• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Sự thật ám ảnh và ma quái đằng sau những ca khúc kinh điển

Âm nhạc

Âm nhạc thường mang đến cảm giác êm dịu, thư giãn và giải trí cho người nghe, nhưng một số bài hát lại chứa đựng những câu chuyện rùng rợn, bi thương phía sau.

Chứa đựng những câu chuyện chết chóc phía sau, hàng loạt bài hát đã gây ám ảnh và trở thành "black list" của rất nhiều người yêu âm nhạc. Một số ca khúc như vậy được làm lại, thay đổi lời và trở nên "ăn khách". Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết được trước khi được "thay áo", chúng đã ẩn chứa màu sắc kinh dị đến rùng mình.

1. "Bài hát tự sát" Gloomy Sunday (Ngày chủ nhật u buồn)

Gloomy Sunday là bài hát rất nổi tiếng về việc khiến người nghe "sợ chết khiếp", đến nay bản gốc của nó vẫn được lưu truyền. Bài hát được viết bởi nhạc sĩ Rezso Seress vào cuối năm 1932, khi ông ngồi chơi đàn bên cửa sổ trong tâm trạng u buồn vì thất tình. Hoàn thành bản nhạc khiến tâm trạng ông trở nên khá hơn, nhưng chính ông cũng không ngờ, Gloomy Sunday lại gây ra cái chết của hàng chục người sau này.

Chân dung Rezso Seress - "cha đẻ" ca khúc chết chóc Gloomy Sunday

Những câu chuyện rùng rợn bắt đầu khi nhiều người nghe Gloomy Sunday đều tự sát một cách bí ẩn. Nạn nhân đầu tiên của bản nhạc "tử thần" này là một người đàn ông sống tại thủ đô Budapest. Kéo theo đó là hàng loạt vụ tự sát tương tự: một người đàn ông 82 tuổi đã nhảy từ cửa sổ của căn hộ tầng 7 sau khi chơi bài hát này bằng piano; một cô bé 14 tuổi nhảy xuống sông tự tử khi trong tay còn đang cầm một bản copy của Gloomy Sunday.

Tại thời điểm đó, có ít nhất 15 nước đâm đơn kiện nhạc sĩ Rezso đã gián tiếp gây ra cái chết cho nhiều người. Rezso không hiểu tại sao "đứa con tinh thần" này lại gây họa. Kinh hoàng hơn cả, chính người yêu cũ của ông cũng tự tử sau khi nghe. Có lẽ do quá ám ảnh, năm 1968, Rezso cũng tự kết liễu cuộc đời mình.

Đến nay, bản gốc của Gloomy Sunday vẫn gây nhiều ám ảnh cho những ai "yếu tim", dù bài hát được chỉnh sửa lời, nhưng cũng không mấy khả quan hơn. Có rất nhiều chuyên gia vén màn bí ẩn, cho rằng do lời bài hát phù hợp với tâm trạng u uất của nhiều người sau Thế chiến I nên mới xảy đến hàng loạt vụ tự sát như vậy.

2. Mùa nắng cuối cùng (Season In The Sun)

Bài hát Season In The Sun được biết đến nhiều do nhóm nhạc Westlife thể hiện. Nhưng bản gốc của nó là một ca khúc nhạc Pháp có tên Le Moribond (Kẻ hấp hối) được danh ca Jacques Brel sáng tác và cho ra mắt năm 1961. Câu chuyện phía sau bài hát này rùng rợn hơn những gì bạn nghĩ, Jacques Brel viết bài hát khi ông nhận án tử hình vì đã ám sát bạn thân, kẻ quan hệ bất chính với vợ mình. So với lời bài hát vui tươi trong Season In The Sun, thì lời dịch của Le Moribond lại chứa đựng những phẫn uất và lời mỉa mai cay độc của người bị chính những người thân phản bội.

“Chào anh, người tôi từng rất yêu quý, tin tưởng, nhưng giờ đây tôi phải chết khi anh vẫn sung sướng thế đấy. Hy vọng anh sẽ chăm sóc tốt cho vợ tôi. Tôi biết anh sẽ làm thế mà” - lời dịch của Le Moribond

Ngược lại với lời bài hát êm dịu và nhẹ nhàng của Season In The Sun, người ta chỉ cảm nhận sự căm thù của Le Moribond được viết từ thế kỷ trước. Bài hát đã được chỉnh sửa lời cũng như giai điệu để xóa đi sự rùng rợn của bản gốc. Không nhiều người biết về sự thật này, nhưng đây cũng là một tác phẩm "chết chóc" rất nổi tiếng.

Jacques Brel viết ca khúc với lời lẽ cay nghiệt dành cho bạn thân và vợ

"Goodbye my friend, it's hard to die
When all the birds are singing in the sky.."

Tạm biệt bạn của tôi, thật khó để ra đi. Khi những chú chim vẫn hót trên bầu trời

3. Bài hát huyền thoại Hotel California

Bài hát kinh điển Hotel California của nhóm nhạc Eagles cũng mang những lời đồn và truyền thuyết kinh dị không kém các ca khúc ở trên. Dù khi bị đặt nghi vấn, nhóm nhạc Eagles phủ nhận và khẳng định ca khúc chỉ mang ý nghĩa phản ánh về chủ nghĩa vật chất và sự dư thừa quá mức tại miền nam California trong những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, trên internet vẫn lan truyền những câu chuyện kinh dị về Hotel California.

