• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

Những câu chuyện thoát nạn trong gang tấc chứng minh rằng cái chết chỉ là một sự lựa chọn

Khám phá

Owen Chase

Ngay cả vào những ngày yên bình nhất, thì mặt biển vẫn không phải là nơi chào đón con người, gần như không ai có thể chắc chắn điều gì về mẹ thiên nhiên cả. Và người làm chứng cho điều này chỉ có thể là Owen Chase. Bản năng sống còn của ông đã bị thử thách nhiều lần trong suốt chuyến hành trình làm thủy thủ trên con tàu Essex. Cũng chính những câu chuyện kì khôi này đã truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết về biển cả kinh điển nhất: Moby Dick.

Không một điều tốt đẹp nào xuất hiện trong chuyến đi của Chase. Sau khi sống sót qua những cơn bão gần như phá hủy con tàu, ông tiếp tục bị kẹt lại trên hòn đảo đang chìm trong biển lửa. Chase sau đó một lần nữa bị thử thách khi tàu của ông bị một con cá nhà táng tấn công. Đoàn thủy thủ gồm 20 người đàn ông chất đống lên những chiếc thuyền cứu hộ khẩn cấp và cố gắng nhét càng nhiều đồ càng lên đó. Con thuyền Essex chìm, và vận may của Chase cũng nhanh chóng chìm xuống theo con thuyền.

Lênh đênh trên biển, đoàn thủy thủ lại bị thêm một con cá voi nữa tấn công nhưng may mắn cuối cùng cũng mỉm cười khi họ tìm thấy đất liền. Tuy nhiên, họ cũng sớm nhận ra đây chỉ là một hòn đảo hoang cằn cỗi, không có gì để ăn và cũng không hề thoải mái gì cả. Nhiều giờ liền trôi dạt trên biển cũng đã gây chia rẽ nội bộ. Ba người muốn ở lại hòn đảo, những người còn lại thì muốn tiếp tục ra khơi để cầu may với biển cả. Đồ dự trữ cạn kiệt dần, đoàn thủy thủ phải tự uống nước tiểu của mình và cuối cùng phải tìm đến cách sống sót cực đoan nhất: Tự ăn thịt đồng loại, tàn sát những người bạn đồng hành của chính họ để có được nguồn thức ăn.

Dùng đến cách man rợ này cũng không giúp họ sống sót thêm được lâu. Khi chiếc thuyền được phát hiện bởi hai con tàu đi ngang qua, chỉ năm người còn sống. Người ta nói rằng, những người này được tìm thấy trong tình trạng đang mút tủy xương của những người thủy thủ đã chết.

Hugh Glass

Ngay từ đầu, chuyến hành trình của Hugh Glass cùng với một nhóm thợ săn thú xuyên qua vùng Tây hoang dã của nước Mỹ vào năm 1823 không có gì dễ dàng. Người Mỹ bản địa đã tấn công họ và làm họ phải chuyển đường đi của mình xuống dọc sông Missouri. 17 sinh mạng đã bị những kẻ hiếu chiến này lấy đi, Glass cũng bị thương ở chân từ những cuộc chiến đó, và không ai biết được liệu có còn thêm cuộc tấn công nào không.

Vết thương ở chân chưa hồi phục được lâu thì Glass không may gặp phải một con gấu xám, hai bên vật lộn giằng co một hồi, nhưng sức người làm sao có thể đọ lại một con mãnh thú. Con gấu xám xé nát vai Glass, rạch cổ họng ông, nhai gần nát bàn chân ông. Lúc những người đồng hành đến ứng cứu, họ đã hợp lực hạ con gấu. Nhưng bấy giờ họ cũng bắt đầu xem Glass như là một gánh nặng.

Mùa đông đến dần, và cả nhóm không thể nào cứ ì ạch mãi thế này được, nên họ đã thỏa thuận với nhau. Hai người được trả 80 USD để ở lại với Glass cho đến khi Glass qua đời và chôn cất ông đàng hoàng. Tuy nhiên, khi năm ngày trôi qua mà Glass vẫn chưa chịu chết, hai người kia quyết định lột hết sạch quần áo cũng như vật dụng của Glass và để ông bơ vơ một mình.

Tỉnh lại, Glass phải đối mặt với cơ thể đau đớn, những vết cắt sâu đến tận xương, thêm cả những miếng thịt đang dần thối rữa. Ông cố gắng sống sót bằng cách lăn mình trên một đống dòi để chúng ăn hết đi những tế bào chết. Sau đó, ông lên đường tìm những kẻ đã bỏ ông lại.

Lăn lộn với miền Tây hoang dã suốt vài trăm dặm địa hình, được một số người bản địa giúp dọc đường đi, đến khi thấy lại những kẻ đã bỏ ông đi, ông sẵn sàng tha thứ cho họ, tiếp tục cùng họ lên đường cho những chuyến thám hiểm mới.

Anna Bågenholm

Chúng ta thường xuyên thấy trong những bộ phim hoạt hình và khoa học viễn tưởng: Một nhân vật nào đó ở trong chiếc buồng đóng băng khóa kín, sau đó được mang ra ngoài, rã đông và tiếp tục sống như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Và mặc dù điều này nghe có vẻ khá điên rồ, nhưng đã có một vài trường hợp người bị đóng băng vẫn sống sót để kể lại câu chuyện dường như hoang đường này.

