• Về đầu trang
Chim Lang Thang
Chim Lang Thang

Những bức ảnh 'độc' về Triều Tiên suýt bị xoá khỏi máy của nhiếp ảnh gia

Du lịch

Là một quốc gia ở khu vực Đông Á, Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên còn được biết đến như một “vương quốc ẩn dật”. Khép kín với truyền thông thế giới, mọi bức ảnh được chụp tại đây đều phải có sự cho phép của hướng dẫn viên và nhân viên từ công ty lữ hành cũng như Cơ quan phụ trách du lịch. Trong con mắt của quốc tế, Bắc Triều Tiên hiếu chiến, cô đơn, tàn bạo, trái ngược hẳn với hình ảnh của thân thiện của Nam Triều Tiên – hay còn gọi là Hàn Quốc. Cùng theo chân Nhiếp ảnh Gia Eric Lafforgue khám phá cuộc sống của người dân Triều Tiên, cũng như những trải nghiệm của anh tại chính quốc gia cô độc nhất thế giới này nhé!

“Hướng dẫn viên rất thích tôi chụp những bức ảnh này, vì nó sẽ cho cả thế giới biết trẻ em nơi đây cũng có riêng cho mình một dàn máy tính. Nhưng khi nhận ra máy tính chưa được cắm điện, anh ta liền bắt tôi xóa.” Eric chia sẻ.

Trở về sau chuyến đi thứ 6 tới Triều Tiên vào năm 2012, chính quyền sở tại đã cấm Eric quay lại đất nước này. Khép kín với truyền thông thế giới, Triều Tiên rất sợ có những thông tin và hình ảnh sai lệch bị lộ ra ngoài. Ngồi ở hàng ghế xe bus cuối cùng với chiếc lens siêu zoom của mình, Eric chia sẻ: “Tôi từ chối gỡ bỏ những hình ảnh này sau khi thấy yêu cầu từ phía Triều Tiên bởi vì ảnh của tôi thể hiện cả mặt xấu của đất nước họ. Nhưng đó là điều tôi làm với tất cả những nơi tôi đến.”

“Họ không cho phép tôi chụp hình quân đội, cảnh sát,... Nhờ chiếc thẻ nhớ của mình, tôi có thể lưu lại được những tấm ảnh họ bắt xóa. Trong chuyến lưu trú tại đây, nhờ hướng dẫn viên du lịch mà tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều người bản địa, họ rất hiền hòa và luôn luôn tò mò về cuộc sống bên ngoài. Và hơn thế nữa, họ rất hào phóng, cho dù chẳng thực sự sở hữu gì cả.”

Những bức ảnh với lời chú thích sai sự thật là lý do việc chụp ảnh bị hạn chế tại đây. Bức ảnh người đàn ông đang nhổ cỏ bằng tay này được lan truyền tại phương Tây với chú thích: “Người Triều Tiên thường ăn cỏ trong công viên” trong khi sự thật là họ phải nhổ cỏ bằng tay thay cho máy. Dưới tác động của lệnh cấm vận, lượng xăng dầu nơi đây rất hạn chế, do đó công tác nhổ cỏ được thực hiện thủ công.

Hình ảnh một cậu bé bướng bỉnh đứng chặn xe buýt tại huyện Tam Trì Uyên.

Trong thời bình, lực lượng quân đội sẽ có trách nhiệm giúp đỡ những người nông dân bản địa gia tăng sản xuất.

Sẽ rất khó bắt gặp hình ảnh người dân Triều Tiên ăn mặc lôi thôi. Hình ảnh cá nhân ở đây rất quan trọng. Khi Eric xin được chụp ảnh cặp đôi này, người phụ nữ đã giúp bạn mình chỉnh sửa lại áo quần.

Một cậu bé gầy gò, trên đầu là chiếc nón với ngôi sao màu đỏ và ở ngực áo là huy hiệu của Đảng Lao Động. Ngôi sao màu đỏ xuất hiện trong quốc kì của CHDCND Triều Tiên tượng trưng cho ý chí đấu tranh cách mạng và tinh thần yêu nước của toàn Đảng toàn dân.

Bên trong ga tàu điện ngầm sâu nhất thế giới tại thủ đô Bình Nhưỡng với độ sâu tối đa là 200m. Bức này đã bị ép xóa đi do trong đó có hình ảnh hệ thống đường hầm của ga tàu.

