• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Sự thật đáng buồn: Việt Nam đang là đầu mối buôn lậu tê tê hàng đầu thế giới

Tin tức

Nhà chức trách cho biết số hàng phi pháp này bị bắt giữ khi quá cảnh tại Singapore vào đầu tháng 4 năm 2019:

Kiện hàng này lẽ ra phải là thịt bò đông lạnh, vận chuyển từ Nigeria về Việt Nam. Thế nhưng nó lại chứa các phần cơ thể của 17.000 con tê tê trị giá lên đến 120 triệu USD.

Chưa đầy một tuần sau đó, hải quan Singapore lại bắt thêm một chuyến hàng lậu nữa, nâng số lượng vảy tê tê lậu bắt được trong đợt truy quét này lên đến 14 tấn với tổng cộng hơn 21.000 cá thể tê tê bị giết hại.

pangolin poaching

Hải quan Singapore đang phân loại một số mẫu vảy tê tê trong lô hàng cấm.

Pangolin (còn gọi là con tê tê hay "xuyên sơn giáp") là loài vật bị giết hại và buôn lậu nhiều nhất trên thế giới. Những nước Châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan... coi tê tê là liều thuốc thần có thể trị nhiều bệnh.

Đông Y Trung Quốc xem thịt tê tê như là một bài thuốc bổ cao cấp, có thể giúp điều hòa huyết mạch và tăng tiết sữa cho phụ nữ có con nhỏ nên dù giá rất cao nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng.

thit te te

Món ăn từ tê tê được cho là có tác dụng hoạt huyết thông mạch.

Vảy tê tê được cho là có thể chữa những bệnh ngoài da bằng cách nghiền nhỏ bôi lên, hoặc hòa với nước uống để hạ sốt. Có lời đồn rằng dùng vảy này có thể chữa hen suyễn, ung thư thậm chí dùng để trị tà ma, người Trung Quốc rất tin điều này.

thit te te

Bào thai tê tê bị giết hại để làm món ăn, người Việt Nam và Trung quốc cho rằng món này có tác dụng "bổ dương", tức nâng cao năng lực tình dục.

Từ thập niên 80 - 90, tê tê đã bị săn bắt để bán sang Mỹ hoặc Mexico với số lượng nhất định nhằm phục vụ cho ngành công nghiệp làm giày và đồ da bởi vì da của tê tê rất mềm và bền. Mặc dù vậy họ không ăn tê tê vì thực ra không có một nghiên cứu khoa học/y học nào chứng minh thịt và vảy tê tê có tác dụng thần kỳ như văn hóa phương Đông lầm tưởng.

pangolin5

Là loài thú đáng yêu và vô hại nhưng tê tê đang bị tận diệt bởi lòng tham mù quáng của con người.

Đến cuối những năm 90, bỗng nhiên niềm tin vào thịt và vảy tê tê tăng mạnh ở Trung Quốc, kéo theo nhu cầu của những nước trong khu vực lân cận cũng tăng theo, trong đó có Việt Nam. Vào thời điểm đó, giá thịt tê tê ở thị trường chợ đen miền Bắc Việt Nam có thể lên đến vài trăm đô một kilogram, chỉ có "đại gia" mới dám ăn.

pangolin scales

Những bao tải chứa vảy tê tê bị hải quan Singapore tịch thu.

Đông Nam Á được chia thành hai khu vực chính là Bán đảo Đông Dương ở phía Bắc và Bán đảo Mã Lai ở phía Nam. Việt Nam là đầu mối buôn bán tê tê lớn nhất ở Bán đảo Đông Dương, tương tự, Singapore cũng là một trong những điểm trung gian mấu chốt trong đường dây buôn lậu thú quý xuyên quốc gia ở vùng quần đảo phía Nam.

Tuy nhiên, do Singapore có diện tích nhỏ, dân số ít, việc quản lý hàng hóa trở nên dễ dàng hơn, nhà chức trách Singapore cũng thực thi pháp luật nổi tiếng nghiêm khắc nhất thế giới nên nạn buôn lậu qua nước này đã giảm đáng kể, hầu hết đều bị ngăn chặn khi quá cảnh.

pangolin

Bản đồ cho thấy Việt Nam là nơi trung gian vận chuyển, phân phối tê tê từ Châu Phi, Ấn Độ, Indonesia...sang Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ.

