• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Rong ruổi trên bầu trời cùng 'thợ săn châu chấu' quyết chiến với đàn côn trùng gây hại ở Châu Phi

Tin tức

Châu Phi đang phải gánh chịu đại nạn châu chấu khủng khiếp cứ như thảm họa được nhắc đến trong sách Khải Huyền, mỗi ngày, bầy đàn hàng triệu con châu chấu phá hủy nhiều hecta hoa màu và thực vật, đe dọa gây ra nạn đói khủng khiếp ở lục địa đen.

Tuy nhiên, người dân ở các nước Châu Phi không chùn bước, họ tìm ra cách để hạn chế, khoanh vùng và tiêu diệt châu chấu càng nhiều càng tốt. Một nghề mới đã ra đời: thợ săn châu chấu. Theo chân phóng viên của BBC, cùng xem các chuyên gia ở Kenya đã truy đuổi châu chấu như thế nào.

Mỗi buổi sáng, Ambrose Ng'etich (trái) từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) lên một chiếc trực thăng cùng với Đại úy Iltasayon ​​Neepe để đi xác định vị trí của đàn châu chấu ở miền Bắc Kenya.

Theo dõi hướng đi của bầy côn trùng là một nghệ thuật, các hoạt động giám sát hàng ngày trên khắp đất nước cần được thực hiện nhằm xác nhận tọa độ mới nhất của bầy châu châu trước khi triển khai máy bay phun thuốc trừ sâu tiêu diệt chúng.

Trong trường hợp này, châu chấu là một loài gây hại có tập tính di trú, cơn gió có thể đưa chúng đi xa và bao phủ trên diện tích 150km2 một ngày. Toàn bộ khu vực đó sẽ bị tàn phá, bao gồm mùa màng, đồng cỏ cho gia súc, làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân trong những tháng gần đây.

Công việc của Ng'etich và các đồng đội là nỗ lực kiểm soát châu chấu sa mạc trên một diện tích rộng lớn ở Samburu, Isiolo, Laikipia và Meru. Các vùng đất cát trong khu vực này tạo điều kiện lý tưởng cho châu chấu sa mạc đẻ trứng.

Ông Ng'etich cho biết:

"Khi mặt trời đủ ấm, trứng sẽ nở, bạn sẽ thấy mình phải đối phó với đàn châu chấu có số lượng hàng triệu con. Thậm chí có thể có những bầy đàn kéo dài tới 100km".

Trước cả khi đại dịch do Coronavirus xảy ra, người ta đã ước tính rằng cuộc xâm lược của châu chấu sẽ đẩy hơn 25 triệu người trên khắp Đông Phi vào tình trạng đói kém, cả khu vực rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Tháng trước, gói tài trợ khẩn cấp trị giá 43 triệu USD (hơn 1000 tỷ VNĐ) đã được Ngân hàng Thế giới giải ngân nhằm giúp Kenya chống lại đại nạn châu chấu, tuy nhiên như thế là chưa đủ.

Trong những cuộc đi săn châu chấu hàng ngày, đại úy Neepe và Ng'etich đáp máy bay trực thăng xuống các bản làng và nói chuyện với nhiều thành viên chủ chốt trong cộng đồng, thu thập thông tin về nơi ở của châu chấu.

Ng'etich cho biết họ đã huấn luyện một số trinh sát nhằm thu thập thông tin và hướng dẫn cho cộng đồng người bản địa biết họ cần phải làm gì, họ sẽ đi tìm, ước lượng quy mô của bầy đàn châu chấu để báo lại cho tổ chức FAO.

Bước tiếp theo trong kế hoạch "nỗ lực xây dựng khả năng phục hồi" đối với cộng đồng sẽ bao gồm các chương trình chuyển tiền mặt cho những gia đình bản địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu lương thực.

Trong ảnh trên, đứng bên ngoài cái chuồng dê trống của mình ở Hạt Samburu, cách thị trấn Isiolo 3 giờ lái xe về phía Đông Bắc là anh nông dân Tiampati Leletit, 32 tuổi. Leletit giải thích rằng anh đã mất đến 80 con dê sau khi bọn châu chấu đến. Anh ta buộc phải đưa 4 con dê còn lại của mình cho một người hàng xóm, vì vậy chúng mới có thể sống sót như là một phần của đàn.

Leletit cho biết anh đã cố trồng ngô, đậu và một số loại cây khác để làm thức ăn cho gia đình, nhưng châu chấu đã ăn sạch chúng.

Các đàn gia súc ở Kenya đã ốm đói, gầy gò đến mức đáng thương. Chúng không còn cỏ để ăn, dê mẹ không còn đủ sữa cho dê con bú. Điều này đồng nghĩa với người dân cũng chết dần chết mòn. Hơn nữa, việc phun thuốc trừ sâu để diệt châu chấu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của bầy gia súc, tuy nhiên lệnh cấm di chuyển do đại dịch Covid-19 lại khiến người dân địa phương không thể gọi được bác sĩ thú y.

Một người nông dân Kenya lo ngại:

Đây là lần đầu tiên tôi thấy dịch châu chấu, đúng như lời cha tôi kể nhiều năm trước. Cứ thế này thì những người chăn gia súc ở bên kia ngọn núi sẽ đến đây để cạnh tranh, khi họ không còn thức ăn, họ sẽ đi giành lấy.

Bà Josephine Ekiru, thành viên của Hội đồng các chủ trại gia súc ở phía Bắc Turkan, Kenya cho biết:

Xung đột do thiếu thức ăn sẽ xảy ra. Người dân ở đây đều sống dựa vào gia súc. Khi các đồng cỏ mất đi, họ sẽ xung đột với nhau.

Ekiru cảnh báo điều xấu nhất có thể xảy ra, người ta có thể làm hại lẫn nhau để giành thức ăn.

Hồi tháng 3 năm nay, Liên hợp quốc có viện trợ cho các cơ sở nghiên cứu ở khu vực Đông Phi những siêu máy tính có thể xử lý dữ liệu thu thập được, nhằm tính toán hướng đi và tốc độ di chuyển của bầy châu chấu để có biện pháp đối phó hiệu quả. Tuy nhiên đây chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế diễn biến như thế nào, không ai có thể nói trước.

Đọc thêm: Thế giới có thể hứng chịu thảm họa kép do mưa bão kết hợp với đại dịch

Theo: BBC, Phys.org
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.