• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Khán giả Trung Quốc không mặn mà, thậm chí tẩy chay 'Mulan' của Lưu Diệc Phi, vì sao?

Tin tức

Mulan là một trong những tựa phim tiêu tốn kinh phí nhất năm 2020, nếu không muốn nói là nằm trong top phim đắt đỏ hàng đầu Hollywood. Trên thực tế, đây là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh thế giới một nữ đạo diễn được thực hiện tựa phim với số vốn lên đến 200 triệu USD.

Nói như thế là để chúng ta hình dung được đế chế điện ảnh Disney đã đầu tư sản xuất một cách nghiêm túc và đặt niềm tin vào Mulan ra sao. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc thị trường mà bộ phim nhắm đến sẽ yêu thích Mulan theo một cách tỷ lệ thuận với số vốn mà Nhà Chuột đã bỏ ra.

Trước hết, cần hiểu rằng khi nói tới phim ảnh, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai thế giới chỉ sau Bắc Mỹ với tiềm năng khai thác vô tận nhưng họ không hề dễ tính, nhất là đối với các yếu tố liên quan đến văn hóa và lịch sử dân tộc - họ có những giá trị ngàn đời mà một quốc gia trẻ với chưa đầy 300 năm thành lập như Hoa Kỳ sẽ khó mà khảo cứu được ngay trong thời gian ngắn.

Một số nhà phê bình Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ điều cho rằng Mulan của Disney đã miêu tả không trung thực câu chuyện gốc. Nhiều người theo dõi bộ phim cũng đã độc lập tìm thấy những điểm không chính xác, đặc biệt là về bối cảnh lịch sử, thiết kế trang phục và kiến ​​trúc của bộ phim, cũng như một số concept đặc trưng của văn hóa Trung Hoa ví dụ như "khí công" - năng lực mà nhân vật chính sử dụng trong phim.

Những sai lệch trong bối cảnh lịch sử, văn hóa và trang phục

Giáp trụ của Hoàng Đế bị cho là giống Shogun Nhật Bản.

1- Nhân vật Mộc Lan vốn được truyền miệng trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc, ghi chép cụ thể đầu tiên xuất hiện trong truyện thơ Mộc Lan Từ cho thấy nhân vật này sống ở Bắc Ngụy (năm 386 - 534) nhưng trong phim lại được đặt vào thời Hán (năm 206 TCN - 220).

2- Mặc dù mốc thời gian bị dời về 2 thế kỷ, phản diện trong phim vẫn là đế chế Nhu Nhiên (từ những năm 300 đến 554), như vậy chi tiết này đã trở nên không hợp lý.

3- Giáp trụ của Hoàng Đế làm theo phong cách nhà Đường (năm 618 - 907) nhưng nhìn lại giống như tướng quân Nhật Bản trong khi đó trang phục quân lính được thể hiện theo phong cách nhà Minh hoặc nhà Hán.

4- Phản diện Shan Yu (trong phiên bản live-action tên là Bori Khan) là người Nhu Nhiên nhưng lại cầm binh khí của nhà Nguyên (thế kỷ thứ 12 - 13).

5- Gia đình Mộc Lan sống tại Bắc Ngụy nhưng trong phim lại ở trong nhà tranh vách đất phong cách Phúc Kiến ở phía Nam Trung Hoa vào thế kỷ thứ 12. Trong khi Mộc Lan lại mặc Hán phục thế kỷ thứ 2.

...

Nhà thiết kế người Đức Bina Daigeler đã gặp nhiều khó khăn khi thiết kế phục trang cho Mulan.

Trên thực tế, theo nhà thiết kế người Đức Bina Daigeler - người chịu trách nhiệm cho phần phục trang của Mulan, bà chỉ có 3 tuần ở Trung Quốc để tìm hiểu toàn bộ các kiến thức cần có - đây là điều bất khả thi đối với bất kỳ chuyên gia nào, thế nên chúng ta cũng có thể hiểu được và thông cảm đối với sự thiếu sót kể trên. Theo Variety, Daigeler đã có một quá trình nghiên cứu rất "khắc nghiệt" để đáp ứng tiến độ của Disney.

Sai lệch liên quan tới Mulan và năng lực của cô

Lại nói về nguyên tác Mộc Lan Từ, truyện thơ này cung cấp rất ít thông tin, hầu hết các chi tiết cụ thể về sau đều là do dị bản ghi chép mà thành, ví dụ như Thư Mộc Lan Thế Phụ Tòng Quân của Thanh Đằng lão nhân Từ Vị - một vị quan, nhà văn, nhà thơ lỗi lạc thời Minh, hoặc trong sách Huyện Chí của huyện Hoàng Bi thời Nhà Thanh đều nhận định các chi tiết sau:

1- Mộc Lan không thể nào là một cô gái thông thường của một gia đình nhà nông lam lũ. Sách Huyện Chí Hoàng Bi ghi rằng Mộc Lan là con gái của quan huyện.