Ước tính có khoảng 30.000 chiếc xe hơi trên cả nước, chủ yếu tập trung ở thủ đô Bình Nhưỡng. Khi Hàn Quốc đã xây dựng cho mình những thương hiệu xe hơi nổi tiếng khác thì Triều Tiên cho nhập những chiếc Mercedes 190Es và sao chép toàn bộ thiết bị bên trong.

“Khi tôi chụp cảnh người họa sĩ đang vẽ dở dang một bức tranh, người dân xung quanh đã hò hét và buộc tôi phải xóa tấm ảnh đó đi. Phải đến khi bức vẽ được hoàn thành tôi mới được chụp.” – Eric chia sẻ.

Không bao giờ được tạo dáng không nghiêm túc dưới ảnh của Nhà Kim.

Chụp hình binh sĩ đang nghỉ ngơi cũng là điều cấm kỵ.

Sống nguyên tắc, tôn trọng lẫn nhau và pháp luật là bản chất của người dân Triều Tiên.

“Tôi ở trong một khu phức hợp khách sạn tại Kaesong, gần khu vực phi quân sự DMZ. Khi ngỏ ý muốn ra ngoài tham quan, hướng dẫn viên đã rất ngạc nhiên vì cậu ta cho rằng bên ngoài cũng chẳng khác gì ở đây. Tôi bác bỏ ý kiến đó.”

Tại một buổi biễu diễn cá heo tại Bình Nhưỡng, Eric chỉ có thể chụp ảnh đàn cá, không được phép chụp hình binh sĩ. Ngay cả trong lúc giải lao, các binh sĩ cũng phải mặc đồng phục.

Một ngư dân đang dùng một cái lốp xe cũ để làm bè.

Bạn không bao giờ được chụp ảnh những công nhân viên trong điều kiện thiếu sáng. Hình ảnh một công nhân viên đang giải lao tại một nhà thờ.

Trẻ em nông thôn lần đầu tiên bắt gặp thang cuốn tại Wonsan. Thành phố Wonsan mang ý nghĩa đặc biệt với người dân Triều Tiên, đặc biệt là với lãnh đạo Kim Jong-un vì chính tại nơi đây, ông nội của Kim Jong-un đã giải phóng Triều Tiên khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản vào năm 1945. Hiện tại lãnh đạo Kim Jong-un đang muốn đưa Wonsan thành điểm du lịch trị giá hàng tỷ USD.

Những gia đình cho phép khách tham quan vào nhà này đã được chính phủ lựa chọn rất kỹ. Trong hình là chiếc máy bơm nước thủ công thô sơ, một trong những minh chứng lâu đời của thời gian.

Một người lính ngủ trên thảm cỏ.

“Bức ảnh được chụp trên một đoạn đường mà chúng tôi đi ngang qua, do giờ giới nghiêm nên chúng tôi phải băng qua khu này để trở về khách sạn. Hướng dẫn viên đã bắt tôi tắt đèn flash đi khi chụp tấm này vì đèn flash sẽ làm họ sợ.”

Đây không phải là một gánh xiếc đâu. Họ chỉ đang phải làm việc trong môi trường với tiêu chuẩn về an toàn lao động thấp.

Một nhà hàng mới vừa khai trương ven sông Đại Đồng. Chỉ có tầng lớp thượng lưu mới có thể chi trả cho một bữa ăn tại đây.

“Chuyện chỉ có thể xảy ra ở Triều Tiên, hôm ấy tôi và nhóm của mình đang quay phim tại một nhà máy, như bạn thấy người đàn ông bên tay phải của bức hình chính là người mà Chính Phủ đã gửi tới để quay phim lại việc chúng tôi quay phim!”

Một hình ảnh mà bạn thường xuyên thấy trên đường và sẽ là phạm pháp nếu bạn ghi lại những khoảnh khắc này.

Sự sai lệch về thông tin luôn luôn là nỗi sợ của những nước khép kín với thế giới như Triều Tiên. Khi Eric chụp tấm ảnh này, anh đã bị ép phải xóa đi, họ sợ hình ảnh này sẽ được anh đem về nước với lời chú thích là “người đàn ông này đã chết”. Nhưng Eric đính chính rằng:”Ông ấy còn sống và chỉ đang ngủ trưa thôi.”

