• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

x: Thử nghiệm cực hạn sinh sản ở người: Một phần di chúc làm người nghèo phải phát điên vì sinh con

Lịch sử

Vào thế kỷ trước, một tờ di chúc đã làm rộ lên cuộc thi sinh con kỳ lạ. Trong vòng mười năm, các gia đình nghèo khó ở Canada đua nhau sinh con, gia đình nào sinh được nhiều con nhất sẽ được kế thừa số tài sản lên đến cả triệu USD.

Những gia đình thắng cuộc đã nhận được tài sản kếch xù. Nhưng số gia đình thua cuộc thì không nhận được bất kì thứ gì ngoại trừ đàn con nheo nhóc.

Mọi chuyện bắt đầu vào đêm Halloween năm 1926, đó là ngày mà triệu phú Charles Vance Millar qua đời.

Khi còn sống ông là một luật sư tài giỏi, sở hữu một văn phòng luật riêng, bên cạnh đó ông còn là một thương nhân khôn khéo. Ông sở hữu một số cổ phần lớn và là chủ tịch của nhà máy bia O'Keefe ở Toronto, ngoài ra Millar cũng đầu tư vào đua ngựa và sở hữu một số lượng bất động sản tiềm năng. Người ta ước tính tổng tài sản của ông lên đến cả tỷ USD.

Charles Vance Millar

Sự ra đi của ông đã khiến báo chí tốn vô số giấy mực, ai cũng quan tâm tới việc khối tài sản của ông sẽ rơi vào tay ai.

Không chỉ vì Millar độc thân cả đời, không vợ không con, cha mẹ mất sớm, không ai đủ tư cách kế thừa di sản khổng lồ của ông; mà còn vì di chúc kì lạ, như thể sợ lúc sống mình chưa để lại đủ tiếng tăm. Phần di chúc này viết rằng:

Trong vòng mười năm, bất kì người phụ nữ nào ở Toronto sinh được nhiều con nhất sẽ nhận được toàn bộ số tài sản của ông. Nếu có hai hoặc nhiều người có số con bằng nhau, tiền thưởng sẽ được chia đều cho tất cả người thắng.

Ban đầu, lúc tờ di chúc mới được tìm thấy, luật sư đồng thời là bạn của Millar chỉ nghĩ rằng đó là một trò đùa dai. Nhưng khi nghiêm túc đọc hết những giấy tờ Millar đính kèm di chúc, ông mới biết đây là sự thật. Ông chỉ đành nghiêm túc lo liệu thủ tục và công bố phần di chúc này cho giới truyền thông.

Truyền thông địa phương đã lan truyền tin tức này ra khắp thành phố và gọi đùa đây là cuộc thi The Great Stork Derby.

Bộ phim The Stork Derby (2002) được làm dựa trên sự kiện này

Thời gian Millar qua đời như thể đã được ông cố ý lựa chọn từ trước, bởi vì lúc ông qua đời cũng là lúc cuộc đại khủng hoảng kinh tế đang thối quét toàn bộ Canada và các nước Châu Âu.

Lúc bấy giờ, tỷ lệ thất nghiệp ở Canada lên đến 19%. Từ năm 1929 đến năm 1933, tổng thu nhập của Toronto giảm 38.5%, đến năm 1935, có 25% các gia đình ở đây phải sống dựa vào tiền trợ cấp của chính phủ. Trong hoàn cảnh này, phần di chúc nghe cứ như trò đùa của Millar đã trở thành cọng rơm cứu mạng của vô số gia đình nghèo đói.

Các cặp vợ chồng thất nghiệp, nghèo khó đang chìm sâu trong vũng bùn tuyệt vọng, chỉ biết chăm chăm tham gia cuộc thi sinh sản với hy vọng kiếm được đủ tiền sống qua ngày. Quan trọng nhất là di sản của Millar còn không ngừng gia tăng qua từng năm. Cứ thế một cuộc thi toàn dân sinh sản đã ra đời và diễn ra vô cùng căng thẳng.

Nhưng cuộc thi sinh sản này không phải là chuyện đơn giản, thực tế nó cực kì tàn khốc: nó dùng sức khoẻ của toàn bộ phụ nữ tham gia thi để thử nghiệm cực hạn sinh sản ở người.

Có lẽ chính bản thân Millar cũng không ngờ được rằng sẽ có nhiều gia đình bất kể hậu quả để dự thi như vậy, càng không ngờ được rằng nó sẽ trở thành một vở bi hài kịch giữa đời thường.

Vậy trong vòng 10 năm, những người dự thi phải làm sao để sinh được nhiều con nhất?

Một lần mang thai người mẹ cần tốn ít nhất 9 tháng, tính trung bình nếu người mẹ đủ sức khoẻ và mang thai ngay sau khi sinh con, trong vòng 10 năm, người này có thể mang thai tối đa 13 lần. Nhưng cơ thể chúng ta không phải máy móc, không phải nói muốn có thai là có thai, muốn sinh là sinh ngay được.

Đầu tiên một người phụ nữ muốn có thai, phải chắc rằng thân thể mình đang không trong thời gian cho con bú. Bởi vì trong thời kỳ này, tuyến yên trong não người mẹ sẽ thúc đẩy cơ thể sản sinh sữa; Đồng thời, nó cũng sẽ làm trứng trong cơ thể người mẹ không thể phát triển hoàn thiện, Nên trong thời gian cho con bú, cơ thể người mẹ sẽ bật chế độ tránh thai tự nhiên (đương nhiên đây không phải điều tuyệt đối).

