• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

Thuyết ưu sinh - Thời kỳ đen tối của nhân loại

Lịch sử

dictionary definition of word eugenics picture id473313016

Thuyết ưu sinh là việc cải thiện loài người bằng cách chọn lọc giao phối con người với những đặc điểm di truyền mà chúng ta mong muốn. Thuyết này được dựng lên với mục đích giảm bớt sự đau khổ khi chúng ta giảm thiểu mọi căn bệnh di truyền cũng như những đặc điểm không mong muốn ở con người. Những người ủng hộ thuyết ưu sinh cho rằng con người có thể kế thừa lại bệnh tâm lý, tố chất phạm tội, thậm chí là sự nghèo khổ từ cha mẹ mình, và họ tin rằng những điều đó có thể được loại bỏ thông qua gen.

Từ Eugenics, dịch ra sát nghĩa là Tạo vật hoàn hảo, triết gia Hy Lạp cổ Plato là người đầu tiên đề ra ý tưởng này, nhưng mãi đến năm 1883 từ Eugenics mới xuất hiện, được dùng lần đầu tiên bởi giáo sư người Anh, Francis Galton trong cuốn sách Inquiries into Human Faculty and Its Development.

eugenics

Chỉ những hạt mầm khỏe mạnh nhất mới được gieo giống.

Từ rất lâu rồi, thuyết ưu sinh khuyến khích những người với lối sống “lành mạnh” đẻ con càng nhiều càng tốt, cùng lúc đó ngăn cấm những người với bệnh tâm lý hoặc bất cứ ai bất thường đẻ con. Trong tác phẩm văn học của mình, The Republic, Plato viết về việc tạo ra một xã hội hoàn hảo bằng cách cho những người thượng lưu nhân giống với nhau và cấm những người hèn mọn đến với nhau. Ông cũng là người đề xuất ra một loạt luật nhân giống để giúp tạo ra một xã hội tối ưu.

Ví dụ, đàn ông chỉ nên có quan hệ với một người phụ nữ khi mối quan hệ đó được sắp xếp bởi những người bề trên. Những mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bị cấm tiệt, nhưng mối quan hệ giữa anh em trong nhà thì được cho phép. Mặc dù những ý tưởng của Plato có thể được xem là một dạng thuyết ưu sinh cổ đại, nhưng Galton không hề đề cập đến Plato trong những nghiên cứu của mình.

eugenicsintheusa

Vào đầu thế kỷ 20, ưu sinh trở thành một phong trào, một tuyên ngôn được nhiều người ủng hộ, trong đó bao gồm những chính trị gia, những bác sĩ, ngay cả các giáo sĩ cũng ủng hộ ý tưởng này. Nhưng để áp dụng thành công được, nhân loại đã phải trải qua một thời kì tối tăm, đặc biệt là ở Đức.

eugenics 1

Để tạo nên được giống loài hoàn hảo, nhiều đất nước đã áp đặt những hình thức ép buộc vô cùng kinh khủng lên người dân của họ. Chỉ riêng ở Mỹ, đã có cả trăm nghìn ca triệt sản ở những người mắc bệnh tâm lý hay khuyết tật, nhưng đó vẫn còn chưa là gì so với những thứ mà Adolf Hitler đã áp đặt lên người dân ở Đức trong suốt khoảng thời gian dẫn đến và trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai. Hitler không phải là người đã lên ý tưởng về chủng tộc dân trắng thượng đẳng, mà ông đã lấy ý tưởng đó từ Mỹ, ghi nguồn trong cuốn sách xuất bản năm 1934, Mein Kampf.

Nhà nước quốc gia phải đặt sự sống làm trọng tâm của cuộc đua này. Chúng ta phải làm mọi cách để giữ cho sự sống thật tinh khiết. Nhà nước phải nhận ra rằng những đứa trẻ con là báu vật quý giá nhất của người dân. Và chỉ những đứa trẻ khỏe mạnh và tốt đẹp nhất mới có thể sống sót. Nhà nước phải đóng vai trò là người bảo vệ một tương lai ngàn năm trước những mong muốn và sự ích kỷ của những con người không có ích cho xã hội. Nhà nước phải áp dụng những công cụ cũng như hiểu biết mới nhất về y tế để đạt được xã hội lý tưởng này.

adolfhitlerdoctor

"Adolf Hitler là bác sĩ của nước Đức" - Tờ National Health Guardian, năm 1935. Rudolf Hess xem chủ nghĩa phát xít là "Sinh học ứng dụng".

