• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

2/3 phụ nữ tham gia lễ hội Songkran đã bị quấy rối tình dục và câu trả lời gây shock của chính quyền

Tin tức

Songkran, lễ hội năm mới truyền thống của Thái Lan đã diễn ra vào ngày 13/4 đến 15/4 hàng năm. Đây là lễ Songkran đầu tiên của người Thái sau một năm để tang Nhà vua. Thế nhưng năm nay, bên cạnh những vấn đề muôn thuở như tiêu thụ rượu bia, tai nạn giao thông,… thì những người tham gia phải đối mặt với một vấn đề mới: quấy rối tình dục.

Những vị khách nữ tham gia Songkran thường bị quấy rối trong khi tham gia té nước từ Silom tới Khao San, thế nhưng vấn nạn này ít được đề cập đến. Và khi họ nói điều này với chính quyền, họ thường bị đổ lỗi là do ăn mặc khiêu khích, hở da thịt, khơi gợi những dục vọng ở đàn ông nên mới bị như vậy.

2719786 620x413

Gần 60% phụ nữ bị quấy rối tại lễ hội Songkran. Nguồn ảnh: Weerawong Wongpreedee.

Nhằm tìm ra giải pháp cho thực trạng này, Tổ chức Woman And Man Progressive Movement đã tổ chức một cuộc hội thảo vào tuần trước đó để tranh luận xem liệu quần áo có ảnh hưởng gì tới việc xâm hại và quấy rối tình dục hay không. Một vài nạn nhân của lễ hội cũng có mặt ở buổi hội thảo. Cùng tham gia là siêu mẫu Cindy Bishop, người mà tháng trước đã gây bão khi đăng một video chỉ trích những gợi ý rằng phụ nữ nên mặc “quần áo thích hợp” để tránh bị xâm hại.

2719790

Một hình ảnh tại hội thảo. Siêu mẫu Cindy Bishop ở thứ hai từ phải sang. Nguồn ảnh: Melalin Mahavongtrakul

Bee (tên đã được thay đổi), một người tham gia hội thảo và cũng là nạn nhân của quấy rối tình dục tại Songkran nói rằng ở lễ hội, cô đã mặc một chiếc áo phông đen và quần ngố. Cô đang chơi đùa ở lễ hội cùng bạn bè thì một nhóm đàn ông đi tới, ném bột và mặt cô và bóp ngực cô. Sau đó, cô đã rời khỏi lễ hội và vô cùng hoảng sợ vì nghĩ rằng mình có thể bị quấy rối một lần nữa. Cô nói: “Có những người còn mặc hở hang hơn tôi nhưng họ không bị làm sao mà chỉ có mình tôi. Tôi không hiểu tại sao”. Sau đó, hội thảo đã khuyên cô và những người tham gia rằng tốt hơn là nếu lần sau tham gia hãy đi cùng với một người bạn là con trai.

Video của Cindy đã đem đến tiếng nói cho việc chống lại nạn quấy rối tình dục. Siêu mẫu này đã đăng một video lên mạng hỏi tại sao phụ nữ luôn bị đổ lỗi về việc chọn trang phục của mình và bày tỏ sự thất vọng với chính quyền khi họ đưa ra một thông báo khuyên phụ nữ rằng họ nên mặc trang phục thích hợp đề tránh bị xâm hại, như một cách để nói rằng việc họ bị xâm hại là tại họ, biến đàn ông thành những kẻ vô can.

Nữ siêu mẫu thẳng thắn chia sẻ: “Phụ nữ có quyền được mặc bất kỳ bộ quần áo nào họ muốn, miễn là nó không quá hở hang và phản cảm. Tốt hơn là đàn ông nên biết được là họ đang làm gì. Tôi biết là các bạn đang say, đang tiệc tùng với bạn bè, nhưng bạn không có quyền đụng vào cơ thể phụ nữ.” Cô cũng nói thêm rằng việc bắt phụ nữ phải ăn mặc như thế nào chỉ giải quyết được phần ngọn, không thể giải quyết được tận gốc vấn đề và khẳng định rằng không phải cô đang khuyến khích mọi người ăn mặc hở hang thế nào cũng được, mà phải phù hợp.

rtx29rq0 1

Video của cô đã nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của mọi người, kể cả những người nổi tiếng. Họ cũng chia sẻ câu chuyện của mình và để hashtag #Donttellmehowtodress, #Tellmentorespect, như một cách để hưởng ứng phong trào #Metoo đang lan rộng trên toàn thế giới. Đến cuối buổi, cô chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng rất nhiều cô gái cũng đồng cảm với những gì tôi đã nói. Vấn đề này vẫn chưa được bàn luận một cách rộng rãi. Xã hội vẫn chưa có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề này".

Tại buổi hội thảo, những người tham gia có thể thấy những bộ quần áo, từ áo phông, quần short đến cả đồng phục học sinh treo khắp nơi. Nó là một phần của triển lãm "Bạn đã mặc gì vào ngày hôm đó?". Buổi triển lãm là nơi để các nạn nhân treo những bộ quần áo mà họ đã mặc trong lễ hội, qua đó xóa bỏ quan niệm rằng chỉ có những người ăn mặc hở hang thì mới bị quấy rối và cưỡng hiếp.

2719798

Những bộ quần áo được trưng ở hội thảo. Nguồn ảnh: Melalin Mahavongtrakul

Cuối buổi hội thảo, tổ chức đã phơi bày hiện trạng đáng báo động ở lễ hội. Trong một cuộc khảo sát trên 1650 phụ nữ ở độ tuổi từ 20 đến 40, gần 59.3% người tham gia bị quấy rối với các hình thức phổ biến nhất là huýt sáo, nắm tay chân, sờ mặt và các bộ phận nhạy cảm. Chỉ có 25.8% người báo cho cảnh sát và 28.1% người từ chối tham gia lễ hội vào lần sau. Trước chuyện này, tiến sĩ Kittipat Nontapatamadul của Khoa Quản trị Xã hội đến từ Đại học Thammasat cho biết chính nền văn hóa trọng nam khinh nữ đã tạo cho đàn ông quyền nghĩ rằng họ có thể làm gì cũng được và được phép lợi dụng phụ nữ. Ông nói rằng vấn đề này không thể chỉ giải quyết ngày một ngày hai là xong mà cần thời gian dài và hi vọng rằng, nhờ những buổi hội thảo như thế này, các vụ quấy rối tình dục sẽ giảm bớt trong lễ hội năm sau.

Jaree Sirawat, đại diện cho tổ chức cho biết chuyện đổ lỗi cho phụ nữ cần phải dừng lại ngay lập tức. Ông nhấn mạnh: "Chuyện này có thể thay đổi. Đàn ông có thể thay đổi. Hãy tưởng tượng có người làm chuyện này với em gái hay chị gái của bạn".

Sau khi hội thảo kết thúc, cả khán phòng ngập trong tiếng vỗ tay và họ hi vọng rằng cuộc chiến chống lại nạn quấy rối tình dục ở Songkran sẽ không chấm dứt. Mọi người đều mong muốn phong tục truyền thống này sẽ quay về với ý nghĩa ban đầu của nó, là nơi tất cả sẽ cùng chơi đùa mà không phải lo sợ và đều có thời gian tốt đẹp ở bên nhau.

Theo: Bangkok Post
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.