• Về đầu trang
Spock
Spock

Sinh ra trong cổ tích mộng mơ, chết cô đơn trong thực tại tàn nhẫn - Số phận bi kịch của vị vua thích xây lâu đài nhất của Đức

Lịch sử

Thế giới điên! Những nhà vua điên! Một vở kịch điên rồ.

Cảnh 1, màn II trong kịch King John - Shakespear

Những lời văn của Shakespear viết trong vở kịch King John vào thế kỷ 16 như những lời tiên tri cay nghiệt về cuộc đời của “Ông vua cổ tích xứ Bavaria” Ludwig II 300 năm sau đó. Trong cuộc đời ngắn ngủi, nhà vua đã đắm chìm trong một giấc mơ cổ tích đầy hoang dại của mình và hiện thực nó bằng những tòa lâu đài đồ sộ, tốn kém, những vở nhạc kịch hoành tráng với các cốt truyện đầy mộng mơ. Nhưng trớ trêu thay, giữa một thời kỳ mà hoàng gia mất dần vị thế của mình, ánh sáng cách mạng công nghiệp dập tắt đêm trường phong kiến, vị vua này phải chịu kết cục đau đớn của những kẻ phản diện trong câu truyện mà ông một thời mê đắm.

ludwig ii museum450

Vua Ludwig II khi còn ở ngôi vua

Ludwig sinh ra ở Munich vào ngày 25 tháng 8 năm 1845, với sứ mệnh sẽ là dẫn dắt vương quốc Bavaria, một trong những quốc gia giàu có và phát triển nhất của Đức xưa. Nhưng khác với kì vọng của cha, Ludwig lại dành hầu hết sự quan tâm cho một cuốn sách ảnh với nội dung là các truyền thuyết thời trung cổ. Hàng ngày ngắm nhìn nó, ông lại càng mê đắm hơn các câu chuyện về người Nibelungs, của Wieland, Biteroif, Dietrich von Bern, Charlemagne, Langobards và Lohengrin yêu thích của ông.

hohenschwangau von neuschwanstein1

Lâu đài Hohenschwangau, nơi Ludwig sinh ra và lớn lên

wohnzimmer

Các bức tường bên trong lâu đài được trang trí bởi những bức tranh vẽ về truyền thuyết German cổ xưa

Ở lâu đài Hohenschwangau, một tòa lâu đài với lối kiến trúc Gothic, được trang trí chung quanh là các bức tranh tường thuật lại những truyền thuyết German cổ xưa và cũng là nơi Ludwig II dành phần lớn tuổi thơ của mình, ông lại thêm đắm chìm vào thế giới huyền ảo. Chính vì thế, ngay khi buổi hòa nhạc Longhenrin của nhạc sĩ đại tài Richard Wagner được tổ chức vào năm 1858 tại nhà hát Munich, vị hoàng tử trẻ đã rất háo hức và tìm cách tham dự.

wagner lohengrin act ii the king denouncing telramund the victrola book of the opera

Vở nhạc kịch Longhenrin của Wagner, phỏng trên truyện cổ tích "Nàng công chúa và Bầy thiên nga"

Ngay trong giây phút chứng kiến các câu truyện mờ ảo, tưởng như chỉ có trong cổ tích của mình được đưa lên sân khấu, cùng với đó là những giai điệu khi hào hùng, khi lại da diết từ dàn hòa nhạc, Ludwig như không còn là chính mình. Hoàng tử càng cảm thấy cảm mến một thiên tài âm nhạc hiếm có như Wagner và từ đó, khởi đầu cho một mối quan hệ tri kỷ kì lạ giữa vị thái tử 13 tuổi của xứ Bavaria và người nhạc sĩ già (năm đó Wagner 45 tuổi).

Vào tháng 4 năm 1864, chỉ vài tuần sau khi vua cha qua đời, vị vua trẻ tuổi của Bavaria đã ngay lập tức cho ra lệnh tìm kiếm Wagner trong khi ông này đang bị chạy trốn khỏi các chủ nợ. Ngay trước khi bị lôi ra tòa, Pfistermeister, cố vấn của nhà vua đã tìm thấy ông và gửi cho Wagner lời mời về một vị trí trong dàn soạn nhạc của Bavaria. Theo lời của Wagner, tờ giấy mời có những câu này: “Vị vua trẻ tuổi đã thể hiện sự ngưỡng mộ to lớn của Ngài với các tác phẩm của tôi và tuyên bố sẽ giữ tôi bên Ngài như một người bạn, để tôi có thể tránh khỏi rắc rối.”

