• Về đầu trang
Cánh Cụt
Cánh Cụt

Ngạc nhiên chưa, không phải ai cũng có 'tiếng nói nội tâm'!

Khám phá

Khi đọc đến dòng chữ này, chắc hẳn có một âm thanh đang vọng lại trong tâm trí bạn. Đây chính là tiếng nói nội tâm, một khía cạnh cốt lõi trong đời sống tinh thần của con người. Nó liên kết với các chức năng tâm lý bao gồm đọc, viết, lên kế hoạch, ghi nhớ, tự thúc đẩy bản thân và giải quyết vấn đề.

Các nhà nghiên cứu ước tính chúng ta dành ít nhất một nửa cuộc đời để nói chuyện với chính mình, vậy nhưng điều này có thể khác biệt giữa từng người. Có người bình luận về mọi chi tiết nhỏ trong cuộc sống thường ngày, trong khi những người khác chỉ suy nghĩ thoáng qua. 

Một loại tiếng nói nội tâm phổ biến khác là độc thoại.

Các bản thể của tiếng nói nội tâm cũng rất khác biệt. Loại phổ biến nhất là đánh giá hành vi của chính mình, ví dụ như một thí sinh động viên bản thân trước cuộc thi quan trọng, rồi tự nhìn lại màn trình diễn của mình sau khi cuộc thi kết thúc. Ngoài ra còn một loại tiếng nói nội tâm phổ biến khác là độc thoại hay tự nói chuyện với chính mình.

Có phải tất cả mọi người đều có tiếng nói nội tâm?

Trong một khảo sát năm 2011, các nhà nghiên cứu đã đưa một thiết bị truyền tải âm thanh cho 30 tình nguyện viên. Khi thiết bị vang lên, những người tham gia phải viết xuống giấy những điều đã xảy ra trong tâm trí họ. Vài tuần sau đó, phía nghiên cứu phát hiện ra một số người tham gia đã tự nói chuyện với bản thân trong suốt quãng thời gian này, một số thì thỉnh thoảng và có vài người không hề nghĩ gì cả. 

Một số khảo sát khác yêu cầu tình nguyện viên làm bài trắc nghiệm về thời gian họ tự nói chuyện với bản thân. Mặc dù đa phần khẳng định từng trải nghiệm các bản thể của tiếng nói nội tâm, nhưng cũng có những người không làm như vậy.  

Một số người không có tiếng nói nội tâm vẫn có thể duy trì công việc và cuộc sống riêng tư của họ. 

Kết quả này gợi ra hai câu hỏi.

Thứ nhất, điều gì xảy ra trong tâm trí của người không có tiếng nói nội tâm? Có lẽ họ đã suy nghĩ dưới dạng hình ảnh, cảm xúc. Và khi được hỏi “Bạn đang nghĩ gì vậy?”, họ “phiên dịch” những kí tự không âm thanh này thành từ ngữ, thứ họ dùng để giao tiếp. 

Thứ hai, nếu tiếng nói nội tâm được liên kết với một loạt chức năng tâm lý trong đời sống con người, làm sao nhiều người có thể sống mà không có nó? Đây là một câu hỏi mở, nhưng rõ ràng là nhóm không có tiếng nói nội tâm vẫn duy trì được công việc và cuộc sống riêng tư của họ. 

Tại sao một số người không có tiếng nói nội tâm?

Các nghiên cứu cho thấy việc tạo ra tiếng nói nội tâm đòi hỏi một mạng lưới hoạt động của não kéo dài từ thùy trán đến vỏ não thính giác. Mạng lưới này cũng hoạt động tương tự khi chúng ta nói to (nhưng yêu cầu thêm sự vận hành của vỏ não vận động, vì chúng ta cần di chuyển lưỡi, môi,…) Vậy nên có lẽ những người không có tiếng nói nội tâm đã bị mất khả năng kích hoạt các mạng lưới đó mà không động tới vỏ não vận động của họ.

Cách thức hoạt động của tiếng nói nội tâm vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Một giả thuyết khác là khả năng tự quan sát trạng thái tinh thần yếu kém. Theo giả thuyết này, mọi người đều có tiếng nói nội tâm, nhưng một số người nhận thức được nó trong khi những người khác thì không.

Hoặc có thể chúng ta đã nhầm. Chính sự vắng mặt của tiếng nói nội tâm mới là cài đặt mặc định của não bộ (bởi không chắc trẻ sơ sinh hay động vật có tiếng nói nội tâm hay không) và những người có nó mới là bất thường. 

Tuy nhiên, đối với những người thiếu hụt khả năng này thì "trong cái rủi cũng có cái may". Mặc dù tiếng nói nội tâm giúp đỡ chúng ta trong nhiều khía cạnh, nó cũng có thể khiến chúng ta suy sụp, lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống và nhiều bệnh trạng tâm thần khác.

Hiểu được cách thức hoạt động của tiếng nói nội tâm cũng như lý do tại sao một số người có nó và những người khác thì không giúp mở khóa các ngành công nghiệp mới, cũng như cách mạng hóa nền giáo dục và tâm lý học.

Theo: ABC NEWS
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.