Ngược lại, Việt Nam có đường bờ biển dài, đường biên giới dài với địa hình núi rừng dày đặc giáp với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc tạo điều kiện cho bọn buôn lậu qua mắt lực lượng chức năng.

Từ Việt Nam, các sản phẩm thịt, vảy tê tê vượt biên giới sang Trung Quốc bằng nhiều cách thức tinh vi. Ở khu vực biên giới phía Bắc gần các cửa khẩu giáp với Trung Quốc, hàng lậu tê tê được gọi với tên lóng là "mít".

con te te

Một chú tê tê con bám vào đuôi mẹ.

Tê tê là một loài sinh trưởng chậm, một con mẹ trưởng thành mang thai trong khoảng 120-150 ngày, thường chỉ đẻ 1 con. Tê tê con sẽ trưởng thành khi 2 tuổi, lúc này chúng mới có thể sinh sản được.

Chính vì quá trình sinh sôi nảy nở rất mất thời gian, số lượng cá thể mới được sinh ra lại ít, chúng nằm trên bờ vực tuyệt chủng vì bị con người sát hại bởi những nhu cầu huyễn hoặc, vô lý.

Vảy của tê tê, thứ được xem là thần dược quý giá thực chất hoàn toàn được cấu thành từ keratin, tức chất sừng tương tự móng tay hoặc tóc của con người, vốn không hề có tác dụng thần kỳ như những lời đồn thổi. Tương tự như tê giác và cái sừng "chữa bách bệnh", tê tê cũng đang gặp phải một sự hiểu lầm tai hại.

con te te 2

tê tê yếu ớt, thụ động và không thể chống trả con người.

Tê tê không thể phản kháng trước con người. Khi cuộn tròn lại, bộ vảy của chúng là công cụ bảo vệ hữu hiệu trước những loài thú săn mồi, thế nhưng cách phòng thủ thụ động này hoàn toàn vô dụng khi bị con người cố ý hãm hại.

Việt Nam là điểm nóng tiêu thụ tê tê được thế giới chú ý

Trên CNN, kênh thông tin hàng đầu Hoa Kỳ, có một bài viết nêu những cách để góp phần bảo vệ tê tê, được viết bởi phóng viên điều tra kỳ cựu của CNN là John D. Sutter. Bài viết mang quan điểm cá nhân, mặc dù vậy rõ ràng Sutter đã có trải nghiệm rất không tốt khi hoạt động bí mật để điều tra thực trạng buôn lậu ở các nước là điểm nóng tiêu thụ tê tê, đặc biệt là Việt Nam vào cuối năm 2014.

Theo John D. Sutter, hàng năm có ít nhất 10.000 con tê tê bị giết hại, hầu hết những sản phẩm từ chúng được tiêu thụ tại Việt Nam và Trung Quốc. Sutter cho biết anh đã phối hợp với Trung tâm giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) có trụ sở tại Hà Nội và có ý định thực hiện một thông cáo đại chúng (một hình thức tuyên truyền có đầu tư trên diện rộng với cả văn bản và video clip).

capture

Mặc dù vậy, ENV cần kinh phí 5.000 USD để có thể thực hiện điều lẽ ra là phải được làm từ rất lâu rồi. 5.000 USD là con số không lớn so với một dự án mang ý nghĩa sâu rộng đối với cộng đồng nên rõ ràng Sutter cảm thấy các ban ngành đoàn thể ở Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến các hoạt động cứu lấy loài vật đang trên đà tuyệt chủng này.

Đầu năm 2015, một thông cáo đại chúng (clip bên dưới) cuối cùng cũng được thực hiện với sự tham gia của VTV, VTC và biên tập viên Hoài Anh (chi tiết thông cáo xem tại đây):

Phóng viên của CNN cũng nhấn mạnh rằng từ năm 2015 trở về trước chưa có một thông cáo đại chúng nào giúp thay đổi nhận thức của người dân và hỗ trợ cho công cuộc bảo tồn tê tê.

Hơn nữa, Sutter cũng cho rằng Việt Nam nên đặt tên cho những con tê tê được giải cứu, điều này khiến hoạt động trở nên có ý nghĩa hơn là chỉ gọi con vật bằng một mã số.

pangolin 6

Chương trình Bảo tồn động vật ăn thịt và tê tê đã phóng thích một con tê tê có tên P26 trở về thiên nhiên hoang dã vào cuối tháng 3. Đặt tên cái kiểu gì thế? Nghe giống như tên một con robot.

