• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

'Covid chưa qua, Zika đã tới': Người dân cần chủ động diệt trừ muỗi trong mùa mưa

Tin tức

Sáng 26 tháng 5, Đà Nẵng đã ghi nhận ca nhiễm virus Zika đầu tiên trong năm 2020 là một thanh niên 25 tuổi. Đây là dấu hiệu báo động rằng những mầm bệnh đang có cơ hội trỗi dậy khi mùa mưa về, đặc biệt là các bệnh được lây truyền qua vectơ trung gian là muỗi hoặc các loài côn trùng khác sinh sôi mạnh trong mùa mưa.

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika sinh trưởng mạnh nhất trong mùa mưa, có thể gây ra dịch trên cả nước nếu không được kiểm soát.

Tương tự như virus Dengue gây sốt xuất huyết, virus Zika cũng lây lan thông qua muỗi Aedes Aegypti - hay còn gọi là "muỗi vằn". Mặc dù khả năng dẫn đến các triệu chứng nặng như Dengue là không cao, tuy nhiên virus Zika lại có thể âm thầm gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Không chỉ là nguyên nhân của hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, virus Zika còn có thể lây từ mẹ sang con, qua đường máu, hoặc lây qua đường tình dục. Ở người lớn, Zika có thể dẫn đến biến chứng làm tổn thương dây thần kinh và gây liệt.

Mô hình đồ họa 3D cho thấy hình dạng của virus Zika.

Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đã phần nào được kiểm soát nên lực lượng y bác sĩ và cán bộ y tế ở các tỉnh thành cũng có điều kiện để triển khai các kế hoạch ứng phó trong trường hợp dịch sốt xuất huyết hoặc sốt Zika theo mùa xảy ra.

Điều người dân cần lưu ý là Zika hoặc sốt xuất huyết Dengue không lây lan qua giọt bắn của đường hô hấp như Covid-19 mà chủ yếu qua vật trung gian là muỗi. Thế nên việc người dân phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để diệt muỗi và kiểm soát môi trường là vô cùng cần thiết.

Diệt lăng quăng là cách tốt nhất để phòng chống virus Zika cũng như virus Dengue gây sốt xuất huyết.

Mặc dù hàng năm các cơ quan y tế địa phương đều có kế hoạch tuyên truyền, kêu gọi diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên vẫn còn xảy ra nhiều ca nhiễm bệnh do thiếu ý thức như không chịu mắc màn khi ngủ, không dọn dẹp môi trường để nước ứ đọng xung quanh nhà tạo điều kiện cho lăng quăng sinh sôi.

Virus Zika được phát hiện vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda, virus này không xuất hiện ở Việt Nam cho đến khi dịch Zika bùng phát toàn cầu vào năm 2016.

Đến nay, Việt Nam ghi nhận khoảng 265 trường hợp sốt do Zika, chủ yếu tập trung ở miền Nam và Tây Nguyên do môi trường ẩm thấp trong mùa mưa. Người dân sinh sống ở những vùng này cần thận trọng và thực hiện nghiêm túc các quy trình chống dịch để bảo vệ chính mình và người thân.

Đọc thêm: Công dân Croatia đang 'mắc kẹt' tại Việt Nam vì đại dịch: 'Tôi tin rằng đây là một trong những nơi an toàn nhất Trái Đất giữa nạn Covid-19'

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.