• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

Những tình tiết ám ảnh xung quanh vụ bắt cóc đứa trẻ nhà Lindbergh - Vụ án gây chấn động nước Mỹ đầu thế kỷ 20

Lịch sử

Charles Lindbergh là một phi công, nhà văn, nhà phát minh và nhà thám hiểm người Mỹ. Ông nổi tiếng khắp thế giới khi thực hiện thành công chuyến bay từ Mỹ qua Đại Tây Dương.

Charles Lindbergh

Năm 1929, ông kết hôn với Anne Spencer Lindbergh, một năm sau họ có với nhau đứa con trai đầu lòng là Charles Augustus Lindbergh. Những tưởng gia đình nhà Lindbergh sẽ sống trong danh tiếng và hạnh phúc thì năm 1932 bi kịch đã xảy đến, cậu bé Charles đã bị bắt cóc khi mới được 20 tháng tuổi.

Bé Charles Augustus Lindbergh.

Sau cuộc điều tra, truy tìm quy mô thu hút sự chú ý đông đảo của giới truyền thông và công chúng thì bé Charles đã qua đời trước khi được tìm thấy, nghi phạm đã bị bắt giữ xét xử nhưng vụ án vẫn còn nhiều uẩn khúc, kỳ bí mà hơn 80 năm qua khiến nhiều người rùng mình, sợ hãi khi kể lại.

Vụ bắt cóc kinh động toàn nước Mỹ

Tối ngày 01/03/1932, tại nhà phi công Charles Lindbergh đã xảy ra một vụ bắt cóc, cậu bé Charles Augustus Lindbergh 20 tháng tuổi đã biến mất. Vợ chồng nhà Lindbergh lúc đó ở trong nhà nhưng không hay biết có kẻ đã đột nhập và đưa con trai của họ đi mất. Thứ họ nhận được là bức thư đòi tiền chuộc có ký tự lạ là hai hình tròn chồng vào nhau, ở giữa có vòng tròn được tô đỏ giống như một biểu tượng của tổ chức ngầm nào đó.

Sau đó, ông Lindbergh đã báo cảnh sát và cuộc điều tra rình rang bắt đầu. Lúc cảnh sát đến hiện trường để tìm kiếm manh mối thì các đài phát thanh, báo chí, người dân địa phương cũng tấp nập kéo đến đưa tin.

Ông Lindbergh là một nhân vật nổi tiếng nên vụ bắt con trai của ông đã thu hút sự chú ý rất lớn, đến cả tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Herbert Hoover cũng quan tâm và đề nghị cơ quan điều tra liên bang cùng lực lượng quân đội có liên quan phải vào cuộc để giúp nhà  Lindbergh tìm kiếm con trai. Lúc đó, số tiền thưởng của vụ án lên đến 75.000 USD (khoảng hơn 1.7 tỷ VNĐ tính theo giá trị tiền tệ hiện tại), trong đó 25.000 USD cho ai tìm ra kẻ bắt cóc và 50.000 USD cho ai biết tung tích chính xác về bé Charles.

Ngày 02/04/1932, ông John F. Condon, người làm trung gian liên lạc giữa tên bắt cóc và gia đình Lindbergh đã đưa tiền chuộc cho thủ phạm. Tiền chuộc gồm loại giấy bạc có ấn vàng, đây là loại tiền tệ sắp bị thu hồi và cấm lưu thông; số seri trên mỗi tờ tiền đều được ghi lại để khi chúng được sử dụng cảnh sát sẽ điều tra và tìm ra được hung thủ.

Khoản tiền theo yêu cầu đã đưa cho kẻ bắt cóc, hắn tự xưng là John, một thành viên của một băng đảng người Scandinavi. Hắn nói rằng cậu bé nhà Lindbergh vẫn an toàn và đang được chăm sóc tử tế rồi bỏ đi.

Bức thư tống tiền có ký tự lạ.

Tuy nhiên, vào ngày 12/05/1932, thi thể bé Charles được phát hiện trong rừng khu vực Trenton, New Jersey, cách nhà Lindbergh khoảng 20 km. Sau khi xét nghiệm tử thi, cảnh sát tuyên bố cậu bé đã chết được khoảng 2 tháng, nghĩa là sau vài ngày khi vụ bắt cóc xảy ra nạn nhân đã qua đời. Nguyên nhân chết là do một cú đánh vào đầu vì hộp sọ có một lỗ thủng lớn.

