• Về đầu trang
Ngocisnotbad
Ngocisnotbad

Tê giác trắng phương Bắc có thể bị tuyệt chủng hoàn toàn do COVID-19

Thiên nhiên

Đại dịch diễn ra khiến việc bảo tồn, duy trì sự sống của các loài tê giác trắng đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng bị trì trệ nghiêm trọng.

Nguồn: CNN

Hiện nay trên thế giới chỉ còn lại hai con tê giác trắng phương Bắc giống cái, con đực cuối cùng tên Sudan đã chết tại Kenya năm 2018 do sức khoẻ yếu.

Vì vậy mục tiêu của các nhà khoa học là tạo ra phôi thai trong ống nghiệm bằng cách thụ tinh trứng của chúng với tinh trùng đông lạnh từ con đực đã chết, sau đó cấy phôi vào một loài tê giác trắng phổ biến hơn ở miền Nam.

Sudan qua đời vào 2018 Nguồn: National Geographic

Kể từ tháng 1 năm nay, có ba phôi thai đã được tạo ra và lưu trữ trong nitơ lỏng. Tuy nhiên các bước quan trọng tiếp theo đang bị hoãn lại do ảnh hưởng của COVID-19. Việc bảo tồn loài động vật này trở thành một nỗ lực của quốc tế với sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Kenya, Cộng hòa Séc, Đức và Ý.

Họ cho biết: "Chúng tôi đã tìm ra được một quy trình cấy phôi khả thi vào những con tê giác trắng phương Nam. Tuy nhiên, sự chậm trễ về mặt thời gian có thể làm cho những con Rhino cái già đi và từ đó chức năng của trứng sẽ bị suy giảm."

Theo Cesare Galli, một chuyên gia thụ tinh ống nghiệm tại Ý:

"Tình hình hiện giờ khá là cấp bách, chúng tôi hy vọng chính phủ sớm mở cửa biên giới để việc thu thập thêm trứng từ hai con cái cuối cùng được tiếp tục diễn ra."

Nguồn: AP Photo/Sunday Alamba

Hơn thế, việc các nhà khoa học đến Kenya cũng tạo ra vô số rủi ro, đơn cử như khả năng mang vi-rút Corona đến Khu bảo tồn Ol Pejeta. Galli cho rằng: "Ol Pejeta là nhà của rất nhiều loài linh trưởng và chúng có nguy cơ nhiễm vi-rút rất cao. Vô tình mang COVID-19 đến Kenya đồng nghĩa với đe doạ sự sống của một loài động vật để cứu loài khác."

Nhiều thập kỷ qua, hoạt động săn trộm đã gây thiệt hại nặng nề về số lượng tê giác trên thế giới. Các con vật bị giết để lấy sừng, thứ mà từ lâu đã được sử dụng làm vật liệu chạm khắc và được đánh giá là phương thuốc quý trong y học cổ truyền Trung Hoa. Điều này khiến tốc độ tuyệt chủng của tê giác được ghi nhận là nhanh nhất trong lịch sử nhân loại, nhanh hơn nhiều so với tốc độ tuyệt chủng của khủng long.

Theo: abc News
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.