• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Đi tìm nguồn gốc 'ba hồn bảy vía' của con người - mối liên kết chặt chẽ trong việc canh giữ mộ phần, cúng bái, đầu thai

Lịch sử

Sự ra đời của ba hồn bảy vía

Đạo Gia lấy học thuyết của Lão Tử kết hợp với tư tưởng âm dương ngũ hành, càn khôn bát quái, cộng thêm việc quan sát hiện tượng tự nhiên và sự tưởng tượng của mình để diễn sinh ra quan niệm về ba hồn bảy vía.

Người Trung Quốc từ xưa đã có truyền thống tôn thờ tổ tiên, vì thế tiết Thanh Minh và tết Trung Nguyên ra đời để truy điệu, tế điệu người đã khuất.

Nhưng trước khi quan niệm ba hồn bảy vía ra đời, Nho Gia không tin quỷ thần vẫn không thể giải thích việc cúng bái này là đang cúng bái ai, cúng bái cái gì. Mãi đến khi quan niệm ba hồn bảy vía xuất hiện, cục diện này mới dần thay đổi.

Ba hồn là gì?

Ba hồn lần lượt là Thiên hồn Thai Quang, Địa hồn Thích Linh, Nhân hồn U Tinh.

Truyền rằng trước khi con người ra đời, Nhân hồn sẽ do thần linh bảo quản. Khi cơ thể con người hình thành, Nhân hồn sẽ được thần linh rót vào cơ thể mới hình thành. Lúc này tinh khí của trời đất, âm dương cũng sẽ đi theo vào, hình thành hồn phách hoàn chỉnh, phụ trợ Nhân hồn trưởng thành.

Theo sự trưởng thành của con người, ba hồn Thiên, Địa, Nhân sẽ đồng thời trưởng thành, có tính cách, ý thức và hành vi giống hệt nhau.

Có một câu chuyện truyền thuyết về ba hồn:

Có một lần Chu Nguyên Chương bị một thái giám doạ sợ, ông tức tối sai người kéo thái giám ra ngoài xử quyết. Thái giám sợ tới mức mặt không còn chút máu, bị kéo ra pháp trường, ngay lúc đao phủ giơ đao chuẩn bị chém xuống, người ta nhìn thấy dưới pháp trường có một người giống hệt thái giám đang nằm trên cọc, đang đứng hóng chuyện. Chu Nguyên Chương biết chuyện, hạ chỉ tha cho thái giám.

Mọi người đều nói rằng thái giám bị doạ tới mức một trong ba hồn đã bay ra khỏi cơ thể, hoá thành hình người, đứng bên dưới nhìn bản thân bị xử trảm.

Vậy khi con người chết đi, ba hồn sẽ đi về đâu?

Nếu con người chết đi, tinh khí của Thiên hồn và Địa hồn sẽ quay trở về thiên địa, hai hồn Thiên, Địa mất đi tinh khí, một cái sẽ bảo vệ bên cạnh xác chết, một cái sẽ nhập vào trong bài vị, nhận cúng bái và hiến tế của con cháu. Còn Nhân hồn sẽ được thần linh thu về, tiếp thu phán xét và chịu trách nhiệm về những hành vi lúc còn sống của mình.

Hồn bảo vệ bên xác, sẽ như một người giám sát qua lại giữa mộ và bài vị, để xem con cháu có hướng thiện hay không, đồng thời cũng sẽ phù hộ con cháu trưởng thành, khoẻ mạnh.

Nguyên nhân quan niệm này có thể lưu hành rộng rãi đến vậy, là vì Nho Gia tiếp nhận sự tồn tại của ba hồn. Theo đó Nho gia cho rằng mỗi tiết Thanh Minh, khi đi cúng tế tổ tiên, là chúng ta đang cúng tế cho phần hồn ở lại của tổ tiên hay nói chính xác hơn là tinh thần của tổ tiên.

Nhưng việc cúng tế cũng có quy định rõ ràng, linh hồn tổ tiên sẽ chỉ nhận phần cúng tế của những người có quan hệ huyết thống trực hệ với mình.

Có một câu chuyện như sau:

Đồn rằng dưới trướng Thái thú nọ có một người tài ba, người này trời sinh có mắt âm dương, nhìn tỏ tường việc cúng tế của thiên hạ, Thái thú bèn lệnh cho người này xem việc hiến tế nhà mình. Người này xem xong bèn nói, ông ta nhìn thấy linh hồn một đồ tể đi vào tổ miếu nhà Thái thú ăn uống no say, còn tổ tiên Thái thú thì đứng trước từ đường, gầy trơ xương.

Thái thú nghe vậy, lập tức về nhà ép hỏi mẹ mình, lúc này mới biết hoá ra năm đó bà sinh con gái, vì sợ chồng không vui nên đã đổi con với nhà đồ tể.

