• Về đầu trang
Trứng chim
Trứng chim

Câu chuyện về người thợ xăm và tình yêu không tưởng ở trại tử thần Auschwitz

Lịch sử

Bất cứ ai quen biết Lale và Gita Sokolov đủ lâu sẽ biết quá khứ của họ được ghi lại trên cánh tay. 5 con số màu xanh được xăm trên cánh tay mỗi người là dấu hiệu cho biết, họ chính là những tù nhân sống sót từ trại tập trung Auschwitz trong vụ thảm sát Holocaust (cuộc thảm sát người Do Thái của Đức Quốc Xã vào Thế chiến thứ 2) .

Điều mà cặp đôi chưa bao giờ tiết lộ là chính Lale đã xăm những con số đó lên tay của vợ mình và cả hàng ngàn người khác. Vào thời điểm ấy, ông được gọi là Tätowierer của trại tập trung, trong tiếng Đức có nghĩa là thợ xăm. Ông đã yêu Gita ngay ánh mắt đầu tiên khi bà đang đợi để xăm số 34902 lên người, với bộ dạng rách rưới, bẩn thỉu, cùng mái tóc bị xén lởm chởm.

Lale và Gita Sokolov. Tình yêu của vợ chồng nhà Sokolov chính là yếu tố tạo nên cỗ máy cảm xúc trong cuốn sách của Morris, khi mà những tội ác của quỷ dữ trong trại tập trung đặt cạnh thứ tình cảm cao đẹp nhất của loài người.

Có những điều họ hiếm khi nào chia sẻ với người khác, về con trai Gary hay về cộng đồng người Do Thái ở Melbourne (nơi họ trốn thoát khỏi sự hỗn loạn của cuộc chiến tranh châu Âu). Nhưng sau khi Gita qua đời, Lale bắt đầu nói về những chuyện này không ngừng nghỉ.

Vào những ngày cuối cùng của đời mình, Lale quyết định nói ra câu chuyện về sự hợp tác trong các cuộc bạo động bí mật, về những viên kim cương được cất giấu và những thanh socola bị lấy trộm, về cả những lá thư tình và rất nhiều cái chết dã man, đột ngột dưới tay bác sĩ Josef Mengele.

Cuốn tiểu thuyết hồi kí của ông, The Tattooist Of Auschwitz, đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất toàn cầu, và sẽ được chuyển thể thành một bộ phim truyền hình được sản xuất bởi đội ngũ đã làm nên thành công của bộ phim nổi tiếng đài BBC, The Cry. Phim sẽ được trình chiếu vào khoảng đầu năm 2020, ngay trước lễ kỉ niệm 75 năm ngày giải phóng trại tập trung.

Heather Morris, tác giả của cuốn hồi kí cho biết: “Lale hợp lí hóa công việc của mình bằng cách quyết định rằng nếu bạn đến tìm ông ấy để đánh số thì bạn sẽ trở thành một trong những người may mắn, điều này có nghĩa rằng bạn sẽ được nhìn thấy mặt trời mọc vào ngày hôm sau, và có thể là ngày sau đó nữa. Ông ấy có thẩm quyền nhất định trong trại tập trung Auschwitz và đã sử dụng điều đó để cứu nhiều người nhất có thể. Gần đây, có một người phụ nữ nói với tôi rằng cô ấy và cha cô ấy nợ Lale mạng sống nhưng chưa bao giờ biết danh tính thật của ông. Cha của người phụ nữ khi đó là một tử tù 17 tuổi. Có một người đàn ông già hơn tình nguyện thay thế chỗ chết của ông ấy và Lale chính là người bí mật xăm lại 5 con số trên người họ, giúp họ tráo đổi danh tính. Cậu bé khi ấy đã trưởng thành, kết hôn, có một gia đình và tương lai nhờ ơn một thợ xăm.

Sau những năm tháng ở Auschwitz, Lale có một khả năng kì lạ giúp ông sống cuộc sống hiện tại. Ông đã thành công đóng lại cánh cửa quá khứ. Phải mất 3 năm đến thăm ông ấy 2, 3 lần một tuần tôi mới có thể ghép nối hoàn chỉnh những kí ức của ông. Ông ấy mang trong mình sự tội lỗi của những người sống sót, đó là nỗi đau mà ông đã chôn sâu trong 60 năm.

