• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

Cuộc đời bi kịch của Rosemary Kennedy - Từ em gái tổng thổng cho đến người con bị quên lãng

Lịch sử

Gia đình Kennedy là một trong những gia tộc danh giá nhất nước Mỹ. Cùng với gia tộc Bush hay gia tộc Taft, những thành viên của gia đình này đã làm khuynh đảo giới chính trị Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ. Đặc biệt, thế hệ thứ ba gồm chín đứa con của ông Joseph P. Kennedy Sr và bà Rose Fitzgerald là thế hệ có nhiều nhân vật nổi tiếng nhất gồm tổng thống Mỹ John F. Kennedy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Robert Francis Kennedy hay thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusetts Ted Kennedy.

kennedy

Ông Joseph P Kennedy Sr. và bà Rose Fitzgerald trong ngày cưới. Ảnh: Getty Images/Getty Images

Tuy nhiên, đi cùng với những hào quang là một lời nguyền đáng sợ khi nhiều người con của ông Joseph và bà Rose đã qua đời một cách thảm khốc. Ví dụ như cậu cả Joe Kennedy Jr. - vốn được cha mình nuôi dạy thành tổng thống lại qua đời trong thế chiến thứ hai. Tổng thống John F. Kennedy thì bị ám sát còn Kathleen Kennedy thì qua đời do một tai nạn máy bay khi đi du lịch với bạn trai của mình. Tất cả những sự kiện bi thảm này đều được vô số phương tiện truyền thông nhắc đến. Nhưng có một bi kịch mà hiếm người biết đến, đó là cuộc sống bất hạnh của Rosemary Kennedy, người con gái bị lãng quên của gia tộc.

gettyimages 97322633 d48e627

Ông John F. Kennedy và vợ mình, Jacqueline. Ảnh: Frank Hurley/NY Daily News Archive via Getty Images

Rosemary Kennedy được sinh ra vào thứ Sáu ngày 13 tháng Chín năm 1918 và là em gái của Tổng thống John Kennedy. Trong lúc mẹ bà lâm bồn, bác sĩ chính đã không có mặt để đỡ đẻ. Chính vì thế, một y tá đã yêu cầu bà phải khép chân vào để ngăn đứa bé được ra đời trước khi bác sĩ đến. Theo một y tá thân cận của gia đình Kennedy, bà Rose đã phải làm điều này trong suốt hai tiếng, khiến cho cô bé Rosemary bị thiếu dưỡng khí trầm trọng và dẫn tới hậu quả là não chịu tổn thương nặng.

gettyimages 82759243 909111f

Gia đình Kennedy ở Hyannis Port, Massachussetts vào thập niên 30. Ngồi từ trái qua phải: Patricia, Robert, Rose Kennedy, John, Joseph Sr với Edward ở trên đùi; đứng từ trái qua phải: Joseph Jr, Kathleen, Rosemary, Eunice và Jean. Ảnh: Bachrach/Getty Images

Khi lớn lên, cha mẹ bà để ý rằng Rosemary không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Năm lên hai tuổi, bà vẫn gặp khó khăn trong việc ngồi, bò và chỉ mới bắt đầu tập đi. Nhận thấy đây chính là những di chứng từ lúc mới sinh, bố mẹ đã gửi vô số gia sư tài năng đến để rèn giũa. Mặc cho những cố gắng của họ, bà vẫn gặp vô số khó khăn trong việc đọc và viết.

rosemary kennedy at nantasket beach c 1919 1edb9cl

Cô bé Rosemary 1 tuổi ở bãi biển Nantasket

Để không làm ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình, cha mẹ bà đã gửi bà tới những ngôi trường nội trú dành cho trẻ bị thiểu năng và yêu cầu họ dành cho bà một khu vực riêng với những giáo viên chuyên biệt. Dù vậy, những việc làm này cũng không khiến cho bà khá lên được bởi khi lên năm 15 tuổi, trí thông minh của bà vẫn chỉ ngang với một đứa trẻ lớp bốn.

