• Về đầu trang
Chou Chou
Chou Chou

Trầm cảm cười: Khi những nụ cười còn đáng sợ hơn giọt nước mắt

Khám phá

Mặc dù trầm cảm cười chưa được coi là bệnh tâm lý, nhưng nó thật sự là một vấn đề lớn đối với không ít người. Thông thường, trầm cảm cười xuất hiện khi một người cố gắng tỏ ra vui vẻ để che giấu những tổn thương của mình. Họ ẩn đau khổ đằng sau sự vui vẻ và những nụ cười để người khác tin rằng họ thật sự ổn.

Và cứ như vậy, loại áp lực tâm lý này tồn tại mà không hề bị phát hiện ra, bởi chúng ta vẫn thường nghĩ rằng một người gặp vấn đề sẽ rất buồn bã hoặc khóc rất nhiều. Mặc dù đó đúng là những biểu hiện cho thấy một người đang gặp khó khăn, nhưng không phải lúc nào người đang đối mặt với stress cũng sẽ trông ủ rũ.

Dấu hiệu

Cho dù bạn đang nỗ lực tỏ ra vui vẻ để làm an lòng người khác hay một người thân thiết của bạn đang làm điều này, thì việc biết và hiểu rõ những dấu hiệu của trầm cảm cười cũng sẽ giúp bạn có những quyết định cũng như tìm kiếm sự trợ giúp đúng đắn.

Giống như những người bị trầm cảm thông thường, người bị trầm cảm cười cũng có thể phải trải qua những dấu hiệu tâm lý tương tự: buồn bã, tự ti, thay đổi thói quen hằng ngày... Thế nhưng đối với người trầm cảm cười, việc phát hiện ra chúng thường khá khó khăn.

Dưới đây là một số dấu hiệu có thể xuất hiện với người bị trầm cảm cười:

Thay đổi khẩu vị: Một số có thể ăn rất nhiều, một số khác lại ăn những thứ mà khi trước mình không bao giờ thích, hoặc liên tục đổi khẩu vị. Cân nặng bất thường cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy trầm cảm đã xuất hiện.

Thay đổi giấc ngủ: Một số sẽ khó thức dậy hơn vì họ chỉ muốn nằm trong sự an toàn của chăn đệm ấm áp. Một số khác lại không thể ngủ được, hoặc thay đổi giờ ngủ, ví dụ như thức đêm ngủ ngày,...

Cảm giác vô vọng: Những suy nghĩ tội lỗi, hay thấy bản thân mình vô dụng, vô vọng... thường rất phổ biến ở những người bị trầm cảm.

Mất hứng thú: Những người trầm cảm cười thường thể hiện sự hờ hững rõ rệt với những sở thích khi trước của họ.

Ngoài ra, những người bị trầm cảm cười vẫn có thể thể hiện ra với cộng đồng họ là một người năng nổ, hoạt bát với một cuộc sống khá bình thường, thậm chí có phần sôi động và không có gì đáng lo ngại. Trong những trường hợp này, cần thẳng thắn đặt vấn đề cũng như khuyến khích họ cởi mở về cảm xúc của mình.

Vì sao lại giấu đi những cảm xúc của mình?

Tránh làm phiền người khác

Sự buồn bã và cảm giác tội lỗi thường đi cùng với nhau. Vì thế, những người bị trầm cảm thường không muốn chia sẻ vấn đề của mình cho người khác vì sợ làm phiền. Điều này đặc biệt đúng với những người đã quen quan tâm chăm sóc người khác mà lơ là bản thân. Họ có thể đơn giản chỉ là không biết cách tìm sự trợ giúp, từ đó ôm lấy stress cho riêng mình.

Xấu hổ

Một số người tin rằng thể hiện ra sự căng thẳng của bản thân là một dấu hiệu của sự yếu đuối và kém cỏi. Vì thế, họ giấu những vấn đề của mình với người khác và tự xử lý chúng.