Vào năm 1999, trong lúc đang trượt băng ở Narvik, Na Uy, bác sĩ X quang Anna Bågenholm bị ngã vào một chiếc hồ đã đóng băng gần hết, kết quả là bà bị kẹt bên dưới lớp băng gần 20cm. Mặc dù những người ở gần đó đã cố hết sức để đưa bà ra, phải mãi đến 40 phút sau người ta mới có thể cứu được Anna. Trong thời gian ở dưới mặt nước đóng băng, bà đã phải dùng hết sức bình sinh để có thể trấn an bản thân mình và sống sót trong vòng 40 phút trước khi được cứu.

Khi được đưa lên lại, tim của Anna đã gần ngừng đập, và thân nhiệt của bà rơi xuống mức thấp kỷ lục là 13 độ C.

Không nản lòng, các bác sĩ vẫn cố gắng hết sức, cho bà dùng máy tuần hoàn tim phổi ngoài, làm ấm máu lại trong suốt chín giờ đồng hồ cho đến khi tim bà bắt đầu đập lại bình thường.

Việc Bågenholm sống sót đến ngày nay vẫn được coi là một phép lạ, nhưng bà đã đưa câu chuyện này lên một tầm cao mới. Anna không chỉ sống sót, mà bà còn sống nguyên vẹn, không hề có một thương tích nào hết. Khi cơ thể ở trong tình trạng tương tự như Anna, lượng oxy lên não cũng sẽ bị giảm, và thường điều này sẽ ảnh hưởng đến một số khả năng của não bộ, nhưng Anna không hề chịu bất cứ tổn thương lâu dài nào về não. Bà vẫn còn trượt băng cho đến ngày hôm nay.

Vesna Vulović

Vào ngày 26/1/1972, tiếp viên hàng không Vesna Vulović đã bị xếp nhầm lên một chuyến bay từ Stockholm đến Belgrade. Đi được nửa đường, chiếc máy bay bỗng dưng phát nổ, Vesna cùng với 27 người khác rơi thẳng xuống mặt đất cách đó hơn 10km.

Nhưng không như 27 người kia, Vesna đã sống sót. Bà được phát hiện một cách tình cờ bởi một bác sĩ người Đức từng làm việc vào thời thế chiến thứ hai, ông đã chăm sóc Vesna cho đến lúc cứu trợ tới. Bà bị gãy ba đốt sống, cả hai bên chân và nứt xương sọ. Nhưng sau gần một tháng hôn mê, bà dần ổn định trở lại. Các bác sĩ cho rằng việc bà bị huyết áp thấp ảnh hưởng rất lớn đến chuyện sống còn, vì lượng máu lưu thông ít nên Vesna đã bị ngất trong lúc rơi, ngăn trái tim của bà không bị đập vỡ khi va chạm với mặt đất.

Nhưng điều bí ẩn ở đây là lý do tại sao chiếc máy bay phát nổ. Một số người cho rằng Không quân Tiệp Khắc đã bắn nhầm chiếc máy bay vì tưởng đây là máy bay quân sự của kẻ thù. Chính phủ Nam Tư vào thời điểm đó đổ lỗi cho nhóm khủng bố Ustase của Croatia. Nhưng cho đến ngày nay, nguyên nhân thật sự vẫn chưa được làm rõ.

Về phần mình, Vesna đã quay trở lại làm việc cho hãng hàng không cũ, lần này với tư cách là một nhân viên bàn giấy. Trong một buổi lễ năm 1985, Vesna đã được nhận danh hiệu Kỷ lục Guinness cho lần rơi tự do lâu nhất mà không cần dù. Giải thưởng được trao cho bà bởi ca sĩ nổi tiếng Paul McCartney.

Jan Baalsrud

Khi thế chiến thứ hai nổ ra vào đầu năm 1943, anh lính Na Uy Jan Baalsrud và các đồng đội đang cố gắng phá hủy một tháp kiểm soát trên không của Đức. Lúc này họ vô tình liên lạc với một người bán hàng có cùng tên với người mà họ định liên lạc. Người bán hàng này thông báo cho người Đức, sau đó thuyền của Baalsrud bị tấn công. Na Uy không còn lựa chọn nào khác ngoài bỏ mặc chiếc thuyền chứa tám tấn chất nổ.

Khi người Đức đánh chìm con tàu đó, Baalsrud và đại đội phải bơi qua vùng nước Bắc cực lạnh lẽo để vào lại bờ, Baalsrud thậm chí còn phải bơi khi đã bị mất một bên ủng. Nhưng phần khó khăn tới đó mới thật sự bắt đầu: Sống sót qua vực thẳm băng giá.

Trong khoảng hai tháng, Baalsrud đã trải qua nhiều trận tuyết lở, bão băng, tuyết rơi. Những khi không trốn, Baalsrud phải đi lò cò quanh vùng tuyết để tìm đường đi tiếp, và trong nhiều đêm liền, ông đã phải dùng con dao bỏ túi tự chặt bỏ những ngón chân đi để ngăn ngừa hoại tử.

Cuối cùng, người Sami bản địa đã dùng tuần lộc để kéo Baalsrud đi ngang qua Phần Lan và vào Thụy Điển. Tại đó, ông hồi phục nhanh chóng và quay trở lại với những nhiệm vụ của mình cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Theo: Allthatsinteresting
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.