ludwig ii bavarya ghp 447796

Ludwig khi mới lên ngôi

Vua Ludwig II đã giữ lời hứa khi ông tự mình trả các khoản nợ của Wagner, tài trợ cho ông trong suốt nhiều năm để nhà soạn nhạc này có thể làm việc mà không phải lo lắng gì cả. Có thể nói, không chỉ Wagner mà cả thế giới âm nhạc đều mắc nợ Ludwig, vì nếu không có sự trợ giúp của quốc vương, thế giới có thể không bao giờ được nghe những kiệt tác như Tristan và Isolde, Die Meistersinger, The Ring Cycle hay Parsifal.

Suốt thời gian sau đó, nhà vua Ludwig II dường như luôn cảm thấy hạnh phúc từ người bạn của mình. Gần như mọi ngày, ông ở lại nhà của Wagner, mời nhà soạn nhạc đến lâu đài Hohenschwangau và yêu cầu Wagner đàn trên chiếc đàn piano từ gỗ cây phong trong phòng âm nhạc của lâu đài. Cây đàn này sau đó cũng được gọi là Đàn piano của Wagner, như một sự ưu đãi hiếm có của một vị quân chủ dành cho một nhà soạn nhạc.

2 format43

Ludwig dành riêng cho Wagner một căn phòng riêng trong lâu đài của mình để ông thỏa sức sáng tác và cống hiến cho nghệ thuật

Thế nhưng, càng mê đắm trong các bản nhạc hay những giấc mộng thần tiên, vị quân vương trẻ tuổi lại càng chán ghét hiện tại và công việc triều chính. Người ta cũng dần ít thấy nhà vua xuất hiện trong buổi thiết triều, sự kiện quốc gia. Căng thẳng giữa nhà vua và các cận thần trong triều cũng ngày một gia tăng, khi vương quốc Bavaria lúc đó bị đe dọa bởi thế lực Phổ hùng mạnh từ phía phương Bắc và sự tàn lụi của chế độ phong kiến trong con mắt người dân.

Đến năm 1867, Ludwig đính hôn với Công tước Sophie Charlotte, nhờ vào sự tương đồng trong sở thích của cả hai với các vở nhạc kịch. Tuy nhiên, dưới sự ảnh hưởng sâu sắc từ người bạn thân Richard Wagner, Ludwig sau đó lại hoãn hôn lễ và cuối cùng là hủy hôn. Từ đó đến cuối đời, Ludwig không bao giờ kết hôn lần nữa mà chỉ có duy nhất một người bạn tâm giao, đó là nhà soạn nhạc thân thiết của mình.

fc1ca1007caa92a0c8ed4efb6a0409c4

Ludwig II và Công tước Sophie Charlotte

Chính vì thế, đã từng không có nghi vấn rằng, liệu giữa hai người đàn ông này có nảy sinh mối quan hệ “đồng tính”. Trong các bức thư giữa Wagner và Ludwig, người ta có thể bắt gặp những câu nói mùi mẫn như: “niềm hạnh phúc tràn ngập trong ta mỗi khi nhìn và nghe thấy bạn” (Ludwig đến Wagner) hay “hỡi ôi, người yêu dấu của thần”, (Wagner đến Ludwig). Dù vậy, sự thực đến nay vẫn là một dấu hỏi lớn, khi Wagner vào thời điểm đó đã có đến 3 người con và hai bà vợ.

dntwir4xsaeytlb

Cả Wagner và Ludwig II bị cho là có một mối quan hệ trên mức bạn bè thông thường

Sau năm 1871, vua Ludwig II chính thức rút lui khỏi công việc triều chính để bắt đầu cho một thứ đam mê khác: Xây dựng những tòa lâu đài vĩ đại. Ban đầu, nó chỉ là một cách để ông chạy trốn khỏi cuộc sống hằng ngày nhưng dần dần, nó đã trở thành một nỗi ám ảnh, chiếm lấy ông.

