• Về đầu trang
Azazeal
Azazeal

San Oku En Jiken - Vụ cướp ngân hàng với kịch bản như một bộ phim kinh điển

Lịch sử

Trên nhiều góc độ, có thể đưa vụ án này xếp ngang hàng với thảm sát bằng rìu ở làng Villisca (1912 tại bang Iowa, Hoa Kỳ), Jack Đồ tể (1888 – 1891 tại London, Anh), Sát thủ Hoàng Đạo (1960 - 1970 tại California, Hoa Kỳ). San Oku En Jiken (vụ cướp 300 triệu Yên) được xem là một trong những vụ cướp ngân hàng lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Vào ngày 06 tháng 12 năm 1968,  nhiều lá thư nặc danh được gửi đến Giám đốc chi nhánh Kokunbuji ngân hàng Nihon Trust (nay là Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ), yêu cầu ông phải trả 300 triệu Yên nếu không ngôi nhà của ông sẽ bị làm nổ tung. Vị giám đốc sau đó đã nhờ lực lượng Cảnh sát Nhật Bản bảo vệ người thân cũng như canh gác ngôi nhà của ông.

Bốn ngày sau, vào ngày 10 tháng 12 năm 1968, 4 nhân viên thuộc chi nhánh Kokunbuji tiến hành di chuyển đến nhà máy Toshiba tại Fuchū, Tokyo cùng với số tiền 294.307.500 Yên là tiền thưởng cho 523 nhân viên của nhà máy Toshiba trên.

Khi xe di chuyển đến con đường cạnh nhà tù Fuchū, một người mặc quân phục sỹ quan cảnh sát đến yêu cầu dừng xe và thông báo cho họ ngôi nhà của vị giám đốc chi nhánh đã bị nổ, rất có thể những nhân viên là mục tiêu tiếp theo.

Ảnh chụp khu vực xung quanh nhà tù Fuchu, Tokyo.

Các nhân viên lập tức chạy khỏi xe, trong khi đó viên cảnh sát tiến hành kiểm tra dưới gầm xe và thấy khói tỏa ra từ đó. Viên cảnh sát lăn ra khỏi xe và hét lên cảnh báo chiếc xe sắp phát nổ. Nhân viên liền chạy khỏi khu vực và nấp sau một góc tường nhà tù. Sau 3 phút chờ đợi, họ sững sờ khi phát hiện chiếc xe cùng viên cảnh sát đã biến mất.

14 phút sau vụ cướp, cuộc truy đuổi bắt đầu. 631 xe tuần tra, 9500 cảnh sát cùng 13.000 cảnh sát chống bạo động được huy động cùng với thông điệp trên sóng bộ đàm:

Tên tội phạm là một nam thanh niên tuổi từ 18 đến 26, chiều cao 165 – 167cm, đội mũ bảo hiểm trắng, áo khoác da có mũ trùm đầu, phương tiện bị cướp là ô tô mẫu Cedric dòng xe Nissan với biển số khu vực TAMA 5 (một thành phố ở ngoại ô Tokyo vào thời điểm 1968) – 3519, 03 thùng bằng hợp kim Đura (Duralumin: một hợp kim của nhôm) với tiền mặt ở trong xe.

Cảnh sát sau khi tiến hành rà soát khu vực đã phát hiện chiếc xe trên, tuy nhiên thùng kim loại thì biến mất. Lần theo dấu vết họ phát hiện ra một chiếc xe tải được hung thủ sử dụng là ăn cắp từ trước, song chiếc xe đã bị hắn bỏ lại và những hộp tiền theo suy đoán cũng đã được chuyển sang phương tiện khác.

Góc đường nơi vụ án xảy ra
Quá trình khám xét xe ô tô bị cướp trong vụ án được cảnh sát Fuchu, Tokyo, Nhật Bản tiến hành vào ngày 09 tháng 4 năm 1969
Cảnh sát tiến hành mở những thùng vận chuyển tại Sở Cảnh sát Koganei, Tokyo, Nhật Bản vào ngày 09 tháng 4 năm 1969

Một số chi tiết trong quá trình điều tra

Bức thư đe dọa vị giám đốc chi nhánh được ghép từ những chữ cái riêng lẻ từ đủ các loại tạp chí được xuất bản vào năm 1968, cũng như không để lại bất kỳ dấu vết nào.