Tự kìm hãm bản thân

Một số người cho rằng khi bản thân còn cười được tức là không có vấn đề gì xảy ra, họ phớt lờ và bỏ qua những gánh nặng tâm lý của mình, cố gắng tự ép mình cười mọi lúc mọi nơi, thay vì kể câu chuyện của bản thân để tìm sự giúp đỡ.

Sợ bị phản ứng tiêu cực

Đôi khi, việc giấu đi vấn đề của bản thân có liên quan tới khía cạnh chuyên môn của công việc một người đang làm. Ví dụ, một luật sư sợ rằng việc mình tỏ ra buồn bã hay stress sẽ khiến cho cấp trên hay khách hàng nghi ngờ năng lực làm việc của anh ta.

Điều này cũng có thể xảy ra trong cuộc sống đời thường, đối với những mối quan hệ khăng khít. Một cô gái sẽ sợ bị bỏ rơi nếu cho bạn trai của mình biết rằng mình đang lo lắng về quá nhiều thứ. Tất cả những điều này khiến cho họ giấu những nỗi đau phía sau nụ cười.

Sợ bị lợi dụng

Khi thể hiện phần yếu đuối của mình, những người mắc bệnh tâm lý thường sợ bị người khác lợi dụng điểm yếu để đe dọa hoặc trục lợi. Vì thế, họ cố gắng tỏ ra mạnh mẽ.

Quan điểm sai lệch về hạnh phúc

Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ công nghệ số, những bài báo cũng như video đang "hồng hóa" khái niệm về hạnh phúc. Rất nhiều người nhìn vào những bức hình vui vẻ hoặc vô cùng xa xỉ... trên mạng và tự đối chiếu với bản thân, từ đó cho rằng mình chưa hạnh phúc. Điều này khiến họ cho rằng tất cả những người xung quanh đều ổn, và họ cũng cố gắng tỏ ra "ổn" như vậy để không bị lạc loài.

Chủ nghĩa hoàn hảo

Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo đặc biệt dễ bị trầm cảm cười, bởi họ cực kỳ giỏi trong việc làm chủ vẻ ngoài hoàn hảo của mình. Họ cho rằng việc thừa nhận bản thân đang gặp vấn đề cũng đồng nghĩa với việc bản thân không hoàn hảo, và họ làm mọi thứ để điều đó không xảy ra.

Nguy cơ dẫn đến tự tử cao

Trầm cảm vốn khiến cho những nạn nhân có rất nhiều suy nghĩ về việc tự kết liễu cuộc đời mình. Thế nhưng, họ lại thường lưỡng lự trong việc thực hiện các kế hoạch của bản thân. Đối với những người bị trầm cảm cười thì khác. Họ có dư năng lượng trong người để thực hiện điều đó, những cảm xúc bị dồn nén không thể giải tỏa lại càng khiến họ có "động lực" làm việc này hơn.

Giải pháp cho trầm cảm cười

Trầm cảm cười rất khó phát hiện. Nhưng cũng như những hội chứng tâm lý khác, nó có thể điều trị được. Nếu bạn cảm thấy mình đang mắc trầm cảm cười, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý, mô tả cẩn thận những dấu hiệu của bản thân, nêu lên việc bạn quan ngại rằng mình đang mắc trầm cảm cười. Các bác sĩ sẽ có những chẩn đoán cũng như cách để giúp đỡ bạn vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nếu bạn thấy một ai đó có thể bị trầm cảm cười, hãy cởi mở đặt vấn đề với họ. Hãy cho họ biết rằng những vấn đề tâm lý là bình thường và không có gì đáng xấu hổ khi chia sẻ chúng, hãy giúp họ bằng nhiều cách khác nhau. Nếu họ từ chối sự giúp đỡ, hãy tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia, cũng như kết hợp với những trải nghiệm của bản thân để từng bước đưa họ qua bóng tối.

Mỗi người có khả năng chịu đựng áp lực khác nhau, và bạn không có lỗi khi thấy mọi thứ xung quanh quá khó khăn. Hãy mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ của mình với những người xung quanh, bởi họ sẽ giúp đỡ bạn và cùng bạn tiến bước trên con đường của mình.

Theo: verywellmind
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.