• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Vụ cướp ngân hàng kì lạ nhất lịch sử Nhật Bản: Con tin tự uống thuốc độc, 'hung thủ' lãnh án tử hình oan

Lịch sử

Ngày 26/01/1948, khoảng 3 giờ chiều, các nhân viên ở Ngân hàng Teikoku chi nhánh Shiinamachi, ngoại ô Toshima, Tokyo đang dọn dẹp để chuẩn bị kết thúc một ngày làm việc của mình.

Bất ngờ, một người đàn ông trung niên ăn mặc lịch sự, chỉn chu bước vào ngân hàng, băng đeo cài trên tay trái của ông này ghi rõ dòng chữ: “Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ban phòng dịch tỉnh Tokyo”.

Không đợi các nhân viên có mặt lên tiếng hỏi thăm, người đàn ông đã trực tiếp đưa danh thiếp của mình ra, bên trên ghi: “Jirō Yamaguchi – Tiến sĩ y học Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản”. Ông ta tuyên bố mình có một sắc lệnh khẩn cấp từ Bộ tổng tư lệnh Mỹ (GHQ), yêu cầu tất cả người có mặt trong ngân hàng lúc bấy giờ phải tập hợp lại.

Đợi khi 15 nhân viên và một đứa trẻ 8 tuổi – con của một nhân viên đã có mặt đầy đủ, ông nói gần đây ở các tỉnh lân cận đang bùng phát dịch kiết lỵ. Tokyo đã có 4 trường hợp bị nhiễm, một trong 4 trường hợp kể trên từng ghé vào ngân hàng này, vì thế GHQ yêu cầu ông đến phát thuốc dự phòng dịch và giám sát tất cả mọi người dùng. Sau khi ông xong việc, sẽ có một đội nhân viên khác đến tiến hành khử trùng, tiêu độc cho toàn bộ ngân hàng.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, cả Nhật Bản gần như tan hoang, vì môi trường ô nhiễm dẫn tới nảy sinh dịch bệnh cũng là chuyện có thể hiểu được, cộng thêm tình hình kinh tế thời điểm bấy giờ đang kiệt quệ, một khi mắc bệnh dịch sẽ vô hình trung tăng thêm gánh nặng cho gia đình. Nên khi Jirō Yamaguchi nói mình mang theo thuốc dự phòng bệnh đến phát miễn phí, các nhân viên có mặt như vớ được cọng rơm cứu mạng, họ răm rắp nghe theo lời ông ta.

Ông ta lấy ra hai bình chất lỏng, một bình trong suốt một mình hơi đục, giải thích rằng bình trong suốt là thuốc dự phòng, bình hơi đục là thuốc trung hoà. Phải uống thuốc dự phòng có mùi khó ngửi kia trước, 5 phút sau mới được uống thuốc trung hòa.

Giải thích xong, ông lần lượt dùng ống nhỏ giọt lấy ra một ít thuốc dự phòng, bỏ vào miệng mình làm mẫu, rồi mới tích thuốc ra cho 16 người kia dùng. Ông còn cẩn thận dặn dò phải nuốt hẳn, không được để thuốc chạm vào răng, nếu không sẽ làm ảnh hưởng tới men răng.

Các nhân viên vừa uống thuốc dự phòng đã thấy cổ họng mình khô khốc, nóng rực, thậm chí có người còn buồn nôn, đau đầu. Nhưng tình trạng này lại giống hệt những gì Jirō Yamaguchi miêu tả trước đó, ông cũng có dặn là phải chịu đựng tới 5 phút sau mới được uống thuốc trung hoà, vì thế không ai nghi ngờ. 5 phút sau, mọi người vội vàng uống vào thuốc trung hoà, nhưng các triệu chứng vẫn không hề giảm bớt, ngược lại còn trầm trọng hơn.

Một nhân viên không chịu nổi, quyết định đi súc miệng, nhưng vừa bước được hai bước, người này đã ngã nhoài xuống đất. Lúc này các nhân viên ngân hàng còn lại mới nhận ra rất có thể họ đã bị lừa uống thuốc độc, họ vội vàng tứ tán muốn thoát khỏi tay kẻ sát nhân ác độc. Nhưng lúc này đã muộn, chất độc đã ngấm vào cơ thể, chưa bước được vài bước tất cả đã ngã hết xuống đất.

Khi cảnh sát chạy tới hiện trường, họ phát hiện 16 người nằm ngổn ngang dưới đất, 11 người trong số đó đã tử vong, một người khác cũng qua đời trên đường đưa đi cấp cứu.

