• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

Xem sổ tay 'To Do List' của Leonardo da Vinci mới thấy một ngày của thiên tài thật khác người thường

Độc lạ

Nhiều người rất thích viết ra giấy danh sách những việc phải làm trong ngày (To Do List). Sở hữu một quyển sổ tay sẽ giúp cho cuộc sống của bạn trở nên ngăn nắp hơn. Với "To Do List" chúng ta có thể sắp xếp những điều cần làm, đặt mục tiêu trong tương lai và nhiều tiện ích khác.

Trước chúng ta hàng thế kỉ, đã có một người đàn ông sử dụng "To Do List" như một cách quản lý hiệu quả thời gian và sắp xếp công việc thật khoa học. Đó là danh họa Leonardo di ser Piero da Vinci, hay còn được biết đến rộng rãi với cái tên Leonardo da Vinci.

francesco melzi portrait of leonardo wga14795

Leonardo luôn mang bên mình một quyển sổ ghi chép nhằm ghi lại những ý tưởng mới mỗi khi chúng nảy sinh trong đầu ông. Những quyển sổ tay mà Leonardo để lại là một phương tiện tuyệt vời để chúng ta có thể chiêm ngưỡng quy trình vận hành của một bộ óc thiên tài.

Là một họa sĩ, nhà phát minh, kỹ sư và nhà khoa học, Leonardo đã viết hơn 13.000 trang ghi chú, thể hiện phần nào sự sáng tạo cũng như đức tính ham học hỏi của mình.

Vậy danh sách những việc cần làm đối với họa sĩ thiên tài Leonardo da Vinci có gì đặc biệt hơn người thường? Hóa ra, trong suy nghĩ của ông cũng xuất hiện nhiều thứ thú vị hơn là việc dắt chó đi dạo và tưới cây đấy.

Dưới đây là một trong số 13.000 trang ghi chú của Leonardo từ những năm 1490, được khôi phục và dịch bởi Robert Krulwich, một nhà báo truyền hình người Mỹ:

[Tính toán] tìm số đo cụ thể của thành phố Milan và vùng ngoại ô của nó.

[Tìm kiếm] trên đường đến Cordusio, tìm một quyển sách nói về Milan và những thánh đường của nó.

[Khám phá] số đo của Corte Vecchio (Mảnh vườn trước nhà Công Tước).

[Khám phá] số đo của tòa thành nơi Công Tước sống.

Nói chuyện với một nhà toán học và hỏi về cách vẽ một hình vuông từ một tam giác.

Tìm Messer Faizo và nhờ ông chỉ giáo mọi thứ về khái niệm “tỉ lệ”.

800px da vinci vitruve luc viatour

Gặp thầy dòng Brera tại tu viện thánh Benedictine và xin phép ông để xem De Ponderibus, một văn kiện cổ về ngành cơ khí.

Nói chuyện với Giannino về cấu trúc tòa thành Ferrara và tại sao nó lại có cấu trúc vững chãi như vậy.

Tìm hiểu cách mà Benedetto Potinari, một thương nhân người Florence, đi qua những vùng nước đã bị đóng băng ở Flanders.

Vẽ một bức phác thảo về Milan.

milan church 2032380b

Hỏi Maestro Antonio về cách trét vữa lên những bức tường thành.

[Kiểm tra] Nỏ của Mastro Giannetto.

Tìm một bậc thầy về thủy lực học, nhờ họ chỉ giáo cách sửa khóa, kênh nước và các loại cối xay khác nhau theo cách của người Lombard.

Tìm hiểu thông tin về kích thước của Mặt Trời từ Maestro Giovanni Francese, như ông ta đã hứa từ trước.

Tìm Vitolone, một văn bản cổ về quang học, hiện đang ở thư viện thị xã Pavia.

Danh sách của Leonardo cho chúng ta thấy ông tò mò về thế giới xung quanh như thế nào, từ thiên văn học cho đến cách di chuyển trên một khu vực đầy băng. Là một người khiêm nhường, ông còn tìm đến sự chỉ giáo của những người khác nữa.

Mặc dù là con người của hội họa, nhưng ông cũng dành niềm đam mê vô tận với khoa học. Phần lớn những mục có trong danh sách đều liên quan đến tính toán và đo lường. Leonardo cũng thường áp dụng những kiến thức như “cách vẽ một hình vuông từ một tam giác” hay hiểu biết về “tỉ lệ” cho các bức tranh của mình.

Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất ở Leonardo là ông không hề giới hạn bản thân mình trong một lĩnh vực nào đó. Vào thời Phục Hưng, Leonardo da Vinci là ví dụ điển hình nhất của việc hòa hợp 2 lĩnh vực nghe có vẻ không liên quan đến nhau - hội họa và khoa học. Ông cho phép bản thân mình là một miếng bọt biển, hấp thụ mọi loại kiến thức sau đó sử dụng chúng, biến chúng thành những điểm sáng trong các kiệt tác hội họa của bản thân.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.