Cậu bé bị bắt cóc đã chết nên cảnh sát chuyển hướng điều tra truy tìm hung thủ đã sát hại đứa trẻ vô tội. 

Những nghi phạm xuất đầu lộ diện

Sau khi tổng hợp thông tin về vụ án, cảnh sát xác định hung thủ có thể là kẻ rất quen biết với gia đình Lindbergh nên mới nắm rõ lịch trình rằng vợ chồng Lindbergh đã ở lại căn nhà vì con trai bị ốm. Đây là căn nhà mà ông Lindbergh cùng vợ con chỉ lui tới vào cuối tuần do bé Charles bị bệnh nên họ đã ở lại vào thứ Ba ngày 01/03/1932. Bên cạnh đó hung thủ còn nắm rõ vị trí phòng ở trong nhà, biết chính xác phòng của nạn nhân.

Vì vậy mọi nghi ngờ hướng đến Violet Sharpe, người giúp việc trong gia đình Morrow, ông bà ngoại của nạn nhân. Violet được chỉ định làm bảo mẫu cho bé Charles nên cô ta biết rõ việc thay đổi trong kế hoạch của nhà Lindbergh. Điểm đáng chú ý là vào ngày diễn ra vụ bắt cóc, Violet đã đi ra ngoài cùng với một người đàn ông lạ và tỏ ra khá lo lắng.

Ngay lập tức cảnh sát đến thẩm vấn Violet và điều tra trong vòng hai tháng nhưng không thu được kết quả. Nghi phạm thì có dấu hiệu bất ổn về mặt tâm lý. Sau đó, Violet đã tử tự bằng cách uống thuốc độc.

Người quản gia của nhà Lindbergh, ông Oliver Whateley, một trong những người có mặt trong đêm bắt cóc cũng bị cảnh sát thẩm vấn nhiều lần. Rồi một năm sau đó, ông ta cũng qua đời mọi cách đột ngột do viêm phúc mạc. 

Hiện trường phát hiện thi thể của bé Charles.

Sau cái chết của họ nhiều người đã hoang mang, nghi ngờ rằng Violet Sharpe cùng Oliver Whateley có thể là thành viên trong nhóm bắt cóc và kẻ cầm đầu là một tên rất nguy hiểm vì vậy để che giấu đầu mối hai người làm trong nhà Lindbergh đã bị sát hại.

Nghi phạm đã chết nên cảnh sát chuyển hướng điều tra, theo dõi số seri trên những đồng tiền chuộc. Trong khoảng thời gian 30 tháng cảnh sát phát hiện rằng số tiền chuộc được giao dịch với tần suất thường xuyên tại phía Đông Manhattan, tập trung dọc theo tuyến đường tàu điện ngầm Lexington Avenue.

Ngày 15/9/1934, một người bán hàng ở trạm xăng đã thông báo nhận được tờ 10 USD có số seri mà cảnh sát theo dõi. Người bán hàng đã ghi lại biển số xe nên sau nhiều ngày cảnh sát đã lần theo dấu vết đó và tìm được nghi phạm Bruno Richard Hauptmann, một người Đức nhập cư trái phép sống ở vùng Bronx.

Bruno Richard Hauptmann

Cảnh sát khám xét trong ví của hắn thì thấy một tờ bạc 20 USD có ấn vàng và số seri trong khoản tiền chuộc. Khi đến nhà hắn thì các manh mối lần lượt được phát hiện như: trong gara ô tô có chứa 14.000 USD, tất cả số giấy bạc đều thuộc khoản tiền chuộc mà hung thủ đã yêu cầu. Cuốn sổ tay chứa hình vẽ chiếc thang giống với chiếc đã tìm thấy tại hiện trường bắt cóc. Trên tường nhà ghi lại số điện thoại và địa chỉ của ông John F. Condon. Những thanh thang có chất liệu gỗ giống với loại gỗ làm ra chiếc thang tại hiện trường vụ án.

Hauptmann bị bắt giữ và thẩm vấn. Hắn phủ nhận các cáo buộc và khai rằng số tiền hắn giữ là của đối tác làm ăn Isidor Fisch, kẻ đã chết vào ngày 29/3/1934. Hắn phát hiện trong đồ đạc của Fisch có chiếc hộp chứa khoản tiền lớn nên đã lấy dùng.