Không ai ngờ rằng, hoá ra vị tiến sĩ đến từ trung tâm phòng dịch lại là tử thần đến lấy mạng kẻ khác. Trên thực tế cũng không hề có dịch kiết lỵ nào cả, lúc đó cũng chưa có nước nào nghiên cứu được thuốc dự phòng kiết lỵ. Thứ mà các nhân viên ngân hàng tưởng là thuốc cứu mạng kia, kỳ thật chính là độc dược đẩy họ vào chỗ chết.

Còn người đàn ông tự xưng là Jirō Yamaguchi tức Tiến sĩ y học đến từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, rõ ràng là một kẻ lập mưu giết người để cướp ngân hàng. Khi 16 người có mặt ngã xuống đất, hắn đã vơ vét toàn bộ tiền mặt có trong ngân hàng lúc đó và một tờ chi phiếu 10750 yên, tổng số tiền kẻ này cướp được là hơn 170.000 yên.

Vụ án này đã làm chấn động toàn bộ nước Nhật bởi thủ đoạn giết người tàn nhẫn và có quy mô lớn. Cảnh sát nhanh chóng bắt tay vào sưu tập chứng cứ, thông qua vỏ thuốc để lại hiện trường, cảnh sát cho biết thuốc dự phòng dịch mà hung thủ nói kì thực là chất độc, còn thuốc trung hòa kia chẳng qua là nước bình thường.

Có thể thấy, hung thủ cực kì am hiểu về nguyên lý hoạt động của chất độc, biết rõ liều lượng bao nhiêu mới gây chết người, còn tài tình bịa ra lời nói dối phải sau 5 phút mới được uống thuốc trung hoà để kéo dài thời gian cho chất độc phát tác, đồng thời tránh cho nạn nhân sinh nghi, làm hỏng kế hoạch của mình.

Manh mối này giúp rút gọn phạm vi điều tra, vì vào lúc này, không có bao nhiêu người hiểu rõ và sử dụng thuần thục chất độc hoá học. Vì thế hung thủ rất có thể là nhân viên y tế từng học về thuốc, hoặc là nhân viên từng làm trong cơ quan đặc vụ của quân đội. Mà nhắc đến việc sử dụng chất độc hoá học một cách quen thuộc, phải kể đến thành viên của đội 731.

Đây là một đội chuyên nghiên cứu về vũ khí sinh hoá của Nhật trong chiến tranh, còn từng nghiên cứu đưa xyanua vào làm vũ khí hoá học để tấn công kẻ địch. Vì thế các thành viên của đội 731 trở thành đối tượng tình nghi trọng điểm của cảnh sát.

Kỳ thật ngay chiều hôm xảy ra vụ án, hung thủ đã đổi tờ chi phiếu mình cướp được thành tiền mặt, nhưng lúc này cảnh sát chưa kịp triển khai chặn bắt nên đã bỏ lỡ cơ hội tốt. Sau đó cảnh sát cũng có điều tra thử theo thông tin hung thủ ghi lại trên tờ biên nhận đổi chi phiếu, nhưng thông tin trên đó đều là giả. Cảnh sát chỉ nhận được miêu tả mơ hồ về hình dáng hung thủ.

Khi khi vụ án có chút tiến triển, GHQ đã hạ lệnh buộc cảnh sát ngừng việc điều tra các thành viên của đội 731, lý do được đưa ra là họ phải bảo vệ những người lính từng tham gia chiến tranh.

Cảnh sát buộc phải thay đổi hướng điều tra, lần này họ phát hiện ba tháng trước, có một người đàn ông cũng cầm giấy chứng nhận tiến sĩ y học đến ngân hàng Yasuda, nói đang có dịch kiết lỵ, yêu cầu các nhân viên ngân hàng uống thuốc dự phòng. Nhưng có lẽ do liều lượng quá nhỏ nên các nhân viên không nghĩ đó là thuốc dự phòng thật, thấy âm mưu của mình thất bại, người đàn ông nọ đã bỏ đi.

Lần thứ 2 là một tuần trước, người này cũng cầm danh thiếp của Jirō Yamaguchi đến ngân hàng MUFG để lừa gạt, nhưng nhân viên ngân hàng không tin ông ta, vì thế ông tả giả vờ đổ vài chai dung dịch xuống đất rồi bỏ đi.

Cách làm của ba vụ đều tương tự nhau, cảnh sát suy đoán, rất có thể hung thủ đã dùng hai vụ trước để tập luyện cho vụ lần này.