Trong câu chuyện của ông ấy có một yếu tố thể hiện điều này nhưng ông ấy ưu tiên tập trung nhất là kể cho thế giới nghe về Gita sau khi bà qua đời. Ông ấy liên tục hỏi tôi, 'Cô đã xong chưa? Tôi cần phải nhanh lên để đi cùng bà ấy!'"

Tình yêu của vợ chồng nhà Sokolov bắt đầu vào tháng 4 năm 1942, khi Đức Quốc Xã bắt buộc một thành viên trong mỗi gia đình người Do Thái ở Slovakia phải đến làm việc cho bộ máy chiến tranh của Đức.

Chàng trai Lale 24 tuổi khi đó nhận công việc trong bộ đồ vest chỉn chu, chiếc áo sơ mi trắng sắc nét và một chiếc cà vạt. 48 giờ sau đó, anh ta bị bao phủ trong lớp dầu, mồ hôi, chất thải và nôn mửa, bị bắt vào một con tàu chở gia súc bởi lực lượng xung kích SS và bị đưa đến chiến trường ở Auschwitz.

Anh bắt đầu làm việc với vai trò của một thợ xăm hình của trại tập trung, một công việc với đặc quyền có thể giúp anh và những người khác giữ được mạng sống. Cùng với việc thay đổi hoặc xóa đi hình xăm của những người bị kết án, anh còn dùng những chiến lợi phẩm lấy trộm từ kho của Đức Quốc Xã để đổi lấy thức ăn và dược phẩm cho những người cần nó nhất.

Khi giải phóng, người thanh niên ấy để lạc mất Gita của mình, nhưng anh luôn tin chắc rằng họ sẽ gặp lại nhau. Thật vậy, Lale lúc ấy chỉ quay trở lại Slovakia trong hai tuần và tình cờ, Gita bước ra đứng trước cỗ xe ngựa của anh. Những lời đầu tiên của anh khi gặp lại cô chính là lời cầu hôn và họ đã cưới nhau vào tháng 10 năm 1945.

Trại tập trung Auschwitz được chụp vào năm 1944 với những đường ray nối với đường ray chính vào trại.

Một trong những người sống sót từ trại tập trung Auschwitz, ông Leon Greenman, và hình xăm con số tù nhân của mình.

Theo lời của Morris thì “Đó chính là khoảnh khắc tựa như phim Hollywood của họ.” Năm 1949, cặp vợ chồng di cư sang Úc và bắt đầu kinh doanh ngành dệt may. Năm 1961, Gary, đứa trẻ phép màu của họ được sinh ra. Chính Gary là người đã liên lạc với Morris, bạn của một người bạn, và nói với Morris rằng cha của cô có lẽ biết những câu chuyện đáng giá.

Morris là một người ấm áp và thân thiện. Bà là một nhà hoạt động xã hội, người làm nên sự nghiệp của mình bằng việc gây dựng niềm tin và giúp đỡ những người bị tổn thương. Bà có thể không phải là nhà văn xuất sắc nhất, nhưng đã chứng minh mình là người phù hợp nhất.

Bà và Lale, người qua đời vào năm 2006 ở tuổi 90, đã trở thành những người bạn thân thiết. Từ khi có ý định chuyển thể cuốn sách thành một bộ phim, bà luôn cùng Lale đi coi phim để ông có thể lập ra một danh sách những diễn viên đảm nhận vai chính mình. “Lúc đầu sự lựa chọn của ông ấy là Brad Pitt nhưng nhanh chóng đổi ý thành Ryan Gosling. Với Gita, ông luôn chỉ có một sự lựa chọn là Natalie Portman,”

Theo lời của Morris, “Ngay cả đêm trước sinh nhật 90 tuổi của mình, Lale vẫn thấy mình là chàng trai trước khi đến Auschwitz, trẻ trung và lanh lợi. Ông ấy không bao giờ đánh mất ý thức về điều đó.”

Theo: Dailymail
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.