• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Cà phê chồn: Hành hạ loài vật để phục vụ sự đẳng cấp của con người

Ẩm thực

Tuy Tiếng Việt loại cà phê này có tên là "cà phê chồn", nhưng thật ra lại không liên quan gì đến loài chồn, mà động vật trực tiếp sản xuất ra những hạt cà phê này là cầy hoang dã. Cà phê chồn xuất hiện nhiều ở Indonesia và từ "Kopi Luwak" được dùng để chỉ một loại hạt do loài cầy vòi đốm ăn quả cà phê rồi thải ra. Ở Việt Nam, người ta nuôi cầy hương để tạo ra loại cà phê này.

Cà phê chồn được phát hiện khi loài cầy vòi đốm ăn quả cà phê trong tự nhiên rồi thải ra nguyên hạt.

Mongabay, một trang web thông tin về môi trường và bảo tồn, báo cáo rằng các nhà nghiên cứu từ Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới ở London đã phát hiện ra những con số liên quan đến việc nuôi nhốt loài cầy để sản xuất ra loại cà phê này. Nhóm nghiên cứu do Neil D'Cruze thuộc Cơ quan Nghiên cứu Bảo tồn Động vật Hoang dã của Đại học Oxford đã chỉ rõ hiện có tới 16 đồn điền cà phê cầy trên Đảo Bali nói riêng.

Từ đó, loại cà phê này là một trong những loại thượng hạng và đắt giá.

Hạt cà phê chồn tự nhiên không đủ để cung cấp cho thị trường. Vì vậy, con người đã bắt nhốt những con cầy hoang dã, và biến chúng thành công cụ cho ngành công nghiệp cà phê chồn.

Loài cầy vòi đốm là động vật nhỏ, giống loài mèo và sống chủ yếu ở Đông Nam Á. Từ xưa, loài cầy này rất thích ăn hạt cà phê, nhưng chúng không tiêu hóa mà thải ra nguyên hạt. Con người đã nhặt chúng, và tạo ra thứ cà phê đắt tiền nhất thế giới. Khi mới nổi tiếng, cà phê chồn hoàn toàn tự nhiên và vô cùng đắt đỏ, chỉ dành cho hội nhà giàu thưởng thức, với giá lên đến 100 đô la Mỹ cho một cốc. Tiếng lành đồn xa, cà phê chồn trở thành cà phê thời thượng mà ai cũng muốn thử một lần trong đời.

Vốn có cuộc sống tự do, nhưng giờ đây, cuộc đời của chúng bị bao quanh bởi những thanh sắt gỉ sét.

Cầy không được ăn bất cứ thực vật tự nhiên nào mà chúng yêu thích, bữa ăn của cầy toàn bộ đều là trái cà phê.

Vì lợi nhuận, con người đã bắt nhốt cầy vòi đốm, ép chúng ăn hạt cà phê và hoàn toàn cách ly chúng với các loại thức ăn khác, để thu lại lượng lớn hạt cà phê được thải ra. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng loài cầy hương ở những đồn điền này được giữ trong những cái lồng sắt làm hạn chế sự di chuyển của chúng, không hề có thức ăn mà chúng yêu thích ngoài tự nhiên. Những chiếc lồng gây trầy xước da, ít ánh sáng tự nhiên, nguồn nước hạn chế, không được vệ sinh, nhiều con cầy còn phải tự uống nước tiểu và phân của mình.

Điều kiện sống của những con cầy rất kém, chúng thiếu nước và dinh dưỡng trầm trọng.Nguồn .ảnh: Nicky Loh

Những con cầy hoang dã bị nuôi nhốt này thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm và thiếu dinh dưỡng. Chúng bị đưa vào ngành công nghiệp cà phê chỉ vì tham vọng của loài người. Trên thực tế, hạt cà phê đi qua cơ thể cầy không có nhiều khác biệt so với hạt cà phê thông thường, toàn bộ hạt vẫn giữ nguyên hương vị cà phê được thu hoạch bình thường. Và những ai thưởng thức cà phê chồn không hẳn vì mùi hương mà chủ yếu vì đẳng cấp và sự tò mò. Nhưng đánh đổi sự thượng lưu của con người, chính là hàng ngàn con cầy mất sự tự do và luôn cận kề cái chết.

Sau khoảng thời gian dài bị giam cầm và chỉ ăn trái cà phê, cầy trở nên trầm cảm và chán ghét những gì con người đưa cho chúng.

Chúng nhớ những cánh rừng ngày còn tự do.

Nhưng con người lại cướp đi sự tự do của chúng chỉ vì những cốc cà phê không khác gì những loại hạt khác. Nguồn ảnh: Arief Priyono/Panjalu

Bạn hoàn toàn có khả năng giải cứu cho những con cầy vòi đốm hay gần hơn là cầy hương hoang dã của Việt Nam bằng cách nói không với loại cà phê tàn nhẫn này. Từ chối những địa chỉ tham quan đồn điền cà phê chồn, những gì bạn có thể thấy trong chuyến đi chỉ là 1/10 so với những gì con người đang thật sự làm sau tấm màn để tạo ra cà phê chồn.

Chúng xứng đáng có cuộc sống tốt đẹp hơn là những đồn điền tăm tối nơi luôn sẵn sàng chết, vì phục vụ cho đẳng cấp của con người. Hãy chấm dứt những cuộc đời tù đày của loài cầy chỉ vì một cốc cà phê "sang chảnh"!

Theo: Saigonere
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.