• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Hóa ra việc hủy bỏ hôn ước thời Victoria phải tuân theo trình tự cầu kỳ đến mức này

Lịch sử

Thời Victoria (1837-1901) là thời kì của các phép tắc, lễ nghi trang trọng, cầu kì, đến mức có không ít sách vở và bài báo chỉ dẫn những điều từ nhỏ nhặt như viết thư tình, cho đến các vấn đề hệ trọng như cầu hôn và thậm chí cả… hủy hôn.

jilted by briton riviere 1887 philadelphia museum of art e1525651103609

“Jilted” vẽ bởi Briton Riviere, 1887, được trưng bày ở Bảo tàng nghệ thuật Philadelphia.

Nếu một quý ông chuẩn mực ở thời Victoria “bỏ rơi” hôn thê của mình, anh này hiển nhiên đã hủy hoại danh dự của bản thân lẫn vị hôn thê.

Thế nhưng một khi cặp đôi chưa cưới nhận ra rằng họ không hợp nhau, không thể sống với nhau và đương nhiên không thể nên vợ nên chồng, thì “sổ tay cưới hỏi” hay “sách hướng dẫn kỹ năng sống” thời đấy vẫn mạnh mẽ khuyên rằng: Thà chấp nhận hủy bỏ cuộc hôn nhân này còn hơn là dấn thân vào đời sống vợ chồng đầy khổ sở và chịu đựng.

The New York Fashion Bazar Book Of Etiquette (1887) đã giải thích thế này:

Một lời hứa hôn mà bị hủy thì đúng là đáng tiếc thật nhưng người ngoài cuộc chúng ta đâu biết được rành rẽ về sự việc đôi bên.

Tiếc thế nào thì vẫn đỡ hơn là một cuộc ly hôn buồn bã, ai oán, khổ sở đến từ đôi vợ chồng đáng thương khẩn cầu được tòa giải thoát nhau khỏi mọi ràng buộc.

Một người, khi đã có hôn ước nhưng lại không ưng thuận nó, được khuyên chỉ cần nêu lên “yêu cầu được giải thoát khỏi ràng buộc của những lời thề vốn không bao giờ có thể hàn gắn bằng một đám cưới”.

Cuốn Perfect Etiquette, Or How To Behave In Society (1877) cho rằng bạn nên nêu nguyện vọng của mình qua thư:

Trong những tình huống thế này, ngòi bút vẫn luôn mạnh mẽ hơn cái lưỡi của bạn, vì bạn có thể bày tỏ cảm xúc của bản thân rõ ràng và rành mạch hơn bất cứ chuyện nói chuyện thông thường nào.

Viết thư vào thời bấy giờ là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, duyên dáng, phải thật thẳng thắn mà vẫn giữ được sự hiền hòa, lịch sự.

Những chỉ dẫn viết thư khác nhau tùy vào giới tính của người viết và người nhận. Ví dụ như khi người viết là một quý cô thì bức thư không cần phải nêu lý do của việc hủy hôn.

Social Life: Or, The Manners and Customs of Polite Society (1896) quan niệm: “Cho dù nguồn cơn sự việc xuất phát từ phía cô gái, thì lựa chọn có nói ra nó hay không là của chính cô ấy".

the rejected suitor by francis william edmonds c 1850 1853 e1525653428962

“The Rejected Suitor” của họa sĩ Francis William Edmonds, vẽ vào khoảng 1850-1853

Nhưng nếu bên đưa ra yêu cầu hủy bỏ hôn ước là chàng trai thì những lí do anh ta đưa ra phải đảm bảo đủ thuyết phục. Vì sự thật là sẽ có rất nhiều hậu quả xảy đến với cô gái nếu hôn phu của cô hủy hôn, trong khi ở những trường hợp ngược lại thì phía chàng trai chẳng mấy ảnh hưởng gì. Socials Life cắt nghĩa:

Giải thoát bản thân khỏi cuộc hôn ước, chàng trai không chỉ khiến vị "cựu hôn thê" của mình bẽ bàng, tủi hổ trước mọi người mà có thể cô gái đó còn tự hủy hoại thân xác vì những nỗi đau sâu sắc của con tim.