Một số hình ảnh về tê tê được giải cứu ở Việt Nam được John D. Sutter ghi lại:

Ở một bài viết khác trên CNN, Sutter chia sẻ một số "ảnh thật việc thật" về nạn buôn lậu tê tê, anh cũng cho biết thêm tất cả những ảnh này được chụp bởi một nhà báo điều tra người Việt có mật danh "điệp viên Z" (anh ta không dám để lộ thân phận vì sợ bị các nhóm tội phạm buôn lậu trả thù).

05 pangolins

Một món ăn từ tê tê chụp ở một quán ăn tại Hà Nội. Lưu ý nhà mạng Vinaphone ở góc trái màn hình điện thoại, đây là ảnh chụp tại Việt Nam.

07 pangolins

tê tê được đóng gói, cân ký sẵn.

12 pangolins

Vảy tê tê có thể tìm thấy dễ dàng ở Hà Nội trong những tiệm bán thuốc cổ truyền như thế này.

15 pangolins

Một món "thịt rừng tê tê nguyên con" không được niêm yết giá trong menu nhà hàng ở Hà Nội (giá được thỏa thuận với khách hàng).

16 pangolins

Tê tê ngâm rượu gạo ở Hà Nội.

Khi điều tra ở một nhà hàng có bán tê tê ở Hà Nội, John D. Sutter và Z đóng giả khách hàng để có thể khai thác thông tin về các món ăn chế biến từ tê tê.

Sau khi trò chuyện với một nữ phục vụ nhà hàng nọ, Sutter thuật lại cuộc đối thoại:

Sutter: Món này ở đây có bán đúng không?

Phục vụ: Vâng

Sutter: Cô ăn thử nó chưa?

Phục vụ: Vâng, có.

Sutter: Vị nó như thế nào?

Phục vụ: Ngon lắm, nhai nó như thịt gà.

Sutter: Cô sẽ ăn nó nữa chứ?

Phục vụ: Không, em bị cao huyết áp.

Sutter đi tiếp nhiều nhà hàng khác có bán tê tê để hỏi về cảm nhận của mọi người về vị của thịt tê tê, có người mô tả nó "dai, chắc như thịt vịt". Trong lúc điều tra, Sutter không quên để ý một số người Việt đến ăn liên hoan cuối năm, một người đàn ông đã gọi món thịt tê tê.

te te ham thuoc bac

Món "tê tê hầm thuốc bắc" có thể được mua với giá cực đắt ở Hà Nội.

6684pangolin fetus

Món bào thai tê tê dành cho các quý ông muốn cải thiện chức năng sinh lý.

Một ký thịt tê tê đáng giá bao nhiêu?

pangolinworth

Nguồn: CNN

Đối với thợ săn: 22.5 USD (khoảng 523 nghìn VNĐ)

Một thương lái thông thường: 45 USD (hơn 1 triệu VNĐ)

Một thương lái tầm trung: 80 USD (khoảng 1 triệu 860 nghìn VNĐ)

Một thương nhân "cao cấp": 265 USD (hơn 6 triệu VNĐ)

Tại một nhà hàng ở Việt Nam: 350 USD (hơn 8 triệu VNĐ)

pangolin pit 3 2015 05 01

Hàng tấn tê tê lậu bị thu giữ ở Indonesia. Chúng đã chết rất thê thảm.

wildlifetrafficking

Tương quan động vật hoang dã bị săn bắt lậu mỗi năm trên toàn thế giới (tối thiểu). Nguồn: CNN

Mỗi năm có 200 con hổ và 1000 con tê giác bị giết hại so với 10.000 tê tê.

Tiếp tục cuộc điều tra cùng "điệp viên Z", Sutter và đội của anh đã đến 4 nhà hàng có bán tê tê, dù không muốn, một trong số họ đã phải gọi món và ăn thịt tê tê để không bị lộ thân phận và ảnh hưởng đến công tác điều tra (và cả an toàn tính mạng của họ).

Cuối ngày, Sutter và Z đành đi ăn phở để "chống đói".

