• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Mozart! das Musical: Dùng âm nhạc khắc hoạ chân dung nhà soạn nhạc thiên tài nước Áo

Âm nhạc

Thuở sinh thời là nhà soạn nhạc vang danh từ tấm bé, để khi qua đời phải nằm dưới một nấm mộ vô danh – cuộc đời của Wolfgang Amadeus Mozart có thể tóm gọn như thế. Xung quanh ông là những giai thoại, những lời đồn và vô số câu chuyện mà chẳng ai dám chắc rằng có bao nhiêu phần trăm trong chúng là sự thật. Tác phẩm cuối cùng của Mozart – Requiem – được xem như “lễ cầu hồn” mà vị nhạc sĩ tự viết cho chính mình. Lìa đời trong cảnh túng quẫn cùng kiệt và mãi nằm lại nơi bia mộ vô danh đã thêm phần bi kịch cũng như bí ẩn vào cuộc đời ông, để thế hệ sau day dứt khát khao tìm hiểu thêm chút ít về con người mang tên Mozart ấy. Và với cuộc đời gắn liền với những nốt nhạc đấy, liệu còn cách nào tốt hơn để kể về Mozart ngoài sử dụng chính âm nhạc?

Bức họa chưa rõ tác giả vẽ lại Mozart lúc nhỏ, tranh vẽ năm 1763. Nguồn ảnh: Wikipedia

Wolfgang Amadeus Mozart, tranh vẽ năm 1819 của họa sĩ Barbara Krafft. Nguồn ảnh: Wikipedia

Chấp bút để đưa Mozart lên sân khấu nhạc kịch là Sylvester Levay và Michael Kunze – hai “lão làng” đã tạo nên vở nhạc kịch tiếng Đức nổi tiếng là Elisabeth das Musical (độc giả có thể xem bài giới thiệu vở nhạc kịch này của Lost Bird tại đây). Năm 1999, tại nhà hát Theater an der Wien ở Vienna (Áo), Mozart xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu, trước mắt khán giả trong vở nhạc kịch Mozart! das Musical được diễn bằng tiếng Đức. Mở đầu vở diễn là thời điểm năm 1809 - gần 20 năm sau cái chết của người nhạc sĩ, trong khu nghĩa trang vào một đêm giá lạnh, khi nhóm người nọ mong tìm được hài cốt của Mozart để có thể nghiên cứu tại sao người nhạc sĩ đó lại tài năng đến vậy. Và rồi nghĩa trang bỗng trở thành một sân khấu rực ánh đèn 40 năm trước đó, khi Wolfgang Mozart – lúc này chỉ là một đứa bé với tên gọi Amadè – biểu diễn trước Nữ hoàng Áo và quan khách. Có thể tự học và sử dụng thuần thục đàn dương cầm, hay thậm chí bịt mắt và chơi những bản nhạc tự sáng tác trên phím đàn đã bị che kín, đứa trẻ nghiễm nhiên được xưng tặng danh hiệu “thiên tài”, “thần đồng”. Nhưng khi đứa trẻ thiên tài lớn lên, ánh hào quang ngày xưa cũng vụt tắt.

Poster của Mozart! das Musical tại nhà hát Raimund ở Vienna (Áo) vào năm 2015, với vai diễn Mozart được thể hiện bởi Oedo Kuipers và Amadé là Sophie Wilfert. Nguồn ảnh: www.musicalvienna.at

Amadè (Sophie Wilfert) biểu diễn trước Nữ hoàng Áo, bên cạnh cha là Leopold (Thomas Borchert) và người chị gái Nannerl (Barbara Obermeier). Trong vở nhạc kịch, vai diễn Amadè được thể hiện bởi cả những bé trai lẫn bé gái. Nguồn ảnh: www.musicalvienna.at

Amadè cùng Nam tước phu nhân von Waldstätten (Lenneke Willemsen), có thể xem như người mẹ thứ hai của Mozart, có sức ảnh hưởng rất lớn đến nhà soạn nhạc về sau này. Đây là một buổi diễn năm 1999. Nguồn ảnh: www.musicalvienna.at

Xuyên suốt vở diễn sau đó, Mozart xuất hiện dưới dáng vẻ một chàng thanh niên tuổi đôi mươi, trẻ trung và không thiếu những lúc nóng nảy, bốc đồng. Nhưng Amadè – hiện thân của tuổi thơ chàng nhạc sĩ – không biến mất. Amadè được xem như sự tài năng, cái “thiên tài” của Mozart và luôn luôn ở bên cạnh chàng mặc dù không nói lấy một lời. Amadè của vở nhạc kịch có trang phục và tạo hình giống hệt những bức họa lại chân dung của Mozart thuở ấu thơ, với bộ áo đỏ và mái tóc giả màu trắng được cột gọn. Đứa trẻ thiên tài cứ bận rộn sáng tác và không cho phép Mozart xao lãng con đường âm nhạc trong bất cứ trường hợp nào, thể hiện qua những cái lắc đầu và giận dỗi trẻ con. Nhưng chàng nhạc sĩ trẻ đâu thể bỏ qua thú vui ở đời và dần bước qua những thăng trầm trong sinh mệnh ngắn ngủi của mình.