2- Mộc Lan được nhà sư chùa Đại Ngô (thực ra là tướng quân Ngũ Vân Thiệu ở thành Nam Dương) dạy võ từ bé và trải qua nhiều rèn luyện để có được võ công cao cường chứ không phải "thức tỉnh" năng lực "khí công" như trong phim.

3- Câu chuyện về Mộc Lan vốn không phải đề cao nữ quyền như cách mà phim thể hiện.

Chi tiết "khí công": "khí", hay "chi" là khái niệm quan trọng bao hàm nhiều triết lý sâu xa lý giải các lực lượng trong trời đất và con người, là một thuật ngữ của Trung Quốc dùng để chỉ rất nhiều hệ thống luyện tập sức mạnh vật lý và tinh thần để đạt được sức khoẻ, luyện võ và để tự giác ngộ - cũng là mối liên kết giữa vật chất và ý thức. Năng lực thao túng "khí" không thể có từ khi mới sinh ra và chờ đợi để "thức tỉnh" như cách mà phim diễn đạt. Bất kỳ ai thông qua rèn luyện cũng có thể sử dụng khí công chứ không riêng gì "chiến binh" như lời thoại của phim đã chỉ ra (ảnh dưới).

Về phần nữ quyền trong phim, đây là một sai sót cố hữu trong phim vốn tồn tại từ phiên bản hoạt hình 1998, như đã nói ở trên, Mulan không phải là một cô gái thôn quên hiền lành mà có thể trở thành một chiến binh kiên cường để đại diện cho sức mạnh phái nữ. Như một số dị bản đã kể ở trên, cô xuất thân từ gia đình trí thức, thậm chí quý tộc nên mới được cho luyện võ từ bé, cũng như học các môn võ thuật, binh pháp và cưỡi ngựa (mã thuật, hay "thừa mã" - môn cưỡi ngựa bài bản mà thứ dân phàm tục ở Trung Quốc xưa chắc chắn không thể tiếp cận). Đây là một chi tiết sẽ gây mâu thuẫn về quan điểm, vì tư tưởng xuyên suốt của nguyên tác Hoa Mộc Lan là vì gia đình, vì cha già (chữ "Hiếu"), vì nước và vì vua (chữ "Trung") chứ không phải vì bản thân hay quyền bình đẳng.

Trong nguyên tác Mộc Lan Từ, có đoạn:

Cô quyết mua yên ngựa,

Thay bố đi tòng chinh.

Mua ngựa ở chợ Đông,

Mua yên ở chợ Đoài,

Chợ Nam mua cương khớp,

Chợ Bắc mua roi dài.

...

Muôn dặm xông ra trận,

Quan ải vụt bay đi.

Mõ đồng rền chướng khí,Trăng lạnh rọi nhung y.

Trăm trận tướng quân chết,

Mười năm tráng sĩ về.

Chứng tỏ Mộc Lan vốn là một nữ nhân nhưng lão luyện, quyết đoán và trải qua quá trình đào tạo nghiêm khắc từ trước.

Theo sử gia độc lập Sanping Chen, tác giả quyển Multicultural China in the Early Middle Ages (Trung Quốc đa văn hóa vào đầu thời Trung cổ) nhận định:

Bất cứ điều gì không có trong bài thơ gốc được tạo ra bởi nhiều tác giả sau này không thể được chứng minh về mặt lịch sử. Với tư cách là một nhà sử học, đối với tôi phim rất sai lệch. Câu chuyện được trình bày trong phim chắc chắn không phải là lịch sử có thật.

Một tựa phim được nhắm tới thị trường Trung Quốc nhưng lại được làm hoàn toàn bởi người Âu Mỹ

Một bình luận trên Twitter tổng kết:

Disney đã thuê: 1 đạo diễn da trắng, 1 nhà thiết kế phục trang da trắng, 4 nhà biên kịch da trắng, 1 nhà soạn nhạc da trắng, người quay phim, người chỉnh sửa phim, và trưởng ban casting cũng da trắng nốt để làm một bộ phim mang tính xác thực về nữ chiến binh Trung Hoa.

Đó là lý do tựa phim không có được sự tôn trọng của tôi, các bạn không thể đưa một diễn viên gốc Á đứng trước camera và coi như đó là xong việc, phải có một người Trung Quốc đứng phía sau camera, đó mới là lúc các bạn có được bộ phim mang tính xác thực.

Với tình hình hiện tại, khi những bài viết chỉ trích bắt đầu tràn lan trên mạng xã hội Trung Quốc ngay sau phim ra mắt trên Disney+, khả năng cao Mulan cũng không thu được doanh thu mong muốn bất kể phim sẽ ra mắt tại các cụm rạp ở đại lục vào ngày 11 tháng 9 tới đây.

Đọc thêm: Chủ rạp phim tại Pháp tức giận đập phá poster phim 'Mulan' sau quyết định của Disney

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.