• Về đầu trang
Chim Lang Thang
Chim Lang Thang

Câu chuyện thú vị đằng sau bức ảnh đời thường đầu tiên của thế giới

Nhiếp ảnh

Bức ảnh đời thường đầu tiên trên thế giới

Bức ảnh đời thường đầu tiên trên thế giới có tên Boulevard du Temple

Boulevard du Temple là bức ảnh đời thường đầu tiên trên thế giới, do nhiếp ảnh gia Louis Daguerre thực hiện vào năm 1838. Ngay trung tâm bức ảnh chụp lại quang cảnh đại lộ Temple vắng vẻ là hai người đàn ông, một người đang đánh giày cho người còn lại. Tuy nhiên, sự thật đằng sau đó không hề giống như vậy. Trên thực tế, nơi đây là một trong những con phố nhộn nhịp nhất Paris thời bấy giờ với người đi bộ và xe ngựa tấp nập. Tuy nhiên, vì quy trình Daguerreotype - thủ thuật chụp ảnh được đặt tên theo Louis Daguerre - cần tới vài phút để tiến hành nên những thứ đang di chuyển sẽ không thể lên ảnh.

3 người đàn ông "may mắn" được lọt vào ảnh vì đứng yên suốt nhiều phút

Từ đó, ta suy ra được rằng hai người đàn ông "may mắn" kia đã giữ tư thế này suốt nhiều phút liên tục nên mới có thể xuất hiện trong bức ảnh. Tuy nhiên, họ cũng có chuyển động theo vài góc độ nào đó nên hình ảnh của cả hai có những nét mờ nhất định. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy người đàn ông thứ ba ngồi đọc báo chăm chú trên ghế dài ngay đằng trước hai người đầu tiên. Đây cũng là lý do mà các nhiếp ảnh gia thời đó chỉ tập trung vào chụp vật tĩnh hoặc ảnh chân dung - những thứ có thể đứng yên trong nhiều phút liền.

Một góc đại lộ Temple thời nay

Bức ảnh trên cũng cho thấy sự thay đổi của đại lộ Temple kể từ năm 1938 cho đến nay. Nếu loại bỏ những chiếc xe hiện đại, đèn tín hiệu và đường nhựa đi thì quang cảnh cũng không mấy khác biệt. Đại lộ Temple được xây dựng từ năm 1656 tới 1705 và đặt tên theo ngôi đền của các Hiệp sĩ Dòng Đền gần đó. Từ cuối những năm 1700, đây là địa điểm nổi tiếng để người Paris đi dạo, thưởng thức cafe hoặc nghe nhạc kịch. Năm 1935, một vụ ám sát hụt vua Louis-Philippe diễn ra trên đại lộ Temple khiến 18 người chết và 23 người bị thương. Từ đó, danh tiếng của con phố này cũng đi vào dĩ vãng.

Louis Daguerre và quy trình Daguerreotype

Louis Daguerre - một trong những "ông tổ" ngành nhiếp ảnh

Louis Daguerre sinh ngày 18/11/1787 tại Paris. Daguerre bắt đầu tham gia vào nhiếp ảnh từ năm 1829, khi ông làm việc với Nicephore Niepce - một đồng nghiệp người Pháp phát minh và phát triển công nghệ Heliography (thuật truyền tin quang báo).

Một trong những bức ảnh đầu tiên trên thế giới theo phương pháp Heliography

Heliography được thực hiện bằng cách hòa tan nhựa đường trong bồn dầu hoa oải hương. Sau đó người ta phủ lên chúng một tấm kính hoặc kim loại. Khi lớp phủ đã khô, một bản khắc được đặt trên bề mặt của tấm kim loại hoặc thủy tinh rồi cho tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Sau một thời gian, dầu oải hương được rửa sạch. Các vùng tối còn lại của bề mặt có thể bị ăn mòn bởi axit để tạo ra bản in thạch bản. Dù mất rất nhiều thời gian hoàn thành nhưng Niepce vẫn là người tạo ra bức ảnh đầu tiên còn tồn tại trên thế giới.

Những bước để chụp được một tấm ảnh của Louis Daguerre

Khi Niepce đột ngột qua đời vào năm 1833, Daguerre tiếp tục công việc một mình. Cuối cùng, ông cải tiến quy trình hình ảnh bằng cách đánh bóng một tấm đồng đã được mạ bạc rồi đem phơi từ 15-20 phút để nó nhạy cảm với ánh sáng. Chiếc máy ảnh do Daguerre chế tạo chỉ là một trong nhiều bước để tạo ra thành phẩm cuối cùng. Thành công của bức Boulevard du Temple đã gây nên sự hứng thú với nghệ thuật nhiếp ảnh của người dân Paris. Không giống như Heliography cho ra ảnh tối và mờ, những tác phẩm được thực hiện bằng Daguerreotype cho độ chi tiết khá cao. Tuy nhiên, Daguerre không có ý định đăng ký độc quyền và kiếm lợi từ công nghệ này. Thay vào đó, ông giao nó cho chính phủ Pháp, đổi lại một khoản trợ cấp trọn đời cho ông và Isidore Niepce - con trai của người đồng nghiệp quá cố.

Ngày 19/8/1939, chính phủ Pháp cho phép người dân trên thế giới sử dụng Daguerreotype miễn phí. Từ đây, ngành nhiếp ảnh đã có những bước tiến dài đến những chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn mà ta thường sử dụng.

Theo: Photographytalk
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.