• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

Juana Maria - 'Robinson' phiên bản nữ, sống một mình trên đảo gần 20 năm

Lịch sử

Nếu bạn từng đọc tác phẩm Hòn Đảo Cá Heo Xanh của nhà văn Scott O’Dell, sẽ biết về nhân vật Karana, người thiếu nữ da đỏ Ghalas-at bị bỏ lại tại hòn đảo hoang vắng trong chuyến di dân của bộ lạc; Karana đã nhảy xuống biển quay trở lại đảo để tìm người em thất bại và từ đó cô gái đã sống cô đơn trên mảnh đất bao quanh là đại dương mênh mông.

Hòn Đảo Cá Heo Xanh của Scott O’Dell.

Nội dung trong truyện dựa trên một sự kiện có thật xảy ra vào đầu thế kỷ 19 tại đảo San Nicolas, thuộc quần đảo Channel của bang California, Hoa Kỳ. Nhân vật Karana được xây dựng dựa trên hình mẫu thực tế là Juana Maria, người đàn bà sống cô độc trên đảo hoang hàng chục năm.

Chuyện của Juana Maria diễn ra vào những năm thập niên 30 của thế kỷ 19. Juana là một cô gái sống cùng bộ tộc thổ dân Nicoleños trên đảo San Nicolas, họ đã an cư lạc nghiệp tại đây hàng nghìn năm. Cuộc sống trên đảo diễn ra yên bình cho đến năm 1835 thì thảm kịch đã xảy ra đối với gia đình và quê hương của Juana.

Đoàn thợ săn rái cá biển người Nga đã tấn công hòn đảo và giết rất nhiều người, con số thương vong rất lớn với hàng trăm người đã chết. Những người còn sống sót đã quyết định bỏ trốn định cư trên đất liền khi thấy hòn đảo quê hương bị tàn phá.

Tuy nhiên, Juana Maria đã quyết định ở lại để tìm đứa con bị thất lạc sau vụ tấn công. Nhiều người đã kể lại rằng Juana đã ở trên thuyền và phát hiện ra đứa con không ở cùng cô nên đã nhảy xuống biển và bơi trở lại hòn đảo để tìm kiếm. Đúng lúc đó, trời đổ mưa giông, cơn bão khiến mọi người phải rời đi nhanh chóng nên không quay lại đón cô.

Juana Maria đã bị bỏ lại một mình trên hòn đảo đầy xác chết, kể từ lúc đó cô phải lầm lũi sống qua ngày, tự kiếm sống và sinh tồn giữa biển cả trong 18 năm.

Trong thời gian này Juana Maria đã tự tìm thức ăn, dựng chỗ ở và chế tạo vũ khí để bảo vệ mình trước sự tấn công của thú hoang. Cô trồng trọt, hái quả dại, bắt cá để kiếm thức ăn và bẫy chim, săn thú để lấy lông cùng da làm trang phục.

Cô dựng lều bằng xương cá voi bị mắc cạn trên bờ biển và từ gỗ dừa. Bằng lòng quả cảm, sự kiên trì, nhẫn nại cùng kỹ năng sinh tồn được học từ bé, Juana Maria đã kiên cường đối mặt với tự nhiên và nỗi cô đơn để tồn tại một mình trên đảo hoang.

Mạnh mẽ, phi thường như vậy nhưng khi được đưa lên đất liền thì Juana Maria chỉ sống được 49 ngày ngắn ngủi, kết thúc cuộc đời mình trong nỗi đau bệnh tật. Năm 1853, thuyền trưởng con tàu Peores Nada, George Nidever đã phát hiện ra Juana và đưa cô về sống cùng gia đình ông.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông George Nidever có ghi chép lại sự việc khi tìm thấy Juana như sau: mọi người bước lên trên đảo và bất ngờ khi nhìn thấy một người đàn bà kỳ lạ sống trong túp lều bằng từ xương cá voi và gỗ dừa, bận bộ quần áo làm từ da thú quấn quanh người, nói thứ ngôn ngữ khó hiểu và khuôn mặt cô trông rất thân thiện, liên tục mỉm cười.

Vì Juana Maria nói thứ tiếng không ai hiểu nên mọi người không biết chuyện gì đã xảy ra với cô, thậm chí là tên thật. Cái tên Juana Maria cũng là tên gọi mà các linh mục Công giáo đặt cho cô và dựa theo các tìm hiểu về lịch sử, các nhà sử học biết rằng cô thuộc bộ tộc Nicoleños đảo San Nicolas. Trong cuộc xâm chiếm của những người phương Tây lên lục địa châu Mỹ, bộ tộc của Juana đã bị tiêu diệt dần, một số người sống sót bỏ trốn thì cũng chết dần vì dịch bệnh. Juana Maria là người cuối cùng còn sống của bộ lạc.

Kể từ khi bộ tộc Nicoleños bị tấn công đến năm 1853 đã 18 năm trôi qua và lý do cô bị bỏ lại hòn đảo một mình vẫn là một bí ẩn. Chuyện cô trở lại tìm kiếm đứa con thất lạc cũng chỉ dựa theo phỏng đoán, không ai biết sự thật Juana Maria đã trải qua những gì.

George Nidever đã đưa Juana về sống cùng gia đình mình tại Santa Barbara, thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ. Sự xuất hiện của Juana khiến thiên hạ tò mò, họ gọi cô là người phụ nữ hoang dã. Cuộc sống văn minh khiến Juana rất khó thích nghi, tất cả đều mới lạ và khiến cô sợ hãi. Sau đó, Juana đã mắc bệnh kiết lỵ và qua đời vào ngày 19/10/1853. Cô chỉ sống ở Santa Barbara được 7 tuần rồi ra đi với những bí ẩn về cuộc đời mình mà chưa có ai lý giải được.

Những đồ vật cô mang theo khi đến Santa Barbara như quần áo làm từ da và lông vũ, vũ khi làm từ gỗ cây và xương thú được trưng bày, bảo tồn ở San Francisco cho đến năm 1906 khi một trận động đất lớn xảy ra tại đây thì những đồ vật đó đã bị phá hủy, thất lạc không thể tìm thấy. Dấu vết về Juana Maria dường như đã bị xóa sạch trên đất liền.

Câu chuyện về Juana Maria trở thành nguồn cảm hứng để Scott O’Dell viết nên tác phẩm Hòn Đảo Cá Heo Xanh, cuốn tiểu thuyết đã đạt giải thưởng truyện dành cho thiếu nhi xuất sắc nhất năm 1961. Juana Maria đã trở thành một truyền thuyết, huyền thoại về ý chí, nghị lực phi thường của phái nữ khi vượt qua thiên nhiên hoang dã và sự cô đơn vô tận ngự trị nơi tâm hồn con người.

Đọc thêm: Câu chuyện rùng rợn về Kisaragi – nhà ga ma quỷ ở Nhật Bản

Theo: Ranker, Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.