• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Bắt được 'rắn hổ mây' quý hiếm ở Việt Nam, thực hư về loài rắn huyền thoại này như thế nào?

Thiên nhiên

Sáng Thứ 3, 14 tháng 5, nhiều tờ báo lớn trong nước đưa tin về một nhóm công nhân và kỹ sư người Ấn Độ đã phát hiện và bắt được cặp rắn hổ mây "khủng" nặng gần 60kg ở vùng núi Cấm, An Giang. Sau đó cặp rắn được mang về khu du lịch địa phương để phục vụ du khách tham quan.

Hôm nay Thứ 4, 15 tháng 5, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn tỉnh An Giang - ông Lý Kim Định cho biết phía kiểm lâm sẽ lập biên bản xử phạt hành vi nuôi nhốt thú quý đối với khu du lịch kể trên và cặp rắn hổ mây này sẽ được tịch thu để mang về những cơ sở có chuyên môn nghiệp vụ cao như Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) để bảo tồn vì chúng cực độc và cực quý hiếm.

ran ho may

(Ảnh cắt từ clip)

Thế nhưng, trong danh mục Thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo nghị số 32/2006/NĐ-CP của chính phủ không hề có loài rắn nào được ghi nhận là "RẮN HỔ MÂY". Rõ ràng cái tên này không "chuẩn" và có thể gây nhầm lẫn cho bạn đọc.

Vậy thực hư về bí ẩn xoay quanh loài rắn này như thế nào?

Sự tích rắn hổ mây

Nhắc đến rắn hổ mây, có thể kể 2 câu chuyện nổi tiếng được truyền miệng mà hầu như người dân miền Tây Nam Bộ ai cũng biết. Thứ nhất chính là chuyện của bác Ba Phi, thứ hai là chuyện rắn hổ mây khổng lồ ở đảo Phú Quốc.

bac ba phi

Mộ phần bác Ba Phi và ảnh phác họa chân dung của ông. Bên phải là ông Nguyễn Tấn Lực (cháu Bác Ba Phi).

Bác Ba Phi là một nhân vật có thật, tên thật là Nguyễn Long Phi (1884 - 1964), thuộc lớp hậu duệ của những tiền nhân từ miền Bắc đi vào Nam để khai mở đất rừng U Minh. Những câu chuyện của bác Ba Phi không hẳn là bịa đặt, thực ra đều dựa trên sự thật mà phóng đại lên cho hấp dẫn, "Rắn hổ mây tát cá" là một trong những mẩu chuyện như vậy. Bác Ba kể trong một lần đi bắt cá với vợ:

Hồi xửa hồi xưa, khi mới tới đất này khai phá, rắn trong rừng U Minh con nào con nấy lớn lắm. Mới đầu, người ta kể, tui còn chưa tin. Nhưng rồi có một bữa tui cùng bả vô rừng, tính kiếm cái đìa nào lớn, nước cạn, tát bắt ít cá về ăn.

Tui với bả tát tới ven rừng, nghe như có tiếng ai đang tát nước từ xa vọng lại. Chả là trong rừng có một cái đìa bề ngang chừng năm thước, bề dài chừng hơn bốn mươi thước, tui đã nhắm chừng từ bữa hổm. Tiếc thiệt, bây giờ mới tới ven rừng đã có người tát rồi. - "Ai đó mà lẹ vậy!". Tui nói bả vậy. Nhưng rồi cả hai vẫn lẹ làng đi tới. Đứng ở mé bờ đìa bên này, núp sau một thân cây tràm bự chảng, tui thấy một con rắn hổ mây ở mé đìa bên kia. Cái đuôi nó ngoéo một đầu, cái đầu nó ngoéo một bên, thân hình nó dẹp lại đu đưa.

Thì ra nó đang tát nước cạn để bắt cá ăn. Tui bấm tay bả một cái đau điếng, ra hiệu đứng yên để coi con rắn hổ mây nó làm chi. Gần xế bóng mặt trời, cái đìa đã cạn, những con cá rô, cá trê đen thùi quẫy đành đạch trên bùn. Bả thích quá, kêu trời một tiếng. Thấy động, con rắn vội bỏ chạy vô rừng. Tui chỉ việc bảo bả về kêu bà con ấp xóm ra bắt mang về. Hổng tin, mọi người hỏi bả thử coi!

Đấy là rắn ở rừng U Minh, còn ở Phú Quốc, chuyện kể về rắn hổ mây có vẻ còn được phóng đại hơn khi mô tả nó to như cái khạp da bò (một cái chum cỡ lớn, to bằng vòng tay người ôm), ngày xưa lính Mỹ đụng độ rắn hổ mây phải dùng đại liên mới giết nổi nó.

Mặc dù mô tả về kích thước trong những mẩu chuyện kể có khác nhau, đôi khi chênh lệch là rất lớn, thế nhưng điều đặc biệt là sự mô tả của nhiều nhóm người, ở các vùng khác nhau về loài rắn này đều khá khớp, ví dụ như "thân mốc vàng, mang bành to, hai mắt phát sáng trong đêm, phóng nhanh như gió, đứng thẳng lên cao như cây sào".

Chân tướng rắn hổ mây?

