• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Thực hư về nỗi sợ hãi thời Trung Cổ mang tên ‘quyền được hưởng đêm đầu tiên’

Lịch sử

“Droit du seigneur”, “Jus primae noctis” hay “Prima Nocta” đều là các tên gọi chung cho đạo luật “right of the first night” – quyền được hưởng đêm đầu tiên. Đạo luật được coi là hợp pháp này cho phép tầng lớp nam giới quý tộc nói chung, bao gồm vua, lãnh chúa, chủ đất hay quý tộc địa phương được lấy đi trinh tiết của các cô gái thuộc tầng lớp thấp hơn – ví dụ như nông dân, người hầu – ngay sau hôn lễ của cô và người chồng mới cưới. Nói một cách chính xác hơn, bởi tầng lớp nông dân, người hầu, người làm công cho giới quý tộc vốn chỉ được xem như những vật sở hữu, nên thân thể cũng như “cái ngàn vàng” của một trinh nữ cũng phải thuộc về chủ của cô.

jules arsene gardier le droit du seigneur

Tranh sơn dầu “Le Droit Du Seigneur” của họa sĩ Jules-Arsène Garnier vẽ năm 1872. Nguồn ảnh: Wikipedia

Nhưng thực hư về sự tồn tại của “quyền được hưởng đêm đầu tiên” chưa bao giờ được khẳng định. Không một bằng chứng cụ thể, không một cái tên nạn nhân, cũng không có bất kì ghi chép lịch sử được công nhận. Vậy từ đâu mà người ta biết đến đạo luật kì lạ và bất công này?

Trong thiên sử thi anh hùng cổ nhất thế giới Epic of Gilgamesh, nhà vua Gilgamesh đã áp đặt và thực hiện những hành động tương tự với “quyền được hưởng đêm đầu tiên”: “Ngài là vua, và vua có thể làm bất cứ điều gì ngài muốn… cướp lấy cô gái khỏi mẹ của cô, hay con gái một chiến binh, cô dâu của người đàn ông trẻ tuổi, và chiếm đoạt cô ấy.” Đây được xem như những ghi chép đầu tiên về đạo luật mà giới vua chúa, quý tộc thời Trung Cổ buộc người làm công dưới quyền phải tuân theo. Thế nhưng, Epic of Gilgamesh vẫn được liệt vào hàng truyền thuyết, thần thoại, và vài ghi chép ngắn gọn tuy hàm ý thế nào vẫn không thể chứng minh được sự tồn tại của đạo luật kể trên.

vasily polenov le droit du seigneur

“Le droit du Seigneur” của họa sĩ Vasily Polenov vẽ năm 1874, miêu tả cảnh một người nông dân già mang đứa con gái của mình đến nộp cho vị lãnh chúa. Nguồn ảnh: Pinterest

Tiếp đến phải nhắc tới bộ phim nổi tiếng Braveheart sản xuất năm 1995, đã đoạt giải Oscar dành cho phim hay nhất và luôn nằm trong top những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Braveheart lấy bối cảnh xứ Scotland vào khoảng cuối thế kỉ 13, khi các quý tộc được vua Edward I của nước Anh ban cho rất nhiều đặc quyền đặc lợi, trong đó có quyền được hưởng đêm đầu tiên. Đây được xem như một luật tối thượng được nhắc đến xuyên suốt câu chuyện và là một chất xúc tác dẫn đến các cao trào của phim. Bộ luật trên được thể hiện tựa như một cơn ác mộng cho giới nông nô, khi các cô dâu bị buộc phải đến hầu hạ cho lãnh chúa và bị trả về cho chồng trong bộ dạng tàn tạ, xác xơ. Murron – người yêu của nhân vật chính William Wallace – đã bí mật tổ chức hôn lễ với William và động phòng với người chồng mới cưới để tránh phải dâng trinh tiết của mình cho lãnh chúa. Murron sau đó bị bắt giữ và xử tử - cái chết của cô bắt đầu cho cuộc trả thù của William.

Vài phân đoạn có nhắc đến đạo luật “được hưởng đêm đầu” dưới tên Prima Nocta trong phim Braveheart (1995)

William Wallace vốn là một nhân vật lịch sử có thật, và Braveheart đã giữ lại khá nhiều chi tiết về cuộc đời ông, đặc biệt là phân đoạn ông bị xử tử. Bởi thế, rất nhiều người sau khi xem phim đã tin vào sự tồn tại của đạo luật cho phép giới quý tộc lấy đi trinh tiết của một cô gái trước chồng mới cưới của cô, hay cho rằng đạo luật này có nguồn gốc từ Scotland. Trên thực tế, có rất nhiều nhà sử học đã công nhận rằng không có bằng chứng cụ thể nào xác nhận về sự tồn tại của đạo luật tối thượng kể trên, và đương nhiên là không thể tìm ra nguồn gốc cũng như nơi ra đời của nó.

