• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

'Tuyết hồng' trên đỉnh núi Alps tuy đẹp nhưng lại là dấu hiệu chết chóc cảnh báo thảm họa tự nhiên

Thiên nhiên

Màu hồng là màu sắc luôn mang lại thiện cảm cho con người, bất kể bạn có thích màu hồng hay không, nó cũng không bao giờ được mô tả là một màu xấu. Tuy nhiên, lớp tuyết màu hồng trên đỉnh sông băng Presena ở dãy núi Alps, nước Ý thì ngược lại, nó ẩn chứa một sự hiểm nguy bên trong vẻ ngoài ưa nhìn.

Thực ra, tuyết hồng là một hiện tượng thường gặp vào mùa xuân và mùa hè ở vùng núi tuyết Alps, nó đòi hỏi một lượng ánh sáng, độ ấm và nước phù hợp để các loài tảo trong tuyết phát triển. Thông thường, tảo "ngủ đông" và không hoạt động dưới lớp băng tuyết dày, nhưng một khi khí hậu ấm lên và tuyết tan, chúng sẽ nở hoa và tạo nên màu hồng đẹp mắt.

Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì để nói nếu mỗi năm loài tảo này chỉ xuất hiện một lần theo mùa, thế nhưng hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến chúng nở hoa lâu hơn và nhiều hơn. Vấn đề là, mỗi khi tảo khiến tuyết hóa hồng, chúng cũng khiến lớp tuyết phải hấp thu nhiệt lượng nhiều hơn từ ánh mặt trời, khiến cho quá trình tuyết tan diễn ra càng nhanh.

Màu trắng là màu phản chiếu ánh sáng mặt trời tốt nhất, đồng thời hấp thụ nhiệt lượng thấp nhất. Thế nhưng, đang có một vòng lẩn quẩn tai hại ở đây khiến băng tuyết trên các đỉnh núi bị tan chảy một cách mất kiểm soát. Nhiệt độ càng tăng, tảo càng nở hoa nhiều và kéo theo đó là tuyết càng tan nhanh hơn nữa!

Biagio Di Mauro, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học vùng Cực thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia của Ý, đã nói với Gizmodo trong một email rằng:

Sự nở hoa của tảo ở vùng sông băng Presena là một ví dụ về chủng Chlamydomonas nivalis - một loại tảo được tìm thấy ở dãy Alps cũng như các vùng Cực từ Greenland đến Nam Cực. Nó thường gây ra hiện tượng tuyết hồng, hay còn gọi là "tuyết dưa hấu" và có thể có tác động đến tốc độ tuyết tan.

Chlamydomonas nivalis - loại tảo chịu trách nhiệm cho việc tốc độ tuyết tan nhanh hơn mức thông thường.

Điều đáng sợ ở đây là tảo Chalmydomonas nivalis xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn, gần đây nó được tìm thấy không chỉ ở núi Alps mà còn ở Alaska, Mỹ, sau đó là ở Ukraine hồi tháng 3 vừa rồi. Rõ ràng có một điểm chung nào đó giữa việc nóng lên toàn cầu và mức độ sinh trưởng ngày càng tăng của tảo.

Tảo nở hoa nhuộm đỏ một vùng tuyết.
Tảo nở hoa khiến tuyết tan chảy thành những vết lõm.

Trên thực tế, chỗ nào có tảo càng dày đặc, tuyết ở nơi đó đã tan nhanh hơn và tạo thành những vết lõm trên bề mặt (ảnh trên), điều này kết luận rằng nhiệt lượng ở nơi có tảo đã tăng cao đáng kể.

Một số nhà khoa học đã lập luận rằng cơ chế tuyết tan do tảo cần được thêm vào các mô hình nghiên cứu biến đổi khí hậu để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về việc làm thế nào tất cả các loài tảo màu hồng và đỏ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn cầu trong tương lai.

Tuyết hồng có thể đẹp và tạo nên một cảnh tượng đáng kinh ngạc, nhưng nó thực sự không hề tốt cho Trái Đất.

Đọc thêm: Trái Đất đạt đến điểm bùng phát biến đổi khí hậu, dự đoán sẽ gây ra hiệu ứng domino thảm hoạ

Theo: Gizmodo
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.