Tại khu vực hiện trường, hơn 120 mảnh “vật chứng” được hung thủ để lại bao gồm cả chiếc xe “cảnh sát” mà thực chất chỉ là một chiếc xe được phủ sơn trắng. Những vật chứng đều là vật dụng thường ngày, cho thấy chúng xuất hiện tại đó một cách có chủ đích. Một vụ điều tra trên phạm vi khắp nước Nhật được tiến hành, với hơn 780.000 bức ảnh phục dựng, 110.000 nghi phạm, cũng như khoảng 170.000 cảnh sát trên toàn quốc tham gia vào quá trình điều tra.

Chiếc xe tải được tìm thấy sau đó tại một bãi giữ xe tại Tokyo.

Chiếc xe ô tô bị cướp đi cùng với số tiền, chiếc xe tải và các thùng kim loại rỗng được tìm thấy từ những bãi xe rải rác tại vùng ngoại ô Tokyo (vào thời điểm đó mật độ dân cư vùng ngoại ô Nhật Bản rất hạn chế, do hệ thống giao thông chưa phát triển).

Nghi phạm

Một chàng trai 19 tuổi là con của một sỹ quan cảnh sát bị đưa vào diện tình nghi, không có chứng cứ ngoại phạm. Tuy nhiên chàng trai đã tự sát bằng Potassium Cyanide (Kali Xyanua). Sau cái chết của anh ta, cảnh sát đưa anh ta ra khỏi diện hiềm nghi.

Một người đàn ông 26 tuổi bị Nhật báo Mainichi Shimbun đưa vào vòng nghi vấn, tuy nhiên anh ta có chứng cứ ngoại phạm. Một người bạn tên Ogata của nam thanh niên 19 tuổi trên cũng bị cho là thủ phạm bởi sự bất minh trong tài sản, song phía cảnh sát không có căn cứ xác đáng buộc tội anh ta

Khắc họa hung thủ

Chân dung phác họa từ trí nhớ của các nhân viên ngân hàng

Cùng với hình ảnh, giọng nói, vóc dáng, cử chỉ được khắc họa từ trí nhớ của những nhân viên ngân hàng, phía cảnh sát cũng đã yêu cầu sự hợp tác từ các giáo sư ngành Tội phạm học, Tâm lý học. Sau khi phân tích tính cách của hung thủ đã đi đến một vài điểm chung:

  • Đối tượng tuổi từ 18 – 25
  • Cực kỳ thông minh
  • Khả năng là con một hoặc sinh sống tự do
  • Có năng lực làm việc, thu thập thông tin độc lập
  • Năng lực giao tiếp, diễn xuất tốt
  • Khả năng xây dựng kế hoạch tinh vi: Trong vòng 15 phút tiến hành chuyển phương tiện đến hai lần, chuyển số tiền lớn mà không hề lọt và tầm mắt của lực lượng cảnh sát Tokyo
  • Phạm vi sinh sống thuộc khu vực trung tâm của Tokyo
  • Người tỉ mỉ, cẩn trọng
  • Có thể có tiền sự về trộm cắp vặt và chưa bị xử lý
  • Có hiểu biết một cách đáng nghi về lịch trình giao dịch tiền mặt của ngân hàng
  • Có khả năng thực hiện nhiều vụ trộm độc lập mà không bị phát hiện.

Vụ án trên về sau đã được chuyển thể thành rất nhiều văn hóa phẩm khác từ manga, anime, phim truyền hình bởi có lẽ đó là thế giới duy nhất nơi hung thủ bị lộ diện. Trên thực tế, vào tháng 12 năm 1975, thời hạn điều tra vụ án đã chấm dứt, phía cảnh sát không thể tiến hành bất cứ hoạt động truy tìm nào khác và vào tháng 12 năm 1988, hung thủ hoàn toàn trở thành một công dân tự do do đã hết thời hạn truy cứu. Đến tận ngày hôm nay, danh tính của hung thủ vẫn là một ẩn số.

Theo: Pic via Getty Image - Asahi Shimbun
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.