Hai tấm danh thiếp kia cũng thành manh mối quan trọng để điều tra án, trong đó danh thiếp của Jirō Yamaguchi được xác nhận là giả, vì thế cảnh sát tập trung điều tra tấm danh thiếp ghi tên Shigeru Matsui, may thay Shigeru Matsui thật sự tồn tại, ông này hiện đang là nhân viên cấp cao trong bộ y tế. Mỗi bộ danh thiếp của nhân viên cấp cao đều được đặt làm 100 tờ, Shigeru Matsui đã phát tổng cộng 94 tờ. Trong số 32 người đã làm mất danh thiếp, có 24 người đưa ra được lý do xác đáng và 8 người thì không, cảnh sát ngay lập tức tập trung điều tra 8 người này.

7 tháng sau, cảnh sát tập trung hiềm nghi vào một hoạ sĩ ở Hokkaido tên Sadamichi Hirasawa.

Ông ta gần như phù hợp với tất cả đặc thù của kẻ tình nghi: từng trao đổi danh thiếp với Shigeru Matsui, đã làm mất danh thiếp mà không đưa ra được lý do thuyết phục; ngoài ra theo lời khai của Hirasawa, trong thời gian xảy ra vụ án ông đang ở cùng vợ và con gái, nhưng hai người họ không thể ra làm nhân chứng. Quan trọng nhất là hai ngày sau khi xảy ra vụ án, tài khoản ngân hàng của Hirasawa nhận được hơn 170.000 yên, con số này gần bằng số tiền bị cướp từ ngân hàng.

Vì thế cảnh sát ra lệnh bắt Hirasawa, những tưởng vụ án đã được giải quyết, nhưng sự xuất hiện của Hirasawa chỉ càng khiến vụ án thêm rắc rối. Tất cả bằng chứng đều chỉ về phía Hirasawa, nhưng Hirasawa một mực chắc chắn mình không phải là hung thủ.

Cảnh sát tìm tới 11 người cho là mình từng nhìn thấy hung thủ, 5 người trong số đó nghĩ Hirasawa có vóc dáng tương tự, 6 người cho rằng Hirasawa không phải hung thủ.

Một vài người có chuyên môn cho rằng Hirasawa bị oan, họ chỉ ra điểm khả nghi nhất của vụ án là chất độc được dùng.

Hirasawa là một hoạ sĩ, chưa từng có bất kì kinh nghiệm sử dụng hay tiếp xúc với chất độc hoá học nào. Không chỉ thế, kali xyanua không phải chất độc có thể dễ dàng mua được trên thị trường, vậy mà hung thủ đã mua được, còn có thể khống chế liều lượng cũng như thời gian phát tác chuẩn xác, những điều này không phải một hoạ sĩ như Hirasawa có thể làm được.

1 tháng sau khi bị bắt, Hirasawa nhận tội (người ta cho rằng ông bị ép cung). Nhưng vụ án vẫn chưa dừng lại, bởi vì ngay khi lên toà ông lập tức phản cung.

Mãi tới năm 1950, toà án phán Hirasawa tội tử hình, trong suốt 5 năm chờ tới ngày thi hành án, Hirasawa liên tục đề xuất kháng án, nhưng đều bị bác bỏ. Cuối cùng đến năm 1955, toà án mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Hiển nhiên kết quả này không thể làm người dân tin phục, không ít người có chuyên môn từng điều tra vụ án đều đứng ra phản đối, có người còn trực tiếp nhắm về phía đội 731 thần bí, bởi vì chất độc được sử dụng trong vụ án thực tế không phải kali xyanua mà là acetone cyanohydrin – một loại chất độc được dùng trong quân sự.

Cũng vì vấp phải sự phản đối của dư luận, nên bản án tử hình của Hirasawa vẫn luôn bị kéo dài. Sau này dù các bộ trưởng Tư pháp mới nhậm chức, cũng không một ai ký vào lệnh tử hình của Hirasawa.

Cứ thế Hirasawa mang theo tội danh này ở trong tù suốt 39 năm. Suốt thời gian ấy ông vẫn không thừa nhận mình là hung thủ, còn từng tự sát 3 lần để chứng tỏ trong sạch, nhưng đều thất bại. Bản án tử hình của ông cũng bị kéo dài 32 năm, tạo nên thời hạn hoãn thi hành án dài nhất lịch sử.

Năm 1987, Hirasawa lúc này đã 95 qua đời vì bệnh phổi.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, rốt cuộc Sadamichi Hirasawa có phải hung thủ thật sự không đã không cách nào kiểm chứng được. Nhưng những người tin Sadamichi Hirasawa vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc, họ vẫn luôn tìm mọi cách chứng minh sự trong sạch của ông. Vụ án này cũng trở thành một trong những vụ cướp ngân hàng nổi tiếng nhất Nhật Bản.

Theo: Zhihu

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.