Mozart (Thomas Hohler) trong phân đoạn mà chàng nhạc sĩ “quẩy tưng bừng” tại một hội chợ nhỏ. Nguồn ảnh: thomashohler.com

Mozart (Oedo Kuipers) cùng văn hào Schikaneder (Thomas Hohler). Schikaneder là người bạn tốt của Mozart, cùng Mozart tạo nên tuyệt tác nhạc kịch Cây sáo thần. Trùng hợp thay, nhà hát Theater an der Wien nơi vở nhạc kịch Mozart! được diễn lần đầu cũng được sáng lập bởi Schikaneder. Đây là đêm diễn ở Thượng Hải năm 2016. Nguồn ảnh: thomashohler.com

Bên cạnh Mozart, không thể không kể đến người cha là Leopold cùng cô chị gái Nannerl. Leopold thương yêu con trai bằng một tình yêu nghiêm khắc, ông lo sợ những rủi ro xảy đến với tính cách trẻ con bốc đồng, thiếu suy nghĩ của con mình. Ông lặng lẽ hát rằng “Chẳng ai yêu thương con như cha”, và mong con “Khóa lấy trái tim trong chiếc lồng sắt” để tránh đi những đố kị, ghen ghét ở đời. Sau bao năm hai cha con xa cách vì những bất đồng và khác biệt, chính câu hát đó đã được Mozart lặp lại trong nước mắt khi nghe tin cha đã qua đời mà không tha thứ cho con trai. Còn cô chị gái Nannerl là một nhân vật đáng thương của vở nhạc kịch, và có lẽ là cả đời thật, khi đã hy sinh tuổi xuân sống trong nghèo khó hay chấp nhận bỏ đi tình cảm cá nhân nhằm lo cho sự nghiệp của em trai. Cùng là một thiên tài ở tuổi rất nhỏ, ánh hào quang của cô sớm vụt tắt để nhường chỗ cho em trai tỏa sáng. Và trái với Mozart, Nannerl hiền dịu, phục tùng và có phần lệ thuộc vào cha, không một lời oán than, trách móc.

Sau cái chết vì bệnh tật và túng thiếu của mẹ ở chốn đất khách quê người, có lẽ Mozart đã sớm ngộ ra sự nghiệp của bản thân phải trả giá bằng quá nhiều thứ và sự hy sinh cùng tình cảm của những người thân thương, trong khi họ nhận lại chẳng bao nhiêu. Ấy thế mà nhiệt huyết tuổi trẻ của chàng vẫn như đặt nhầm chỗ vào những ván bài, những hội chợ, và nhà Weber – những “kẻ đào mỏ” chính hiệu, chỉ trừ cô con gái Constanze, người mà sau chấp nhận làm vợ Mozart, chấp nhận cả bản tính nghệ sĩ phóng khoáng của chồng cho dù chàng không thể cho nàng một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

Mozart (Yngve Gasoy-Romdal) trong bộ áo đỏ gắn liền với hình ảnh của nhà soạn nhạc, bên cạnh người chị Nannerl (Caroline Vasicek). Buổi diễn năm 1999. Nguồn ảnh: www.musicalvienna.at

“Hãy nhớ rằng không ai, không ai yêu thương con như cha…” Nguồn ảnh: www.musicalvienna.at

Sau khi nghe tin cha mình qua đời, Mozart (Oedo Kuipers) khóc thương ông và lặp lại lời dặn của cha mình, rằng hãy “khóa trái tim con trong chiếc lồng sắt”. Nguồn ảnh: www.musicalvienna.at

Amadè (Ilia Hollweg) trông như một đứa bé trót lỡ bắt gặp “bố mẹ” mình ân ái nhau. Trong ảnh là Mozart (Oedo Kuipers) cùng với Constanze Weber (Franziska Schuster). Nhà Weber trong lịch sử thật ra là một gia đình trung lưu có giáo dục, khác hẳn với hình tượng “đào mỏ” được xây dựng trong vở nhạc kịch. Nguồn ảnh: www.musicalvienna.at