Nên những gia đình quyết tâm dự thi, vì tranh thủ thời gian, các bà mẹ đều sẽ tạm ngưng hoặc không cho con bú bằng sữa mẹ.

Ngoài ra, dù dùng cách trên có thể đẩy nhanh thời gian mang thai, nhưng nếu tử cung không đủ thời gian phục hồi; lần mang thai tiếp theo người mẹ rất dễ sinh non, làm quá trình thụ thai bị kéo dài đến khi cơ thể khôi phục hoàn toàn.

Vì đề cao khả năng sinh sản, phía người bố cũng không dễ dàng gì. Ngoại trừ cần phải nhớ kỹ chu kỳ sinh lý của vợ, họ còn bị cấm “tự xử” trước khi quan hệ 5 ngày, để cơ thể có đầy đủ sức khoẻ. Nhưng hiệu quả thế nào thì không ai rõ.

Đương nhiên cũng có không ít người đi đường tắt, một lần sinh vài đứa con. Nhưng ở thế kỷ trước, kỹ thuật sinh con trong ống nghiệm vẫn chưa xuất hiện, nên tỷ lệ các bà mẹ sinh đôi hoặc sinh ba cực kì hiếm thấy.

Tổng hợp các nguyên nhân trên, một người phụ nữ trong vòng 10 năm, cao nhất có thể sinh được từ 7-8 đứa trẻ, còn nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì chỉ được khoảng 4-5 đứa.

Quả thật sau 10 năm, ở Toronto có ít nhất 20 người phụ nữ tuyên bố mình sinh được trên 8 đứa con, trong đó có 6 người có trên 9 đứa con.

Tuy nhiên 2 trong số đó đã bị loại. Người đầu tiên là Lillian Kenny, bà tổng cộng sinh được 11 đứa con, nhưng có ba đứa trẻ đã chết non, vì thế không được tính. Thậm chí trong những năm tháng khốn cùng, một đứa con của bà còn bị chuột cắn dẫn đến nhiễm bệnh và qua đời.

Lillian Kenny và Pauline Mae Clarke

Một người khác là bà Pauline Mae Clarke, bà có tổng cộng 10 đứa con, nhưng 4 đứa trẻ cuối cùng không phải do bà và chồng chính thức của mình sinh, nên không được tính vào.

Cuối cùng có tổng cộng 4 người thắng, họ đều có được 9 đứa con, mỗi người nhận được khoảng 125.000 USD, họ lần lượt là Lucy Timlec, Kathleen Nagle, Annie Smith và Isobel MacLean.

Dù bị loại nhưng Pauline Mae Clarke và Lillian Kenny vẫn nhận được một số tiền nhỏ hơn, xem như bồi thường.

Gia đình của Lucy Timlec, bà tổng cộng có 16 người con

Vậy những gia đình dự thi khác thì sao? Bởi vì thời gian đã qua quá lâu vả lại lúc ấy không có con số thống kê cụ thể, nên không rõ lúc ấy có bao nhiêu gia đình tham gia thi.

Trong 10 năm, những người phụ nữ tham gia thi không chỉ phải chịu đựng các vấn đề về sức khoẻ mà tinh thần họ còn liên tục bị tra tấn bởi những vấn đề như: “Mình có thắng được không?”, “Đối thủ lại mang thai nữa rồi”, “Nếu không thắng được tiền thì đàn con này làm sao đây?”,…

Gia đình Kathleen Nagle

Không chỉ vậy, họ còn phải lo lắng đề phòng phần di chúc này bị mất hiệu lực. Bởi vì ngay từ khi phần di chúc này được đưa ra ánh sáng, vô số người dù xuất phát từ lương tâm đạo đức hay vì mục đích riêng đều đã đứng ra phản đối nó.

Năm 1932, chính phủ tỉnh Ontario đã đưa việc huỷ tờ di chúc và quyên góp số di sản này cho Đại học Toronto vào chương trình nghị sự của mình. Nhưng nó đã nhanh chóng vấp phải làn sóng phản đối kịch liệt từ công chúng, họ cho rằng đây là tài sản cá nhân, chính phủ không có quyền can thiệp.

Gia đình Carter

“Người thân phương xa” của Miller còn đứng ra tố cáo phần di chúc này vi phạm chính sách công cộng và đề nghị huỷ bỏ nó. Nguyên nhân được đưa ra là: Để người phụ nữ liên tục sinh sản trong một khoảng thời gian dài, không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ của họ, còn ảnh hưởng tới sức khoẻ của đứa trẻ. Không chỉ vậy những người dự thi sinh con bất chấp hậu quả như vậy sẽ mang tới gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Vụ kiện này được đưa lên tận pháp viện tối cao của Canada, cuối cùng “người thân phương xa” của Miller thua kiện, phần di chúc vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Nhưng những chuyện này đâu liên quan gì tới những gia đình thua cuộc? Sau cuộc thi, hoàn cảnh sống của họ càng thêm khốn cùng. Những đứa trẻ được sinh ra vì tiền trong 10 năm đó gần như không thể hưởng thụ tuổi thơ tốt đẹp và hoàn cảnh giáo dục hoàn thiện. Những thứ này đều là điều mà Miller chưa từng nghĩ tới hoặc chính xác hơn là ông không thèm quan tâm.

Mãi tới giờ người ta vẫn chưa biết mục đích thật sự của tờ di chúc này là gì, có lẽ ông muốn khuyến khích những người phụ nữ sinh nhiều con hơn, cũng có lẽ ông muốn thông qua cách cực đoan này để thử nghiệm cực hạn sinh sản của con người.

Theo: Zhihu
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.