìm thấy xuất hiện trên các bộ phận vũ khí có chất liệu hữu cơ như cán của thương, giáo và chuôi kiếm (làm từ gỗ hay tre), chúng cũng có lớp phủ sơn mài.”

Kiếm bằng đồng được mạ crôm

"Rõ ràng, lớp sơn mài chỉ vô tình đưa một lượng crôm lên các vật liệu bằng đồng, và đây không phải là phương pháp chống gỉ thời xưa," ông bổ sung.

Đội quân đất nung nổi tiếng khắp năm châu được khai quật lần đầu tiên tại Tây An (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) vào những năm 1970, gồm hàng ngàn bức tượng bằng gốm có kích thước như người thật đại diện cho các chiến binh. Đội quân xếp thành hàng ngay ngắn trong ba hầm lớn thuộc khuôn viên lăng mộ Tần Thủy Hoàng (259 - 210 TCN) – vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa.

Những chiến binh này được trang bị đầy đủ vũ khí; hàng tá cây giáo, thương, mác, kiếm, nỏ và 40.000 đầu mũi tên. Mặc dù các bộ phận hữu cơ nguyên bản của vũ khí như cán giáo, mác, vỏ kiếm và bao đựng cung tên hầu hết đã bị phân rã trong 2.000 năm qua, những bộ phận bằng đồng vẫn ở trong tình trạng rất tốt.

Kể từ lần đầu tiên khai quật quân đội đất nung vào những năm 1970, các nhà nghiên cứu cho rằng các vũ khí bằng đồng được bảo quản hoàn hảo hẳn là nhờ phương pháp chống gỉ độc đáo thời Tần.

Tiến sĩ Xiuzhen Li (Viện Bảo tàng Khảo cổ học và Đất nung UCL) – đồng tác giả của nghiên cứu – cho hay:

"Chất liệu đồng có chứa nhiều thiếc, kỹ thuật làm nguội và tính chất đặc biệt của đất địa phương có thể là nguyên nhân chúng được bảo quản tốt, nhưng vẫn có khả năng là nhà Tần đã phát triển một quy trình công nghệ bí ẩn và điều này đáng được nghiên cứu thêm."

Một trong những thanh kiếm của Đội quân đất nung thể hiện quá trình bảo tồn hoàn hảo: lưỡi dao vẫn còn sáng và sắc.
Cận cảnh chuôi và lưỡi kiếm

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm; họ mô phỏng sự phong hóa của các mô hình vũ khí bằng đồng trong căn buồng có điều kiện môi trường giống nhau ở Tây An và Anh. Kết quả cho thấy đồ đồng được chôn trong đất Tây An vẫn còn gần như nguyên sơ sau bốn tháng giữa nhiệt độ và độ ẩm khắc nghiệt, trái ngược với tình trạng bị ăn mòn nghiêm trọng của các vật dụng chôn trong đất Anh quốc.

Giáo sư Thilo Rehren (Viện Cyprus và Viện Khảo cổ UCL) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cộng tác lâu dài cho quá trình nghiên cứu:

"10 năm trước, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu này, đây là sự cộng tác giữa Viện UCL và bảo tàng. Nhờ sự kiên trì, tin tưởng vào quá trình hợp tác và tư duy vượt trội của các đồng nghiệp Trung Quốc và Anh, chúng tôi đã giải mã được bí ẩn kéo dài hàng thập kỷ này."

Xem thêm: 5 sự kiện trùng hợp đến kinh ngạc từng xảy ra trong lịch sử

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.