Trong những mối quan hệ của Mozart còn có Bá tước Colloredo – người mà Mozart từng làm việc dưới quyền. Colloredo luôn tỏ vẻ nghiêm khắc và thậm chí đôi lúc hơi trịch thượng với Mozart, luôn miệng chê bai chàng bất tài để rồi lo lắng rằng tài năng của nhạc sĩ trẻ không thể phát triển, luôn ra vẻ không quan tâm đến chàng nhạc sĩ đã bị mình đuổi việc vì “không biết cư xử”, để rồi tìm đến Mozart, những mong chàng quay lại làm việc bên mình (và đương nhiên là toàn bị Mozart buông lời cay đắng). Khi được gợi ý về một “thiên tài âm nhạc” nhỏ tuổi mới, chính miệng vị Bá tước từ chối thẳng thừng, bảo rằng chỉ mong muốn và chấp nhận “Mozart của ta”. Điểm đặc biệt của vở nhạc kịch còn nằm ở phần trang phục của Amadè khi suốt vở diễn, cậu bé mặc bộ áo đỏ gần như giống hệt phục trang của Bá tước Colloredo. Trong những đợt diễn cũ khi sân khấu cùng trang phục chưa được thay đổi, chính Mozart cũng có một chiếc áo đỏ tương tự - là chiếc áo nổi tiếng gắn liền với hình tượng nhà soạn nhạc trẻ tuổi. Bởi tước vị của Colloredo còn là Hoàng tử và Tổng giám mục, có thể xem như trong mắt Colloredo thì Mozart chính là vị hoàng tử của âm nhạc. Hoặc theo một cái nhìn đa chiều khác, phải chăng cả Mozart lẫn Colloredo đều có mối liên kết về tâm hồn?

Colloredo (Mark Seibert) và Bá tước Arco (Jon Geofrey Goldsworthy )- người hầu cận trung thành và thân cận nhất của ông. Nguồn ảnh: www.musicalvienna.at

Colloredo (Mark Seibert) tìm đến Mozart (Thomas Hohler) với mong muốn thuyết phục nhạc sĩ trẻ quay về làm việc dưới quyền mình. Đây là một đêm diễn trong tour Thượng Hải năm 2016-2017. Thomas Hohler đảm nhiệm vai diễn Schikaneder và understudy (diễn thay) vai Mozart.

Vẫn là phân đoạn trên nhưng với góc nhìn của các fangirl “chèo thuyền” Colloredo và Mozart, hy vọng chàng nhạc sĩ nhận ra và đáp lại “tấm chân tình” của Đức ông kia. Nguồn ảnh: Fanpage Hội những người yêu nhạc kịch

Mozart của vở nhạc kịch dường như trở nên gần gũi với khán giả hơn bao giờ hết. Chàng ham vui, đam mê khám phá những thú vui ở đời, bất cẩn trong hành động và đôi khi cái thiếu suy nghĩ đó dẫn đến những hậu quả khá là nghiêm trọng – tiêu biểu là việc làm Bá tước Colloredo nổi giận và đuổi việc mình. Mozart thậm chí còn chửi thề liên tục trong một bài hát, và sự thật là nhà soạn nhạc ngày xưa cũng từng lắm lúc nói bậy như thế. Tài năng của Mozart có phần bị lấn át bởi tính cách của chàng. Có lẽ điều đó khiến nhà soạn nhạc hiện ra trước mắt người xem như một con người không mang danh thiên tài mà là một thanh niên với những khát khao, đam mê, biết yêu, biết ghét và có cá tính nổi bật riêng biệt. Để cho khán giả chọn nên giận, thương, thông cảm hay bất cứ cách phản ứng nào dành cho thanh niên tài năng này.

Các bạn có thể xem bản vietsub bài hát Ich bleibe in Wien (Tôi ở lại Vienna) tại đây. Đây là phân đoạn mà Mozart một lần nữa bất tuân lệnh của Colloredo để ở lại Vienna, mặc cho Bá tước buông lời đe dọa, cảnh cáo và kể cả miệt thị chàng nhạc sĩ. Điểm đáng nói là Mozart xông vào dinh thự của Colloredo ngay khi ngài đang bận tiếp tình nhân, và thế là bao bực dọc của Colloredo dành trọn cho Mozart sau đó.

