• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Giấc mộng bi kịch của chàng thiên nga

Nghệ thuật

Năm 1995, biên đạo múa kiêm đạo diễn sân khấu người Anh Matthew Bourne đưa vở Swan Lake - Hồ Thiên Nga lên sân khấu nhà hát Sadler’s Wells ở London. Khi đó, các đoàn ballet và nhà hát vẫn liên tục diễn lại vở ballet huyền thoại của nhà soạn nhạc Tchaikovsky, với đủ kiểu thiết kế sân khấu, nhiều diễn viên mà tài năng lúc quá dư lúc thì chỉ vừa đủ, và biến tấu cốt truyện theo nhiều hướng khác nhau nhưng cái kết thì chỉ có hai kiểu: có hậu hoặc không. Giữa lúc đó, Matthew Bourne đã quyết định rằng ông muốn một vở Hồ Thiên Nga hoàn toàn khác - với toàn bộ đàn thiên nga là những vũ công nam.

Adam Cooper (giữa) với vai diễn thiên nga đầu đàn trong những đêm diễn đầu tiên năm 1995. Ảnh được cắt từ clip

Đàn thiên nga với thiên nga đầu đàn được diễn bởi vũ công Richard Winsor (ở giữa). Nguồn ảnh: visitbirmingham.com

Nguồn ảnh: www.whatbirdsgiveup.com

Vở ballet đã gây chấn động. Có rất nhiều lời khen và sự chê bai, chỉ trích cũng không thiếu. Khi vở diễn kết thúc, khán giả đồng loạt vỗ tay vang dội nhưng cũng không ít người đã bỏ về từ trước. Sau Swan Lake, Matthew Bourne bắt đầu biên đạo và xây dựng nhiều vở diễn khác mà tiêu biểu là The Car Man (cải biên vở nhạc kịch Carmen của Bizet),  Edward Scissorhands (dựa trên bộ phim cùng tên của Tim Burton), Sleeping Beauty (sử dụng phần nhạc của Tchaikovsky), Cinderella (sử dụng phần nhạc của Prokofiev), và mới đây nhất là The Red Shoes (dựa trên bộ phim cùng tên sản xuất năm 1948). Tuy vậy, Swan Lake vẫn là vở ballet nổi tiếng nhất của Matthew Bourne. Một bộ phận khán giả cho rằng đây là một tuyệt tác, là “Hồ Thiên Nga duy nhất trong lòng họ”. Một bộ phận khác lại cho rằng Matthew Bourne đã phá hỏng những giá trị ballet truyền thống khi để cho những vũ công nam cởi trần trên sân khấu và diễn vai thiên nga - vốn từ trước đã được mặc định là chỉ dành cho vũ công nữ với bộ váy xòe trắng và đôi giày múa đặc trưng.

Chàng hoàng tử cô đơn đó đến hồ thiên nga để tìm chút khuây khỏa, rồi y như cốt truyện xưa cũ, chàng gặp con thiên nga đầu đàn. Nhưng cái kết cuối cùng thật bi kịch khi mà hoàng tử bất lực nhìn con thiên nga bị giết chết trước mắt, rồi chính chàng cũng ra đi đau đớn với con tim tan vỡ.

Có thể chắc rằng điều làm khán giả tranh cãi và chỉ trích vở diễn nằm ở cách mà Matthew Bourne thể hiện mối quan hệ của hoàng tử và thiên nga - được diễn bởi hai vũ công nam. Con thiên nga ở đây, hay thậm chí là cả đàn thiên nga trắng nơi hồ nước mà hoàng tử tìm đến, vốn không có thật như nàng Odette trong bản gốc. Con thiên nga đầu đàn nằm trong tâm trí của chàng hoàng tử, hiện lên trong giấc mơ của chàng từ khi chỉ còn là đứa trẻ cô đơn giữa cung điện, bị mẫu hậu đối xử lạnh nhạt và sống cuộc sống vốn dĩ không có tình thương. Nó tượng trưng cho khát vọng tự do, bức khỏi cái lồng sơn son thiếp vàng không có lối ra của hoàng tử. Điều đó giải thích cho cái chết vì tuyệt vọng và không còn động lực sống của chàng sau khi nhìn thấy con thiên nga bị cả đàn bâu vào rỉa xé đến chết.