Năm 1938, cha bà là ông Joseph được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Anh và cả gia đình ông, bao gồm Rosemary cũng được sang đây. Nhờ vẻ ngoài thu hút với gia thế hoành tráng, bà cùng những người chị em của mình đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông và họ trở thành gương mặt trang bìa quen thuộc cho nhiều tờ báo khác nhau. Báo giới và công chúng Anh vô cùng yêu thích nụ cười dịu dàng và bộ váy của cô gái trẻ, thậm chí Rosemary còn được ca ngợi hơn hẳn cô em Kathleen.

gettyimages 515163870 8da2fc4

Rosemary cùng em gái Eunice (bên trái)

Khi Đức tuyên chiến với Anh vào năm 1939, mẹ bà và những người chị em khác phải nhanh chóng quay về Mỹ, chỉ còn có bà và cha là ở lại Anh. Trong khoảng thời gian đó, cha bà đã gửi bà tới một ngôi trường dạy theo phương pháp Montessori ở bên ngoài London có tên là Belmont và đây chính là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời đầy bất hạnh của người con gái này.

rosemary mother sister

Rosemary, em gái Kathleen và mẹ Rose khi gặp mọi người ở London.

Khác với những ngôi trường khác, tại đây, Rosemary không bị bắt ép học những môn học khó nhằn, khô khan mà được thoải mái học và làm những gì mình muốn dưới sự hướng dẫn tận tình của các giáo viên với những bà sơ. Chỉ sau vài tuần theo học, cha bà đã nhận thấy rõ sự tiến bộ vượt bậc ở con gái và vội vã viết thư để khoe cho vợ: “Con bé rất vui khi được học với Mẹ Isabel. Nó hạnh phúc, trông tuyệt vời hơn bao giờ hết và không có biểu hiện gì của việc cảm thấy buồn phiền cả. Nó cũng rất mong nhận được thư từ chị em để cho họ biết rằng nơi này tuyệt vời như thế nào."

Tuy nhiên, giấc mộng đẹp của bà không kéo dài lâu. Năm 1940, bà và cha buộc phải quay trở lại Mỹ do tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng trên khắp Châu Âu. Bị tước khỏi những thứ mình yêu mến, bệnh tình của Rosemary liền trở nặng. Bà thường lên cơn động kinh, dễ cáu giận vô cớ và hay tấn công những người chị em của mình mà không rõ lý do. Sau khi bị đuổi khỏi một trại hè ở Tây Massachusetts, Rosemary được chuyển đến một ngôi trường đặc biệt ở Washington. Trong thời gian này, bà thường xuyên lẻn ra ngoài vào buổi tối. Theo lời của em họ bà, Ann Gargan, những bà sơ ở ngôi trường này không thể kiểm soát bà. Ann kể lại: "Trường thường gọi điện để thông báo rằng chị ấy đã mất tích, để rồi sau đó tìm ra chị ta đang đi dạo ngoài đường vào lúc 2 giờ sáng."

968full rosemary kennedy 600x450

Một số giáo viên ở trường còn cho rằng có lẽ trong lúc lẻn ra ngoài, Rosemary đã quan hệ tình dục với những người đàn ông trong quán rượu - người mà có thể "đem lại cho cô ta sự chú ý, thoải mái và thăng hoa chưa từng có" và điều này có thể khiến bà mắc các bệnh xã hội hay thậm chí là có thai. Hành động này của bà đã khiến cho gia đình, đặc biệt là người cha Joseph lo lắng vì cho rằng nó có thể gây hủy hoại thanh danh gia đình và ảnh hưởng tới con đường công danh của ông lẫn các con.

rosemary kennedy

Ngay lúc ấy, ông lại được mọi người kể rằng hiện nay, có một phương pháp phẫu thuật mang tên là "phẫu thuật thùy não" có thể giúp thần kinh của Rosemary ổn định hơn. Đây là phương pháp y học được phát minh bởi bác sĩ phẫu thuật Antonio Egas Moniz vào năm 1936. Ông này cho rằng phần thùy não bị hỏng là lý do khiến cho bệnh nhân dễ bị hoảng loạn và để giải quyết, ta chỉ cần cắt phần đó đi là xong.

