• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

Bí ẩn về Gisaeng - Những nàng kỹ nữ tài sắc, bán nghệ mua vui cho đời của xứ sở kim chi

Lịch sử

Gisaeng hay còn được gọi là haeeohwa (giải ngữ hoa), nghĩa là bông hoa đẹp hiểu được tiếng nói của con người. Thuật ngữ này dùng để miêu tả những cô gái có tài năng, được đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật biểu diễn thời phong kiến tại xứ Hàn.

Gisaeng gắn liền cùng lịch sử, văn hóa của Hàn Quốc với nhiều cung bậc thăng trầm từ thời đầu phát triển nở rộ đầy huy hoàng đến giai đoạn suy thoái và tàn phai trong lối sống hiện đại. 

Cuộc đời một gisaeng hàm chứa nhiều bí ẩn, là nguồn cảm hứng bất tận cho tiểu thuyết, phim ảnh. Người đời thường nói rằng: Gisaeng có thân phận tiện dân nhưng trí tuệ thuộc hàng quý tộc. Nàng kỹ nữ tài sắc nhưng số phận hẩm hiu, ban ngày cất tiếng ca mua vui cho đời, đêm về lại khóc tiếng sầu bi.

Biểu tượng cho tài hoa và trí tuệ xuất chúng của người phụ nữ xưa

Cái tên gisaeng xuất hiện từ thế kỷ 11, ở triều đại Cao Ly. Lúc ấy, gisaeng dùng để chỉ nữ giới có tài nghệ, giỏi giang và kiếm sống nhờ năng lực của bản thân trong các lĩnh vực như may vá, y thuật, ca hát,...

Thời vua Minh Tông thuộc thế kỷ 12, gisaeng được chính quyền ghi nhận thuộc một tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên thân phận của gisaeng gây nhiều tranh cãi, họ được đào tạo để trở thành những mỹ nhân tài mạo song toàn nhưng lại bị xã hội nam quyền xưa xếp vào tầng lớp tiện dân.

Ở thời kỳ đó, giới quý tộc thường coi gisaeng là dạng gái gọi cao cấp, mang thân phận nô lệ và thuộc quyền sở hữu của triều đình. Năm 1895 với Cuộc cải cách Gabo, những nàng gisaeng đã xóa bỏ được cái danh nô lệ đeo bám họ suốt hàng thế kỷ.

Danh phận kỹ nữ được cho là thấp kém nhưng những người con gái muốn trở thành một gisaeng thực thụ phải trải qua quá trình tập luyện đầy gian khổ. Các nàng bắt đầu vào nghề khi còn nhỏ, được gửi vào các giáo phường để học tập, khổ luyện thành nghệ sĩ.

Ngày đêm trôi qua, họ đọc sách, ngâm thơ, tập ca múa, đánh đàn rồi tìm hiểu về y học, trà đạo, thư pháp, trang điểm, cách hành lễ, giao tiếp… Theo thời gian họ sẽ trưởng thành dần, nâng cao kỹ năng và trở thành gisaeng, phục vụ nhu cầu văn hóa nghệ thuật cho tầng lớp quý tộc.

Gisaeng thời xưa bán nghệ nhưng không bán thân. Tuy nhiên vẫn có những giao dịch riêng, bí mật trong các cuộc vui của giới quan lại, vua chúa với gisaeng.

Những kỹ nữ bán thân thường là gisaeng bậc ba, thuộc hội tam bài có địa vị và tài năng thấp kém nhất. Họ dùng thân thể trao đổi để kiếm tiền mưu sinh. Những người này chủ yếu chỉ được đón tiếp thường dân.

Trên họ là gisaeng nhất bài và nhị bài. Nhị bài là giới kỹ nữ đứng hạng hai, có tài nghệ, nhan sắc nhưng chỉ phục vụ giới quan lại thông thường. Còn nhất bài là những cô nương có trí tuệ, tài năng hơn người được mời đến sinh sống trong cung đình để biểu diễn ở các buổi lễ long trọng của hoàng tộc.

Gisaeng thời kỳ ấy được cho là góp phần quảng bá vẻ đẹp của văn hóa dân gian Hàn Quốc. Họ được ca ngợi là những người phụ nữ mạnh mẽ, dám vượt qua lễ giáo hà khắc trong thời đại nam quyền. Gisaeng đã phá vỡ định kiến vốn cho rằng phái nữ chỉ được giấu mặt trong nhà lo toan công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Họ đã khẳng định được vẻ đẹp, trí tuệ của phái yếu ở thời phong kiến.

Bị bôi nhọ hình ảnh, biến chất thành gái làng chơi

Đáng tiếc nét đẹp của nàng gisaeng đã bị vấy bẩn vào thời Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc, cai trị từ năm 1910 - 1945. Khi quân đội xứ Phù Tang đến, xâm chiếm bán đảo Nam Triều Tiên, những nàng gisaeng phải chịu một số kiếp bất hạnh. Họ bị bắt làm nô lệ tình dục, mang danh là gái mại dâm phục vụ cho quân lính Nhật Bản.

Dưới ách cai trị của người Nhật, chế độ gisaeng xưa bị bãi bỏ khi lật đổ giáo phường khiến hàng nghìn cô gái bị mất việc. Chiến tranh khiến họ phải bán mình trong các tụ điểm ăn chơi, nhà hàng và quán rượu.

Theo chế độ mới, số lượng gisaeng dần “mọc lên như nấm sau mưa”. Họ không còn bị yêu cầu khắt khe về tài hoa nữa, chỉ cần theo học một khóa đào tạo là các cô gái có thể đăng ký làm gisaeng, phục vụ cho tất cả những ai có tiền. Hình ảnh gisaeng dần xuống cấp trầm trọng, họ bị coi là đối tượng cung cấp dịch vụ tình dục, là gái làng chơi phục vụ dưới quyền của quân đội Nhật.

Năm 1947, chính phủ Hàn Quốc ban lệnh cấm hoạt động mại dâm trong giới gisaeng. Kể từ đó đến nay hình ảnh về gisaeng phai nhạt dần và biến mất trong đời sống hiện đại.

Những nàng kỹ nữ tài hoa mỹ lệ giờ chỉ còn được nhìn thấy trên phim ảnh, sách báo. Nhiều người cho rằng gisaeng không phải là nô lệ hay kỹ nữ bán thân mà là nghệ nhân, người đã phát huy tinh hoa nghệ thuật truyền thống dân gian của Hàn Quốc.

Đọc tiếp: Hiện thực phũ phàng thế kỷ 19: Trẻ mồ côi bị đem bán như hàng hóa

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.