• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Koko, chú khỉ đột nổi tiếng nhất thế giới có thể 'trò chuyện' với con người đã qua đời ở tuổi 46

Thiên nhiên

Khi nuôi thú cưng có phải bạn luôn cho rằng chúng có thể hiểu mọi thứ mà bạn nói, thậm chí chúng còn có những hành động phản ứng lại lời nói của bạn không?

Khi theo dõi trường hợp của Koko - một chú khỉ đột sống ở California, nhà khoa học Francine 'Penny' Patterson đã khẳng định suy nghĩ này là đúng. Động vật thật sự có thể hiểu được những giao tiếp của con người.

Koko biết ít nhất 1.000 từ ngôn ngữ ký hiệu và phản ứng với hàng ngàn câu nói mà nó có thể nghe thấy.

1

Koko và người hướng dẫn tận tâm của mình, nhà khoa học Francine 'Penny' Patterson.

Trong một lần kiểm tra, Koko đã nghe Tiến sĩ Patterson nói rằng Koko là một "trẻ vị thành niên" nhưng nó đã ngắt lời bằng ngôn ngữ ký hiệu rằng "Không! Tôi là khỉ đột!".

Chuyện này đã xảy ra cách đây 40 năm. Koko lần đầu tiên trở nên nổi tiếng toàn thế giới vào cuối những năm 1970. Chú khỉ đột thông minh này xuất hiện trong những bộ phim tài liệu truyền hình và bìa tạp chí.

Koko quay video kêu gọi bảo vệ môi trường bằng ngôn ngữ ký hiệu

Sau khi nổi tiếng, Koko đã xuất hiện trong một quyển sách dành cho trẻ em và cộng tác với nhiều ngôi sao Hollywood như Leonardo DiCaprio và Robin Williams. Koko cũng làm thay đổi cách khoa học vẫn nhận thức về sự giao tiếp và cảm xúc của các loài linh trưởng.

Nhưng đáng tiếc, Koko đã qua đời trong giấc ngủ êm ái vào tối thứ ba vừa rồi ở tuổi 46 và chưa bao giờ được một lần hoàn thành tâm nguyện của mình, đó là trở thành một người mẹ.

Từ khi 9 tuổi, khi được hỏi rằng mình có ước mơ gì, Koko đã khoanh tay đưa qua lại, dấu hiệu như đang ôm một đứa trẻ. Điều này đã thể hiện mong muốn được làm mẹ của nó. Koko cũng thường xuyên ôm và chăm sóc búp bê như con của mình.

Nhưng mọi nỗ lực của các nhà khoa học cũng không thể giúp Koko đáng thương hoàn thành mơ ước.

7

Để xoa dịu khát khao làm mẹ của Koko, năm 1985, Tiến sĩ Patterson đã tặng Koko một con mèo con. Khi con mèo con qua đời, Koko đã rất đau buồn, thậm chí rơi vào tuyệt vọng.

2

Koko đã không thể hoàn thành tâm nguyện được làm mẹ của mình cho đến cuối đời.

Koko được sinh ra ở Sở thú San Francisco vào ngày 4/7/1971, ban đầu được đặt tên là Hanabi-Ko - tiếng Nhật là "pháo hoa trẻ em". Sau đó, cái tên này được rút ngắn thành Koko cho đáng yêu và dễ gọi.

Koko đã không phát triển thể chất tốt trong điều kiện nuôi nhốt, trong năm đầu tiên, nó bị mắc chứng suy dinh dưỡng.

Tiến sĩ Patterson, lúc đó là một sinh viên tiến sĩ tâm lý học 25 tuổi của Đại học Stanford, đã nuôi hy vọng khám phá xem loài khỉ có thể học giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu hay không.

3

Koko khi còn bé đang đi cùng Tiến sĩ Patterson. Giữa họ đã hình thành mối quan hệ tốt đẹp khi Tiến sĩ dạy Koko cách giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Lúc mới bắt đầu, bà nghĩ mình chỉ có thể dạy được Koko ra dấu hiệu "ăn", "uống" và "nhiều" trong 4 năm cũng có thể xem là thành công.