10252966 6742297 image a 35 1551092985711

Hình ảnh một ca phẫu thuật thùy não

Quả đúng là sau khi phẫu thuật, những bệnh nhân của Moniz có trở nên trầm tính và đỡ phá phách hơn, nhưng họ đã mất luôn bản ngã lẫn cá tính riêng của mình, trở thành một con người vô cảm. Không chỉ có vậy, có tới 9 phần trăm bệnh nhân qua đời ngay trên bàn mổ. Nhưng bất chấp những nguy hiểm này, ông Joseph vẫn quyết tâm cho con phẫu thuật mà không thông báo cho bất kỳ ai trong gia đình.

Vào năm 1941, khi vừa mới bước sáng tuổi 23, Rosemary được hai vị bác sĩ là Walter Jackson Freeman và James W Watts phẫu thuật cắt bỏ thùy não. Mái tóc đen óng ả của bà bị cạo. Bà bị trói chặt vào giường và chỉ được gây tê thay vì gây mê. Trong suốt qua trình phẫu thuật, bác sĩ luôn yêu cầu bà hát bài "God Bless America", đọc Kinh Thánh hay đếm ngược còn họ thì khoan hai lỗ vào sọ của bà và bắt đầu cắt bỏ phần thùy não. Trong lúc phẫu thuật, đột nhiên bà im lặng và bị bất tỉnh.

Ca phẫu thuật thất bại thảm hại. Rosemary mất khả năng đi lại, nói năng và nhận thức chỉ ngang với một đứa trẻ 2 tuổi. Dù được trị liệu suốt nhiều năm sau đó, bà vẫn không thể nói năng rành mạch hay đi lại. Lo ngại rằng ca phẫu thuật sẽ hủy hoại những gì gia đình đang gây dựng, cha bà đã gửi bà vào một viện chăm sóc bí mật ở vùng Wisconsin xa xôi, yêu cầu bác sĩ ở đây không được cho phép bà tiếp xúc với bất kỳ ai và giấu tất cả mọi người trong gia đình.

fd9c7681cdabd180b47dcc928b0c4b03

Rosemary trước và sau khi phẫu thuật

Những câu chuyện về Rosemary cũng giấu khỏi công chúng và thế giới gần như không biết đến sự tồn tại của em gái Kennedy. Hậu quả là trong những năm tăm tối nhất cuộc đời, bà phải sống trong cô đơn mà không có bất kỳ ai bên cạnh.

Năm 1961, cha bà lên cơn đột quỵ nặng và điều này đã khiến ông bị câm hoàn toàn. Đến lúc này, những người chị em của bà mới biết nơi mà bà sống và bắt đầu đến thăm bà. Họ vô cùng quan tâm đến bà và đã làm tất cả mọi thứ để giúp đỡ bà. Trong khoảng thời gian này, mẹ bà cũng đến thăm, nhưng sau 20 năm dài đằng đẵng, bà đã quên mất mẹ mình là ai.

cfff7635ab65ae42a881de9a0736d5c1

Rosemary Kennedy cùng em gái Eunice Kennedy Shriver (bên phải) trong một cuộc gặp mặt của gia đình Kennedy

Vào những năm cuối đời, bà sống ở Wisconsin trong sự bình yên và hạnh phúc. Bà được tất cả mọi người ở bệnh viện yêu mến và thường chơi đùa với những chú chó cưng của mình. Năm 2005, bà qua đời trong vòng tay của người thân, kết thúc cuộc đời đầy bi thảm của mình.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.