Cũng trong cuốn sách, Hitler khẳng định rằng những chủng tộc “không thượng đẳng” như dân Do Thái, người Di-gan (Gypsy) cần phải được loại bỏ để bể gen thêm thuần khiết và trong sạch. Ông tin rằng Đức nên làm mọi biện pháp mà nó có thể, kể cả diệt chủng, nếu cảm thấy cần thiết. Và vào năm 1933, Đức quốc xã đã tạo ra Luật phòng chống trẻ em bệnh di truyền, dẫn đến hàng ngàn vụ triệt sản. Đến năm 1940, ám ảnh điên cuồng này rẽ sang một ngõ tối hơn khi những người Đức bị bệnh tâm lý hoặc khuyết tật cơ thể đều bị tống vào những buồng khí gas hoặc tiêm thuốc. Ngay cả những người mù và điếc cũng không an toàn, dẫn đến cả trăm ngàn người vô tội bị sát hại.

racialheadshots

Ảnh chụp nhiều chủng tộc khác nhau. Hầu hết các nhà nhân chủng học phương Tây đã phân loại chủng tộc con người dựa trên các đặc điểm vật lý như kích thước đầu và mắt, tóc và màu da. Cách phân loại này được đề ra bởi Eugen Fischer và được xuất bản trong các phiên bản 1921 và 1923 của Tổ chức Di truyền học và Ưu sinh - Bảo tàng Tưởng niệm cuộc Đại diệt chủng Hoa Kỳ.

Trong thế chiến thứ hai, tù nhân của những trại tập trung phải trải qua nhiều thử nghiệm y tế khủng khiếp dưới cái mác giúp Hitler tạo ra giống người hoàn hảo. Josef Mengele, một bác sĩ cấp SS ở trại Auschwitz đã giám sát nhiều thí nghiệm liên quan đến ưu sinh trong khoảng thời gian này.

twins

Tiến sĩ Otmar von Verschuer nghiên cứu một cặp song sinh tại Viện Kaiser Wilhelm. Là người đứng đầu của Khoa di truyền học viện Kaiser Wilhelm, Verschuer, một bác sĩ và nhà di truyền học, ông đã kiểm tra hàng trăm cặp sinh đôi để nghiên cứu xem liệu tố chất tội phạm, suy nghĩ yếu đuối, bệnh lao và ung thư có thể di truyền hay không. Năm 1927, ông đề nghị triệt sản bắt buộc đối với những người bất thường về mặt đạo đức và tinh thần.

Ông dùng những chất hóa học để nhỏ lên mắt họ với mục đích tạo ra màu mắt xanh dương, tiêm vào người những tù nhân các loại mầm bệnh và phẫu thuật không gây mê. Rất nhiều những bệnh nhân đã qua đời vì thương tật vĩnh viễn, và những thí nghiệm kinh hoàng này đã mang lại cho ông biệt danh Thiên thần báo tử.

Ước tính đã có 11 triệu người chết trong cuộc Đại diệt chủng. Đa số những nạn nhân trong đó phải nằm xuống vì họ không phù hợp với định nghĩa “thượng đẳng” của Hitler.

Ngày nay, kỹ thuật di truyền đã trở thành một thứ có đạo đức hơn rất nhiều. Mục đích chính của kỹ thuật di truyền là để loại bỏ những gen mang bệnh trong cơ thể người, hoặc cải thiện cơ thể theo một cách nào đó. Những tiềm năng về y tế mà kỹ thuật di truyền mang lại thật sự là rất lớn. Nhưng khi xã hội càng phát triển, chúng ta càng có nhiều ý kiến hơn về thế nào là một con người “hoàn hảo”, và nhiều cặp cha mẹ có thể chấm dứt thai kỳ từ rất sớm khi biết con mình có thể sẽ mang bệnh khi được sinh ra.

Tuy nhiên, đây vẫn còn là một vấn đề rất gây tranh cãi, từ khi Adolf Hitler làm cho thuyết ưu sinh có một tiếng tăm xấu, những nhà khoa học ngày nay khi nghiên cứu kỹ thuật di truyền vẫn đang phải hứng chịu những ánh mắt xét nét, dị nghị.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.