Thực tế, cái tên "rắn hổ mây" được thêu dệt bởi sự nhầm lẫn về phương diện ngôn từ và thiếu kiến thức chuyên môn về loài rắn. Theo nhân viên kiểm lâm ở Vườn Quốc Gia Phú Quốc, rắn hổ mây chính là tên loài rắn hổ mang chúa theo phương ngữ miền Bắc.

ran ho may ran ho mang chua

Khi di cư vào Nam phá rừng làm rẫy, người miền Bắc cũng mang cái tên và câu chuyện về rắn hổ mây đi cùng. Còn cái tên "hổ mang chúa" vốn là thành quả của việc tiếp thu văn minh nhân loại về sau này, được dịch trực tiếp theo nghĩa đen từ tiếng Anh (hổ mang chúa hay king cobra - danh pháp 2 phần là Ophiophagus hannah).

Điểm khác biệt duy nhất của hổ mang chúa miền Bắc (vùng Thất Sơn, Bảy Núi) là chúng có màu sậm hơn, nhiều sắc đen hơn, còn rắn hổ mang chúa ở rừng ngập mặn U Minh (Kiên Giang, Cà Mau) thì có màu ngả vàng hơi do chúng thích nghi với màu sắc môi trường xung quanh.

ho mang chua

(Nguồn: Website Sinh Vật Rừng Việt Nam)

Trong danh mục Thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo nghị định số 32/2006/NĐ-CP đúng là cũng chỉ có hổ mang chúa nằm ở nhóm 1B - Động vật rừng (ảnh trên). Ngoại hình, hành vi của loài hổ mang chúa hoàn toàn khớp với những gì được mô tả trong những câu chuyện kể.

Vả lại, rắn hổ mang chúa cũng là loài rắn lớn nhất trong danh mục động vật rừng nói trên (những cái tên còn lại như rắn sọc dưa, ráo trâu, cạp nia nam, cạp nia đầu vàng, cạp nia bắc, cạp nong, hổ mang đều nhỏ hơn hổ mang chúa rất nhiều).

Trong rừng U Minh, to hơn rắn hổ mang chúa chỉ có thể là các loài trăn, như trăn cộc, trăn đất, trăn gấm... nhưng chúng không có nọc độc như rắn, di chuyển cũng khá chậm chạp.

king cobra hood ngsversion 1434576232989

Hơn nữa, cũng chỉ riêng hổ mang chúa mới có thói quen nâng phần thân trước (khoảng 1/3 chiều dài thân) cao đến 1.5 mét, tức có thể ngang đầu người khớp, với miêu tả về chiều cao của rắn hổ mây mà thôi.

Rắn hổ mang chúa lớn nhất từng được ghi nhận trong tự nhiên có thể dài đến 7 mét và nặng hơn 30 kg, chu vi thân như cái phích đựng nước, chúng thực sự rất to lớn và trông càng đáng sợ hơn khi phồng to hai mang. Hổ mang chúa cũng là loài rắn dài nhất thế giới.

Hổ mang chúa có thể sống hơn 20 năm, tuổi thọ tối đa nếu gặp được điều kiện lý tưởng ước lượng có thể lên đến 30 năm. Thế nên, vào những ngày đầu tiên khai hoang mở cõi, khi rừng U Minh vẫn chưa bị xâm phạm, việc tồn tại những con hổ mang chúa sống lâu năm và có kích cỡ lớn hơn nữa là hoàn toàn có khả năng.

king cobra mouth open 820x536

Chụp "cái cận" khuôn mặt của hổ mang chúa nào. Có ai dám selfie với bạn ấy không?

Ông hoàng của loài rắn

Dù được gọi là hổ mây hay hổ mang chúa, Ophiophagus hannah đều xứng đáng là ông hoàng bất bại của loài rắn. Tên gọi "Ophiophagus" xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "loài ăn thịt rắn".

ho mang chua san moi

Chú rắn nhỏ phải kháng trong vô vọng khi bị hổ mang chúa tấn công.

Đúng như cái tên của nó, thức ăn chủ yếu của hổ mang chúa chính là các loài rắn khác, chỉ cần tìm được con mồi mà nó cho rằng có thể nuốt được thì nó sẽ ăn, kể cả trăn nhỏ. Thậm chí các loài rắn cực độc khác như cạp nia cũng trở thành món ăn của hổ mang chúa.

ran ho may la ran gi

Hổ mang chúa đang nuốt một con mồi xấu số.

Ở Việt Nam, hiện tại số lượng rắn hổ mang chúa còn rất ít vì môi trường sống bị thu hẹp, bị con người giết hại quá mức để ăn thịt hoặc lấy da (da hổ mang chúa là món hàng giá trị cao).

Hổ mang chúa chỉ tấn công người khi bị trêu chọc, hoặc khi tổ và trứng bị xâm phạm (hổ mang chúa sống theo cặp, canh gác tổ cho đến khi trứng nở). Chúng biết làm tổ có cấu trúc phức tạp so với các loài rắn khác nên hổ mang chúa cũng được xem là thông minh hơn đa số đồng loại.

Tín ngưỡng dân gian Việt Nam thường tôn sùng và e sợ hổ mang chúa, gọi cặp vợ chồng rắn là "rắn ông, rắn bà", nếu không rơi vào tình thế bắt buộc, đa phần người dân chọn phương án đuổi chúng đi hơn là giết hại.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.