Từ câu chuyện này có thể thấy văn hoá Trung Quốc chú trọng quan hệ huyết thống tới mức nào, cũng có thể thấy được văn hoá quỷ thần có ảnh hưởng lớn thế nào với đời sống người dân.

Bảy vía là gì?

Trong hệ thống Đạo Gia, ba hồn thuộc về phần dương, ngược lại bảy vía thuộc về phần âm. Bảy phách lần lượt là Thi Cẩu, Phục Thỉ, Tước Âm, Thôn Tặc, Phi Độc, Trừ uế, Xú Phế. Mỗi một vía phụ trách một cảm xúc riêng của con người lần lượt là: Vui, giận, buồn, sợ, yêu, ác, dục vọng.

Người ta cho rằng khi con người còn sống, ba hồn sẽ quản lý bảy vía, để bảy vía không làm bậy, đẩy con người chìm vào dục vọng.

Nhưng khi ba hồn bị suy yếu, không còn năng lực khống chế bảy vía, con người sẽ không cách nào khống chế cảm xúc của mình, cũng vì vậy, Đạo Gia hình thành quan niệm trước khi tu thân phải tu tâm. Tu tâm giúp ba hồn mạnh mẽ để quản lý bảy vía, không để bản thân đắm chìm trong dục vọng.

Học thuyết bên Nho Gia cũng có giải thích tương tự, nếu một người muốn cai trị đất nước, chỉnh đốn chính trị, mang tới ích lợi cho dân chúng, thì phải khống chế tình cảm và dục vọng của bản thân trước.

Bảy vía là tinh hoa ngưng tụ từ vật chất trong thiên địa, nên khi con người qua đời, bảy vía cũng theo đó tiêu tan vào thiên địa, hoá thành cây cối, chim muông trong rừng, hoặc hoá thành tùng trúc, chuột bọ.

Mãi tới khi cơ thể mới được hình thành, chúng sẽ lần nữa tụ tập và hình thành bảy vía mới. Thời gian để bảy vía tiêu tán thường dùng mốc số 7 để tính. Vì thế dân gian có tập tục, sau khi một người qua đời, cách 7 ngày sẽ làm một nghi thức cúng tế, bắt đầu từ đầu thất đến mạt thất. Từ đầu tới cuối tổng cộng kéo dài 49 ngày.

Nghi thức này có hai mục đích, một là để an ủi bảy vía sắp tiêu tan của người quá cố, hai là để tưởng niệm cuộc đời của người đã mất.

Có thể nói câu chuyện về ba hồn bảy vía vốn được Đạo Gia sáng tạo, sau đó lại được Nho Gia chấp nhận, trải qua trăm ngàn năm, nó đã hình thành hệ thống văn hoá, tín ngưỡng ăn sâu bén rễ vào trong lòng người.

Đến tiếp sau nó lại bị quan niệm luân hồn chuyển thế của Phật Giáo ảnh hưởng, cộng thêm sự dung hòa tư tưởng của ba nhà Nho, Thích, Đạo, quan niệm này dần hình thành một hệ thống hoàn thiện hơn.

Sau khi quan niệm về ba hồn bảy vía hình thành, những truyền thuyết, thần thoại về ma quỷ cũng xuất hiện. Trong đó các loại ma quỷ xuất phát từ ba hồn bảy vía có hai loại chính, một là ma quỷ, hai là cương thi.

Ma quỷ do đâu mà có?

Mân Sắt Đàm quỷ lục có viết, con người sau khi chết, Nhân hồn được đưa về Minh giới tiếp nhận thẩm phán, nhưng những người chết bất đắc kì tử, lòng mang oán hận, Nhân hồn sẽ lang thang trên trần thế không thể vào luân hồi.

Cũng theo đó ma quỷ sinh ra thường có mang mục đích cụ thể, hoặc là nguyện vọng khi còn sống chưa được hoàn thành, hoặc là những kẻ bản tính ác độc muốn hại người sống, vì không có cơ thể thật nên chúng không để lại dấu vết gì trên dương gian. Tuy nhiên nếu người sống không có ý xấu, một lòng hướng thiện, hoặc có dương khí quá mạnh (như những người làm nghề đồ tể), ma quỷ sẽ không thể làm hại họ.

Cũng vì khả năng phân biệt người xấu kẻ ác này, trong khoa cử, người ta thường lập bàn cúng tế, chiêu gọi ma quỷ, thần linh đến để giúp các quan lại ngăn cản những kẻ lòng mang ác ý hoặc có oan nghiệt vào trường thi.

Ngược với ma quỷ, cương thi có thân xác, nguồn gốc khá phức tạp. Bình thường cương thi sẽ không có ba hồn, nhưng bảy vía vẫn ở lại trong cơ thể không tiêu tán, vì thế chúng không thể giao lưu với con người như ma quỷ.

Theo: Zhihu

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.