Mặc dù kêu oan và nộp đơn kháng cáo nhưng các bằng chứng mà cảnh sát đưa ra đã thuyết phục quan tòa. Ngày 3/1/1935, Hauptmann bị đưa ra xét xử, đến ngày 3/4/1936, hắn đã bị xử tử hình bằng ghế điện tại tiểu bang New Jersey ở Flemington.

Giả thuyết điên rồ khiến vụ án thêm phần phức tạp và bí ẩn

Tên tội phạm trong vụ án nổi tiếng nhất đầu thế kỷ 20 ở nước Mỹ đã bị bắt và xét xử nhưng vẫn còn đó những uẩn khúc mà cảnh sát không thể lý giải. Đó là cái chết của Violet Sharpe và Oliver Whateley, có thật là họ chết vì tự tử và bệnh tật hay bị ám sát? Bruno Richard Hauptmann thực sự bị oan, bị người khác dàn dựng hiện trường để hãm hại như lời hắn từng nói trước tòa? Tất cả những nghi vấn đó khiến vụ án bắt cóc thêm kỳ bí.

Từ đó các chuyên gia, dư luận đã đưa ra những giả thuyết về những gì đã xảy ra trong vụ án nhà  Lindbergh. Nhiều người ủng hộ Hauptmann vô tội cho rằng hắn đúng là bị oan và là kẻ thế thân cho hung thủ thực sự, một người quyền lực và nổi tiếng. Đó chính là ông Lindbergh, cha ruột của đứa trẻ bị bắt cóc.

Điều này nghe có vẻ điên rồ nhưng vẫn có thể có khả năng xảy ra. Những người tin vào giả thuyết này đã đưa ra các dẫn chứng như sau:

Charles Lindbergh có sở thích là chơi những trò đùa thực tế “gây sốc” khiến những người quanh anh ta phải sợ hãi. Theo Betty Gow, một bảo mẫu khác của bé Charles từng khai rằng cô ta nghi ngờ ông Lindbergh đã giấu con trai của mình để đùa vợ ông là bà Anne Spencer Lindbergh rằng nó đã bị bắt cóc. Lời khai này đã bị bác bỏ nhưng nhiều người tin rằng trong khi giấu đứa bé ông Lindbergh đã vô tình giết chết con trai và dàn dựng hiện trường giả để thoát tội.

Sau đó ông Lindbergh lôi kéo sự chú ý của truyền thông để nổi tiếng hơn và sự xuất hiện của báo chí tại hiện trường vụ án đã giúp ông Lindbergh xóa dấu vết và tạo nên một mớ hỗn độn khiến cảnh sát không thể tìm kiếm được bằng chứng cụ thể để điều tra. Tại hiện trường lúc đó mọi dấu vân tay của hung thủ đều được xóa sạch và chỉ còn lại chiếc thang đột nhập vào nhà là được giữ nguyên. Chất liệu gỗ của chiếc thang có thể dễ dàng tìm thấy ở các xưởng mộc và Hauptmann vô tình đã bị cài bẫy.

Trong quá trình điều tra ông Norman Schwarzkopf, giám đốc của Cảnh sát bang New Jersey từng chia sẻ rằng quý ngài Lindbergh rất khó làm việc, muốn kiểm soát toàn bộ vụ việc và tự mình hành động. Việc thiếu hợp tác đó chỉ làm vụ án thêm rối loạn .

Những điều đó khiến nhiều người đặt niềm tin vào giả thuyết ông Lindbergh chính là hung thủ hoặc đồng phạm trong vụ bắt cóc con trai của mình.

Tuy nhiên, giả thuyết cũng chỉ khiến câu chuyện trở nên kịch tính, hấp dẫn hơn và vụ án đã kết thúc. Một đứa trẻ vô tội đã phải mất mạng cho tội ác, âm mưu của người lớn và sự thật xung quanh vụ án bắt cóc, sát hại Charles Augustus Lindbergh vẫn khiến nước Mỹ ám ảnh và tranh cãi cho đến tận ngày nay.

Đọc thêm: Cậu bé mất tích Bobby Dunbar - Bí ẩn kỳ lạ chưa có lời giải hơn 100 năm qua

Theo: Ranker, Tổng hợp

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.