• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Hung thủ tiếp tay tàn phá các rạn san hô chính là kem chống nắng

Thiên nhiên

Đối với hội chị em, kem chống nắng được ví như tấm áo giáp bảo vệ da khỏi lão hóa, cháy nắng và ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư. Nhưng đối với hệ sinh thái biển, kem chống nắng là mối đe dọa lớn.

Thông qua các hoạt động như bơi lội và xả nước thải, kem chống nắng hòa ra biển và gây hại cho các sinh vật. Một số ví dụ gồm có làm giảm sự phát triển của tảo bẹ, giảm hệ miễn dịch của nhím biển, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cá, các chất độc hại bám dính vào mô cá heo, v.v...

Rạn san hô bị tẩy trắng

Nguy hiểm hơn, các hoạt chất bảo vệ làn da của chúng ta đang tiếp tay cho quá trình tẩy trắng rạn san hô. Hiện tượng tẩy trắng này kéo dài sẽ làm các rạn san hô biến mất, ảnh hưởng trầm trọng đến sự sống của nhiều sinh vật biển.

Những hung thần của đại dương

Oxybenzone, hay còn gọi là benzophenone-3, là thành phần không thể thiếu trong kem chống nắng do nó có khả năng bảo vệ da trước tác hại của ánh nắng mặt trời. Oxybenzone cũng được đưa vào mỹ phẩm, sơn móng tay, keo vuốt tóc cùng nhiều sản phẩm làm đẹp khác.

Đối với con người, oxybenzone mang nhiều công dụng, ngăn ngừa quá trình lão hóa và ung thư da. Nhưng đối với các rạn san hô, oxybenzone là hung thần thúc đẩy quá trình tẩy trắng, phá hủy cấu trúc DNA và gây biến dị di truyền. Nó cũng làm suy yếu, ngăn khả năng hấp thụ dinh dưỡng và phát triển của các san hô non.

Đồng phạm của oxybenzone là octinoxate. Có tác dụng bảo vệ da trước các tia UV, octinoxate cũng là thành phần quan trọng trong kem chống nắng. Nhược điểm của octinoxate là không hòa tan trong nước và nó cũng ảnh hưởng đến các rạn san hô giống như oxybenzone.

Trong kem chống nắng có nhiều thành phần gây hại cho các rạn san hô

Một hung thủ giấu mặt khác tồn tại trong kem chống nắng và gây hại cho đại dương là benzophenone-2. Từ những năm 1960, benzophenone-2 đã được đưa vào các sản phẩm chăm sóc cá nhân như xà phòng, mỹ phẩm, nước hoa, và đặc biệt là kem chống nắng do có tác dụng chống lại tác hại của tia cực tím.

Theo nghiên cứu năm 2013 của Trung tâm Khoa học Quốc gia ven biển, benzophenone-2 phá hủy cấu trúc DNA và tham gia vào quá trình tẩy trắng rạn san hô. Đa số cơ sở xử lý nước thải ở những đô thị lớn chưa có biện pháp loại bỏ benzophenone-2. Khi nước thải đổ ra biển, benzophenone-2 cũng trực tiếp hòa vào biển và gây hại cho các rạn san hô, nhất là ở vùng biển Caribe và Ấn Độ Dương.

Mỗi năm có hơn 6.000 tấn kem chống nắng đổ ra biển càng làm tăng nguy cơ tẩy trắng rạn san hô, cũng như ô nhiễm đại dương, đe dọa sự sống cho nhiều sinh vật biển khác.

Phải chăng chúng ta không nên sử dụng kem chống nắng nữa?

Những biện pháp được ban hành

Tháng 7 năm 2018, Hawaii là bang đầu tiên của Hoa Kỳ tuyên bố nghiêm cấm các sản phẩm chống nắng chứa oxybenzone và octinoxate. Thành phố Key West ở bang Florida đã thông qua luật không buôn bán các sản phẩm chống nắng chứa những thành phần gây hại cho đại dương và luật sẽ được áp dụng vào năm 2021.

Một số hãng bán lẻ cũng đã vào cuộc, chung tay bảo vệ đại dương nói chung và các rạn san hô nói riêng. REI, hãng bán lẻ của Mỹ từ năm 1938, đã dừng nhập các sản phẩm chứa oxybenzone. REI cũng đưa ra quy định nếu các sản phẩm chống nắng không chứa oxybenzone và octinoxate, nhà cung cấp buộc phải dán thêm nhãn “an toàn cho rạn san hô”.

Những quy định này một phần nào đó cho chúng ta thấy đã có nhiều người ý thức hơn trong việc bảo vệ tự nhiên. Song, điều đáng buồn là kem chống nắng vẫn chứa nhiều thành phần có hại cho đại dương và các rạn san hô như octocrylene, PABA, một số dẫn chất paraben, các hạt nano oxit kẽm, v.v...

Nếu loại bỏ rất nhiều thành phần ra khỏi kem chống nắng, vậy chúng ta phải bảo vệ da trước nguy cơ của tia cực tím như thế nào? Liệu có sản phẩm an toàn nào đủ khả năng thay thế kem chống nắng vốn là vật bất ly thân của phái đẹp?

Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ da và các rạn san hô?

Kem chống nắng “an toàn cho rạn san hô” liệu có phải là phương án hiệu quả?

Hiện nay trên thị trường có một số kem chống nắng loại bỏ oxybenzone, octinoxate và được mô tả "an toàn cho rạn san hô". Tuy nhiên, đây mới chỉ là kem chống nắng đến từ những thương hiệu nhỏ và nó chưa hoàn toàn phổ biến.

Mặt khác, cụm từ “an toàn cho rạn san hô” trên bao bì của kem chống nắng vẫn chưa thực sự thống nhất và có quy định chặt chẽ. Điều đó nghĩa là chúng ta vẫn chưa có quy trình kiểm tra cho các nhà sản xuất để đảm bảo kem chống nắng của họ an toàn với rạn san hô. Một số xịt khoáng chống nắng được cho là thân thiện với môi trường, nhưng chưa thể khẳng định nó sẽ bảo vệ da toàn diện trước các tia UV và nó có an toàn với các rạn san hô về lâu dài hay không.

Khi những nghiên cứu về kem chống nắng “an toàn cho rạn san hô” chưa chính xác và đáng tin cậy, chúng ta vẫn nên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ sức khỏe của bản thân trước tiên. Bên cạnh đó cũng nên áp dụng một số biện pháp khác để hạn chế lượng kem chống nắng sử dụng, ví dụ như bôi một lượng vừa đủ, che chắn kỹ khi ra ngoài, không tiếp xúc với ánh nắng quá lâu, v.v...

Đọc thêm bài: Hè 2020 nóng nhất lịch sử: Mặc gì để vừa mát, vừa chống nắng mà vẫn khiến các chàng 'xiêu đổ'?

Theo: consumerreports, noaa
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.