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Nhờ những con người tận tâm như Sutter và "điệp viên Z" cùng các đồng sự ở ENV, đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc bảo tồn tê tê ở Việt Nam, được Chương trình vì môi trường Liên Hợp Quốc ghi nhận.

capture 1

Gần 200 con tê tê cũng được giải cứu đã được thả vào tự nhiên ở Việt Nam vào năm 2018, một phần nhờ vào sự hợp tác giữa Chương trình vì môi trường Liên Hợp Quốc và chuỗi cửa hàng Highlands Coffee.

Bên cạnh đó, tổ chức Save Vietnam Wildlife cũng giải cứu 430 động vật hoang dã, trong đó có 336 con tê tê, được đưa đến hai trung tâm cứu hộ, một ở Vườn quốc gia Cúc Phương và một ở Vườn quốc gia Pù Mát. Hơn 220 động vật hoang dã, bao gồm 198 tê tê, đã được thả trở lại tự nhiên.

pangolin hc 1 photo by save viet nam wildlife

Thả tê tê về rừng. Ảnh của Save Viet Nam Wildlife.

Năm 2019, tính đến tháng 2 đã có hơn 63 con tê tê đang chờ được phóng thích; 170 con khác đã được giải cứu. Các tổ chức bảo vệ động vật, những cá nhân và doanh nghiệp có tấm lòng thiện nguyện đã nỗ lực không ngừng nghỉ để cứu lấy loài vật đáng thương. Tuy nhiên, số lượng những cá thể được cứu sống vẫn chưa thấm vào đâu so với hàng trăm hàng nghìn con bị sát hại mỗi năm.

Thông qua bài viết, Lost Bird muốn kêu gọi cộng đồng với tư cách là một người Việt Nam yêu động vật và cảm thấy có trách nhiệm góp phần bảo tồn thiên nhiên hoang dã của đất nước, hãy nhanh chóng chia sẻ những thông tin hữu ích, xác thực, nâng cao nhận thức của mọi người xung quanh.

kiem lam viet nam

Kiểm lâm Việt Nam giải cứu và trả tê tê về tự nhiên.

Hãy tuyên truyền để đánh tan những suy nghĩ sai lệch về vảy và thịt của Pangolin, đó là cách duy nhất cứu lấy một giống loài đang gặp nguy hiểm. Đừng quên rằng đâu đó trên đất nước chúng ta vẫn có rất nhiều người đang mù quáng bỏ ra số tiền lớn sát hại và ăn thịt tê tê, Việt Nam hiện tại vẫn là địa điểm tập kết của bọn buôn lậu.

Cứu lấy tê tê!

te te de thuong

Hiện nay, tất cả các loài tê tê đều được liệt kê trong danh sách cấm theo Công ước CITES (còn gọi là Công ước Washington).

Từ năm 2000, mức độ nghiêm cấm là "không hạn định số lượng" (tức cấm tuyệt đối, dù phát hiện chỉ một lượng nhỏ cũng chịu y mức phạt). Mức độ cấm này có nghĩa là cấm bất kỳ hành vi thương mại quốc tế về tê tê hoặc các bộ phận cơ thể của chúng.

tree pangolin

Tê tê hiền hòa và thân thiện với người.

Tháng 11 năm 2010, tê tê đã được thêm vào danh sách các động vật có vú sở hữu khác biệt về mặt di truyền học và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt diệt bởi Hiệp hội Động vật học London (Zoological Society of London's).

Vụ bắt giữ buôn lậu tê tê quy mô lớn gần đây nhất ở Việt Nam là vào tháng 4 năm 2018, khi 3.8 tấn vảy tê tê được cất giấu rất tinh vi vận chuyển từ Congo về Việt Nam bị phát hiện và bắt giữ ở cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh.

John D. Sutter

130325145220 john sutter cnn opinion headshot story top

Bài viết sử dụng nhiều tư liệu quý giá từ John D. Sutter, phóng viên điều tra đạt giải Emmy của CNN. Anh đã nhiều lần mạo hiểm tính mạng để đưa nhiều sự thật chấn động ra ánh sáng, trong đó có thực trạng về buôn lậu và tiêu thụ tê tê ở Châu Á. Trong chuyến điều tra năm 2014, Sutter đã chính thức gặp mặt Cục trưởng cục kiểm lâm Đỗ Quang Tùng của Việt Nam để bàn về chiến dịch bảo tồn tê tê ở Việt Nam.

Theo: CNN, Busines Insider, United Nations Environment Programme & John D. Sutter
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.