Ngoài việc viết thư, các tiểu thư và công tử thời Victoria còn được khuyên nên trả lại hết toàn bộ quà cáp đã được hôn phu hoặc hôn thê tặng trong thời gian còn đính ước.

Những quà cáp này có thể là tranh ảnh, thư tình, những lọn tóc, đương nhiên là cả nhẫn đính hôn. Đặc biệt, nam giới có bổn phận giao nộp lại tất cả những bức thư tình mà “cựu hôn thê” viết tặng, nhằm đề phòng trường hợp về lâu dài anh ta dùng chúng để “bóc phốt” và phá hoại cuộc đời cô gái.

“Chia tay trả quà” là một nỗi đau khổ bẽ bàng, thế nên nhiều sách vở thời ấy – ví dụ như Gems Of Deportment - khuyên các cô gái đừng nên nhận quà của người cầu hôn mình, trừ “sách, hoa, những món quà nhỏ không có khả năng làm ta đau lòng khi nhớ lại, đề phòng trường hợp hôn ước bị hủy”. Yêu nhau nhận quà càng ít thì lúc chia tay sẽ đỡ bối rối và đau khổ.

the suitor by walter dendy sadler 1854 1923 n d

Bức “The Suitor” của họa sĩ Walter Dendy Sadler

Dù là nam hay nữ, việc phải nhận một lá thư thông báo cái kết cho cuộc hôn nhân khi còn chưa làm phép cưới, hẳn phải rất đau khổ hoặc giận dữ.

Họ có thể sẽ viết một bức thư hồi âm với lời lẽ phẫn nộ hoặc van xin, níu kéo – điều này cũng dễ hiểu. Bốc đồng, bồng bột thế là không tốt, sách vở đã khuyên răn như vậy. Ví dụ như Perfect Etiquette (1877) khuyến khích:

Thư hồi âm trong những trường hợp này nên viết bằng những câu chữ thật bình tĩnh. Đừng cố thay đổi quyết định của đối phương, trừ khi anh hay cô chắc chắn rằng có sự hiểu nhầm trong việc này.

the reluctant bride

“The Reluctant Bride”, tạm dịch là “Cô dâu bất đắc dĩ” vẽ bởi Auguste Toulmouch năm 1866. Nguồn ảnh: 5-Minute History

Nhưng mà các nam thanh, nữ tú thời đó có tuân thủ theo các lời khuyên kể trên không? Câu trả lời ngắn gọn là không.

Vài người từ chối chấp nhận hôn ước đã bị hủy bỏ một cách lịch sự. Vài người không chịu trả lại quà cáp và nhẫn đính hôn. Có người viết những bức thư níu kéo đầy thống thiết. Đôi khi họ thực hiện những hành vi bạo lực, hoặc “diễu phố” những mong lôi kéo được sự ủng hộ về phía mình.

Cũng có khi việc hủy hôn phải kết thúc tại tòa do hai bên lôi nhau ra kiện vì tội phá bỏ lời thề trước kia. Để chốt lại những vấn đề khó nhằn này, The New York Fashion Bazar Book of Etiquette (1887) đã đúc kết:

Cô bạn tôi ơi, phá bỏ lời thề ước vẫn tốt hơn cưới một người chồng mà bạn chẳng thể "chung thủy và phục tùng" – nhất là khi đã tỏ tường con người anh ta.

Và chàng trai trẻ, cứ yêu cầu giải thoát khỏi lời thề nguyện nếu nó trở thành gánh nặng khiến anh chán nản. Sự thật là một khi đã rơi vào tình cảnh khó khăn này, chẳng con người sáng suốt nào chỉ vì miệng lưỡi người ngoài mà cam chịu giữ nguyên hôn ước để rồi thốt lên mấy lời thề trong lễ cưới của mình.

Theo: Mimimatthews
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.