Hình ảnh trong một siêu thị tại Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên. Tất cả những đồ ăn và thức uống đều có thể được mua tại đây và chỉ có những người giàu mới đến siêu thị mua sắm.

“Người dân Triều Tiên rất đa nghi. Họ đã ép tôi phải xóa tấm ảnh này vì người hướng dẫn viên chắc chắn rằng tôi sẽ nói với mọi người là hai mẹ con chỉ đang nghỉ mệt trên băng ghế này là người vô gia cư.” – Eric chia sẻ

Ở Triều Tiên, sẽ rất thô lỗ nếu bạn chụp ảnh tượng đài của Lãnh tụ Kim từ đằng sau.

“Điện bị ngắt khi tôi đang tham quan Trung tâm Triển Lãm Bình Nhưỡng. Việc này diễn ra thường xuyên tại đây, nhưng họ rất ghét người nước ngoài chứng kiến. Họ sẽ bảo là do Lệnh cấm vận của Mỹ gây ra.”

Dọc hai bên đường, rất dễ bắt gặp hình ảnh những người nông dân đang nghỉ chân. Họ phải đạp xe một quãng đường rất xa để đến nơi làm việc của mình. Và việc chụp ảnh những khoảnh khắc này cũng bị cấm.

Không có bất cứ phương tiện giao thông công cộng nào kết nối những thành phố lớn với nhau cả. Người dân phải có sự cho phép của Chính quyền Nhà nước mới được đi từ nơi này đến nơi khác. Ở đường cao tốc, không khó để bắt gặp hình ảnh những binh sĩ muốn đi nhờ xe.

Triều Tiên giám sát các hoạt động mua bán rất chặt chẽ, chính sách ngăn chặn các hoạt động trao đổi hàng hóa phi pháp vô cùng quyết đoán. Các quầy bán hàng lẻ ven đường phổ biến hơn cả, người dân có thể kiếm thêm chút đỉnh bằng việc bán thuốc lá và kẹo bánh.

Không bao giờ được để bất cứ vật dụng gì xung quanh tượng đài của Kim Jong-un.

Eric chia sẻ, trong tổng cộng 6 chuyến đi đến Triều Tiên, đây mới chỉ là chiếc xe lăn thứ hai anh thấy tại đây.

“Bạn không được chụp ảnh người dân Triều Tiên khi họ chưa ăn mặc tươm tất. Theo người hướng dẫn viên của tôi, người đàn ông này vẫn chưa mặc đẹp lắm.”

Sự hoàn mỹ là thứ mà Triều Tiên muốn cho du khách nước ngoài thấy. Từ nhà cửa cho đến những hoạt động giải trí, nghệ thuật dành cho khách du lịch. Diễn viên nhào lộn trong ảnh này vừa làm ba cú lộn ngược trong không trung.

Trong khi đó thì tại khu vực phi quân sự DMZ, mọi thứ có vẻ dễ thở hơn. Việc chụp ảnh trở nên tự do. Nhưng đừng đến quá gần các binh lính đang làm nhiệm vụ nhé.

Hằng năm, người dân thành thị sẽ giúp đỡ các vùng quê tu sửa công trình công cộng. Đây là công việc tự nguyện.

Nói về tiền bạc ở Triều Tiên bị cho là thiếu tế nhị. Bức ảnh Eric chụp một người thu ngân đang đếm tiền tại một hội chợ thật sự là hành động liều lĩnh.

Hàng ngàn người đang xuống phố trong dịp lễ hội hoa Kimjongilia. Đây là tên của những bông hoa đỏ, được lấy theo tên của cố Chủ tịch Kim Jong II.

Do lệnh cấm vận của Mỹ đối với Triều Tiên, vấn đề về năng lượng tại đây rất nhạy cảm. Than là nguồn năng lượng chính thay thế và không khó để bắt gặp những chiếc xe tải chất đầy than ngoài đường.

“Các nhà chức trách đã rất tức giận khi tìm thấy bức hình này. Tôi giải thích với họ rằng cái nghèo hiện diện ở khắp mọi nơi, ngay cả ở đất nước của tôi. Nhưng đơn giản là họ chỉ không muốn cho cả thế giới thấy mặt tối của đất nước họ.”

Theo: BoredPanda/Eric Lafforgue
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.