Lúc bấy giờ, mọi người đã quen với hình ảnh một nữ sinh viên mang theo con khỉ đột nhỏ đến trường hoặc đi siêu thị khắp nơi ở Seventies California. Suy nghĩ cho rằng một con vật có thể bày tỏ cảm xúc hoặc học ngôn ngữ của con người không chỉ là xa vời mà còn là vô nghĩa.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tuần, Koko đã chứng minh được khả năng thiên bẩm của loài linh trưởng. Nó nắm tay ra dấu rằng mình cần uống nước. Koko cố gắng sử dụng những cử chỉ mà nó tự nghĩ ra hoặc học được từ những con khỉ đột khác. Đây có thể là bản năng tự nhiên của chúng.

4

Với khả năng tuyệt vời của mình, Koko nhanh chóng trở thành ngôi sao và được in trên trang bìa của National Geographic.

Koko tiếp tục học được hàng chục rồi hàng trăm từ khác nhau. Khi không biết một từ nào đó, nó sẽ kết hợp những từ đã biết để giải thích.

Khi thí nghiệm kết thúc sau 4 năm, sở thú San Francisco yêu cầu Tiến sĩ Patterson mang trả lại Koko. Bà đã quyên góp được 12.500 đô la (tương đương gần 287 triệu VNĐ hiện nay) để mua lại Koko.

Koko bắt đầu được nhiều nhà báo biết đến và xuất hiện trên nhiều trang bìa tạp chí trong đó có tờ Washington Post và trở thành ngôi sao trang bìa của National Geographic.

9

Koko xuất hiện nhiều lần trên tạp chí National Geographic.

Bức ảnh tự sướng đầu tiên của Koko khi nó cầm máy ảnh tự chụp mình trong gương đã thu được 750 đô la (khoảng 17 triệu VNĐ hiện nay).

5

Tiến sĩ Patterson và Koko thường xuyên trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu.

8

Tình bạn của họ đã vượt ra ngoài ranh giới con người và động vật.

Tác giả Michael Crichton - tác giả của Jurassic Park, đã lấy Koko làm cảm hứng để viết một cuốn tiểu thuyết tên là Congo, kể về một con khỉ đột thông thạo ngôn ngữ ký hiệu, giúp con người khám phá một bộ lạc giống loài người ở châu Phi.

Koko cũng là con khỉ đột nhận biết rất rõ về cái chết. Koko đã rất đau buồn khi chứng kiến chú mèo cưng qua đời và “anh trai” Michael vĩnh viễn ra đi vào năm 2000. Michael là một con khỉ đột đực bị giam cầm. Khỉ đột bị nuôi nhốt thường chết ở độ tuổi 30 vì bệnh tim.

Khi Tiến sĩ Patterson hỏi Koko cái chết là gì, nó đã trả lời: "Những rắc rối cũ... một cái lỗ thoải mái... tạm biệt... ngủ".

6

Họ đã làm bạn trong hơn 40 năm qua, và hôm nay Tiến sĩ Patterson đã phải chào tạm biệt lần cuối người bạn vĩ đại của mình.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều người hoài nghi, nhưng những gì Koko và Tiến sĩ Patterson đạt được trong hơn 40 năm qua là một thành công vĩ đại trong nghiên cứu ngôn ngữ và khả năng giao tiếp của loài linh trưởng.

"Thực tế Koko biết yêu", bà Penny Patterson từng nói, "Chúng ta có thể yêu nhau mặc dù chúng ta là những loài khác nhau, điều này thật sự sẽ khiến mọi người suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống. Và đó là những gì chúng tôi đã làm!".

Koko đã yên nghỉ và thế giới thật sự phải cảm ơn vì những gì mà Koko đã đóng góp cho khoa học. Mặc dù chưa bao giờ được trở thành một người mẹ chân chính nhưng Koko đã sống một cuộc đời rất đặc biệt.

Theo: Daily Mail
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.