• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Cô dâu cầm bó hoa không chỉ cho đẹp mà còn có nhiều ý nghĩa cổ xưa ẩn giấu phía sau

Lịch sử

Đám cưới là một nghi lễ quan trọng, tùy theo mỗi quốc gia mà có những phong tục riêng. Thông thường chúng ta sẽ thấy cô dâu mặc váy trắng, cô dâu đứng bên trái chú rể hoặc có những lưu ý về màu sắc trang trí trong ngày cưới, v.v... Thậm chí việc cô dâu cầm bó hoa cũng có ý nghĩa và câu chuyện riêng của nó.

Thời La Mã cổ đại, hoa thường được trang trí trong đám cưới vì chúng biểu tượng cho khởi đầu mới, chung thủy và khả năng sinh sản. Nguồn gốc của việc cô dâu cầm bó hoa trong đám cưới được cho là bắt nguồn từ đây.

Thời Trung Cổ, các loài thảo mộc thậm chí còn được ưa chuộng hơn cả. Vào ngày cưới, thay vì cầm một bó hoa xinh xắn, cô dâu sẽ cầm tỏi hoặc thì là để xua đuổi xui xẻo và linh hồn quỷ dữ. Riêng thì là thậm chí còn được trang trí trong lễ cưới vì nhiều người tin rằng nó sẽ làm tăng cảm hứng của cô dâu và chú rể trong đêm tân hôn.

Bức tranh "Hôn lễ của Louise XIV và Maria Theresa" của Jacques Laumosnier, tái hiện đám cưới thời Trung Cổ

Có giả thiết cho rằng cô dâu cầm bó hoa để che đậy mùi hôi cơ thể. Giả thiết này bắt nguồn từ thế kỷ thứ 15, khi ấy nguồn nước sạch khan hiếm nên người dân không thể tắm rửa hàng ngày. Họ cũng không có đủ nhiên liệu để đun nước tắm cho tất cả.

Tháng 5 là thời điểm thiên thời địa lợi để mọi người cùng tắm. Các ông chủ gia đình sẽ là người tắm đầu tiên, tiếp theo là con trai chủ nhà, nô bộc, phụ nữ thấp kém và đám trẻ con. Chính vì tháng 5 là thời điểm duy nhất tắm rửa sạch sẽ và thơm tho nên tháng 6 sẽ rất phù hợp để tổ chức đám cưới.

Ngoài ra có câu chuyện kể rằng trước ngày cử hành hôn lễ, chú rể vẫn được tắm rửa, còn nàng dâu chỉ có một ngày duy nhất kỳ cọ thân thể từ đỉnh đầu đến gót chân và cái ngày ấy từ tận tháng 5 rồi. Bởi vậy mới có chuyện chú rể thường cầm sẵn khăn tay và thỉnh thoảng họ lại dùng khăn bịt mũi. Một hành động mà ai cũng ngầm hiểu nó có nghĩa là gì.

Tuy nhiên, giả thiết trên không chính xác vì thực tế là chẳng có ai nhịn tắm cả năm trời. Mọi người vẫn tắm rửa hàng ngày và họ quan niệm làm sạch thân thể còn là một hình thức rửa tội. Các nhà tắm công cộng và hình thức sơ khai của bánh xà phòng xuất hiện khoảng cuối thế kỷ thứ 9 càng chứng tỏ người Trung Cổ không hề đợi đến tháng 5 mới tắm.

Do đó cô dâu ôm một bó hoa thật to và thơm ngát trong ngày trọng đại không hề có ý nghĩa họ đang mượn bó hoa để che đi mùi hôi cơ thể. Những bó hoa trên tay họ chỉ đơn giản là sự lãng mạn của tình yêu, khởi đầu cho một hành trình mới, tính nữ và lời chúc phúc con đàn cháu đống.

Bên cạnh đó, tháng 6 là mùa cưới bởi vì lúc đó thời tiết tốt đẹp, mọi người chuẩn bị cho mùa vụ mới và tổ chức hội hè. Đây cũng là thời điểm trăm hoa đua nở, càng dễ dàng trang trí tiệc cưới và dành tặng cho cô dâu bó hoa tươi đẹp nhất.

Loài hoa thường được sử dụng nhất là hoa hồng. Một số loài hoa khác gồm có hoa mẫu đơn, hướng dương, baby trắng, hoa tulip, hoa cúc, cẩm tú cầu.

Bó hoa mang nhiều ý nghĩa là thế, vậy tại sao cô dâu ném bó hoa của mình đi?

Từ thời Trung Cổ, hình ảnh cô dâu thường gắn liền với sự trong sáng, thánh thiện và mang nhiều may mắn. Cô dâu đội khăn trùm đầu, cầm tỏi hoặc thì là trong đám cưới để không bị quỷ dữ bắt cóc, tránh khỏi xui xẻo, nhưng họ lại không thể thoát khỏi bàn tay của con người.

Những vị khách mời luôn muốn chạm tay vào cô dâu để hưởng ké vận may. Hành động này khiến các nàng dâu rất khó chịu, ngượng ngùng và bất tiện. Có một số trường hợp khách mời còn lao vào xâu xé cả váy cưới của cô dâu, biến tiệc cưới vui vẻ thành trận hỗn chiến. Để tránh sự đụng chạm và những tai nạn không đáng có trong ngày vui, cô dâu sẽ ném bó hoa – cũng là một thứ đại diện cho vận may – vào đám đông.

Nhằm đảm bảo tính công bằng, cô dâu sẽ quay người lại và tung bó hoa về phía khách mời đứng ở đằng sau. Ai may mắn sẽ chụp được bó hoa của cô dâu. Tất nhiên những vụ lao vào nhau ẩu đả tranh giành bó hoa vẫn xảy ra, nhưng nhân vật chính của lễ cưới chẳng phải bận lòng vì chuyện đó. Bởi vì đấy là lúc thích hợp để họ nhanh chóng rút lui khỏi bữa tiệc và đóng chặt cửa phòng chuẩn bị cho đêm tân hôn nồng cháy.

Trải qua hàng trăm năm, các cô dâu không cần thiết phải tung bó hoa về phía khách mời nữa. Nó dần trở thành một hình thức mang nhiều niềm vui, không bắt ép và không phải khách mời nào cũng tham gia. Dẫu vậy, nó vẫn mang ý nghĩa đem lại may mắn cho người bắt được bó hoa, đặc biệt là trên đường tình duyên và hy vọng đó sẽ là người kế tiếp bước lên xe hoa.

Đọc thêm bài: Nguồn gốc ra đời của chiếc khăn trùm đầu cô dâu trong ngày cưới

Theo: tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.