• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Vì sao chúng ta phải mặc quần? (Kỳ 1): Thuở ban đầu khi quần là thứ bị cấm đoán

Lịch sử

Thử nhắm mắt lại và tưởng tượng về một nhân vật đình đám nào đó sống vào thời cổ đại ở châu Âu hoặc vùng Cận Đông – người Hy Lạp, người La Mã, người Ai Cập, người Israel, và những nền văn minh đã tác động kha khá vào châu Âu hiện đại. Sẽ có nhiều hơn một điểm khác biệt đáng chú ý giữa bạn và nhân vật đình đám nọ. Hoặc khá nhiều hơn con số một là đằng khác.

Khác biệt rõ ràng ở đây, đó là bạn thì có mặc quần còn họ thì không (ở một vài thời điểm bạn không mặc quần, nhưng phần lớn thời gian thì có, đúng không? ) Làm sao chúng ta phát triển từ việc mặc áo tunic và đủ kiểu áo choàng rộng dài thùng thình cho đến quần short và quần jean? Và làm sao mà những cái quần kia, từ dấu hiệu của sự mọi rợ, giờ đây trở thành yêu cầu cơ bản nhất để bạn có thể ngồi ăn ở một hàng bánh ven đường?

intro

Buổi hồng hoang của những chiếc quần

Vậy thì điều gì đã dẫn đến việc “phát minh” ra quần? Những nền văn minh của áo choàng và tunic hẳn có một mớ lí do về cả thực tế lẫn văn hóa để tận hưởng cảm giác thoáng đãng phơi phới – giống như khi bạn mặc váy, đầm, áo choàng tắm vậy – và dẹp ngay suy nghĩ về kiểu trang phục quấn đôi chân thành hai bên riêng biệt và ở giữa còn có miếng vải ôm sát cả mông lẫn “họa mi”.

Phần lớn lí do dẫn tới sự ra đời của quần đến từ những con ngựa.

Theo Science News, tổ tiên của những chiếc quần ngày nay đến từ vùng Trung Á khoảng 3000-3300 năm về trước, thuộc về các dân tộc có lối sống du mục và cho rằng quần giúp việc cưỡi ngựa của họ dễ dàng hơn. Việc cưỡi ngựa bắt đầu từ khoảng 4000 năm trước, thế nên quần không thể xuất hiện sau đó quá lâu.

buner reliefs scythian bacchanalian harp player and dancer

Cái quần “cao tuổi” nhất được tìm thấy ở khu Lòng chảo Tarim thuộc Trung Quốc, nhưng loại trang phục này cũng được mặc bởi các dân tộc sống du mục và cưỡi ngựa khác, như người Scythia vào khoảng 2500 năm trước. Những chiếc quần ở buổi sơ khai có ống thẳng, đáy rộng, may bằng vải lông cừu xẻ ở hai bên và có dây buộc cùng họa tiết trang trí dệt ở phần ống.

Thú vị hơn, chiếc quần này có vẻ đã được đan và dệt ra mà không hề có sự tham gia của thao tác cắt xén nào cả. Giờ thì tưởng tượng xem chủ nhân của nó phải xấu hổ ra sao khi bước khỏi phòng thay đồ và được mẹ yêu cầu đứng đấy cho cả bộ tộc du mục ngắm nghía mà trầm trồ.

Quần của dân mọi rợ

2 pants of the barbarian

Người Hy Lạp cổ đại rõ ràng không hề thích quần, và đương nhiên là không thích mặc chúng. Họ mặc trang phục làm từ lông cừu hoặc vải lanh, được ghim hoặc thắt dây cố định. Đàn ông thường vận áo tunic may bằng vải lanh gọi là “chiton”, và khoác thêm áo choàng gọi là “himation” vào mùa lạnh. Phụ nữ thì mặc tunic ghim cố định ở vai có tên gọi “peplos.

Người La Mã bắt chước phần trang phục của Hy Lạp, cũng giống cách họ “mượn ý tưởng” Hy Lạp trong thần thoại, kiến trúc, triết học và nhiều thứ khác. Đàn ông mặc áo tunic dài đến gối với thắt lưng, còn phụ nữ mặc tunic dài đến mắt cá với thắt lưng ở hông và dưới ngực. Loại trang phục này được gọi là “stola”. Trong những dịp trọng đại như đi làm ở Viện nguyên lão La Mã chẳng hạn, các nam công dân vận một miếng vải len khổng lồ được quấn và xếp xung quanh áo tunic của họ. Đây được gọi là “toga”.