Có ý kiến cho rằng, phụ nữ - cụ thể là nữ nông nô ở vào thời phong kiến xưa kia không hề có tiếng nói, bị xem như vật sở hữu, tên tuổi không được ghi nhận nên dẫn đến việc họ, cho dù có thật sự phải chịu đựng quyền được hưởng đêm đầu tiên hay không, thì cũng không được bất cứ sách vở ghi chép lại. Tuy vậy, nếu đạo luật này đã từng tồn tại suốt hàng nghìn năm thì tình cảnh “tức nước vỡ bờ”, nổi dậy chống lại lãnh chúa của những người dân nông nô nghèo khổ chịu áp bức đã phải xảy ra không chỉ một mà nhiều lần. Chắc hẳn phải có rất nhiều những đứa con hoang mang dòng máu nửa quý tộc, nửa nông nô ra đời, cũng như hàng loạt những đám cưới diễn ra bí mật để tránh khỏi tai mắt của các lãnh chúa, quý tộc. Đằng này vẫn không một ghi chép nào chứng minh cho những giả thuyết đó.

travel book of mandeville

Cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng các lãnh chúa đôi khi được quyền chứng kiến cảnh động phòng của cặp đôi mới cưới như một phần của nghi lễ thành hôn. Đây là tranh vẽ trong quyển sách du lịch của Mandeville. Nguồn ảnh: www.fibri.de

Thêm một lí do có phần tế nhị chứng minh cho ý kiến “quyền được hưởng đêm đầu tiên không hề có thật”, đó là bệnh tật. Thời Trung Cổ ở châu Âu thường xuyên được đủ loại dịch bệnh viếng thăm, cộng thêm y tế thô sơ lúc bấy giờ khiến các vị lãnh chúa, quý tộc trở nên thận trọng trong việc giữ sức khỏe và giữ mạng mình hơn bao giờ hết. Tuy rằng một cô gái vẫn là trinh nữ trong ngày hôn lễ, điều đó không có nghĩa cô ta khỏe mạnh và không mang bất kì mầm bệnh nào trong người. Ở thời kì đó, người ta đã biết về khái niệm bệnh lây qua đường tình dục, và không phải vị lãnh chúa giàu có nào cũng thích mạo hiểm để đem tính mạng và sức khỏe của bản thân ra đánh đổi với việc tước đi trinh tiết của một người con gái thấp hèn – mà vào thời Trung Cổ thì người ta cũng không siêng tắm gội cho lắm…

Sau cùng, giai thoại xung quanh “quyền được hưởng đêm đầu tiên” hầu hết là những lời kể, lời đồn thổi trong các tác phẩm văn thơ chủ yếu xuất hiện sau thời Trung Cổ ở châu Âu. Về sau, phim ảnh và văn học mượn những giai thoại trên để góp phần bi kịch hóa cho phần nội dung, làm đen tối thêm hình ảnh một thời kì Trung Cổ vốn đã không lấy gì làm sáng sủa và văn minh.

a peasant girl buying an indulgence

Tranh “A Peasant Girl buying an Indulgence” của họa sĩ François Marius Granet vẽ năm 1825. Tranh vẽ lại cảnh một cô gái nông dân trả tiền cho nhà thờ để đổi lấy sự xá tội. Nguồn ảnh: Wikipedia

Khá đau lòng để nói rằng phụ nữ tầng lớp thấp sống trong thời phong kiến phương Tây, ngoài việc bị đánh đập, tra tấn hay thậm chí là giết chết khi phạm lỗi, thì còn có thể bị hãm hiếp bởi binh lính, chủ đất, lãnh chúa bất cứ lúc nào chứ chẳng cần phải đợi đến ngày hôn lễ. Ngoài mục đích kịch tính hóa mạch truyện trong văn học, những giai thoại về “quyền được hưởng đêm đầu tiên” còn mang nhiều yếu tố chính trị ẩn đằng sau. Dù cho thế nào, thì một bộ luật được đặt ra trước tiên phải đảm bảo được quyền lợi cho một hoặc một vài giai cấp xã hội, chứ không phải để cái ác hoành hành khi mà nguy cơ về những cuộc nổi dậy do áp bức bất công vẫn luôn hiện hữu.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.