Đó là khi ông liên tục cho xây dựng cung điện kiến trúc rococo Linderhof ở Oberammergau với những sảnh gương, cột đá cẩm thạch được trang trí công phu bằng nụ hoa hồng, thiên sứ hài đồng hay tòa lâu đài Neuschwanstein lãng mạn, được sử dụng làm bối cảnh cho bộ phim hoạt hình Sleeping Beauty nổi tiếng của Disney. Khi thăm quan Herrenchiemsee, du khách còn có thể cảm nhận được tham vọng to lớn của Ludwig khi nỗ lực tái hiện lại một Versailles thứ hai giữa lòng nước Đức.

arbeitszimmer

Phòng làm việc bên trong lâu đài Linderhof

aee44fc32e47f07b5fe3050745ad94ac xl

Hình ảnh lâu đài Herrenchiemsee từ bên ngoài

6i9a8396

Sảnh gương của Herrenchiemsee, vốn lấy cảm hứng từ Versailles của Pháp

neuschwanstein castle long

Lâu đài Neuschwanstein được coi là bối cảnh cho câu truyện "Công chúa ngủ trong rừng"

13 interior general neuschwanstein0417

Một căn phòng của lâu đài Neuschwanstein

Nhưng các lâu đài không thể tự mọc lên từ trong không khí hay có một ai đó ban phát cho được. Việc xây dựng cần có tiền và chính vua Ludwig II phải chi trả cho nó. Chỉ trong 14 năm ngắn ngủi, Ludwig đã đốt đến 14 triệu mark vào sở thích xa xỉ này của mình, bất chấp lời can ngăn từ các quan lại cố vấn của mình. Hoàng gia mắc nợ nghiêm trọng, không còn tiền để ngân sách để duy trì chi phí cơ bản nhất. Và nội các Bayern đã đưa ra quyết định: Họ cần một nhà vua tỉnh táo và có đủ khả năng để điều hành đất nước.

Nhằm tìm kiếm một lí do phù hợp, nhóm những viên quan thượng thư phản đối nhà vua đã tìm kiếm các bác sĩ thiếu đạo đức, vô lại và tự tạo một hồ sơ bệnh tâm thần cho nhà vua. Bản báo cáo về bệnh tật của nhà vua kết luận, ông bị cho là mắc bệnh “tâm thần rối loạn” cũng như “căn bệnh bất trị” và hoàn toàn không có năng lực để làm vua. Thân vương Luitpold, chú của Ludwig sau đó được quần thần tôn lên làm vua, còn vị phế vương 40 tuổi thì bị đưa đến Lâu đài Berg bên bờ hồ Starnberger khoảng 15 dặm về phía nam của Munich.

ludwig ii of bavaria project gutenberg etext 16431

Hình ảnh Ludwig II trước khi qua đời ít lâu vào năm 1886

15143713 7

Mộ của Ludwig II dưới lòng hồ Starnberger

Chỉ một ngày sau khi bị đưa đến đây, ngày 13/6/1886, nhà vua cổ tích bị báo cáo là đã chết đuối dưới lòng hồ cùng bác sĩ trị liệu chính cho ông, Bernhard von Gudden. Nhiều người cho rằng, cái chết trên thực chất là một nỗ lực tự tử thành công của Ludwig, khi ông bị tách rời khỏi những cung điện, những sở thích của riêng mình và nỗi sợ phải sống một cuộc đời trống rỗng, cô đơn mà không có âm nhạc, nghệ thuật hay một người nào thấu hiểu tâm hồn ông như Wagner đã làm.

Đã gần 200 năm trôi qua từ cái chết của một trong những nhà vua gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Đức, những tòa lâu đài của ông vẫn sừng sững, mở cửa đón chào khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới.

linderhof

Kể cả người ta đã nhìn thấy phần bên ngoài...

04bdca6c5b2073eb7a89460bc46d852a

hay bên trong của Linderhof, cũng chẳng ai hiểu được Ludwig II như Richard Wagner

Trong không gian kiến trúc rococo của Liderhof hay những sảnh nhà tuyệt đẹp, rực rỡ màu sắc theo phong cách roman ở Neuschwanstein, các hướng dẫn viên du lịch vẫn tiếp tục giới thiệu đến cho khách tham quan về câu chuyện chủ nhân của nơi đây hay sự độc đáo trong tòa lâu đài. Nhưng chắc chẳn, chẳng có lời thuyết minh nào từ brochure du lịch vô hồn có thể nói cho bạn về sự cô đơn của vị hoàng tử cổ tích vô tình sinh nhầm trong thực tại và nỗi trống trải bên trong chính nơi trú ẩn ông tự xây dựng cho mình.

Theo: The New York Times, Wikipedia

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.