Bởi đang bận tiếp tình nhân nên trang phục của Bá tước Colloredo (Mark Seibert) lúc này không được kín đáo cho lắm... Nguồn ảnh: Fanpage Hội những người yêu nhạc kịch

Mozart bảo rằng “Ta là âm nhạc”. Âm nhạc là dành cho tất cả mọi người, và những tràng vỗ tay tán thưởng được nhạc sĩ xem như cả thế giới đối với mình. Chàng khát khao được yêu thương như cái cách mà mình đã cống hiến và dành tình cảm cho thế giới này.

Trong ca khúc nổi tiếng nhất của vở nhạc kịch, Wie wird man seinen Schatten los?- Làm sao ta dứt khỏi cái bóng của chính mình?, Mozart (trong ảnh là Thomas Hohler) cùng Amadè (Sophie Wilfert) trên cây đàn dương cầm bị kéo vào trong màn đêm mờ mịt. Nguồn ảnh: musical-obsessed-sarah.tumblr.com

Càng về cuối vở nhạc kịch cũng là lúc cuộc đời của Mozart dần đi đến hồi kết với bệnh tật, túng quẫn và khổ đau, đặc biệt là sự viếng thăm của một nhân vật bí ẩn yêu cầu nhạc sĩ soạn tác phẩm Requiem – Bản cầu hồn. Còn đứa bé thiên tài Amadè vẫn ở bên Mozart và không ngừng sáng tác, rồi khi cây bút lông đã không còn mực, đứa bé dùng chính máu của Mozart để tiếp tục viết nên những dòng nhạc. Amadè giờ đây dường như trở nên đáng sợ hơn, “một con quỷ trong hình hài đứa trẻ”, dùng đến những giọt máu cuối cùng của người nhạc sĩ để tiếp tục việc sáng tác, đứa bé đó rút cạn máu từ tim của Mozart và kết thúc cuộc đời nhà soạn nhạc tài ba nước Áo. Trước phút lâm chung, tiếng hát chàng nhạc sĩ trẻ cất lên như thể sợ rằng mình sẽ không kịp nói hết những lời trăng trối, và đúng là thế. Đứa trẻ thiên tài biến mất, chỉ còn lại Mozart nằm trong bóng tối với đôi mắt vẫn mở to nhưng đã không còn sự sống. Câu nói “Ta muốn…” trong nức nở ở giây phút cuối đời bị bỏ lửng, và mãi mãi thế giới này sẽ chẳng thể biết những ước muốn dở dang của Mozart là gì.

Mozart (Thomas Hohler) trong những phút hấp hối cuối đời, bên cạnh Amadè (Ilia Hollweg) vẫn cặm cụi sáng tác từ những giọt máu của nhạc sĩ. Nguồn ảnh: thomashohler.com

Năm 2015, Mozart! das Musical được “tái khởi động” với sân khấu và trang phục thay đổi hoàn toàn so với bản gốc năm 1999.  Những bộ tóc giả và phục sức cầu kì của giới quý tộc xưa được thay bằng những kiểu tóc và váy, áo gần giống hiện đại. Nhân vật Mozart cũng giống như một thanh niên trẻ có ngoại hình ưa nhìn mà bạn dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu, cùng bộ trang phục trắng nổi bật trên sân khấu – tượng trưng cho tâm hồn thánh thiện, thuần khiết của nghệ thuật, trái với thế giới đầy rẫy độc ác và tàn nhẫn bên ngoài. Đạo cụ chính của vở nhạc kịch là cây đàn dương cầm, loại nhạc cụ gắn liền với nhà soạn nhạc thiên tài xưa kia. Mozart! das Musical dễ dàng cho khán giả những tiếng cười, những giọt nước mắt, sự ấm áp của tình yêu đôi lứa, của tình cảm gia đình và cả sự lạnh giá đến phũ phàng trong cuộc đời bạc mệnh của người nhạc sĩ tài hoa.

Sân khấu gốc năm 1999, với vai Colloredo được diễn bởi Uwe Kröger. Nguồn ảnh: www.musicalvienna.at

Phải chăng Mozart xưa kia cũng đã từng nở nụ cười ngây ngô trước người con gái mình yêu, đã từng nức nở khóc thương cái chết của cha mình, hay từng nghịch ngợm đùa vui bên cây dương cầm và nói với cả thế giới rằng “Ta chính là âm nhạc” ? Mozart! das Musical không viết lại cuộc đời của nhà soạn nhạc nước Áo mà chỉ đưa ông về lại trước mắt khán giả, để họ có thể ngắm nhìn và bước theo một cuộc đời nổi tiếng. Biết đâu được, trong hàng ghế khán giả kia, một Mozart cũng đang dõi theo cuộc đời của chính mình?

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.