Vũ công Jonathan Olivier. Jonathan qua đời trong một vụ tai nạn xe vào năm 2011 khi đang trên đường đến vở diễn "The Car Man" mà anh thể hiện vai chính. Nguồn ảnh: bbc.com

Dominic North với vai Hoàng tử và Richard Winsor vai Thiên nga

Swan Lake của Matthew Bourne nghiêng về ẩn dụ hơn là cách thể hiện đơn giản và hiển nhiên như những vở ballet truyền thống. Bourne đem cả những scandal của Hoàng gia Anh lúc bấy giờ vào tình tiết vở diễn - câu chuyện về một cô gái thường dân với cách cư xử “không đúng mực” chen chân vào hoàng gia bằng mối quan hệ chắp vá với hoàng tử. Đằng sau những khuôn mặt tươi cười, bàn tay vẫy chào công chúng là đủ kiểu “thâm cung bí sử”. Đằng sau cánh cổng đóng kín của cung điện lạnh lẽo, nơi một đứa trẻ sinh ra trong nhung lụa và mọi bước đi của nó đều đã được tính sẵn. Quyết định tự tử ban đầu của hoàng tử đã được khát khao sống - thể hiện bằng hình ảnh con thiên nga trắng đầu đàn - níu kéo lại, nhưng khi khát vọng sống bị vùi dập đến mức chẳng còn gì, hoàng tử bị đẩy tới bước đường cùng là chết ngay tại căn phòng rộng lạnh lẽo, vẫn nơi cung điện không tình thương mà chàng đã bị giam hãm cả đời.

Matthew Bourne giữ lại toàn bộ phần nhạc được soạn bởi Tchaikovsky, bao gồm cả chi tiết về thiên nga đen - phiên bản đen tối của thiên nga trắng trong bản gốc. Thiên nga đen trong Swan Lake của Bourne được gọi bằng cái tên “The Stranger”- Kẻ lạ mặt. Hắn vốn không rõ lai lịch, xuất hiện với khuôn mặt y hệt thiên nga trắng đầu đàn (cùng do một vũ công diễn hai vai, giống như vai diễn Odette - Odile trong bản gốc). Đồng sáng tạo ra hình tượng thiên nga trắng - thiên nga đen trong phiên bản của Matthew Bourne là vũ công Adam Cooper, sở hữu khuôn mặt đẹp và thân hình như tượng tạc. Qua những động tác của Adam Cooper, con thiên nga dần dần trở thành một người đàn ông hoàn mỹ tựa như chỉ có trong giấc mơ. Trong bộ phim Billy Elliot (bộ phim làm nên tên tuổi Jamie Bell), Adam Cooper góp mặt với vai diễn cậu bé mê ballet Billy khi đã trưởng thành và nhận được vai diễn chính trong một vở ballet hoành tráng -  chính là vở Swan Lake của Matthew Bourne.

Matthew Bourne và Adam Cooper Nguồn ảnh: Pinterest

Matthew Bourne bác bỏ mọi ý kiến cho rằng mối quan hệ giữa hoàng tử - thiên nga trong vở ballet này là một tình yêu đồng tính. Người ta quên rằng chính nhà soạn nhạc Tchaikovsky cũng là một người đồng tính, mà vở ballet Swan Lake ngày trước thể hiện tâm sự của ông về một thứ tình cảm bị cấm đoán. Có khi khán giả đã vì định kiến vốn có mà quên đi rất nhiều ý nghĩa khi thưởng thức vở ballet của Matthew Bourne - kì lạ, hài hước, buồn bã, đau khổ - Swan Lake của Bourne có tất cả. Liệu bạn có muốn thử qua vở ballet rất đẹp và đáng xem này?

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.