Vậy tại sao người Hy Lạp cổ ghét quần? Theo tờ Vintage News, ngoài việc cho rằng quần thật lố bịch, họ còn coi nó là trang phục của người ngoại quốc – người Ba Tư, người Scythia, người châu Á, những kẻ mọi rợ trong mắt dân tộc văn minh như người Hy Lạp. La Mã cũng học theo Hy Lạp trong thái độ đối với những cái quần. Từ “bracatus” trong tiếng Latin có nghĩa là “mặc quần”, được dân La Mã dùng để chỉ những ai mà họ xem là ngoại quốc, mọi rợ và ẻo lả. Thật mỉa mai thay cho cái nhìn hiện tại của chúng ta về chiếc quần.

Những chiếc quần bị cấm đoán trong Đế quốc La Mã

Như quyển Atlas Obscura chỉ ra, mối thù mà người La Mã dành cho quần mang tính phân biệt đối xử khá cao. Họ tư duy rằng vì những người tinh tế không mặc quần nên rõ là quần cũng không lấy gì làm tinh tế. Khi nhà hùng biện vĩ đại Cicero công kích người Gaul, ông nói đến “áo choàng quân đội và quần ống túm của họ”, như một cách chỉ ra tính xâm lược hiếu chiến bẩm sinh của dân tộc này.

3 forbidden pants of the roman empire

Tuy vậy, ở buổi sơ khai của đế chế, khi thời tiết vùng Địa Trung Hải không ủng hộ binh lính La Mã thực hiện nhiệm vụ duy trì vùng lãnh thổ ở Đức, Thụy Sĩ, Anh và các nơi khác, họ nhận ra những túi khoai tây có lỗ xỏ tay khá là hữu dụng. Học tập theo đồng minh mới là dân tộc Gaul, lính La Mã bắt đầu mặc quần để bảo vệ bờ cõi khỏi người Goth. Sau đó, thường dân cũng chạy theo kiểu thời trang quân đội này.

Năm Công Nguyên thứ 397, ở buổi tàn lụi của đế chế, cặp anh em Hoàng đế La Mã Honorius và Arcadius ban hành sắc lệnh cấm thường dân mặc quần. Hành động này nhằm củng cố nền văn hóa La Mã và phân biệt lính với thường dân trong một cộng đồng khá ưa thích việc ám sát.

Tin xấu đến với La Mã cũng là lúc tin tốt lành đến với những cái quần: lệnh cấm trên kết thúc khi Alaric và đội quân Visigoth có mặc quần của ông ta cướp phá Rome, góp phần vào sự sụp đổ không thể tránh khỏi của Đế quốc Tây La Mã vào năm 476. Quần trở thành trang phục chính thức cho triều đình Đế quốc Đông La Mã một thế kỷ sau đó.

Những chiếc quần mang tính bắt buộc trong Đế quốc Nga

Ngược lại 180 độ so với lệnh cấm quần từ Hoàng đế Honorius và Arcadius của Đế chế La Mã xa xưa, Peter Đại Đế của Nga ở thế kỷ 17 đã đưa ra cải cách bắt buộc mặc quần. Ngày trước, nếu quần bị coi là mọi rợ và cần bị dẹp bỏ thì đến thời của Peter Đại Đế, ngài cho rằng nó là dấu hiệu của sự văn minh và hiện đại mà nhân loại cần phải được tiếp cận bằng mọi giá.

Năm 1696, thời điểm mà Peter trở thàng Sa hoàng, nước Nga đã tụt hậu trong khoảng sáu thế kỷ. Chế độ Sa hoàng cô lập do tầng lớp những quý tộc quyền thế (gọi là “boyar”) nắm quyền. Họ, cùng với Nhà thờ Chính thống giáo quyền lực tột bậc, đã duy trì sự giàu có và sức mạnh của mình nhờ vào tầng lớp nông nô đông đảo và bất lực. Thời trang chuẩn mực là áo choàng dài, áo khoác dài và râu dài.

Sự tiến bộ trong công nghệ và thương mại – vốn đã lan rộng khắp châu Âu – bắt đầu tìm đến nước Nga. Còn Peter Đại Đế thì lớn lên bên cạnh người mẹ được giáo dục theo phong cách phương Tây, chưa kể ông đã thăm thú và đắm mình trong văn hóa châu Âu Thời kỳ Khai Sáng. Vậy nên Peter Đại Đế kiên quyết lôi nước Nga vào thế kỷ 18.

4 the mandatory pants of the russian empire

Một trong những yếu tố chính trong công cuộc hiện đại hóa của ông, đó là cải cách tủ quần áo. Tức là những quý tộc thích áo choàng giờ đây bị buộc mặc quần cùng đủ kiểu trang phục phương Tây khác (và bị buộc cạo râu), kèm theo hình phạt nặng nếu cố vào Moscow. Cuộc cải cách của Peter Đại Đế gặp phải khá nhiều phản đối, nhưng cuối cùng thì quần (và cả sự hiện đại hóa nữa), đã thắng.

(Còn tiếp...)

Theo: www.grunge.com
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.