Nhóm nhạc Eagles rất thành công với ca khúc "Hotel California"

Một số người khẳng định, bài hát này có liên quan đến bệnh viện Camarillo - một bệnh viện tâm thần của nhà nước. Còn Hotel California là biệt danh chỉ bệnh viện này. Lời bài hát của như phản ánh đúng tâm lý bế tắc và u uất của những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần tại bệnh viện.

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, Hotel California còn được đồn đoán liên quan đến một quán trọ ăn thịt người trong truyền thuyết, những vị khách đến ở trọ sẽ không bao giờ quay trở ra.

"You can check out any time you like, but you can never leave.”

Anh có thể trả phòng bất cứ khi nào anh muốn. Nhưng anh sẽ không bao giờ có thể rời khỏi đây…

Lời đồn khác còn cho rằng ca từ của bài hát nói về con đường dẫn đến nghiện ngập ma túy, còn Hotel California là tiếng lóng của một loại cocaine.

Đã có rất nhiều giai thoại xoay quanh bài hát này, khiến bài hát không chỉ trở thành kinh điển mà còn ám màu ma quái rất bí ẩn.

https://www.youtube.com/watch?v=BT59rohv6jw

4. Bài hát xúc động Comme Toi

Comme Toi là một bài hát nhạc Pháp rất nổi tiếng để nói về tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Điều đáng nói ở ca khúc này, chính là giai điệu cùng ca từ rất du dương và tình cảm nhưng đằng sau đó lại là câu chuyện bi thương về chiến tranh, nạn diệt chủng và những trại tập trung chết chóc.

Tác giả Jean-Jacques Goldman đã viết bài hát trong tâm trạng xúc động khi nhìn thấy một tấm ảnh cũ từ những năm 40, thời điểm gia đình ông chạy nạn diệt chủng người Do Thái từ Đức sang Pháp. Trong bức ảnh có rất nhiều người bị đánh dấu "x", một ký hiệu để nhận biết những người đã mất tích hoặc đã chết trong trại tập trung của Đức quốc xã. Trong đó Goldman đã chú ý đến hình ảnh một bé gái trạc 8 tuổi, có đôi mắt sáng và nụ cười thiên thần cũng bị đánh dấu "x" chết chóc. Nụ cười ấy đã làm Goldman ám ảnh và rùng mình trong suốt thời gian dài, và cô bé đó cũng là đứa trẻ được nhắc đến trong Comme Toi.

Bài hát "kể về tâm trạng của một người cha đang ngắm nhìn đứa con gái 8 tuổi của mình say ngủ, người cha kể cho cô con gái nghe về câu chuyện của một đứa trẻ trạc tuổi con mình, thích đọc sách, nô đùa và rất đáng yêu. Người cha thủ thỉ:

"Giống như con vậy, đang say giấc nồng và ta nhìn con âu yếm. Cô bé cũng có đôi mắt sáng như con, ngang tuổi con và thật sự rất ngoan”.

Nhưng rồi câu chuyện trở nên bi thương khi cô bé đó không được sống, “bởi cô ấy không được như con, sinh ra tại nơi đây, vào lúc này”. Chiến tranh và tội ác đã cướp đi những ước mơ bé bỏng và bình thường, để lại nỗi đau cho nhiều thế hệ.

5. "Ca khúc giết người" My Way

My Way là bài hát nổi tiếng được thể hiện bởi danh ca Frank Sinatra, được sáng tác bởi tác giả người gốc Canada, Paul Anka, và viết trên nền nhạc bài hát tiếng Pháp Comme d'habitude sáng tác năm 1967 của hai tác giả Claude François và Jacques Revaux. Đây cũng là ca khúc được cover nhiều nhất trong lịch sử.

Danh ca Frank Sinatra

Bài hát được phát hành vào năm 1969, lập đứng đứng hạng 27/100 trên bảng xếp hạng Billboard. Chính vì vậy, rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã cover ca khúc này. Tuy nhiên, My Way lại bị các quán karaoke, bar, sân khấu ca nhạc tìm mọi cách loại ra khỏi danh sách trình diễn. Nguyên nhân là vì người ta cho rằng bài hát này mang một "lời nguyền giết người" ghê rợn khi nhiều trường hợp người Phillipines đột tử sau khi trình diễn ca khúc này. Có đến 6 người khác nhau đã dính đạn và tử vong trong các vụ xung đột cá nhân, chỉ sau khi trình diễn ca khúc My Way ở chỗ đông người. Điều này gây không ít hoang mang cho bất cứ ai yêu thích bài hát.

Cái tên "ca khúc giết người" khiến rất nhiều quán karaoke cự tuyệt bài hát, và rất nhiều người không dám hát bài hát này dù là ở nhà.

https://www.youtube.com/watch?v=6E2hYDIFDIU

Nếu đang thất tình hoặc buồn bã, tốt nhất bạn không nên nghe những ca khúc rùng rợn thế này, nhưng list nhạc ma quái bên trên cũng có thể là một gợi ý cho tiệc Halloween sắp tới của bạn đó.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.